Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Phỏng vấn CMO – Phần 2: Thương hiệu trong cơn bão suy thoái kinh tế 

Phỏng vấn CMO – Phần 2: Thương hiệu trong cơn bão suy thoái kinh tế 

Trong thời kỳ suy thoái, doanh nghiệp có nên tiếp tục đầu tư vào thương hiệu? Việc đầu tư vào thương hiệu sẽ có những thay đổi như thế nào trong 12-18 tháng tới? Hãy cùng lắng nghe góc nhìn của các CMO toàn cầu về vấn đề này. 

Nội dung bài viết được “bóc tách” từ loạt bài phỏng vấn các CMO (Chief Marketing Officer) thuộc nhiều ngành hàng khác nhau cùng trả lời 5 câu hỏi hoàn toàn giống nhau do Interbrand thực hiện. 

Chưa bao giờ có thời điểm quan trọng hơn để khẳng định thương hiệu

Sarah Franklin, Chief Marketing Officer của Salesforce, khẳng định: “Trong thời kỳ suy thoái, việc đầu tư vào thương hiệu và tiếp thị càng trở nên quan trọng hơn để duy trì được lượng khách hàng tiềm năng, cũng như khẳng định chất lượng dịch vụ mà chúng ta cung cấp, từ đó xây dựng niềm tin nơi khách hàng”. 

Cùng quan điểm trên, ông Lorenzo Bertelli – Marketing Director tại Prada – cũng cho rằng việc tiếp tục đầu tư và đổi mới ngay cả trong thời điểm này là rất quan trọng. Nếu không, các thương hiệu có nguy cơ mất đi lợi thế cạnh tranh. 

“Tôi tin rằng trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các thương hiệu của mình để nuôi dưỡng sự giao tiếp với khách hàng, đồng thời tạo ra những câu chuyện ý nghĩa nhằm giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới”, ông Lorenzo Bertelli nói. 

Trong thời kỳ suy thoái, việc đầu tư vào thương hiệu và tiếp thị càng trở nên quan trọng hơn.
Nguồn: Foyr.com

Hơn hết, “các dữ liệu đã cho thấy rằng những thương hiệu đầu tư vào quãng thời gian khó khăn sẽ phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng hơn so với những thương hiệu không đầu tư” – ông Jonathan Castleman, Group Head of Brand and Partnership tại HSBC, đồng tình. 

Bên cạnh đó, với các CMO, đây cũng là thời điểm mà các thương hiệu hoàn toàn có thể chớp lấy cơ hội trong thách thức để tiếp tục duy trì vị thế. Đơn cử như trường hợp của Adobe, được biết, hơn 165 triệu người đã trở thành người làm sáng tạo (Creator Economy) kể từ năm 2020. Theo một nghiên cứu gần đây của Adobe, gần một nửa số người sáng tạo không chuyên (48%) hiện đã kiếm được tiền từ các hoạt động sáng tạo. 

“Đối với Adobe, ‘sáng tạo là dành cho tất cả mọi người’ (creativity for all) không chỉ là một khẩu hiệu. Đó là một sứ mệnh và chúng tôi cam kết biến nó trở thành hiện thực. Chiến lược của Adobe là trao quyền cho mọi người để họ được thể hiện ý tưởng của bản thân và cá nhân hóa trải nghiệm. Chiến lược này sẽ mang đến cơ hội mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo” – bà Ann Lewnes, Chief Marketing Officer tại Adobe, chia sẻ. 

Chiến lược của Adobe là trao quyền cho mọi người để họ được thể hiện ý tưởng của bản thân và cá nhân hóa trải nghiệm.
Nguồn: AdAge

Không siết chi tiêu nhưng siết chặt KPI

Có thể thấy, hầu hết các CMO toàn cầu đều đồng ý rằng việc tiếp tục đầu tư vào thương hiệu trong thời điểm này là rất quan trọng. Thế nhưng để đảm bảo các khoản đầu tư thật sự mang lại hiệu quả, mỗi doanh nghiệp đều cần đưa ra những phương án khác nhau. 

Theo quan điểm của bà Sarah Franklin, Chief Marketing Officer tại Salesforce, có nhiều cách để tiết kiệm chi phí marketing. Các thương hiệu có thể tìm cách tạo ra nội dung với chi phí thấp hơn, đánh giá lại hiệu quả các khoản tài trợ thương hiệu và tận dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa các chiến dịch quảng cáo. 

“Đây là thời quan trọng nhất để tiếp thị thương hiệu của bạn, để khách hàng biết rằng công ty của bạn vẫn mạnh mẽ và cho khách hàng biết về lý do tại sao sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn cần thiết và hữu ích trong bối cảnh hiện tại. Sự linh hoạt và phù hợp sẽ trở thành điều cần thiết nhất trong thời điểm này” – bà Sarah Franklin phân tích. 

Cùng tầm nhìn trên, ông lớn trong ngành công nghệ – Google – cũng cho rằng khi mọi thứ trở nên khó khăn, ngân sách marketing thường bị ảnh hưởng. Thế nhưng thực tế là lúc này marketing có thể vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp trong việc duy trì các mục tiêu.

Lorraine Twohill, Chief Marketing Officer tại Google, nhận định: “Thời điểm không chắc chắn cũng có thể mang đến cơ hội, vì vậy điều quan trọng là đảm bảo rằng chúng ta đang đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp, sử dụng ngân sách và tài nguyên một cách khôn ngoan và tập trung mạnh mẽ hơn vào một mục tiêu cụ thể”.

