Project Manager tại CapitaLand Development (Việt Nam): “Bonding hiệu quả, làm việc hiệu suất”

Project Manager tại CapitaLand Development (Việt Nam): “Bonding hiệu quả, làm việc hiệu suất”

“Bonding là yếu tố quan trọng để giúp các bạn gắn kết, sẵn sàng chia sẻ và làm việc hiệu quả với nhau hơn”, anh Trần Tuấn Nghĩa – Project Manager, CapitaLand Development (Việt Nam), học viên MBA Đại học Western Sydney khóa 2022 – cho biết.

Trong sự kiện MBA Meetup tháng 6/2023 với chủ đề “Lãnh đạo đội nhóm cần ‘Khả năng’ hay ‘Kỹ năng’” vừa qua, anh Nghĩa đã có những chia sẻ về cách gắn kết đội nhóm, những cách để tránh khỏi xung đột trong quá trình làm việc. Đồng thời, anh cũng chia sẻ thêm về trải nghiệm đáng nhớ trong quá trình học MBA.

* Đầu tiên, anh Nghĩa hãy giới thiệu công việc hiện tại của anh tại CapitaLand Development (Việt Nam)?

Project Manager tại CapitaLand Development (Việt Nam), tôi phụ trách các dự án xây dựng nhà ở và thương mại. Sau khi có giấy phép xây dựng, đội ngũ sẽ triển khai thi công ngoài công trường đến khi hoàn tất và bàn giao cho bên mua. Như vậy, công việc của tôi thường xoay quanh tiến độ, chất lượng, chi phí cũng như làm việc cùng các phòng ban nội bộ trong công ty và các bên nhà thầu, bên tư vấn cũng như các cơ quan hành chính. Nhìn chung, công việc của tôi là một phần trong bức tranh tổng thể để hoàn thiện một dự án.

Tại CapitaLand Development (Việt Nam), anh Trần Tuấn Nghĩa hiện đang phụ trách các dự án xây dựng nhà ở và thương mại với vai trò Project Manager (Quản lý dự án).

* Anh Nghĩa quản lý đội nhóm của mình như thế nào?

Đầu tiên, người quản lý sẽ cần phải làm rõ KPI của từng cá nhân, giúp họ hiểu vai trò của mình trong quá trình giúp dự án đi về đích và đảm bảo chất lượng. Xác định vai trò rõ ràng ngay từ đầu sẽ giúp các thành viên ý thức được các công việc cần làm, tránh khỏi mâu thuẫn trong quá trình làm việc.

Ngoài ra, yếu tố bonding (gắn kết team) cũng rất quan trọng để các bên làm việc với nhau hiệu quả hơn. Chẳng hạn, team bonding không nhất thiết phải trang trọng như ngồi giữa nhân viên và sếp mà cũng có thể là các buổi ăn trưa, cà phê hoặc các hoạt động thể thao như đá banh. Nhờ môi trường trao đổi không căng thẳng như vậy, có thể tạo ra bầu không khí gắn kết hơn giữa các thành viên. Từ đó, quá trình làm việc sẽ diễn ra suôn sẻ hơn vì mọi người đã thấu hiểu nhau, thông cảm cho những khó khăn mà người kia gặp phải.

Trong những cách quản lý đội nhóm, anh Nghĩa tin rằng yếu tố bonding (gắn kết team) đóng vai trò rất quan trọng để các bên làm việc với nhau hiệu quả hơn.

* Trong nhiều năm quản lý đội nhóm, anh Nghĩa cảm nhận “Khả năng” hay “Kỹ năng” quan trọng hơn trong công việc lãnh đạo đội nhóm?

