Marketer ACCESSTRADE Vietnam
ACCESSTRADE Vietnam

Marketing team @ ACCESSTRADE Vietnam

Nhiều lợi thế để doanh nghiệp F&B bứt tốc nửa cuối năm 2023

Thị trường F&B nửa cuối năm 2023 chờ đón một thông tin tích cực, tiếp đà tăng trưởng của 6 tháng đầu năm. 2023 được chờ đợi sẽ là năm sôi động nhất của ngành này trong suốt 4 năm trở lại đây.  

Các tổ chức khảo sát, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng trong và ngoài nước đều cho biết người tiêu dùng Việt thay đổi thói quen mua hàng, khó tính hơn và thông minh hơn trong các quyết định. Những điều này đang mang lại nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội mới cho doanh nghiệp. Đáng kể nhất, các yếu tố bên ngoài sẽ góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành F&B nửa cuối năm 2023. 

Mức tiêu dùng giảm - chiến lược nào mới là vua?

Ông Vũ Thanh Hùng – CEO iPOS.vn cho biết, “mức tiêu dùng cho dịch vụ F&B giảm khoảng 5% hằng tháng trong ba tháng quý 2 năm 2023 vừa qua. Các sản phẩm trà sữa đồng giá 25.000 đồng/ly, kem 10.000 đồng/ly, mới nhất là trà mãng cầu, cafe muối ở mức dưới 20.000 đồng/ly… dự báo gây sốt trong suốt mùa hè. Trong bối cảnh ấy, phân khúc có mức giá phải chăng sẽ lên ngôi, lý giải cho việc chuỗi trà sữa Mixue đã gây sốt trong thời gian vừa qua”.

Nhiều lợi thế để doanh nghiệp F&B bứt tốc nửa cuối năm 2023

Cafe và các món uống nhẹ là những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt.

Mức chi tiêu trung bình của khách hàng giảm sút, điều này không nằm ngoài những dự đoán của các chuyên gia. Song nhu cầu của người tiêu dùng vẫn còn đó. Thay vì thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm có mức giá tốt hơn, theo đó những chương trình ưu đãi giúp người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm yêu thích nhưng với mức giá tốt hơn thực sự đã hút khách trong suốt thời gian qua. 

Tư vấn cho nhiều các doanh nghiệp F&B, ông Dũng Bùi - General Manager ACCESSTRADE Việt Nam chia sẻ, để có mức giá phải chăng doanh nghiệp chọn giảm giá trực tiếp trên sản phẩm cũ, hay định giá thấp sản phẩm mới là một chiến lược không tốt, nhất là đối với các doanh nghiệp lớn. Thay vào đó là các chương trình ưu đãi, mua combo giá tốt, tặng kèm, đồng giá… với thông điệp đơn giản, được truyền thông đa kênh mới là chân ái. 

Cùng nhận định, vị đại diện iPOS.vn cho biết, các chương trình chiết khấu, ưu đãi vẫn dành được nhiều sự quan tâm nhất của người tiêu dùng. Theo khảo sát của iPOS.vn, hai hình thức ưu đãi yêu thích nhất của người tiêu dùng giảm x% và mua x tặng y với tỷ lệ lần lượt là 70.1% và 52.3%. Theo sau là hình thức đồng giá với mức tỷ lệ là 37.1%. Bên cạnh đó, ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc FnB Director cũng đề xuất áp dụng chương trình dùng thử đối với một số sản phẩm mới ra mắt. 

Tuy thế, trên thực tế mức tiêu dùng giảm đã tạo nên ảnh hưởng tiêu cực trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đến nay vẫn còn trong “hội chứng hậu Covid” - dẫu sống sót nhưng mệt mỏi, suy yếu. Thêm vào đó, tác động của lãi suất cao và chi phí gia tăng càng khiến các doanh nghiệp này “lung lay” dữ dội. Các doanh nghiệp nhỏ tìm cách cắt giảm và tối ưu chi phí hoạt động từ các giải pháp số. Ngược lại, các doanh nghiệp F&B lớn có động thái trái ngược.

Doanh nghiệp lớn giàu tiềm lực tranh thủ mở rộng quy mô

Thị trường nửa đầu năm 2023 ghi nhận: trong khi nhiều đơn vị trả mặt bằng, rời bỏ thị trường hoặc giảm quy mô kinh doanh thì một số thương hiệu lớn giàu tiềm lực tranh thủ chọn những mặt bằng đẹp với mức giá phải chăng hoặc đẩy mạnh M&A, chiếm lĩnh thị phần.

Đơn cử theo thông cáo chính thức, VinaCapital vừa thu xếp thành công thương vụ mua lại Nova F&B của một đối tác Singapore. Theo đó, đơn vị này sẽ ký kết vận hành với IN Hospitality và đổi tên thành IN Dining. Katinat Saigon Cafe mới đây vừa mở cửa hàng thứ hai tại Hà Nội, trên con phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là cửa hàng thứ hai của Katinat tại Hà Nội. Theo ghi nhận, cả 2 chi nhánh của thương hiệu này (với 1 cửa hàng trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) luôn ở tình trạng quá tải khi mua tại quán và trên các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến. Mixue thành công rực rỡ với mô hình nhượng quyền hàng nghìn cửa hàng trên cả nước. 

Nhiều lợi thế để doanh nghiệp F&B bứt tốc nửa cuối năm 2023

Các thương hiệu giàu tiềm lực tranh thủ mở rộng thị trường.

Sự cạnh tranh trong nhóm doanh nghiệp lớn khốc liệt hơn, đòi hỏi doanh nghiệp đi nhanh và đúng. Đại diện một doanh nghiệp F&B lớn tại TPHCM cho hay, việc mở rộng chuỗi nên được thực hiện song song với phủ đa kênh online. Điều này có thể khiến doanh nghiệp “đuối sức” vì phải đầu tư tài lực và cập nhật kiến thức đa kênh cho đội ngũ inhouse. Nhiều doanh nghiệp tìm đến các giải pháp đơn bên ngoài về Marketing, quản lý vận hành. 

Khi có cùng phân khúc khách hàng, doanh nghiệp muốn giữ vững vị thế cần làm tốt trải nghiệm người dùng, tốc độ và độ phủ tối ưu, lẫn sự khác biệt… để đón cơ hội tăng trưởng vượt bậc của thị trường, nhất là sự tác động mạnh mẽ của mảng du lịch cuối năm nay. 

Đón sóng du lịch nửa cuối năm, F&B tiếp đà bứt phá

Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,7% (so với mức tăng 20,9% cùng kỳ năm 2022) nhờ sự hồi phục nhanh chóng của du lịch. 

Việt Nam đã đón gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp hơn 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 70% mục tiêu kế hoạch năm 2023. Ngành du lịch có khả năng sẽ đạt và sớm vượt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm nay. 

Không chỉ đón làn sóng du lịch quốc tế, thị trường du lịch Việt Nam đang vào mùa du lịch cao điểm. Những tháng tới du lịch hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu nghỉ dưỡng mùa hè. Đặc biệt, các khu vực có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân thông qua các tuyến đường cao tốc, gần với Hà Nội (như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, TP Vinh.. ) và TP.HCM (như Phan Thiết, Vũng Tàu) sẽ dễ dàng thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế và nội địa. 

Với đặc thù ngành tiêu dùng tại kênh offline trong khi cần đưa thông tin ưu đãi, chương trình marketing phủ sóng online, mô hình O2O2O đã mang lại kết quả vượt trội cho một số thương hiệu lớn. Điển hình như Highlands Coffee khi kết hợp cùng giải pháp liên kết tiếp thị, quảng bá đa kênh với mô hình Cost-Per-Promotion (CPP) của ACCESSTRADE. Được biết mô hình CPP cho phép các doanh nghiệp F&B triển khai một cách nhanh chóng chương trình khuyến mãi trên tất cả các kênh online, đạt mức tỷ lệ chuyển đổi tại cửa hàng offline từ 15-20% chỉ trong 30 ngày áp dụng. Bên cạnh đó, một số tên tuổi mới chọn cách tạo sự thuận tiện và những trải nghiệm thú vị cho khách hàng bằng menu điện tử. 

Theo ông Dũng Bùi - ACCESSTRADE Việt Nam, đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp F&B được đầu tư một cách bài bản, nhất là những thương hiệu dạng chuỗi có mặt trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. 

Nhiều lợi thế để doanh nghiệp F&B bứt tốc nửa cuối năm 2023

Ngành F&B đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm du lịch tại Việt Nam với du khách trong và ngoài nước.

Ngành F&B không chỉ được hưởng lợi mà còn giữ vai trò quan trọng, đóng góp vào trải nghiệm du lịch tại mỗi địa phương. Để thực sự thuyết phục khách du lịch ở lại lưu trú cần có các dịch vụ và trải nghiệm tốt, mà ở đây phần lớn thuộc về khối kinh doanh ẩm thực - đồ uống. Các quán ăn, nhà hàng cần có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn để thu hút thực khách lưu trú dài ngày, ông Đỗ Duy Thanh chia sẻ. 

Doanh nghiệp lớn dạng chuỗi, phủ nhiều tỉnh thành là đơn vị hưởng lợi nhiều nhất nhưng cần phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa quảng bá online và chuyển đổi khách tại kênh offline. Các chuyên gia cũng chia sẻ, đối với SMEs nên có các chương trình liên kết du lịch,  tiếp thị online theo khu vực để tăng độ nhận diện và thu hút khách hàng mới trong dịp cuối năm này.