MBA Meetup tháng 7/2023: Tôi là “I” trong doanh nghiệp

MBA Meetup tháng 7/2023: Tôi là “I” trong doanh nghiệp

Gen Z thường được xem là thế hệ sáng tạo, thuần thục công nghệ, không ngại thử thách và thay đổi. Tuy nhiên, “cái tôi” độc bản của họ cũng tạo nên không ít tranh luận từ các nhà quản lý thuộc thế hệ trước, nhất là thế hệ Millennials.

MBA Meetup tháng 7/23 đã cùng hai khách mời bàn luận về chủ đề thú vị “Tôi là ‘I’ trong doanh nghiệp”

Khách mời đầu tiên là chị Trang Trần – Senior Brand Manager, Nestlé Vietnam. Hiện tại, chị Trang chịu trách nhiệm về vận hành và quản lý thương hiệu của Starbucks at Home, Starbucks dành cho Food Service, Nestea và mảng thức uống dành cho kênh doanh nghiệp, kênh out of home.

Khách mời tiếp theo là chị Dung Lê – Head of People and Culture, Wiziin – công ty cung cấp giải pháp đầu tư và huy động vốn dựa trên nền tảng dữ liệu. Chị Dung phụ trách bộ phận Nhân sự của công ty bao gồm tuyển dụng, C&B và Human Resources Business Partners.

MBA Meetup tháng 7/23 với chủ đề “Tôi là ‘I’ trong doanh nghiệp” vừa qua đón chào hai vị khách mời – các nhà quản lý tại Nestlé Vietnam và Wiziin.

Khi Gen Z sở hữu “cái tôi” trở thành “cái tội”

Với nhiều năm kinh nghiệm quản lý đội nhóm trong các tập đoàn đa quốc gia, hai nhà quản lý đã gặp không ít khó khăn và mâu thuẫn khi làm việc cùng Gen Z.

Trải lòng về thời điểm khi chưa có kinh nghiệm làm việc cùng Gen Z, chị Dung đã rất “shock” khi nhận được email từ chức từ một bạn trẻ vừa mới gia nhập công ty không lâu. Ở cương vị một người làm nhân sự, chị Dung đã nghĩ rằng trao đổi thẳng thắn sẽ giúp giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, buổi nói chuyện đã không đạt được kết quả như mong đợi. “Đầu tiên là shock tâm lý vì bạn quyết định từ chức một cách nhanh chóng, tiếp theo là tâm lý từ chối rằng mình sai”, chị Dung chia sẻ, “Tôi cảm thấy đó là một sự thất bại trong sự nghiệp làm nhân sự của mình”.

Bổ sung thêm ý kiến của chị Dung, chị Trang cho rằng Gen Z là thế hệ trẻ, tự tin và độc lập. Phần lớn các bạn muốn thể hiện “cái tôi” nhiều hơn và sẵn sàng nêu lên chính kiến của bản thân tại chốn công sở. 

“Ở thời điểm bắt đầu tiếp xúc với những ‘cái tôi’ độc đáo như vậy, tôi cũng gặp một số khó khăn”, chị Trang chia sẻ, “Tuy nhiên tôi thường tìm hiểu cảm hứng và động lực làm việc của các bạn để có thể gợi ý cách làm việc phù hợp hơn cho các bạn”.

Chị Dung chia sẻ ở thời điểm khi chưa có kinh nghiệm làm việc cùng Gen Z, chị đã rất “shock” khi nhận được email từ chức từ một bạn trẻ vừa mới gia nhập công ty không lâu.

Là chính mình, nhưng chưa là “số 1”

Cùng làm việc trong môi trường đa văn hóa, đa quốc gia với sự phong phú về thế hệ như Nestlé Vietnam và Wiziin, cả chị Trang và chị Dung đều nhận định cách làm việc của Gen Z tương tự câu “Là chính mình, nhưng chưa là số 1”. 

Lý giải cho điều này, chị Trang cho rằng bối cảnh và tình hình văn hóa, kinh tế xã hội phần nào ảnh hưởng đến tính cách của từng thế hệ. Theo chị, Gen Z được may mắn sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Internet trở nên phổ biến nên việc tiếp cận thông tin nhanh nhạy hơn thế hệ trước. Các bạn cũng sở hữu “cái tôi” độc lập và luôn mong muốn khẳng định bản thân trong cả cuộc sống lẫn nơi công sở.

Chị Dung cũng cho rằng các bạn Gen Z với sự tự tin nhất định đã khiến các bạn đôi khi xem bản thân là “trung tâm” của vũ trụ, là ưu tiên số 1. Khác với thế hệ trước – nổi tiếng về độ cam kết và gắn bó – Gen Z sẵn sàng giữ lấy “cái tôi”, từ bỏ một công việc nếu như nhận được nhận xét tiêu cực, chỉ trích từ các cấp trên.

“Theo chị, Gen Z được may mắn sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Internet trở nên phổ biến nên việc tiếp cận thông tin nhanh nhạy hơn thế hệ trước”, chị Trang chia sẻ.

Làm việc với Gen Z – chỉ kỹ năng quản lý là đủ?

Để làm việc được cùng thế hệ có “cái tôi” cao, các nhà quản lý hiện nay không chỉ cần kỹ năng chuyên môn mà còn phải thực sự kiên nhẫn, tinh tế và khéo léo. 

“Đối thoại sẽ là điều đầu tiên tôi thực hiện khi xảy ra vấn đề”, chị Trang chia sẻ. Theo chị, thấu hiểu inspiration (cảm hứng) và motivation (động lực) là điều quan trọng. Tại Nestlé Vietnam, mỗi Manager là một người truyền cảm hứng, và luôn đề cao hai yếu tố trên. “Nếu có đủ cảm hứng và động lực, tôi tin các bạn có thể vượt qua nhiều khó khăn”, chị Trang chia sẻ.

Tương tự, chị Dung cũng chia sẻ giá như chị có cách tiếp cận phù hợp hơn thì đã không để xảy ra sự việc đáng tiếc trên. “Tôi nhận ra bản thân cần linh động, mềm mỏng hơn, có thể bắt đầu bằng cách hỏi ý kiến quản lý trực tiếp cùng với sự tham gia của bạn”, chị Dung đúc kết.

Nếu như chị Trang hướng đến trở thành một Manager truyền cảm hứng, chị Dung chọn cho mình hình ảnh một nhà quản lý đồng hành trên chặng đường làm việc. Quan điểm quản lý của chị mang đặc điểm “vị nhân sinh” (human-oriented) – một nhà quản lý quan tâm đến quá trình chứ không chỉ kết quả bởi vì hành trình sẽ thể hiện sự nỗ lực của nhân viên, sự đồng hành của nhà quản lý.

“Đối thoại sẽ là điều đầu tiên tôi thực hiện khi xảy ra vấn đề”, chị Trang chia sẻ. Theo chị, thấu hiểu inspiration (cảm hứng) và motivation (động lực) là điều quan trọng khi làm việc cùng các bạn.

Lời khuyên thế hệ quản lý Millennials dành cho Gen Z: “Hãy là chính bạn, nhưng với phiên bản tốt hơn”

Chị Trang và chị Dung đã đúc kết một số gợi ý để Gen Z có thể ứng dụng vào hành trình sự nghiệp của bản thân.

Trên hành trình nhiều năm làm việc và phát triển bản thân, chị Trang rất tâm đắc với quan điểm “stay true to yourself” (tạm dịch: hãy là chính mình). Nhờ đó, chị đã có thể vượt qua những thử thách trong cuộc sống lẫn công việc. “Các bạn hãy khám phá bản thân bên trong và tìm ra giá trị cảm hứng, động lực để vươn lên. Từ đó, mỗi người có thể định hướng được bước tiếp theo”, chị Trang nói.

Theo chị Trang, một trong những cách để “stay true to yourself” chính là luôn giữ tư duy cởi mở và sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ. MBA là một môi trường tạo cơ hội thực hành tinh thần cởi mở bằng cách luân chuyển các học viên lần lượt qua những phòng ban trụ cột, cung cấp kiến thức và xu hướng mới trên thế giới một cách nhanh chóng.

Mặt khác, chị Dung cho rằng: “It's ok to not be ok”. Đôi khi trong cuộc sống các bạn sẽ mất động lực phấn đấu và rơi vào trạng thái vô định, tuy nhiên, nếu thực sự muốn tìm câu trả lời, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ hành động. Tương tự như định luật hấp dẫn, khi bạn muốn một điều gì đó thật mãnh liệt, cố gắng theo đuổi điều đó. Bởi vì nếu không thực sự bắt đầu, các bạn sẽ mãi mãi không bao giờ có được kết quả.

Theo chị Dung, học tập là hành trình suốt đời và sẽ có rất nhiều lựa chọn để các bạn theo đuổi, nhưng đối với chị, MBA chính là một chương trình cung cấp góc nhìn đa dạng và bao quát.

Cuối cùng, theo chị Dung, học tập là hành trình suốt đời và sẽ có rất nhiều lựa chọn để học. Mặc dù có thể theo đuổi các lựa chọn Master hoặc chứng chỉ chuyên ngành, nhưng với nỗi trăn trở để thấu hiểu khó khăn ở nhiều phòng ban với một mức độ bao quát, chị Dung đã chọn MBA để tiếp tục hành trình nâng cấp bản thân. 

“Làm thế nào để xây dựng một hệ thống data mà sau này khi tôi rời công ty, hệ thống đó vẫn tiếp tục được sử dụng?” – Đây là một trong những suy nghĩ luôn tồn tại trong quá trình đi học của chị. Nhà Quản lý Nhân sự tại Wiziin cho biết sau này khi hoàn thành MBA, chị sẽ tiếp tục việc học để cải thiện công việc, đồng thời truyền cảm hứng cho những người khác và giúp họ trở thành một con người tốt hơn trong tương lai.

Tạm kết

Tóm lại, Gen Z có thể sở hữu một “cái tôi” độc bản và cá tính, tạo ra nhiều thách thức trong công việc quản lý cho các thế hệ trước – nhất là Millennials. Tuy nhiên, nếu người quản lý hiểu được giá trị cảm hứng và động lực để làm việc như chị Trang hoặc sở hữu phong cách làm việc “vị nhân sinh” – mềm mỏng và khéo léo như chị Dung, bài toán “khoảng cách thế hệ” sẽ có thể giải quyết được. Từ đó, hai thế hệ có thể tạo sự gắn bó và kết nối chặt chẽ với nhau để đảm bảo mục tiêu chung trong tương lai.

Kết thúc chương trình, hai chị đúc kết nếu như người quản lý thấu hiểu được giá trị cảm hứng và động lực để làm việc của các bạn hoặc sở hữu phong cách làm việc “vị nhân sinh” – mềm mỏng và khéo léo, bài toán “khoảng cách thế hệ" sẽ có thể giải quyết được.

MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA. Xem thêm các bài viết từ PSO MBA tại đây.