Gen Z làm mẹ, nhãn hàng không thể chỉ chạy TVC!
Sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của mảng cộng đồng (community) đã giúp những người làm marketing có thêm không gian để tương tác với đối tượng mục tiêu. Nhãn hàng có thêm nhiều “điểm chạm” với người tiêu dùng. Đặc biệt với người tiêu dùng thế hệ mới, việc tương tác đa kênh là điều vô cùng cần thiết.
Công nghệ và mạng xã hội khiến hành vi tiếp cận thông tin nhãn hàng của người tiêu dùng có xu hướng dịch chuyển qua nhiều nền tảng khác nhau. Khách hàng thời đại mới chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin, có bộ lọc rõ ràng, thích tìm đến cộng đồng những người có chung sở thích hay mối quan tâm để thảo luận và tham khảo đánh giá sản phẩm. Nhất là trong ngành hàng đặc trưng như Mẹ & Bé, nhu cầu bàn luận và tham khảo thông tin này rất lớn. Hãy cùng bàn luận sâu hơn về việc làm marketing trong những hội nhóm, cộng đồng cùng anh Khải - Community & Booking Manager của Markus Agency và anh Quang - Brand Manager của một nhãn hàng tã trẻ em có tiếng trên thị trường.
1. Xin chào và cảm ơn hai anh đã đến với buổi trò chuyện ngày hôm nay. Chúng ta hãy bắt đầu bằng một câu hỏi về bức tranh toàn cảnh của mảng cộng đồng nhé.
Theo đánh giá chung, khách hàng ngày nay có xu hướng tin vào đánh giá sản phẩm từ những người có sức ảnh hưởng, người quen hay thậm chí những thảo luận trên mạng hơn là thông tin do nhãn hàng cung cấp. Là một người làm trong ngành truyền thông tiếp thị, các anh đánh giá điều đó ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta quảng bá sản phẩm?
A.Quang:
Có hai điểm thay đổi chính tôi muốn đề cập từ xu hướng này. Một là, trước đây người tiêu dùng nghe thông tin từ phía thương hiệu nhiều hơn, thương hiệu dễ tiếp cận và thuyết phục người tiêu dùng thông qua TVC, MV, viral clip hoặc các sản phẩm trên nền tảng số. Nhưng giờ họ không quá bị thuyết phục bởi các sản phẩm truyền thông từ thương hiệu mà có xu hướng học hỏi, khám phá thông tin từ cộng đồng (những người khác đã dùng sản phẩm) nhiều hơn. Lý do đó sẽ dẫn đến điểm thay đổi thứ hai: từ phía thương hiệu cũng sẽ tối giản hơn trong việc đầu tư cho TVC hoặc hero clip của chiến dịch, chỉ cần đảm bảo có chất liệu để phủ sóng rộng rãi và tăng nhận diện. Chúng tôi phân bổ lại ngân sách và nguồn lực cho phù hợp để đảm bảo phủ đủ lượng và chất ở các điểm chạm với người tiêu dùng.
Từ góc độ nhãn hàng thì việc làm cộng đồng chủ yếu là để tăng nhận diện, tạo tương tác và duy trì mối quan hệ với người tiêu dùng chứ không đặt nặng quá về doanh số.
A.Khải:
Về phía Markus, khi bắt đầu bất kỳ chiến dịch hay nghiên cứu một thị trường nào, chúng tôi đều bắt đầu bằng việc phân tích khách hàng mục tiêu, xem hành vi mua hàng và hành trình trải nghiệm khách hàng (customer journey - CJ) như thế nào. Việc nghiên cứu và triển khai các hoạt động marketing trong cộng đồng cũng bắt đầu từ đó.
Vài năm gần đây các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh, các cộng đồng cũng đồng thời được sinh ra rất nhiều. Đó là nơi đáp ứng nhu cầu giao tiếp, trao đổi xã hội không thể tránh khỏi của người tiêu dùng. Mỗi cộng đồng sinh ra để tập trung đáp ứng một hoặc vài chủ đề sở thích, mối quan tâm, nhu cầu nhất định của một nhóm người dùng, ví dụ: hội mẹ bỉm sữa, cộng đồng giải trí, nhóm học tập, nhóm mua bán đồ công nghệ,... Có nhiều bên xây hẳn hệ thống các hội nhóm với các chủ đề khác nhau để thu hút nhiều nhóm người dùng.