Theo tôi, nếu đã được cân nhắc lên vị trí “leader” thì người ấy cũng đã sở hữu những “khả năng” nhất định. Trong tình huống cần phải tương tác và kết hợp với nhiều bên liên quan như công việc hàng ngày của một nhà quản lý dự án, tôi nghĩ “kỹ năng” sẽ rất quan trọng. Đặc biệt trong những tình huống xảy ra cần thống nhất giữa các bên liên quan như đội nhóm nội bộ, cơ quan chức năng, cơ quan hành chính nhà nước thì lúc đó “kỹ năng” sẽ đóng vai trò quyết định. Điều này sẽ giúp đóng góp vào cách để đạt được mục tiêu chung.

Như vậy, quay trở lại câu chuyện “khả năng” hay “kỹ năng” quan trọng hơn, tôi cho rằng trong tình huống giải quyết xung đột nhiều bên – “kỹ năng” sẽ đóng góp giá trị nhiều hơn để đạt được mục tiêu đề ra ban đầu.

“Tùy theo tình huống, chẳng hạn như khi xảy ra xung đột giữa các bên, ‘kỹ năng’ sẽ đóng góp giá trị nhiều hơn ‘khả năng’ để đạt được mục tiêu đề ra ban đầu”, anh Nghĩa chia sẻ.

* Được biết, anh Nghĩa hiện là học viên MBA tại Đại học Western Sydney. Anh có thể chia sẻ sự giống nhau và khác nhau giữa công việc và môi trường MBA không? 

Tương tự như công việc, học MBA cũng sẽ có những nguyên tắc giống nhau. Về cơ bản, tất cả thành viên cũng cần sự đóng góp nhất định cho dự án kèm theo timeline cho từng công việc. 

Ngoài ra, các thành viên trong đội nhóm cũng sẽ có điểm mạnh, điểm yếu nhất định, do đó, sự hỗ trợ qua lại để đạt kết quả tốt nhất là rất cần thiết. Chẳng hạn như trong một team nếu các bạn mạnh về kỹ thuật thì có thể hỗ trợ team, ngược lại, nếu còn yếu về kiến thức sales, marketing, tài chính thì sẽ có những anh chị, các bạn khác với chuyên môn đó để giúp đỡ. Như vậy, nguyên tắc vẫn tương tự như trong công việc. 

Điểm khác biệt là các môn học MBA chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Khi các thành viên hầu như chưa biết về nhau thì quá trình teamwork sẽ cần dành thêm thời gian. Tuy nhiên, đến khi các thành viên bắt đầu hiểu hơn về nhau, về lĩnh vực nghề nghiệp của nhau thì cả nhóm sẽ đạt được hiệu suất nhanh hơn.

Theo anh Nghĩa, học MBA cũng tương tự như công việc – đều có những nguyên tắc giống nhau; tuy nhiên, các môn học MBA diễn ra khá nhanh nên cả team cần tìm hiểu nhau, gắn kết chặt chẽ.

* Cuối cùng, anh có thể chia sẻ một vài lưu ý cho các bạn trẻ có mong muốn trở thành nhà quản lý trong tương lai?

Nếu như các bạn có định hướng trở thành nhà quản lý trong tương lai, có thể cần lưu ý những điều sau. Thứ nhất, hãy đặt ra mục tiêu thật rõ ràng. Thứ hai, hãy chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng nhất định để nâng cấp kỹ năng, khả năng lên một tầm cao mới.

Môi trường MBA cũng là một nơi giúp các bạn dần dần tích lũy được những kỹ năng mới để nâng cấp bản thân và đương đầu với những khó khăn trong công việc. Tại đây, các bạn sẽ gặp được những anh, chị hoặc những đồng nghiệp với trình độ chuyên môn cao hơn đến từ các ngành nghề khác nhau. Đó là một cơ hội rất tuyệt vời. Cuối cùng là với một sức khỏe thể chất lẫn tinh thần tốt hãy luôn sẵn sàng thử thách bản thân với các cơ hội mới.

* Cảm ơn về những chia sẻ đầy bổ ích và thú vị từ anh Nghĩa. Chúc anh thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp!

MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA. Xem thêm các câu chuyện học MBA tại đây.