Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Quản trị Sáng tạo #1: Tuyển dụng Junior Creative

Quản trị Sáng tạo #1: Tuyển dụng Junior Creative

Mê sáng tạo và thể hiện qua nhiều tác phẩm là tiêu chí hàng đầu của nhà tuyển dụng agency. Khác với “artist”, nhiệm vụ của một creative không chỉ là ý tưởng độc đáo mà còn phải giải quyết được bài toán của khách hàng.

Hãy cùng Brands Vietnam mở đầu chuỗi bài “Quản trị Sáng tạo” thông qua những chia sẻ của anh Nguyễn Danh Khánh (Born Nguyễn) – Co-founder “gốc Creative” của BP Communications – người đã kinh qua nhiều vai trò trong ngành quảng cáo, từ PR, Content đến Creative và Operation.

“Quản trị Sáng tạo” là series của Brands Vietnam hợp tác cùng anh Nguyễn Danh Khánh, Co-founder “gốc Creative” của BP Communications, người đã kinh qua nhiều vai trò trong ngành quảng cáo, từ PR, Content đến Creative và Operation. Nội dung của series xoay quanh những kinh nghiệm về quản trị sáng tạo chuyên nghiệp, từ việc tuyển dụng Junior Creative đến xây dựng văn hóa sáng tạo cho agency. 

Định nghĩa sáng tạo dưới góc nhìn của Creative?

Từ kinh nghiệm bản thân và tham khảo, sáng tạo chính là sự kết hợp giữa tính “mới”“lợi”. Tức nghĩa, ý tưởng sáng tạo cần mang tính đột phá nhưng đồng thời phải giải quyết được vấn đề của khách hàng.

Sáng tạo xuất phát từ chính đề bài của khách hàng và theo sau là lời giải độc đáo của người làm creative. Do đó, sự sáng tạo không chỉ gói gọn trong thông điệp quảng cáo mà còn thể hiện trong việc lựa chọn kênh truyền thông hoặc ý tưởng sản phẩm.

Truyền thông sáng tạo bao trùm cả hai khía cạnh: (lựa chọn) kênh truyền thông và (phát triển) ý tưởng quảng cáo sáng tạo. Theo góc nhìn của tôi, truyền thông là hình thức để thương hiệu quảng bá về sản phẩm và hình ảnh của mình đến người tiêu dùng (chữ Promotion trong mô hình Marketing 4P); còn sáng tạo thể hiện qua việc tiếp cận đối tượng mục tiêu theo cách mới mẻ và ấn tượng.

Đâu là tiêu chí then chốt để tuyển dụng một Junior Creative?

Người creative đóng vai trò hoạch định truyền thông và sáng tạo. Do đó, để trở thành một phần của Creative Team, 02 tiêu chí cốt lõi mà ứng viên cấp độ Junior cần đáp ứng chính là có niềm đam mê sáng tạochuyên môn nghề.

Để trở thành một phần của Creative Team, 02 tiêu chí cốt lõi mà ứng viên cấp độ Junior cần đáp ứng chính là có niềm đam mê sáng tạo và chuyên môn nghề.
Nguồn: Envato

Người có niềm đam mê sáng tạo được nhận biết qua 03 dấu hiệu:

Thứ nhất là “xem quảng cáo”.

Thói quen tiếp xúc đều đặn với các nội dung sáng tạo không chỉ phản ánh sự nghiêm túc của một creative với nghề, mà còn giúp họ mở mang tầm nhìn và làm giàu kiến thức. Việc xem quảng cáo, đọc case-study để khám phá những chiến dịch sáng tạo hàng ngày đều là những bước tiến quan trọng trong việc phát triển khả năng sáng tạo và hiểu biết của một creative. Tôi tin rằng chỉ những người thật sự mê mẩn nghề sáng tạo mới có thể duy trì được những hoạt động này đều đặn.

Thực tế, tôi luôn hưng phấn khi xem quảng cáo thú vị và thường không khỏi xuýt xoa, cảm thán trước những print-ads đặc sắc. Điều này phản ánh niềm tin sâu sắc rằng khi ta đổ đủ tâm huyết vào một ý tưởng, nó sẽ lan tỏa và tạo nên sự kỳ diệu.

Thói quen tiếp xúc đều đặn với các nội dung sáng tạo phản ánh sự nghiêm túc của một creative với nghề, đồng thời giúp họ mở mang tầm nhìn và làm giàu kiến thức.

​​Thứ hai là “học sáng tạo”.

Khi khởi tạo với đam mê và mong muốn, người creative sẽ mở ra con đường để không ngừng học hỏi. Họ sẵn lòng tìm hiểu và tham gia các khóa học để bổ sung và phát triển kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong ngành.

Tôi tin rằng “nghề” chỉ là công việc tạo ra thu nhập, trong khi “nghiệp” đích thực là hướng đi lâu dài, dẫn lối đến hành trình hỗ trợ cộng đồng cùng phát triển. Vì vậy, việc lựa chọn những người nghiêm túc đối với nghề nghiệp của mình và thể hiện điều đó qua việc không ngừng trau dồi sẽ là tiền đề vững chắc để Creative Agency đồng hành trong sự nghiệp sáng tạo.

Thứ ba là “làm táo bạo”.

Hành động là câu trả lời đáng tin cậy cho những nỗ lực và niềm đam mê của một nhà sáng tạo chân chính. Để thể hiện điều đó, họ không chỉ dừng lại ở việc xem và tham khảo, mà còn tạo ra những tác phẩm mang lại giá trị thực tế.

Ví dụ, khi yêu viết lách, người creative sẽ xây dựng nên một portfolio hoặc blog đầy ắp những bài chia sẻ ý nghĩa. Creative asset này không chỉ biểu hiện cho niềm đam mê, mà còn là minh chứng cho khả năng chuyển đổi ý tưởng thành hiện thực.

Không chỉ dừng lại ở việc xem và tham khảo, người creative còn tạo ra những tác phẩm mang lại giá trị thực tế.
Nguồn: Kaspars Grinvalds

Còn đối với tiêu chí chuyên môn nghề, ứng viên Junior Creative cần có học vấn liên quan đến Marketing hoặc Communications hay ít nhất từng tham gia các khóa học sáng tạo liên quan.

Việc hiểu biết về truyền thông nói riêng và Marketing nói chung là tiền đề chuyên môn quan trọng để creative có thể áp dụng vào công việc. Kiến thức đó giúp creative nắm bắt mục tiêu của khách hàng và công việc truyền thông, từ đó tạo ra những ý tưởng và giải pháp sáng tạo phù hợp.

Đối với những ứng viên không có học vấn chuyên sâu trong Marketing hoặc Communications, việc tham gia những khóa học sáng tạo liên quan là cách để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Điều này thể hiện sự cam kết và quyết tâm của ứng viên trong việc phát triển chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc trong Creative Agency.

Đâu là những câu hỏi phỏng vấn dành riêng cho Creative?

Ngoài những câu hỏi phỏng vấn thông thường như bất kỳ ứng viên nào, tôi có 3 yêu cầu đặc biệt khi phỏng vấn các bạn Creative.

Những yêu cầu đặc biệt khi phỏng vấn Creative.
Nguồn: Envato

Một là yêu cầu các bạn cho xem portfolio. Một creative trẻ chưa có kinh nghiệm cũng có thể có cho mình nhiều tác phẩm craft, bài dự thi... Đó là chưa kể sự chủ động của các bạn trong việc mạnh dạn tham gia các dự án thực tế, khi đi làm part-time hoặc thực tập tại các agency trước đó.

Hai là yêu cầu các bạn chia sẻ quan điểm của bản thân về các chiến dịch quảng cáo, các ý tưởng sáng tạo mà các bạn quan sát trên thị trường, hoặc đủ đam mê để theo dõi và ghi nhớ.

Cuối cùng, một trong những bí quyết mà chúng tôi thường áp dụng để khám phá tính sáng tạo của ứng viên là yêu cầu họ vẽ 05 hình dạng cơ bản: hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác và ngôi sao. Qua đó, chúng tôi có thể đặt câu hỏi và dẫn dắt ứng viên thoải mái bộc lộ suy nghĩ và lập luận của mình.

