Đón đầu làn sóng truyền thông bán lẻ với báo cáo khảo sát thị trường Đông Nam Á của IAB và Carousell
Truyền thông bán lẻ (Retail Media) đang ngày một bành trướng và để bắt kịp xu hướng này, Hiệp hội Quảng cáo Kỹ thuật số Hoa Kỳ IAB và Tập đoàn Truyền thông Carousell đã hợp tác để tạo ra bản báo cáo “Truyền thông bán lẻ: Làn sóng lớn của quảng cáo kỹ thuật số”, khảo sát sự phát triển của nó tại Việt Nam, Malaysia, Indonesia và các khu vực Đông Nam Á khác.
Trong bài viết này, TenMax sẽ giúp bạn đọc chỉ ra những lợi thế của truyền thông bán lẻ và rút ra bốn điểm mấu chốt của báo cáo này.
I. Truyền thông bán lẻ (RMN) là gì? Lợi thế phát triển của Đông Nam Á?
Mạng lưới truyền thông bán lẻ (Retail Media Network, hay viết tắt là RMN) sở hữu một lượng lớn dữ liệu giao dịch của khách hàng. Đây là mảng quảng cáo kỹ thuật số mà nhiều nhà bán lẻ đang tập trung phát triển trước việc phải đối mặt với third-party tracking. Theo “Báo cáo Chi tiêu Quảng cáo Toàn cầu năm 2023” của Hiệp hội quảng cáo kỹ thuật số Hoa Kỳ (IAB), trong tình cảnh suy thoái kinh tế, truyền thông bán lẻ vẫn là một ngôi sao đang lên trong thị trường quảng cáo, phát triển nhanh nhất trong ngành kinh doanh quảng cáo toàn cầu, đồng thời thu hút đầu tư từ những ông lớn như Amazon, Walmart, Carrefour và các công ty quốc tế nổi tiếng khác.
Vậy truyền thông bán lẻ còn có lợi thế gì khiến nhiều công ty đổ xô vào đầu tư? Nó không chỉ cho phép nhà quảng cáo nhắm mục tiêu phân phối chính xác hơn dựa trên dữ liệu bên thứ nhất của nhà bán lẻ (ví dụ: đối tượng tùy chỉnh, tiếp thị lại...) mà còn cho phép nhà quảng cáo điều chỉnh chiến lược quảng cáo kịp thời và kiểm tra độ ảnh hưởng của quảng cáo đối với hiệu quả kinh doanh, còn gọi là phân bổ khép kín. Những lợi thế này giúp các thương hiệu hoạch định chiến lược quảng cáo và kiểm tra hiệu quả dễ dàng hơn. Vì vậy đã có nhiều thương hiệu kết hợp truyền thông bán lẻ vào kế hoạch tiếp thị của họ trong những năm gần đây.
Truyền thông bán lẻ là một xu hướng tiếp thị hấp dẫn đối với các thương hiệu có ý định mở rộng sang thị trường Đông Nam Á với 460 triệu người dùng Internet, được ước tính là sẽ chiếm gần 20% tổng chi tiêu quảng cáo trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 60% vào năm 2027. Thời điểm hiện tại chính là cơ hội hiếm có để nắm bắt được thị trường mới này!
Nhiều thương hiệu truyền thông bán lẻ ở Đông Nam Á như Grab, Lazada, Shopee, Tokopedia, Alibaba đều là các siêu ứng dụng hoặc nền tảng thương mại điện tử. Hầu hết mọi người ở Đông Nam Á sử dụng các thiết bị di động như điện thoại di động để truy cập Internet, do đó các ứng dụng có nhiều người dùng tích cực có thể thu thập nhiều dữ liệu hơn và cũng là một trong những lựa chọn đầu tư hàng đầu cho các công ty quốc tế.
II. Bốn điểm mấu chốt của xu hướng truyền thông bán lẻ tại Đông Nam Á: 99% người tham gia khảo sát sẽ tăng chi tiêu cho quảng cáo
Báo cáo này nhằm vào 2.000 đối tượng ở Việt Nam, Malaysia, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác và được thực hiện vào cuối năm 2022. Báo cáo khảo sát các công ty và thương hiệu địa phương, khoản đầu tư hiện tại của họ vào thị trường quảng cáo truyền thông bán lẻ và kế hoạch tiếp thị cho lĩnh vực này trong tương lai. TenMax đã tổng hợp bốn điểm chính của báo cáo như sau:
1. 90% số người tham gia khảo sát đồng ý rằng vấn đề đo lường hiệu quả là một thách thức đối với quảng cáo kỹ thuật số
Trong năm 2023, trước thực trạng suy thoái kinh tế, báo cáo này chỉ ra những thách thức mà quảng cáo kỹ thuật số phải đối mặt mà nhiều thương hiệu và công ty ở Đông Nam Á đang quan tâm. Theo biểu đồ dưới đây, vấn đề mà các công ty cho là khó giải quyết nhất là “các phương pháp đo lường hiệu quả tiếp thị một cách chính xác”, chiếm 91%. Xếp thứ hai là “khả năng tối ưu hóa hoạt động tiếp thị đa kênh” với 67%, các thương hiệu Đông Nam Á lo ngại về việc khó nắm bắt được bố cục và nâng cao hiệu quả quảng cáo với các chiến lược tiếp thị kỹ thuật số đa dạng và phức tạp. Tiếp sau đó là 61% số người được hỏi cho rằng “loại bỏ third-party tracking” là một thách thức quan trọng trong thị trường quảng cáo. Nhiều công ty Đông Nam Á rõ ràng vẫn đang trên đường tìm kiếm các giải pháp thay thế trong kỷ nguyên cookie-less.
2. Truyền thông bán lẻ trở thành xu hướng hàng đầu thu hút đầu tư từ 60% các nhà tiếp thị
Vậy phương tiện truyền thông bán lẻ phổ biến đến mức nào? Theo khảo sát của báo cáo, đến năm 2022, 62% công ty Đông Nam Á đã kết hợp phương tiện truyền thông bán lẻ vào chiến lược tiếp thị của họ. Dù có hơn một nửa số người được hỏi hiện đang đầu tư vào truyền thông bán lẻ ít hơn 5% tổng ngân sách quảng cáo, 33% cho biết họ đã đầu tư từ 5-14% chiếm khoảng một phần ba, cho thấy triển vọng phát triển trong tương lai của quảng cáo truyền thông bán lẻ ở Đông Nam Á.
3. Hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ dự kiến sẽ kết hợp phương tiện truyền thông bán lẻ vào chiến lược tiếp thị của mình
Nếu bạn là một nhà tiếp thị thương hiệu muốn mở rộng phạm vi kinh doanh ra khu vực Đông Nam Á, có nên sử dụng phương tiện bán lẻ như một trong những chiến lược tiếp thị của mình? Theo báo cáo này của IAB và Carousell Media Group, 44% số người tham gia khảo sát nói rằng họ sẽ sử dụng dữ liệu truyền thông bán lẻ hoặc các dịch vụ truyền thông liên quan bất kể là bán hàng trên nền tảng nào. 19% khác cho biết họ sẽ chỉ xem xét đầu tư vào quảng cáo truyền thông bán lẻ trên các nền tảng có bán sản phẩm của họ. Nhìn chung, 63% công ty Đông Nam Á đều đồng ý về tầm quan trọng của phương tiện bán lẻ và 87% nhà tiếp thị đang tích cực lên kế hoạch sử dụng quảng cáo RMN như một phần trong chiến lược tiếp thị kỹ thuật số trong năm tới.
4. Quảng cáo nghe nhìn trở thành định dạng quảng cáo được mong đợi nhất trên phương tiện truyền thông bán lẻ
Truyền thông bán lẻ có thể tận dụng nhiều định dạng và bố cục quảng cáo dựa trên nhu cầu của khách hàng và sự phát triển của công nghệ, kết nối người tiêu dùng với thương hiệu và sản phẩm ở các giai đoạn khác nhau trong hành trình của họ. Báo cáo này cũng khảo sát các nhà tiếp thị Đông Nam Á về hiện trạng và kế hoạch tương lai cho các định dạng quảng cáo trên phương tiện truyền thông bán lẻ.
Trong số các quảng cáo tìm kiếm, hiển thị, sản phẩm, lập trình và nghe nhìn, hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát hiện đang đầu tư vào truyền thông bán lẻ cho biết họ lựa chọn quảng cáo tìm kiếm (search ad), hiển thị (display ad) và đề xuất sản phẩm (recommended ad) trong nền tảng.
Tuy nhiên, với các kế hoạch tiếp thị trong tương lai, tỷ lệ số người muốn đầu tư vào quảng cáo tìm kiếm và hiển thị lại giảm xuống, trong khi quảng cáo có lập trình và quảng cáo nghe nhìn là mảng mới nổi có tiềm năng phát triển lớn. Có đến 78% số người được hỏi cho biết họ dự kiến sẽ đầu tư vào quảng cáo có lập trình trên phương tiện truyền thông bán lẻ trong tương lai và 56% khác bày tỏ sự tin tưởng vào sự phát triển của phương tiện bán lẻ và quảng cáo nghe nhìn.
Sau khi xem qua báo cáo khảo sát mới nhất về truyền thông bán lẻ ở Đông Nam Á năm 2023, TenMax hi vọng bạn đọc đã trở nên quen thuộc với sự phân bổ đầu tư cho quảng cáo kỹ thuật số của các thương hiệu ở khu vực này, đồng thời hiểu thêm về cơ hội kinh doanh tiềm năng của phương tiện truyền thông bán lẻ và triển khai tiếp thị kỹ thuật số. Hãy đón đọc ngay những bài viết sắp tới của TenMax để nắm bắt các xu hướng quảng cáo và tiếp thị kỹ thuật số mới nhất tại Việt Nam, Malaysia, Indonesia và các khu vực Đông Nam Á khác nhé!
* Nguồn: TenMax (Tổng hợp)