Để làm được điều đó, bà Lorraine Twohill cho rằng các thương hiệu đều cần tự đặt ra câu hỏi: Có những chiến dịch nào chúng ta có thể tinh gọn lại trong cách tổ chức nhưng mang lại hiệu quả cao hơn? Làm thế nào chúng ta có thể đơn giản thông điệp và tăng cường tác động của mình?

Điều quan trọng là đảm bảo đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp, sử dụng ngân sách và tài nguyên một cách khôn ngoan và tập trung mạnh mẽ hơn vào một mục tiêu cụ thể.
Nguồn: Envato

Tập trung vào chuyển đổi số và các kênh digital

Adobe cho biết người tiêu dùng ngày nay luôn mong đợi được trải nghiệm những điều tuyệt vời mà kỹ thuật số có thể mang lại, từ việc mua sắm trực tuyến đến chuyện tìm mua nhà. Hơn hết, người tiêu dùng muốn trải nghiệm “cá nhân hóa” (personal touch). “Chúng tôi luôn nhìn xung quanh và đổi mới để giúp khách hàng của chúng có một trải nghiệm tuyệt vời trong từng bước đi, đáp ứng đúng những gì mà người tiêu dùng mong đợi. Và đây cũng chính là hiện thực mà mọi doanh nghiệp đang đối diện” – bà Ann Lewnes, Chief Marketing Officer tại Adobe, chia sẻ. 

Cũng bắt nguồn từ mong muốn mang đến cho khách hàng trải nghiệm tuyệt vời, Mercedes đã thiết lập các kênh tiếp thị và bán hàng mới kết nối online lẫn offline. Thương hiệu ô tô cao cấp này muốn tạo ra một trải nghiệm hợp kênh (omni-channel) toàn diện, mượt mà, mà điểm bắt đầu của nó chính là giao tiếp số (digital communication). 

Mercedes tạo ra trải nghiệm hợp kênh (omni-channel) toàn diện, mượt mà với điểm bắt đầu là giao tiếp số (digital communication).
Nguồn: Mercedes-Benz.io

“Trong hơn 130 năm qua, chúng tôi đã tạo ra các sản phẩm dành cho những khách hàng khó tính nhất trên thế giới. Khách hàng là trung tâm. Điều này luôn là quy tắc số một đối với Mercedes-Benz và nó sẽ được tăng cường hơn nữa trong tương lai. Trong phân khúc khách hàng cao cấp, trải nghiệm mua sắm và hành trình của khách hàng đóng vai trò rất quan trọng” – bà Rita Felder, Director of Brand and Marketing Strategy tại Mercedes, bật mí. 

Việc này cũng tương tự trong ngành thức ăn nhanh, bà Morgan Flatley – Global Chief Marketing Officer tại McDonald’s – cho biết các kênh kỹ thuật số (digital channels) đang mở ra một mối quan hệ mới giữa thương hiệu khách hàng. Khách hàng không xem Drive-Thru, dịch vụ giao hàng, ứng dụng hay quầy tiếp tân là riêng biệt, vì vậy mà thương hiệu cần tạo ra một trải nghiệm toàn diện. Khách hàng muốn đặt hàng và nhận bữa ăn theo cách tiện lợi nhất, điều này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng thời điểm. 

“Chúng tôi nhận thức rõ rằng khách hàng của chúng tôi sống trong thế giới kỹ thuật số và chúng tôi cần đáp ứng khách hàng của mình tại mọi nơi họ đang có mặt. Chúng tôi đang thử nghiệm nhiều giải pháp trên toàn cầu để giải quyết các vấn đề đặc thụ của thị trường và hành vi khách hàng”, bà Morgan Flatley nói thêm

Khách hàng đang sống trong thế giới kỹ thuật số và doanh nghiệp cần đáp ứng khách hàng của mình tại mọi nơi mà họ có mặt.
Nguồn: The Rare Welsh Bit

Giúp đỡ SME và nhóm khách hàng B2B – “Thời điểm không chắc chắn là thời điểm mà người dùng cần chúng ta nhất”

Đó chính là lời nhận định của bà Lorraine Twohill, Chief Marketing tại Google. Bà chia sẻ: “Đây chính là lúc quan trọng mà chúng tôi cần tăng cường nỗ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hỗ trợ người tìm việc trong việc phát triển kỹ năng của họ và đồng thời giúp những người sáng tạo đạt được thành công nhờ vào các nền tảng của chúng tôi”. 

Nhằm thực hiện cam kết này, Google đã phát hành báo cáo Tired-and-New nhằm giúp các nhà quảng cáo đưa ra được những quyết định khôn ngoan trong bối cảnh khó khăn và không chắc chắn của thị trường.

Cùng thể hiện quan điểm đặt khách hàng ở vị trí trung tâm, ông Jonathan Castleman – Group Head of Brand and Partnership tại HSBC – chia sẻ: “Chiến lược tiếp thị thương hiệu của chúng tôi là tập trung không ngừng vào khách hàng. Ước muốn của chúng tôi là trở thành đối tác tài chính quốc tế hàng đầu cho các khách hàng doanh nghiệp”.

Ông cho biết thương hiệu là cách để HSBC thể hiện được giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp muốn mang đến cho cộng đồng – đó là lý do tại sao mà việc tiếp tục truyền tải một thông điệp nhất quán cho khách hàng là vô cùng quan trọng, dù trong hoàn cảnh như thế nào. Bởi lẽ, chính việc duy trì thông điệp và trải nghiệm này sẽ giúp cho khách hàng tiếp tục tin tưởng vào thương hiệu, từ đó mà duy trì được mối quan hệ lâu dài. 

Xem lại phần 1 của bài viết tại đây.

Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp