Marketer Lý Ngọc Phương
Lý Ngọc Phương

Former Strategic Planning Manager @ Wilmar CLV

Bóc tách chi phí #1: Muốn khởi nghiệp như Netflix, cần lưu ý những loại chi phí “khủng” nào?

Bóc tách chi phí #1: Muốn khởi nghiệp như Netflix, cần lưu ý những loại chi phí “khủng” nào?

Lĩnh vực phát nội dung trực tuyến lên ngôi với đa dạng hình thức và nền tảng. Vậy để khởi nghiệp trong lĩnh vực này, nhà sáng lập cần quan tâm những khoản chi phí trọng yếu nào để việc phân bổ vốn hiệu quả hơn? Cùng tìm hiểu thông qua mô hình Netflix trong bài “Bóc tách chi phí” số 1.

Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại ProFin – Cộng đồng Chuyên nghiệp về Tài chính Doanh nghiệp và là một dự án của Brands Vietnam.

Bóc tách chi phí là chuỗi bài về cấu trúc chi phí theo từng mô hình kinh doanh với những đặc thù riêng, giúp nhà quản trị có thêm góc nhìn đa dạng về các loại chi phí và mức độ quan trọng của chúng theo từng giai đoạn tạo nên chuỗi giá trị.

Bài viết được tổng hợp từ podcast “Business Breakdown” trên trang joincolossus.com qua phỏng vấn với ông Ben Weiss. Ông là Giám đốc Đầu tư tại Quỹ đầu tư mạo hiểm 8th & Jackson. Các số liệu tài chính trong bài được cập nhật từ báo cáo tài chính công khai của Netflix trong năm 2022.

Tổng quan mô hình kinh doanh của Netflix

Netflix là công ty cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến có trả phí với gần 231 triệu thành viên ở hơn 190 quốc gia. Quy mô doanh thu 31,6 tỷ USD và lợi nhuận xấp xỉ 4,5 tỷ USD được ghi nhận trong năm 2022. Netflix cung cấp kho nội dung giải trí bao gồm chương trình nhiều tập, phim với đa dạng thể loại, ngôn ngữ và games.

Doanh thu của Netflix đến từ gói cước đăng ký thành viên trả trước theo tháng. Phí thành viên có nhiều hạng mức, phụ thuộc vào số lượng thiết bị được truy cập, chất lượng hình ảnh.

Nội dung được truyền tải với chất lượng cao và không quảng cáo. Ngoài ra, nền tảng trực tuyến này được xây dựng trên thuật toán thông minh giúp tối ưu hóa trải nghiệm giải trí thông qua đề xuất nội dung được cá nhân hóa cho từng đối tượng xem, theo quốc gia và khu vực địa lý.

Bóc tách chi phí #1: Muốn khởi nghiệp như Netflix, cần lưu ý những loại chi phí “khủng” nào?

Chuỗi giá trị Netfilx.
Nguồn: Profin

Để hiểu rõ hơn về hoạt động tạo ra lợi thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị của Netflix, chúng ta hãy cùng điểm qua cấu trúc chi phí hoạt động của họ sau đây.

Chi phí chủ chốt để sản xuất và phân phối nội dung

Chi phí cho hoạt động sản xuất và phân phối nội dung chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 61% doanh thu của Netflix theo số liệu thu thập từ báo cáo kết quả kinh doanh 2022, bao gồm:

Chi phí sản xuất nội dung

Kho nội dung của Netflix được hình thành từ 2 nguồn chính: chương trình độc quyền (exclusive & original) và mua lại bản quyền (licensing).

  • Chương trình độc quyền: Tất cả chi phí để sản xuất bao gồm thù lao cho diễn viên, tác quyền kịch bản, nhạc, lương thưởng cho đội ngũ nhân sự trực tiếp (đạo diễn, quay phim và hậu cần) và các chi phí chung trực tiếp khác.

Khởi nghiệp như Netflix thì cốt lõi không chỉ là công nghệ, mà còn là khả năng sáng tạo và lựa chọn nội dung.

