adidas và Walmart đã thu hút khách hàng Gen Z như thế nào?
Đâu là phương thức hiệu quả để thu hút Gen Z – nhóm khách hàng có thói quen tiêu dùng và mua sắm khác biệt so với các thế hệ trước đó?
Theo kết quả nghiên cứu từ McKinsey, Gen Z đang chiếm 40% tổng người tiêu dùng trên toàn cầu. Trong khi đó, theo báo cáo từ The Influencer Marketing Factory, 97% Gen Z cho biết mạng xã hội đã góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm của họ. Theo một báo cáo khác từ Statista, 54% Gen Z đánh giá mạng xã hội là nền tảng giúp họ khám phá các sản phẩm mới tốt hơn so với hình thức tìm kiếm trực tuyến.
Qua những con số trên, có thể thấy Gen Z chính là thế hệ tiêu dùng tiềm năng với sức mua ngày càng lớn. Vì vậy, các thương hiệu lớn nhỏ trên toàn cầu đều nhận ra đây là nhóm đối tượng không thể nào làm ngơ.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng mà thương hiệu cần trả lời lúc này là làm thế nào để tiếp cận, thu hút và chuyển đổi Gen Z thành khách hàng? Đâu là phương thức hiệu quả nhất để thu hút nhóm đối tượng này, vốn là những người có thói quen tiêu dùng và mua sắm khác biệt so với những thế hệ trước đó? Trong khi có rất nhiều thương hiệu vẫn đang tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, một vài tên tuổi lớn như adidas và Walmart đã tìm ra đáp án sau khi tiến hành những chiến dịch truyền thông trong thời gian qua, giai đoạn có quá nhiều biến động liên quan đến thị trường, công nghệ và chuyển dịch văn hóa.
Bán trải nghiệm, không phải sản phẩm
Đối với Gen Z – thế hệ coi trọng những giá trị chân thực và tính cam kết – các thương hiệu sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai quy trình bán hàng tập trung vào sản phẩm (product-focused sales). Theo nhận định từ Fast Company, Gen Z rất cẩn trọng trong vấn đề trở thành mục tiêu bán hàng của các thương hiệu, cũng như chỉ dành ra một khoảng thời gian ngắn để đánh giá xem liệu đâu là những thứ xứng đáng với thời gian họ bỏ ra. Do vậy, các nhãn hàng nên tạo ra một câu chuyện thương hiệu mang tính nhập vai với một hành trình độc đáo, sản phẩm – dịch vụ mang tính cá nhân hóa để giúp khách hàng ghi nhớ thương hiệu tốt hơn, chứ không chỉ dừng lại ở chức năng của sản phẩm – dịch vụ.
Do đó, adidas đã giành lấy sự chú ý của Gen Z thông qua các loại tài sản điện tử như NFTs. Theo quan điểm của ông Rohan Handa, Senior Vice President for Business Development tại Horizen Labs Ventures, đối với nhiều thương hiệu và khách hàng, giá trị của NFTs không đến từ đặc điểm token không thể thay thế, mà đến từ những cộng đồng được tạo ra có liên quan đến loại tài sản điện tử này.
Ông Handa nói thêm, NFT đã tạo ra một không gian độc quyền có thể chia sẻ trải nghiệm cho những người có liên quan hoặc quan tâm đến Web 2.0, mạng xã hội và thị trường di động. Rõ ràng, hầu hết Gen Z đều coi trọng giá trị nhân dạng kỹ thuật số (digital identity), một đặc điểm rất khác biệt so với những thế hệ trước, chẳng hạn như Gen X – những người có thể không sở hữu bất kỳ tài khoản mạng xã hội nào.
Đó cũng là nguyên nhân adidas tiến hành chiến dịch truyền thông liên quan đến NFT trong năm 2021 với chủ đề “Into the Metaverse”. Chiến dịch này đã tạo ra 30.000 NFTs và đạt được doanh thu lên đến 22 triệu USD chỉ trong vài giờ đồng hồ. Cho đến năm 2023, hãng đã tiến hành giai đoạn thứ 3 và giai đoạn cuối của chiến dịch này, đồng thời bổ sung thêm vài tính năng như quyền truy cập độc quyền vào một số ưu đãi nhất định và tăng tính tương tác.
Trong khi đó, Walmart đã lập kế hoạch tạo trải nghiệm nhập vai cho tựa game ăn khách Roblox là Walmart Land và Walmart’s Universe of Play. Ông William White – Marketing Chief tại Walmart cho biết, đây là một chiến lược giúp gia tăng sự yêu thích thương hiệu đối với tệp khách hàng trẻ, đồng thời thúc đẩy sự liên quan của nhãn hàng trong những cuộc thảo luận mang tính văn hóa – xã hội.
Ông Handa bổ sung, Gen Z là thế hệ đầu tiên coi trọng nhân dạng kỹ thuật số và ưu tiên các trải nghiệm kỹ thuật số. Vì thế, những ảnh đại diện kỹ thuật số (digital avatar) được tạo bởi Ready Player Me (cross-game avatar có cách chơi khá tương đồng Fortnite và Roblox); các loại vé và hình thức bán hàng kèm mã thông báo (token-gated sales) trên nền tảng Ticketmaster; những NFTs có thể sưu tập như NBA top-shot là một số ví dụ phổ biến về các sản phẩm kỹ thuật số được phần lớn Gen Z ưa chuộng.
Nếu vẫn muốn bán hàng tập trung vào sản phẩm, hãy tập trung vào social commerce
Dựa trên kết quả báo cáo của Grand View Research, giá trị thị trường social commerce – một hình thức thương mại điện tử (e-commerce) kết hợp với mạng xã hội (social media), các cộng đồng trực tuyến và nội dung do người dùng tạo ra (user-generated content), ước tính sẽ đạt giá trị 6,2 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Sự xuất hiện và phát triển của social commerce được xem là một sự đổi mới bằng cách sử dụng mạng xã hội để tạo điều kiện mua bán sản phẩm – dịch vụ. Dù vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển, social commerce được dự đoán sẽ là một cuộc cách mạng hóa về cách người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.
Theo chia sẻ từ ông Roy Avidor, Co-Founder và CEO của Cymbio, điều quan trọng các thương hiệu cần làm ngay lúc này là lập chiến lược social commerce có khả năng thu hút và tăng mức độ ảnh hưởng đối với nhóm đối tượng trẻ tuổi – những người dành rất nhiều thời gian trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Bên cạnh đó, ông Avidor cũng khuyến khích các doanh nghiệp muốn thành công trong lĩnh vực social commerce nên đơn giản hóa các tùy chọn thanh toán, tập trung triển khai influencer marketing và omnichannel marketing.
Ngoài ra, trong bối cảnh lạm phát khiến chi phí hàng hóa tăng lên, các doanh nghiệp bán lẻ càng phải tập trung giữ chân tệp khách hàng có sẵn, do chi phí tiếp cận nhóm đối tượng mới có thể tăng lên đến 5 lần so với trước đây. Vì lẽ đó, social commerce là sự lựa chọn phù hợp nhất dành cho mọi nhãn hàng bán lẻ, dù với quy mô lớn hay nhỏ.
Thương hiệu cần giao tiếp với Gen Z một cách chân thực và minh bạch
Khi giao tiếp với các bạn trẻ thuộc Gen Z, những tương tác đến từ thương hiệu hoặc cá nhân được yêu thích đều cần sự chân thực và tính minh bạch. Theo ông Avi Pardo, Co-Founder và Chief Revenue Officer tại nền tảng giao tiếp dành cho doanh nghiệp LeapXpert, điều quan trọng đối với các bạn Gen Z là được nhìn thấy và thấu hiểu. Do đó, nếu thương hiệu khiến các bạn ấy cảm thấy bản thân chỉ là một con số thống kê trong hệ thống quản trị quan hệ khách hàng, họ sẽ ngừng tương tác với thương hiệu đó.
Ông Pardo nói thêm, các thương hiệu hàng đầu tương tác với Gen Z bằng cách mang lại những trải nghiệm mang tính cá nhân hóa. Không chỉ vậy, thay vì để các bạn ấy chủ động liên hệ qua hotline hoặc trang web công ty, các thương hiệu ưu tiên sử dụng các nền tảng mạng xã hội, các phần mềm nhắn tin (iMessage, WhatsApp, Telegram...) để phản hồi tin nhắn nhanh chóng và thuận tiện.
Đáng chú ý, việc trao đổi thông tin thông qua ứng dụng nhắn tin di động được xem là cơ hội lớn để thúc đẩy sự tương tác giữa thương hiệu và khách hàng. Theo kết quả báo cáo được thực hiện bởi Statista vào năm 2021, ước tính có khoảng 3,09 tỷ người dùng điện thoại giao tiếp bằng các phần mềm nhắn tin. Một báo cáo khác từ Klaviyo cho biết, phần lớn khách hàng khẳng định tin nhắn là hình thức giao tiếp hàng đầu trên các nền tảng di động, đồng thời họ cũng cảm thấy an toàn hơn khi trao đổi với nhãn hàng thông qua tin nhắn.
Quay trở lại với adidas, kể từ năm 2015, họ đã sử dụng WhatsApp để tương tác và kết nối với các bạn trẻ thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau trên toàn cầu, đồng thời xây dựng thêm các cộng đồng tại từng quốc gia. Thông qua WhatsApp, thương hiệu sportswear này đã thực hiện một vài chiến dịch cho phép tương tác trực tiếp với khách hàng. Theo chia sẻ của bà Laura Coveney, Managing Editor tại adidas, nhờ vào chiến lược trên, họ đã xây dựng mối quan hệ tốt hơn đối với nhóm khách hàng trẻ tuổi, cũng như mang lại cảm giác thân thuộc hơn, không chỉ là một giao dịch giữa người mua và người bán.
Tương tự, Walmart gần đây đã triển khai chiến dịch mobile marketing với tên gọi “Text-to-Shop”, với mục tiêu giúp khách hàng mua hàng thuận tiện và nhanh chóng hơn mà không cần phải truy cập vào ứng dụng hoặc trang web. Cụ thể hơn, chỉ cần có tài khoản Walmart, khách hàng có thể xem và tìm kiếm sản phẩm, thêm vào giỏ hàng, xem các mục đề xuất và tiến hành thanh toán thông qua tin nhắn. Được biết, tài khoản Walmart có liên kết với thông tin thanh toán và địa điểm của khách hàng, vậy nên quá trình mua sắm và nhận hàng thông qua “Text-to-Shop” rất nhanh chóng và tiện lợi.
Công tác tuyển dụng là một công cụ thu hút Gen Z
Tính đến năm 2030, Gen Z được dự đoán chiếm 1/3 lực lượng lao động, vậy nên các doanh nghiệp có một quãng thời gian khá dài để chủ động tìm kiếm và thu hút những nhân sự trẻ tiềm năng. Khi so sánh với các thế hệ trước, các công ty cần phải sử dụng những chiến lược khác biệt và độc đáo để tuyển dụng và giữ chân các nhân tài Gen Z.
Theo quan điểm của ông Benjy Gillman, Co-Founder và Head of Innovation & Strategy tại nền tảng chia sẻ trải nghiệm của ứng viên myInterview, Gen Z là thế hệ có thể trải nghiệm mọi thứ nhanh chóng. Các bạn ấy có thể đặt taxi, tìm bạn hẹn, đặt phòng khách sạn chỉ trong vài phút với chiếc điện thoại thông minh. Chính vì thế, quy trình ứng tuyển dành cho nhóm đối tượng này cũng nên nhanh chóng và có tính tương tác cao.
Ông Gillman bổ sung, chính vì thế, các thương hiệu đình đám như adidas và Walmart đã triển khai quy trình ưu tiên ứng tuyển trên các ứng dụng di động, chẳng hạn như gọi video call. Điều này không chỉ giúp quá trình ứng tuyển có tính tương tác cao hơn, mà còn khiến hành trình tìm việc của ứng viên dễ dàng hơn và mang tính cá nhân hóa. Hơn nữa, trong bối cảnh nhân tài khan hiếm, các doanh nghiệp nên tiếp cận và thông báo kết quả nhanh chóng, thay vì chờ đợi sau một tuần mới phản hồi kết quả như từ trước đến giờ.
Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Fast Company