Zero to One #1: Các vòng gọi vốn là gì?

Zero to One #1: Các vòng gọi vốn là gì?

Một startup nếu muốn phát triển nhanh và mạnh cần phải trải qua nhiều vòng gọi vốn như vòng hạt giống, series A, B, C. Như vậy các vòng gọi vốn này thực chất là gì và founder cần phải chuẩn bị gì khi gọi vốn? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại ProFin – Cộng đồng Chuyên nghiệp về Tài chính Doanh nghiệp và là một dự án của Brands Vietnam.

“Zero to One” là chuỗi bài nhằm phục vụ các startup bước những bước đi đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp. Thông qua chuỗi bài này, các founder – những người đang vận hành startup – có thể xác định được hướng đi phù hợp và chiến lược khôn ngoan để dẫn dắt doanh nghiệp của mình đến thành công.

Một startup thường sẽ phải phải trải qua nhiều giai đoạn để có thể đi từ một ý tưởng cho đến khi phát triển thành thương hiệu được nhiều người biết đến. Ở những giai đoạn phát triển khác nhau, startup có nhu cầu về vốn khác nhau. Các giai đoạn này thường được đánh dấu bằng ba cột mốc sau:

Vì sao startup luôn “khát vốn”?

Zero to One #1: Các vòng gọi vốn là gì?

Ở những giai đoạn phát triển khác nhau, startup có nhu cầu về vốn khác nhau.
Nguồn: Envato

Một startup thường sẽ phải phải trải qua nhiều giai đoạn để có thể đi từ một ý tưởng cho đến khi phát triển thành thương hiệu được nhiều người biết đến. Ở những giai đoạn phát triển khác nhau, startup có nhu cầu về vốn khác nhau. Các giai đoạn này thường được đánh dấu bằng ba cột mốc sau:

  • Giai đoạn 1: Ý tưởng và định hình sản phẩm. Trong giai đoạn này startup mới chỉ có ý tưởng, và ý tưởng này cần được nghiên cứu, cải tiến nhiều lần để cho ra đời sản phẩm phù hợp với thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận. Startup lúc này sẽ cần vốn cho việc nghiên cứu sản phẩm, mô hình kinh doanh.
  • Giai đoạn 2: Đưa sản phẩm vào thị trường. Trong giai đoạn này startup đã có được sản phẩm ban đầu và đang tìm cách để phân phối sản phẩm trên các kênh bán hàng. Nhu cầu vốn ở giai đoạn này nhằm đáp ứng việc đưa sản phẩm vào kênh phân phối, thực hiện marketing và nghiên cứu thị trường.
  • Giai đoạn 3: Hoàn thiện mô hình kinh doanh, nhân bản và mở rộng. Trong giai đoạn này, startup cần vốn để phục vụ cho việc mở rộng hệ thống sản xuất hoặc năng lực cung cấp dịch vụ, phân phối, gia tăng doanh số.

Vòng gọi vốn và những điều cần biết

Vòng gọi vốn có thể là một thuật ngữ không còn quá xa lạ trong giới khởi nghiệp. Thực tế đây là một thuật ngữ trong “đầu tư mạo hiểm” dùng để chỉ việc gọi vốn của startup diễn ra theo từng giai đoạn khác nhau. Thông thường, một startup sẽ trải qua những vòng gọi vốn sau đây:

  • Ở giai đoạn 1 và 2, startup sẽ trải qua vòng “tiền hạt giống” (Pre-Seed Funding) và vòng “hạt giống” (Seed Funding).
  • Ở giai đoạn 3, startup sẽ trải qua các vòng gọi vốn series A, series B, series C…

Zero to One #1: Các vòng gọi vốn là gì?

Nguồn: DealRoom

Vòng tiền hạt giống – Pre-seed Funding Round

Còn được gọi là giai đoạn tự gây quỹ, đây là giai đoạn huy động vốn đầu tiên của startup. Ở giai đoạn này, các founder thường tự bỏ vốn ra hoặc huy động từ người thân, bạn bè hoặc các “nhà đầu tư thiên thần” (Angel Investors).

Vòng hạt giống – Seed Funding Round

Ở giai đoạn này, các startup đã có sản phẩm mẫu hoặc đã bắt đầu có đơn hàng. Lúc này startup rất cần nguồn vốn để phát triển ý tưởng kinh doanh.

Tham gia vào vòng gọi vốn này thường là nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm nhỏ (Micro Venture Capital), và quỹ tăng tốc (Accelerator Capital).

Tiền đầu tư từ giai đoạn hạt giống được sử dụng cho mục đích hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc định hình sản phẩm và khách hàng mục tiêu.

Vòng gọi vốn series A

Series A diễn ra khi startup bắt đầu tăng trưởng nhanh và mở rộng hoạt động. Lúc này mô hình kinh doanh của startup đã chứng minh được tính hiệu quả, các founder đã hình thành một kế hoạch kinh doanh cụ thể cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Số vốn huy động được từ vòng này sẽ được sử dụng để tiếp thị và xây dựng thương hiệu.

Vòng series A thường có sự tham gia của các nhà đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần. Một số nhà đầu tư khác cũng tham gia vòng này là các công ty tư nhân, công ty gia đình, quỹ phòng hộ (Hedge Fund).

Tương tự các startup khi gọi vốn ở các vòng sau, những vòng này sẽ được gọi tên theo thứ tự trong bảng chữ cái. Thông thường các startup sẽ tiến hành IPO sau vòng gọi vốn series C, đây cũng là lúc các nhà đầu tư mạo hiểm rút vốn và gặt hái thành quả. Sau khi IPO, startup sẽ tiến hành các đợt gọi vốn sau từ công chúng đầu tư thông qua phát hành chứng khoán trên sàn giao dịch. Cũng có trường hợp startup không chọn con đường IPO mà tiếp tục gọi vốn mạo hiểm ở các vòng series D, thậm chí series E, điển hình như trường hợp của “kỳ lân” MoMo.

Zero to One #1: Các vòng gọi vốn là gì?

Các vòng gọi vốn của kỳ lân MoMo.
Nguồn: Tech in Asia

Startup cần chuẩn bị gì trước khi gọi vốn?

Trước khi tiến hành gọi vốn, startup phải chuẩn bị các công việc cơ bản sau:

#1 Xác định nhu cầu vốn

Trước khi gọi vốn, founder cần xác định rõ nhu cầu vốn hiện tại của công ty, và số vốn cần gọi tương ứng. Đồng thời cũng cần cân nhắc tỷ lệ cổ phần mà công ty có thể chia sẻ để không bị ảnh hưởng quyền kiểm soát công ty. Founder cần chú ý ba cột mốc sau: 36%, 51% và 65%.

Đối với công ty cổ phần tỷ lệ biểu quyết chia ra theo các mốc là 51%, 65%. Đây là hai mốc về tỷ lệ biểu quyết cần đạt được để thông qua một vấn đề trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

  • Nếu như một nhà đầu tư nắm giữ 36% cổ phần, khi đó nhà đầu tư này được xem là có quyền phủ quyết với các quyết định trong công ty.
  • Với 51% cổ phần, nhà đầu tư đó sẽ có quyền “chi phối” đối với công ty. Bằng cách toàn quyền thông qua các “vấn đề thông thường” trong công ty hoặc phủ quyết đối với các vấn đề quan trọng, vận mệnh của công ty gần như đã thuộc về nhà đầu tư này.

Đối với việc xác định nhu cầu vốn, founder có thể xác định từ bảng dự trù tài chính trong 1-2 năm, bắt đầu từ các số liệu về doanh thu, chi phí trong quá khứ và mục tiêu tăng trưởng trong tương lai. Sau đó, ước lượng xem doanh nghiệp cần thêm bao nhiêu tiền để thực hiện mục tiêu này.

Thông thường, các startup nên gọi một lượng vốn đủ dùng cho tới vòng gọi vốn tiếp theo. Bên cạnh đó, founder cũng cần có kế hoạch dự phòng về dòng tiền trong trường hợp không thể gọi được vốn.

#2 Xác định giá trị công ty

Việc định giá công ty sẽ là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư xem xét rót vốn. Bởi vì suy cho cùng bất cứ thương vụ nào cũng đều dựa trên cơ sở “thuận mua – vừa bán”. Ngoài ra, mức định giá này cũng sẽ giúp startup xác định số lượng và tỷ lệ cổ phần cần bán đề gọi vốn.

Ví dụ: Sau khi áp dụng các phương pháp định giá, bạn xác định được doanh nghiệp của mình đáng giá 5 tỷ đồng, đây còn được gọi là giá trị pre-money valuation. Bạn muốn huy động thêm 2 tỷ từ các nhà đầu tư để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Nếu gọi vốn thành công, giá trị công ty của bạn lúc này sẽ là 7 tỷ đồng, đây cũng là giá trị post-money (5 tỷ pre-money cộng thêm 2 tỷ huy động thêm). Tỷ lệ cổ phần mà bạn cần bán để gọi vốn 2 tỷ được xác định như sau: Tỷ lệ sở hữu = Investment amount / Post-money valuation = 2 tỷ / 7 tỷ = 28,57%.

Tỷ lệ sở hữu = Investment amount / Post-money valuation

Như vậy sau khi định giá, startup sẽ tiến hành gọi vốn với lời đề nghị khoản đầu tư 2 tỷ đổi lấy quyền sở hữu 28,57% công ty. Trong suốt quá trình đàm phán, giá trị này có thể được điều chỉnh theo lời đề nghị của các bên cho đến khi có sự thống nhất.

#3 Tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng

Các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ có các quy tắc đầu tư rất cụ thể. Do đó, startup cần tìm hiểu kỹ xem doanh nghiệp của mình sẽ phù hợp với nhà đầu tư nào. Ví dụ Earth Venture Capital (EVC) là một quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào các doanh nghiệp về giải pháp công nghệ kỹ thuật số chống biến đổi khí hậu. Nếu bạn là một startup trong lĩnh vực này thì đây có thể là một trong các nhà đầu tư tiềm năng.

Các nhà đầu tư vào startup ở vòng gọi vốn trước cũng có thể là một lựa chọn sáng suốt. Họ đã có những nhà đầu tư đã theo doanh nghiệp trong một khoản thời gian dài, do đó việc kêu gọi thêm vốn cũng trở nên đơn giản hơn, ít nhất giữa hai bên sẽ không tốn nhiều thời gian cho việc thẩm định chuyên sâu (Due diligence).

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ở vòng trước cũng sẽ có những tư vấn hữu ích về việc chọn nhà đầu tư phù hợp ở những vòng sau, thậm chí làm cầu nối giới thiệu cho startup. Có một nguyên tắc mà các startup nên lưu ý khi gọi vốn, đó là không nên “down-round”. Nghĩa là khi gọi vốn ở các vòng sau, startup không được định giá công ty thấp hơn vòng gọi vốn trước. Việc down-round không những làm giảm giá trị của doanh nghiệp, mà còn làm giảm giá trị khoản đầu tư của các nhà đầu tư tham gia ở các vòng gọi vốn trước.

Zero to One #1: Các vòng gọi vốn là gì?

Các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ có các quy tắc rất cụ thể, startup cần tìm hiểu kỹ xem doanh nghiệp của mình sẽ phù hợp với nhà đầu tư nào.
Nguồn: freedomz

#4 Chuẩn bị cho cuộc hẹn với nhà đầu tư

Sau khi liên hệ với các nhà đầu tư tiềm năng và chốt được một cuộc hẹn. Trong cuộc hẹn này, startup sẽ phải trình bày ý tưởng, kế hoạch kinh doanh để kêu gọi nhà đầu tư rót vốn. Hoạt động này còn được gọi là pitching. Để chuẩn bị cho buổi pitching, startup cần chuẩn bị pitch deck – là một trong những tài liệu quan trọng nhất trong quá trình gọi vốn. Đây là tài liệu tổng hợp những thông tin tổng quan và cốt lõi nhất trong vòng gọi vốn đó của startup.

Ngoài ra, để buổi pitching được thành công thì người trình bày (pitcher) cũng cần phải là người nắm rõ các thông tin của doanh nghiệp. Do đó họ thường phải là những người đứng đầu doanh nghiệp, founder, co-founder hoặc là các nhà quản lý cấp cao như CEO, CFO.

Khi nào startup nên gọi vốn?

Thời điểm gọi vốn có thể sẽ tùy thuộc vào đặc thù của mỗi startup. Theo quan điểm của Ryan Smith, người sáng lập startup kỳ lân Qualtrics, các startup nên “tự vùng vẫy” khoảng 10 năm trước khi tiến hành gọi vốn đầu tư mạo hiểm.

“Không nên gọi vốn cho một ý tưởng chỉ mới ở giai đoạn tiền khả thi, huy động một món tiền lớn rồi sau đó mới bắt đầu loay hoay không biết làm gì”.

Theo Ryan Smith, nhận vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm giống như một khoản vay thế chấp vậy. Ông nói: “Có quá nhiều startup ăn mừng sau khi ký được hợp đồng góp vốn với một quỹ đầu tư mạo hiểm, như thể họ đã đạt được mục tiêu. Nhưng trên thực tế việc nhận được tiền từ các quỹ VC cũng giống như nhận một khoản thế chấp. Nó áp đặt các điều khoản về mục tiêu cho người nhận vốn, mà các mục tiêu này sẽ tạo ra các nghĩa vụ to lớn và lâu dài đối với người điều hành”.

Theo Smith, startup chỉ nên gọi vốn khi có nhu cầu xây dựng đội ngũ, phát triển sản phẩm mới hay bước chân vào thị trường quốc tế. “Không nên gọi vốn cho một ý tưởng chỉ mới ở giai đoạn tiền khả thi, huy động một món tiền lớn rồi sau đó mới bắt đầu loay hoay không biết làm gì. Lúc đó mọi thất bại của bạn, mọi kế hoạch hành động đều sẽ bị đem ra mổ xẻ, soi mói. Trong khi đó, bạn hoàn toàn có thể tận hưởng quá trình phát triển tự nhiên của một công ty mới nếu tự thân vận động”, Smith chia sẻ.

Ngoài ra, tự thân vận động cũng sẽ mài dũa tinh thần chiến đấu của founder, giúp startup rèn luyện khả năng sinh tồn. “Khi mọi thứ trở nên khó khăn, bạn sẽ cần sự cố gắng tối đa để tồn tại và bạn sẽ không đạt được điều đó nếu ngay từ đầu bạn đã được các nhà đầu tư hậu thuẫn”.

Còn theo Shark Nguyễn Hòa Bình, các startup chỉ nên gặp các nhà đầu tư mạo hiểm khi hội tụ được các đặc điểm sau:

  • Thứ nhất: Dự án này phải có tiềm năng tăng trưởng cao. Đó có thể là dự án về công nghệ hay các startup truyền thống nhưng có khả năng nhân rộng chuỗi.
  • Thứ hai: Startup phải chứng minh được khả năng chịu lỗ để “đốt tiền” mua thời gian tăng trưởng. Ví dụ hiện nay startup phải mất 3 năm để mở được 10 cửa hàng như hiện tại. Với tốc độ hiện tại phải mất thêm 5 năm để đạt con số 100 cửa hàng. Tuy nhiên founder có tham vọng sẽ muốn rút ngắn thời gian tăng trưởng này xuống còn 2 năm. Khi đó founder nên gặp các nhà đầu tư mạo hiểm và đề nghị khoản tài trợ cho startup đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
  • Thứ ba: Chứng minh được nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận theo lãi suất kép khi thoái vốn (exit). Founder phải chứng minh được dự án này sẽ đem lại cho nhà đầu tư mức lợi nhuận theo lãi suất kép cao hơn gấp nhiều lần so với các kênh đầu tư truyền thống an toàn hơn, như gửi tiết kiệm, vàng, chứng khoán, bất động sản…

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nguyễn Dương Anh Khoa
* Nguồn: ProFin