Các bộ phim, chương trình nhiều tập, games được xem như tài sản vô hình của Netflix. Giá trị của tài sản này được tập hợp từ giai đoạn phát triển nội dung đến khi được hoàn thành và đưa vào phát sóng. Một bộ phim hay chương trình dài tập có thể được truy cập để xem đi xem lại trong nhiều năm. Dựa vào tính chất tài sản có giá trị sử dụng lâu dài nên chi phí hình thành được phân bổ trong nhiều năm khi xác định kết quả kinh doanh (lãi/ lỗ) thay vì đưa vào toàn bộ chi phí phát sinh vào thời điểm phát sóng. Netflix dựa vào dữ liệu lịch sử về cách nội dung được tiêu thụ, thường tập trung nhiều lượt xem vào thời điểm phát hành và giảm dần theo thời gian, để ước tính khung thời gian phân bổ. Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Netflix, có khoảng 90% phim được phân bổ chi phí sản xuất trong vòng 4 năm theo phương pháp phân bổ nhanh. Một số chương trình Netflix tự sản xuất và đạt được số lượt xem cao như “Stranger Things” với kinh phí 30 triệu USD, “Squid Game” với kinh phí 21,3 triệu USD…

Theo ông Ben Weiss, các chương trình, phim độc quyền giúp Netflix toàn quyền kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ, không bị giới hạn về điều kiện phát sóng cũng như cắt giảm phần lợi nhuận phải chi trả cho các công ty, studio sản xuất phim (studio margin). Đây cũng là chiến lược khác biệt hóa mà Netflix đang áp dụng. Muốn xem các chương trình như “Stranger Things”, “Bridgerton” hay “Squid Game” thì khán giả buộc phải đăng ký thành viên trên nền tảng này vì không thể tìm thấy ở bất kỳ nền tảng nào khác. Trong khi đó, nhu cầu xem các chương trình chất lượng như vậy vẫn còn nhiều dư địa.

Bóc tách chi phí #1: Muốn khởi nghiệp như Netflix, cần lưu ý những loại chi phí “khủng” nào?

Bộ phận sản xuất nội dung.
Nguồn: Netflix

  • Nội dung mua lại bản quyền: Bao gồm chi phí bản quyền và lương thưởng cho bộ phận phụ trách bản quyền. Chi phí bản quyền cũng là một khoản chi phí trả trước, được theo dõi trên trên khoản mục Tài sản. Chi phí này sẽ được phân bổ khi hợp đồng bắt đầu có hiệu lực phát sóng để xác định kết quả kinh doanh theo khung thời gian nhất định, đa phần khoảng 4 năm theo phương pháp phân bổ nhanh.

Các chương trình bản quyền sẽ bị giới hạn một số điều kiện như: thời gian, khu vực phát sóng... Chẳng hạn, series ăn khách “Friends” phải dừng phát sóng ở một số khu vực như Mỹ, Canada vào năm 2020 khi hợp đồng với Warner Bros hết hiệu lực tại khu vực này và không được gia hạn thêm.

Chi phí phân phối nội dung

Kho nội dung cũng như hệ thống phần mềm của Netflix được phát triển trên server cloud mà Amazon Web Services (AWS) cung cấp. Chi phí chi trả cho AWS là một khoản bắt buộc để Netflix duy trì hệ thống vận hành. Ngoài ra, còn có các chi phí an ninh mạng khác đề phòng hệ thống bị tấn công.

Nội dung từ kho lưu trữ được truyền đến người dùng qua hệ thống cung cấp dịch vụ Internet – OpenConnect mà Netflix tự phát triển. Để vận hành hệ thống này cần chi phi phát sinh cho khấu hao, bảo trì các thiết bị thu phát, lương thưởng cho bộ phận vận hành hệ thống.

Hiểu được mô hình và quyết định yếu tố quan trọng trong mô hình kinh doanh sẽ giúp việc sử dụng vốn đầu tư giai đoạn đầu hiệu quả hơn.

Ở một số khu vực chưa thể kết nối với hệ thống OpenConnect, Netflix liên kết với các nhà mạng bên ngoài và trả phí sử dụng dịch vụ từ họ. Một số đối tác của Netflix như Dish, Tivo và các nhà mạng truyền hình khác. Netflix còn hợp tác với các công ty SmartTV như Sony hay LG để phát triển dịch vụ phát sóng qua TV ở các thị trường mới nổi.

Netflix hợp tác với các bên cung cấp dịch vụ thanh toán khi khách hàng chuyển trả phí thành viên. Netflix sẽ chi trả một khoản phí cho bên cung cấp dịch vụ trên mỗi giao dịch được thực hiện.

Ngoài ra, dịch vụ khách hàng là một phần không thể thiếu giúp trải nghiệm sử dụng dịch vụ được tối ưu. Netflix cần duy trì đội ngũ nhân viên chăm sóc, giải đáp thắc mắc cho khách hàng.

Chi phí Marketing giúp lan tỏa nội dung và tiếp cận người xem hiệu quả

Chi phí Marketing chiếm khoảng 8% doanh thu bao gồm các khoản chi cho hoạt động quảng bá, truyền thông và lương thưởng cho bộ phận Marketing.

Các hoạt động truyền thông trên nền tảng digital bao gồm các khoản chi cho SEO, chạy Facebook ads, YouTube ads. Hoạt động Marketing truyền miệng (Word of mouth – WOM) trên mạng xã hội giúp lan tỏa bộ phim, các chương trình được nhanh chóng. Phải kể đến series truyền hình từng nhận được nhiều sự chú ý là “Wednesday”, với hơn 1 tỷ giờ xem sau 3 tuần phát sóng từ 28/11/2022. Bộ phim được lan truyền rầm rộ trên các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok. Điệu nhảy kỳ dị của Wednesday được thích thú chia sẻ, nhanh chóng tạo ra trào lưu trên TikTok.

Các chi phí để tổ chức họp báo ra mắt phim, chương trình mới; các hoạt động hoạt náo offline. Chẳng hạn để quảng bá cho series “Squid Game”, Netflix đã đầu tư các trò chơi mô phỏng trong phim, trang trí nhà ga Itaewon (Hàn Quốc) để khách đi tàu có cảm giác bước vào phim hay tượng búp bê trong phim được đặt ở các thành phố lớn trên thế giới để thu hút sự chú ý…

Bóc tách chi phí #1: Muốn khởi nghiệp như Netflix, cần lưu ý những loại chi phí “khủng” nào?

Chiến dịch quảng bá phim Squid Game tại Seoul, Hàn Quốc.
Nguồn: Netflix

Chi phí Nghiên cứu, Phát triển Công nghệ và đội ngũ nhân sự giúp củng cố lợi thế cạnh tranh

  • Chi phí nghiên cứu và phát triển công nghệ (Dev Team): Bao gồm chi phí lương, thưởng cho bộ phận công nghệ như cải thiện hệ thống, giao diện, thuật toán đề xuất, cơ sở hạ tầng; các thiết bị phần cứng, phần mềm. Chi phí này chiếm khoảng 8,6% doanh thu của Netflix. Ông Ben Weiss cho rằng: “Có nhiều công ty phát triển về công nghệ tuyệt vời nhưng chưa chắc đã làm tốt trong lĩnh vực giải trí và ngược lại. Netflix là công ty có thể làm tốt cả hai. Đây là sự kết hợp hài hòa để tạo nên trải nghiệm người dùng tuyệt vời”.
  • Chi phí quản lý (Overhead): Bao gồm chi phí lương cho nhân sự cấp quản lý, các bộ phận hỗ trợ như Nhân sự, Tài chính; chi phí trụ sở, văn phòng và các loại chi phí quản lý chung khác. Chi phí này chiếm khoảng 5% doanh thu của Netflix.

Bóc tách chi phí #1: Muốn khởi nghiệp như Netflix, cần lưu ý những loại chi phí “khủng” nào?

Cơ cấu chi phí/ Doanh Thu của Netflix.
Nguồn: Netflix, tổng hợp bởi Profin

Kết

Có thể thấy qua cách cấu trúc chi phí của Netflix, sản xuất nội dung gần như là chi phí bắt buộc để tạo ra lợi thế cạnh tranh với các studio và các nền tảng trực tuyến nội dung khác. Nội dung không hiệu quả thì phí tiền đầu tư và ngược lại.

Nội dung hiệu quả được đánh giá qua số lượt xem và số lượng người dùng mới thông qua Marketing truyền miệng. Tuy nhiên, chi phí Marketing chỉ đủ để giới thiệu, bản thân nội dung phải đủ hấp dẫn để lôi kéo người dùng mới, người dùng cũ tương tác nhiều hơn. Khởi nghiệp như Netflix thì cốt lõi không chỉ là công nghệ, mà còn là khả năng sáng tạo, lựa chọn nội dung. Hiểu được mô hình và quyết định yếu tố quan trọng trong mô hình kinh doanh sẽ giúp việc sử dụng tiền vốn đầu tư giai đoạn đầu hiệu quả hơn.

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Lý Ngọc Phương
* Nguồn: ProFin