Phương pháp này không chỉ giúp chúng tôi hiểu hơn về phong cách của ứng viên thể mà còn xây dựng được buổi phỏng vấn thoải mái thú vị và sáng tạo.

Một số bài vẽ của ứng viên mà BP Communications từng phỏng vấn.

Đâu là yếu tố để nhận diện một creative giỏi (trong quá trình làm việc)?

Một creative được đánh giá cao khi có khả năng tạo ra giá trị, thể hiện qua việc “bán” thành công ý tưởng.

Việc giải được đề bài và thuyết phục được khách hàng chính là thành tựu của người creative. Điều này phần nào giải thích được sự khác biệt rõ nét giữa người creative trong lĩnh vực kinh doanh và nghệ sĩ. Trái ngược với người nghệ sĩ chỉ cần sáng tạo theo sở thích cá nhân, creative phải tạo ra giá trị thực tế và thành công bằng cách “bán” ý tưởng khả thi cho khách hàng.

“Đầu đội trời, chân chạm brief” là đặc điểm nhận dạng của một người sáng tạo giỏi.

Với tôi, “đầu đội trời, chân chạm brief” là đặc điểm nhận dạng của người sáng tạo giỏi. Tức, ý tưởng của họ không đơn thuần bay bổng mà còn có thể hiện thực hóa một cách hiệu quả và đáng tin cậy.

Ngoài ra, một người sáng tạo giỏi hướng đến việc xây dựng thế hệ kế thừa. Họ không chỉ tập trung vào sự phát triển cá nhân, mà còn đóng góp cho cộng đồng ngành nghề bằng cách hướng dẫn và truyền động lực cho những người trẻ tuổi tiếp nối. Hành động này được coi như một phần không thể thiếu trong sự nghiệp của họ.

Hơn nữa, người sáng tạo giỏi luôn tạo ra những chiến dịch truyền thông nhằm hướng đến cộng đồng xã hội. Những chiến dịch đặc sắc này góp phần ảnh hưởng tích cực và thay đổi nhận thức của con người, đồng thời xây dựng nên một nền văn hóa tốt đẹp và tôn vinh những giá trị cao quý.

Một nhà sáng tạo giỏi không chỉ có óc tưởng tượng mà còn biết cách biến ý tưởng thành hiện thực.
Nguồn: Getty Images

Vậy người creative cần trau dồi những gì để trở thành nhà sáng tạo giỏi?

Như đã đề cập trước đó, một nhà sáng tạo giỏi không chỉ có óc tưởng tượng mà còn biết cách biến ý tưởng thành hiện thực. Tuy nhiên, để làm điều đó, họ cần nắm vững kiến thức về hoạch định chiến lược (strategic planning). Điều này giúp người creative có cái nhìn tổng quan về mục tiêu, hướng đi và phương pháp để đạt được kết quả mong muốn trong quá trình sáng tạo.

Bên cạnh đó, kiến thức chuyên môn và nền tảng về ngành nghề cũng là yếu tố quan trọng. Điều này đảm bảo rằng người creative hiểu rõ về lĩnh vực mình hoạt động, từ nguyên tắc cơ bản cho đến các xu hướng mới nhất. Kiến thức chuyên môn giúp họ áp dụng những phương pháp và công nghệ mới nhất vào công việc sáng tạo của mình, đồng thời tạo ra các giải pháp đáng tin cậy và đột phá.

Tóm lại, người sáng tạo giỏi không chỉ có tầm nhìn và tinh thần sáng tạo, mà còn phải có kiến thức vững chắc về strategic planning và nền tảng chuyên môn trong ngành nghề. Đây là những yếu tố quan trọng giúp họ xây dựng sự đột phá và thành công trong công việc sáng tạo của mình.

★★★

Trên đây là những chia sẻ của anh Born Nguyễn về sự sáng tạo, tuyển dụng creative và tiêu chí để trở thành một người sáng tạo giỏi. Chủ đề Công việc sáng tạo, Kỹ thuật sáng tạoVăn hóa sáng tạo cũng sẽ lần lượt khai thác trong những số tiếp theo của series “Quản trị Agency”. Hãy cùng Brands Vietnam đón chờ nhé!

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam