Vietnam Brand Footprint 2023: Vinh danh Top 10 thương hiệu và chủ sở hữu thương hiệu FMCG được chọn mua nhiều nhất
Vào ngày 6/7 vừa qua, trong sự kiện “Dấu chân Thương hiệu Việt Nam 2023: Định hướng tương lai ngành hàng tiêu dùng nhanh”, Kantar Worldpanel đã công bố bảng xếp hạng hàng năm những thương hiệu được chọn mua nhiều nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Thành thị 4 thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ) và Nông thôn Việt Nam.
Đồng thời, các chuyên gia từ Worldpanel Việt Nam cũng chia sẻ những thông tin cập nhật mới nhất về thị trường và sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, làm sáng tỏ những thách thức và cơ hội của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong năm 2023.
Bảng xếp hạng sử dụng chỉ số Điểm tiếp cận người tiêu dùng (CRP: Consumer Reach Point) để đánh giá thành công của thương hiệu. Đây là thước đo số lượng hộ gia đình chọn mua một thương hiệu (tỷ lệ hộ mua) và mức độ thường xuyên mua (tần suất mua).
Công thức tính chỉ số CRP:
Population * Penetration * Consumer Choice
Trong đó:
- Population: Dân số của một quốc gia
- Penetration: % hộ gia đình mua sản phẩm của thương hiệu
- Consumer Choice: Số lần tương tác với thương hiệu theo ngành hàng trong năm
Dưới đây là bảng xếp hạng FMCG theo ngành hàng:
Top 10 thương hiệu Thực phẩm đóng gói được chọn mua nhiều nhất
Hảo Hảo và Nam Ngư đã xuất sắc duy trì vị trí số 1 trong danh sách Thương hiệu Thực phẩm được chọn nhiều nhất lần lượt ở Thành thị 4 thành phố (TP) chính và Nông thôn Việt Nam.
Bên cạnh đó, Masan giữ vững vị trí là chủ thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại khu vực Nông thôn, sở hữu nhiều thương hiệu đứng đầu trong bảng xếp hạng ngành hàng thực phẩm đóng gói.
Top 10 thương hiệu Đồ uống được chọn mua nhiều nhất
Năm 2022 đánh dấu một năm khởi sắc đối với ngành Đồ uống, đặc biệt là đối với ngành hàng Đồ uống giải khát.
Trong đóm, Coca-Cola dẫn đầu bảng xếp hạng, bảo vệ vị trí số 1 của mình trong khu vực thành thị 4 TP. Song, thương hiệu cũng đã tiến lên vị trí số 1 ở Nông thôn Việt Nam.
Top 10 thương hiệu Sữa & sản phẩm thay thế Sữa được chọn mua nhiều nhất
8 trong số 10 thương hiệu Sữa & sản phẩm thay thế Sữa ở Thành thị 4 TP vẫn giữ nguyên vị trí của năm ngoái. Trong phạm vi khảo sát, Vinamilk chính là thương hiệu được chọn mua nhiều nhất trong ngành Sữa và Sản phẩm thay thế sữa, với tỷ lệ hộ mua là gần 90%.
Ngoài ra, báo cáo còn chỉ ra sữa đặc có đường vẫn là sản phẩm thiết yếu của nhiều gia đình Việt Nam. Ngôi Sao Phương Nam và Ông Thọ liên tiếp 3 năm lọt Top 5 thương hiệu Sữa & Sản phẩm thay thế sữa được chọn mua nhiều nhất.
Top 10 thương hiệu Sức khỏe & Sắc đẹp được chọn mua nhiều nhất
Unilever củng cố vị thế áp đảo của mình trong lĩnh vực chăm sóc cá nhân và gia đình, với 6 trong số 10 thương hiệu đứng đầu bảng xếp hạng cả trong khu vực đô thị 4 TP và Nông thôn.
Bí quyết chính là liên tục đổi mới các dòng sản phẩm, giới thiệu các định dạng, mùi hương và kích cỡ gói mới cũng như tăng cường hiện diện trên tất cả các kênh bán lẻ quan trọng, đặc biệt là trực tuyến, để có thể phục vụ nhiều người tiêu dùng hơn và đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng ngày càng tinh tế hơn.
Top 10 thương hiệu Chăm sóc gia đình được chọn mua nhiều nhất
Top 3 thương hiệu Chăm sóc gia đình được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam tiếp tục được dẫn đầu bởi 3 thương hiệu thuộc sở hữu của Unilever: Sunlight, Omo và Comfort, mặc dù có CRP giảm nhẹ. Trong khi đó, thương hiệu bột giặt Net của Việt Nam là thương hiệu chăm sóc gia đình duy nhất ở Nông thôn tăng trưởng dương về CRP, tăng hai bậc để trở thành một lựa chọn ngày càng phổ biến cho người tiêu dùng trong thời kỳ giá cả tăng cao.
Ngoài ra, Hà Nội Silk là thương hiệu giấy ăn và giấy vệ sinh duy nhất nằm trong Top 5 thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại 4 TP lớn.
Top 5 chủ thương hiệu FMCG được lựa chọn nhiều nhất
Top 5 chủ thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất năm 2022 ở cả thành thị 4 TP và Nông thôn không thay đổi nhiều so với năm trước. Tuy vậy, nhìn chung, phần lớn chủ sở hữu thương hiệu hàng đầu đã trải qua sự sụt giảm CRP khi chuyển đổi từ giãn cách xã hội sang cuộc sống bình thường mới. Sự thay đổi này đi kèm với sự cạnh tranh gia tăng từ các thương hiệu nhỏ hơn và các lựa chọn chi phí thấp, trong thời điểm người tiêu dùng thắt chặt hầu bao.
Vinamilk và Masan bảo vệ thành công vị trí số 1 với tư cách là chủ sở hữu nhiều thương hiệu tiêu dùng được chọn mua nhiều nhất ở 4 TP và Nông thôn Việt Nam. Unilever tiếp tục thống trị mặt trận chăm sóc gia đình và chăm sóc cá nhân, giữ vững vị trí số 2 trong bảng xếp hạng 4 TP và Nông thôn của Việt Nam. Còn Suntory-PepsiCo là chủ thương hiệu duy nhất ở Thành thị 4 TP ghi nhận gia tăng điểm tiếp cận người tiêu dùng (CRP).
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc thu hút được sự lựa chọn của người tiêu dùng đòi hỏi các thương hiệu cần sử dụng một hoặc nhiều đòn bẩy tăng trưởng sau: Tăng hiện diện ở nhiều nơi hơn, trong nhiều ngành hàng hơn, ở nhiều phân khúc nhu cầu hơn cũng như đổi mới để thu hút nhiều người mua và đáp ứng nhiều nhu cầu tiêu dùng mới.
Xem đầy đủ báo cáo Vietnam Brand Footprint 2023 tại đây. Để xem bảng xếp hạng chi tiết của các ngành hàng, vui lòng truy cập www.kantar.com/brandfootprint.