Nhà quản lý nhân sự tại Wiziin: “Life-long learning rất quan trọng trong thế giới VUCA”

Nhà quản lý nhân sự tại Wiziin: “Life-long learning rất quan trọng trong thế giới VUCA”

“Hơn 8 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nhân sự và làm việc với nhiều tài năng trẻ, tôi nhận thấy kỹ năng ‘life-long learning’ đóng vai trò rất quan trọng để thích nghi linh hoạt với thế giới VUCA” – chị Dung Lê, Head of People and Culture, Wiziin chia sẻ tại sự kiện MBA Meetup tháng 7/23 với chủ đề “Tôi là ‘I’ trong doanh nghiệp”.

* Được biết, chị có hơn 8 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Nhân sự, chị có thể chia sẻ về hành trình phát triển sự nghiệp của bản thân? Đến nay, điều làm chị tự hào nhất trong sự nghiệp là gì?

Tôi là Dung Lê, Head of People and Culture tại Wiziin – Công ty cung cấp giải pháp quản lý đầu tư mạo hiểm, là cầu nối giữa quỹ đầu tư, angel investor và startups. Bắt đầu sự nghiệp với vị trí Recruitment Consultant tại tập đoàn FPT Software, tôi tiếp tục với hành trình nhân sự của mình với 6 năm gắn bó tại Remote Resources.

“Không ngại thất bại” – đây chính là điều tôi tự hào nhất trong nhiều năm làm việc khi nhìn lại. Xuất phát điểm là một nhân viên tuyển dụng khi mới vào Remote Resources, gặp rất nhiều khó khăn về ngoại ngữ cũng như nhịp độ công việc nhưng tôi không lấy đó làm lý do và luôn chủ động để nhận thêm nhiệm vụ mới khi có cơ hội. Khi nhìn thấy công ty đang ngày một phát triển lớn mạnh hơn và cần phát triển văn hóa doanh nghiệp, tôi đã không ngần ngại đề xuất để được làm thêm ở lĩnh vực này. Suy nghĩ lúc đó của tôi là “làm sai thì làm lại, không có gì phải sợ”.

Chị Dung Lê, Head of People and Culture, Wiziin tham gia vào sự kiện MBA Meetup tháng 7/23 với chủ đề “Tôi là ‘I’ trong doanh nghiệp” vừa qua.

* Trong nhiều năm làm quản lý, chị có thể miêu tả chân dung người quản lý tại Remote Resources bao gồm những yếu tố gì? 

Người quản lý tại Remote Resources không phải là một manager, họ là một leader, với tinh thần nuôi dưỡng và đồng hành cùng nhân viên thay vì chỉ quan tâm đến kết quả. Mọi Leaders đều tin rằng động lực làm việc của nhân viên chính là giá trị cốt lõi (core value) để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển. Vì vậy, người leader đóng vai trò rất quan trọng trong việc đồng hành và tạo động lực tốt nhất cho nhân viên của mình.

Phong cách làm việc của tôi thiên về “vị nhân sinh” (human-oriented). Khác với các nhà quản lý quan tâm đến kết quả (result-oriented), tôi nghĩ quá trình cũng thể hiện sự nỗ lực của các bạn nhân viên, sự đồng hành từ team leader. Khoảng 50% thành công thật sự của leader thuộc yếu tố chuyên môn, 50% còn lại dựa trên kỹ năng quản trị con người. 

Bên cạnh việc nuôi dưỡng và đồng hành để tạo động lực, người quản lý sẽ cần lĩnh hội kỹ năng kể chuyện bằng dữ liệu (data-storytelling). Dữ liệu rất quan trọng, nó không chỉ thể hiện performance, dữ liệu cũng là cách tạo động lực cho tập thể, để mọi người thấy rõ con đường phía trước. Từ đó, cả nhóm đều thấy được mục tiêu, quá trình thông qua câu chuyện từ những con số.

“Dữ liệu rất quan trọng, nó không chỉ thể hiện performance, dữ liệu cũng là cách tạo động lực cho tập thể, để mọi người thấy rõ con đường phía trước”, chị Dung chia sẻ.

* Hiện nay, rất nhiều nhà lãnh đạo nhắc đến khái niệm unlearn – bỏ đi những gì đã biết trước đó để thu nạp những phương pháp mới, thích nghi với sự thay đổi trong thế giới biến động. Theo chị, đây có phải là yếu tố quan trọng đối với một nhà quản lý trong thời đại mới?

Tư duy “dọn dẹp” kiến thức cũ và “thu nạp” những kiến thức mới rất quan trọng. Chẳng hạn như trường hợp của tôi, 8 năm kinh nghiệm chuyên về mảng nhân sự và quản lý ở công ty trước đó phần nào giúp đỡ tôi trong công việc hiện tại. Tuy nhiên, các kiến thức và kinh nghiệm cũ chỉ đóng một phần nhỏ.

Điển hình như một tình huống xảy ra trước đây khi tôi còn phụ trách vị trí HR Manager tại Human Resources. Việc giao tiếp thẳng thắn để giải quyết vấn đề là cách mà tôi đã áp dụng trong nhiều năm và mang lại thành công cho bản thân. Tuy nhiên trong một lần đóng góp ý kiến với một bạn nhân viên Gen Z, tôi đã không cân nhắc tới đặc điểm tính cách Gen Z cũng như cảm xúc của bạn ấy mà đưa những phản hồi quá thẳng thắn dẫn tới bạn đã xin nghỉ việc sau đó không lâu. Bản thân tôi thực sự rất “shock” khi nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề. Có thể nói đây là một thất bại của bản thân trong việc tìm hiểu tâm lý Gen Z và cách thức giao tiếp hiệu quả. 

Bài học rút ra từ câu chuyện này đó là người quản lý phải sở hữu tư duy “unlearn” – quên đi những kinh nghiệm, phương thức làm việc chỉ hiệu quả trong quá khứ. Tôi thấy đây là một tư duy rất hay vì mọi thứ đều thay đổi qua thời gian. Sở hữu kỹ năng “unlearn” đồng nghĩa với việc tiếp nhận các thông tin mới một cách cởi mở để đưa ra quyết định hiệu quả.

Theo chị Dung, sở hữu kỹ năng “unlearn” đồng nghĩa với việc tiếp nhận các thông tin mới một cách cởi mở để đưa ra quyết định hiệu quả.

* Được biết, hiện tại chị đang là học viên chương trình MBA tại Đại học Western Sydney. Có phải chị mong muốn tham gia chương trình để phát triển kiến thức và kinh nghiệm?

Tôi nghĩ học tập là một con đường đúng đắn để thích nghi với sự thay đổi liên tục từ môi trường. Khi xây dựng chân dung một nhà quản lý, tôi luôn muốn trở thành một phiên bản tốt hơn, giỏi hơn để có thể giúp đỡ team của mình. Thay vì lựa chọn học chuyên sâu về các chứng chỉ nhân sự hoặc Master ngành nhân sự, tôi chọn MBA để có góc nhìn bao quát hơn về cách một công ty vận hành, làm sao có thể tối ưu hoá nguồn nhân lực cho công ty và tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên phát triển.  

Tôi đến với chương trình MBA với nhiều hoài bão và mong muốn. Ví dụ như làm sao thấu hiểu cách vận hành và hỗ trợ các team khác như marketing, tài chính… Chương trình MBA với sự luân chuyển liên tục thông qua làm việc nhóm, giải case-study đã hỗ trợ tôi rất tốt. Bằng kiến thức MBA, tôi có thể thấu hiểu những khó khăn ở các phòng ban. Thứ hai, làm cách nào để xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu bền vững – thuận tiện để thế hệ sau cũng có thể sử dụng là điều tôi luôn trăn trở. Tôi tin rằng với sự dẫn dắt và hướng dẫn của các giáo sư, lãnh đạo, tôi có thể thử nghiệm và phát triển hệ thống hoàn chỉnh.

MBA là một chương trình khá “nặng”, có những lúc tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng, kiệt sức và muốn từ bỏ, nhưng xung quanh còn có những đồng đội vô cùng tuyệt vời – các anh chị và bạn bè rất xuất sắc trong chuyên môn và sẵn sàng giúp đỡ nhau để vượt qua thử thách. Họ cũng là một trong những động lực để tôi có thể bước tiếp trên hành trình này.

Thay vì chọn tiếp tục với các chứng chỉ nhân sự chuyên sâu hơn, chị Dung đã chọn MBA tại Đại học Western Sydney để mở rộng tầm nhìn bao quát về tổ chức.

* Cuối cùng, chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ để chuẩn bị hành trang bước vào một thế giới đầy biến động như hiện nay không? 

Thế giới ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với những năm về trước. Khái niệm “thời đại VUCA” chắc chắn không còn xa lạ đối với nhiều bạn trẻ. Đặc tính của thế giới VUCA bao gồm Sự biến động (Volatility), Bất định (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity)

Gần đây, rất nhiều bản tin cho thấy những công ty lớn đang cắt giảm và sa thải rất nhiều nhân sự. Trong vài năm tới, nền kinh tế được dự báo sẽ suy thoái vì nhiều tác động từ những biến động toàn cầu, điều này cho thấy không có gì đảm bảo rằng các bạn sẽ tìm được một công việc tốt như cũ. Vì vậy, thay đổi là một điều bắt buộc. Nếu như muốn tiếp tục tồn tại, các bạn cần liên tục nâng cấp bản thân và không được dừng lại.

Nếu kỹ năng ‘unlearn’ là bước đầu tiên để xóa đi những kiến thức cũ, học tập suốt đời (life-long learning) là bước kế tiếp để thích nghi linh hoạt và nắm bắt cơ hội trong thế giới mới. Hiện nay, nếu nhìn vào thế hệ công nghệ – một biểu tượng dám thử thách và không ngại thay đổi, tôi nhận ra bản thân đã ở trong “comfort zone” quá lâu và cần phải thay đổi nhiều hơn. Tôi tin rằng vượt ra khỏi vùng an toàn giúp “làm mới” bản thân và mở rộng tầm mắt với thế giới rộng lớn bên ngoài.

Học tập là một chặng đường suốt cuộc đời, không chỉ là một thời điểm. Thông qua việc học MBA, tôi có thể cải thiện các vấn đề còn tồn đọng cũng như nâng cao chất lượng công việc của bản thân. Tương tự, tôi cũng hy vọng tiếp tục theo đuổi việc học để truyền cảm hứng giúp những người khác trở thành con người tốt hơn trong tương lai.

Đối với chị, học tập liên tục (life-long learning) là kỹ năng cần thiết để thích nghi linh hoạt với thế giới VUCA ngày nay.

* Cảm ơn về những chia sẻ đầy bổ ích và thú vị từ chị Dung. Chúc chị thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp!

MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA. Xem thêm các bài viết từ PSO MBA tại đây.