Trong cộng đồng có thông tin đa chiều từ admin, từ những thành viên chia sẻ với nhau, bao gồm cả thông tin tiêu cực và tích cực, có phân tích, trải nghiệm nên dễ tạo được lòng tin và góc nhìn đa chiều cho các thành viên trong cộng đồng đó. Người dùng hiện nay ít nhiều chán ghét việc bị quảng cáo một chiều từ các nhãn hàng (TVC, Facebook ads, thông tin từ fanpage của hãng,...). Đây cũng là nơi giúp nhiều người trở nên nổi tiếng hơn trong một lĩnh vực nào đó thông qua các chia sẻ có giá trị và được các thành viên khác đón nhận.
Có thể liệt kê một vài nền tảng cộng đồng hoạt động mạnh ở thời điểm hiện tại:
- Facebook Group: Đa dạng chủ đề, có số lượng đông đảo nhất trong các nền tảng hiện tại, có cải thiện rất nhiều tính năng và thường đề xuất “Group cho người dùng".
- Telegram, Zalo: Thường là các nhóm về game, tiền số, chứng khoán, khoá học,...
- Forum: Ít hội nhóm hơn, tuy nhiên vẫn là kênh mạnh với một số ngành nghề và nhóm đối tượng, ví dụ otofun, tinhte,... thiên về các chủ đề công nghệ, bất động sản, ô tô cho nhóm nam 30-60 tuổi.
Các cộng đồng ảnh hưởng nhiều đến việc hành vi mua hàng của người tiêu dùng, là một điểm chạm rất quan trọng trong hành trình khách hàng. Bản thân người tiêu dùng không có đủ tiền bạc, thời gian hay sự kiên nhẫn để thử hết các sản phẩm, nhưng họ lại muốn biết hết về các sản phẩm. Nhất là khi ở Việt Nam hàng giả hàng nhái rất nhiều, thì cộng đồng chính là một kênh cho họ chọn lọc thông tin từ trải nghiệm của các thành viên trong chính cộng đồng đó. Nếu người tiêu dùng thấy đó là một reviewer mà họ tin tưởng thì họ sẽ nhanh chóng quyết định mua hàng hơn.
Đứng từ phía nhãn hàng và các marketer thì đây chính là kênh tiếp cận người tiêu dùng rất tốt. Tuy nhiên, cần nghiên cứu về khách hàng và sản phẩm của từng ngành hàng sao cho phù hợp.
2. Một câu hỏi dành riêng cho Markus: Đứng trước đề bài làm cộng đồng cho các nhãn hàng nói chung, quy trình thực thi của Markus như thế nào?
A.Khải:
Markus luôn luôn đi từ gốc rễ, nền tảng cơ bản. Tôi có thể ví dụ quy trình bằng bảng như sau:
3. Ngành hàng “bỉm sữa” là một ngành rất đặc thù so với những ngành khác. Điều đó có ảnh hưởng gì trong việc xây dựng và phát triển các hoạt động marketing trong cộng đồng?
A.Khải:
Chắc chắn phải nhắc đến sự thật ngầm hiểu (insight) và hành vi (behaviour) của ngành này rồi. Ngành nào cũng có đặc thù riêng, nên với bất kỳ sản phẩm truyền thông nào, điều đầu tiên là bước nghiên cứu, từ đó ta mới có chiến lược rõ để tiếp cận ĐÚNG - ĐỦ - HIỆU QUẢ.
Với sản phẩm tã bỉm, khách hàng mục tiêu (target audience - TA) cũng được phân thành các nhóm riêng biệt và tương ứng là các cộng đồng liên quan.
Tôi xin ví dụ về cách phân loại đối tượng mục tiêu khi chúng tôi làm cho một nhãn hàng bỉm:
1. Nhóm chưa sử dụng và biết đến các nhãn bỉm
Nhóm này phù hợp để nhãn hàng tiếp cận, tăng nhận diện để trở thành top of mind. Ví dụ: các hội mẹ bầu, hội review các bệnh viện phụ sản,... Qua nghiên cứu ta cũng biết được một số tháng trong năm sẽ là mùa sinh, số lượng em bé chào đời nhiều hơn các tháng khác, từ đó tính toán được thời gian truyền thông.
