Snapshot – MBA Talk #53: Kinh nghiệm về quản trị dòng tiền từ 3 chuyên gia Tài chính

Snapshot – MBA Talk #53: Kinh nghiệm về quản trị dòng tiền từ 3 chuyên gia Tài chính

Vừa qua, học viên PSO MBA tại Viện ISB đã có cơ hội học hỏi cùng 3 chuyên gia giàu kinh nghiệm về lĩnh vực Tài chính, để có được những góc nhìn sâu sắc về tầm quan trọng của tiền và dòng tiền trong doanh nghiệp, đồng thời học hỏi những phương pháp để quản trị dòng tiền hiệu quả.

Hội thảo với sự tham dự của đông đảo các bạn học viên PSO MBA, cùng các vị chuyên gia trong lĩnh vực:

  • PGS. TS Đoàn Anh Tuấn – Giảng viên ISB
  • Chị Nguyễn Thị Mai – Corporate Finance Controller for BAT, East Asia Cluster, British American Tobacco
  • Chị Trần Lê Na – Chief Financial Officer, MiTek Vietnam

3 diễn giả cùng học viên PSO MBA thảo luận sôi nổi về kinh nghiệm quản lý tiền và dòng tiền.

Vai trò của tiền và dòng tiền trong doanh nghiệp

Mở đầu buổi hội thảo, PGS. TS Đoàn Anh Tuấn đã tóm tắt sơ lược những kiến thức về tài chính như các yếu tố xoay quanh việc quản lý dòng tiền, quá trình dự báo dòng tiền, cách cải thiện dự báo dòng tiền, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các chỉ số tài chính trong sự sống còn của doanh nghiệp.

Trong phần chia sẻ của mình, thầy Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của tiền và quản lý dòng tiền. Trong đó, việc quản lý dòng tiền hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn, xác định thời điểm khó khăn về dòng tiền và tìm ra giải pháp thích hợp. Bên cạnh đó, quản lý dòng tiền cũng giúp doanh nghiệp định giá chính xác hơn trong trường hợp cần mở rộng quy mô.

Thầy Đoàn Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của tiền và dòng tiền tại hội thảo MBA Talk #53.

Để đào sâu khai thác các khía cạnh của tiền và dòng tiền, hãy cùng lắng nghe những câu chuyện từ 2 chuyên gia Tài chính tại hội thảo MBA Talk #53!

Tiền mặt quan trọng như thế nào?

Đồng tình với thầy Đoàn Anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Mai – công tác tại vị trí Audit của British American Tobacco (BAT)– cũng đề cao vai trò của tiền mặt trong những hoạt động của doanh nghiệp.

Lý do cơ bản nhất, tiền mặt liên quan đến sự tồn tại của cá nhân, công ty, gia đình. Không có tiền mặt đồng nghĩa với việc không có khả năng chi tiêu cho mọi thứ cần thiết. Chúng ta có thể nhận thấy rõ điều này trong giai đoạn COVID-19 hoành hành. Đó là lúc nhiều người lao động rơi vào tình trạng mất việc và không thể chi tiêu cho những nhu cầu cơ bản. Cũng trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp không đủ tiền mặt để duy trì hoạt động kinh doanh và theo đuổi nhiều cơ hội mới, dẫn đến tình trạng phá sản.

Ngoài ra, chị Mai cũng đánh giá tiền mặt như một nền tảng giúp doanh nghiệp sẵn sàng nắm bắt cơ hội. Nhiều doanh nghiệp có thể thấy được cơ hội, nhưng không thể nắm bắt nó do sự thiếu hụt về tiền mặt. Lượng tiền sẵn có sẽ giúp công ty phát triển việc đầu tư và phát triển tài sản.

Bên cạnh đó, tiền được ví như ngôn ngữ chung. Trong khi mỗi quốc gia có một ngôn ngữ, một không gian địa lý, nền văn hóa khác nhau, nhưng khi bàn về tài chính, chúng ta sẽ đều dựa vào đơn vị tiền tệ.

Chị Mai nhấn mạnh vai trò của tiền mặt trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Không chỉ cung cấp kiến thức, chị Mai còn dẫn chứng các ví dụ thực tiễn về xây dựng và phát triển thành công nhờ doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn tiền mặt.

Năm 2008, thị trường Việt Nam đón nhận một cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc kinh doanh và đứng trước bờ vực phá sản. Trong khi đó, các tập đoàn bất động sản lớn tại Việt Nam, nhờ lợi thế tiền mặt, đã mua lại những doanh nghiệp nhỏ. Sau cuộc khủng hoảng, những doanh nghiệp lớn mạnh tiếp tục tăng trưởng vượt bậc.

“Khủng hoảng là cơ hội để phát triển” – Corporate Finance Controller của BAT nhấn mạnh. Thật vậy, giai đoạn đại dịch COVID-19 đã gây nên những sự hao hụt đáng kể cho nhiều ngành công nghiệp, tuy nhiên lại tạo ra nhiều cơ hội cho một số ngành công nghiệp mới nổi, điển hình là mua sắm trực tuyến, vận tải... Từ đại dịch, nhiều lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ số trở thành xu hướng, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu giảm sức hút.

Sau khi dẫn chứng về “sức mạnh” của tiền mặt, chị Mai đưa ra nhận định: “Nếu tiền mặt là vua, dòng tiền chính là nữ hoàng”. Như vậy, dòng tiền đóng vai trò như thế nào?

Dòng tiền và bài học từ Chief Financial Officer, MiTek Vietnam

Với 25 năm làm việc trong lĩnh vực Tài chính, chị Trần Lê Na – Chief Financial Officer, MiTek Vietnam – nhận thấy được tầm quan trọng của quản lý dòng tiền. Tuy nhiên, chị Lê Na cũng nhấn mạnh chỉ có khoảng 30% lý thuyết được áp dụng trong quá trình quản lý dòng tiền. Đó là động lực khiến chị đến với MBA Talk #53 và chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế mà chị đã “gặt hái”.

Dự báo dòng tiền trong mỗi tuần

Trên lý thuyết, doanh nghiệp có thể thực hiện dự báo dòng tiền hàng tháng/ hàng năm. Tuy nhiên trong thực tế, chị Lê Na cho rằng công việc này cần được tiến hành mỗi tuần.

Bảng báo cáo dòng tiền được chị Lê Na giới thiệu đến học viên PSO MBA và khán giả.

Dựa vào bảng trên, có thể thấy khoảng thời gian quản lý dòng tiền được kết hợp giữa tuần, tháng và quý. Chị Lê Na cho rằng cách đo lường này sẽ giúp doanh nghiệp nhìn nhận được sự thay đổi của dòng tiền theo từng tuần, từng tháng, từng quý, đồng thời giúp tổ chức dự đoán con số cho dòng tiền trong tương lai với độ chính xác cao hơn.

Giải pháp cho sự thiếu hụt dòng tiền vào cuối tháng

Thông thường, doanh nghiệp sẽ tập trung thanh toán khoản phải trả và thu khoản phải thu trong cùng một khoảng thời gian – ngày cuối cùng của tháng. Trong trường hợp thiếu hụt dòng tiền vào cuối tháng, doanh nghiệp có thể thực hiện chiến lược thương lượng. Ví dụ, nhà cung cấp, tổ chức có thể chọn thương lượng dời hạn thanh toán trễ một ngày; khách hàng, tổ chức có thể cân nhắc thương lượng thanh toán sớm hơn một ngày.

“Chỉ một ngày cũng đủ để tạo nên sự khác biệt, đặc biệt là với những công ty có cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán” – chị Lê Na nhấn mạnh. Để thành công trong việc thương lượng này, doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, linh hoạt hỗ trợ những yêu cầu của đối tác và khách hàng.

Chị Lê Na chia sẻ nhiều kiến thức thực tiễn tại hội thảo MBA Talk #53.

Dự báo ngân sách vốn

Đối với dự án ngân sách vốn, chị Lê Na đề xuất xây dựng một kế hoạch theo năm dựa trên các yếu tố đo lường như: NPV (Net Present Value – Giá trị hiện tại ròng) là giá trị của các dòng tiền dự kiến, được chiết khấu cho đến hiện tại; IRR (Internal Rate of Return – Tỷ suất sinh lợi nội bộ) là chỉ số thể hiện tỷ lệ lợi nhuận hàng năm dự kiến sẽ thu được từ một dự án hay khoản đầu tư; PP (Payback Period – Thời gian hoàn vốn) là khoảng thời gian cần thiết để dự án tạo ra dòng tiền thuần bằng chính số vốn đầu tư ban đầu.

Bảng kế hoạch năm được đề xuất bởi chị Trần Lê Na tại hội thảo.

Tuy nhiên, theo chị Lê Na, việc cân nhắc yếu tố nào cần dựa trên tình hình thực tế của doanh nghiệp, về môi trường kinh doanh, về khách hàng... để đảm bảo dự báo này là có sức thuyết phục, hợp lý.

Phân tích dựa trên 3 kịch bản

Khi thực hiện việc lập kế hoạch nguồn vốn trên thực tế, doanh nghiệp cần xây dựng 3 kịch bản. Kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất – đây cũng là kịch bản doanh nghiệp cần chú trọng nhất. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất – đây là trường hợp doanh thu và lợi nhuận thấp trong khi chi phí cao. Ngoài ra, đối với kịch bản tốt nhất, doanh nghiệp cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, con người, kiến thức và kinh nghiệm để hỗ trợ tốt nhất cho mức tăng trưởng cao.

Tổng kết

Hội thảo MBA Talk #53 đã cung cấp những góc nhìn mới mẻ và thực tế trong việc quản lý dòng tiền, cụ thể là tầm quan trọng và cách đối mặt với những vấn đề nảy sinh xoay quanh việc quản lý dòng tiền. Qua đó, các diễn giả đã giúp học viên và khán giả trang bị những kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề khi gặp tình huống tương tự trong tương lai.

MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization). 

Xem thêm các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney tại đây.