2. Nhóm hoạt động theo độ tuổi hoặc các giai đoạn phát triển của con
Nhóm này phù hợp để nhãn hàng tạo nhận diện và đề xuất thay đổi sản phẩm sử dụng (dùng thử bỉm mới):
- Nhóm các mẹ có con từ 0-6 tháng: Các bé giai đoạn sơ sinh, lẫy lật và thường dùng tã dán. Do đó, nhu cầu của các mẹ là mềm, mỏng, không gây lằn, không gây hăm đỏ dị ứng,...
- Nhóm các mẹ có con từ 6 tháng - 2 tuổi: Các bé giai đoạn ngồi, bò, đứng, đi, hoạt động nhiều nên thường dùng tã quần để tránh xô lệch và tuột bỉm. Vì vậy, ngoài các tính năng cơ bản, các mẹ còn quan tâm đến giá thành sản phẩm, theo mùa thời tiết nóng lạnh, theo ảnh hưởng trải nghiệm của những người xung quanh ngoài đời cũng như trên môi trường mạng xã hội.
Một số hội nhóm tham khảo: Hội săn trâu vàng, Hội mèo vàng, Hội review bỉm cho bé,...
3. Nhóm theo vị trí địa lý, các phương pháp nuôi con, tâm sự
Nhóm này phù hợp để nhãn hàng tạo nhận diện và đề xuất thay đổi sản phẩm sử dụng. Một số hội nhóm tham khảo: Hội mẹ bỉm sữa Hải Phòng, Mẹ thông thái nuôi con khoa học, Phương pháp ăn dặm, easy, Tâm sự làm mẹ.
Ngoài ra, để có được chiến lược tốt, ta còn cần thêm các thông tin về nội dung và số liệu:
- Từ phía nhãn hàng: Thông tin về Sản phẩm/Thương hiệu - Định vị - Thông điệp - USP (Unique Selling Point) - RTB (Reason to believe) - Keywords - Mục tiêu (SOV (share of voice), Sentiment theo từng giai đoạn).
- Từ việc nghiên cứu người dùng: Người dùng đang đánh giá, nhớ đến, thảo luận về sản phẩm của nhãn hàng đó và các đối thủ như thế nào (tính năng, cảm xúc tích cực/tiêu cực, SOV).
- Từ các cộng đồng mẹ và bé đang có sẵn: Mỗi nhóm cộng đồng cần đánh giá được về nội dung (chủ đề, ngôn từ..), tần suất, lượng tương tác, đối tượng thành viên. Với CJ của các mẹ bỉm thì Facebook Group (các cộng đồng chia sẻ thông tin về bỉm, sữa, con cái,...) là điểm chạm rất nổi bật của các TA trong hành trình tiếp cận sản phẩm "Chọn - Mua - Sử dụng - Loại bỏ/Thay thế".
Từ đây, ta sẽ có được thông tin: Định vị, thông điệp, keyword từ phía nhãn hàng có khớp với đánh giá từ phía người tiêu dùng hay không? Qua đó, đề xuất được phương án triển khai nội dung với nhóm đối tượng mục tiêu và nhóm cộng đồng theo hướng Content Direction - Pillar - Angle - Format.
Chúng tôi phải trực tiếp tham gia vào các hội nhóm đó để kiểm tra: Trong vòng ba tháng trở lại, mỗi hội nhóm có performance thế nào? Các post đi theo angle nào? Các angle chiếm bao nhiêu phần trăm? Người dùng trong nhóm quan tâm những gì? Họ có mua bán hàng không? Từ những thông tin đó mới đưa ra đánh giá nhóm này có ổn không.
Những quản trị viên của các hội nhóm cộng đồng không khác gì quản trị booking, đôi khi kiểm duyệt rất gắt gao. Cứ nhắc đến tên nhãn hàng khác là khoá nick ngay. Với những hội nhóm “dễ thở" hơn, Markus có thể suggest khách hàng đi bài không booking, sẽ tối ưu chi phí cho khách nhất.
Chúng tôi tìm ra bộ từ khoá chính và bổ trợ phù hợp với từng mục tiêu (Ví dụ: từ khoá chính là GIÁ TỐT, tuy nhiên khi dùng theo ngôn ngữ của các mẹ có thể chuyển thể thành: giá mềm, hợp lý, rẻ, không đắt, một tháng hết có 300k...). Với các câu hỏi, thông tin tiêu cực, không đúng sự thật, chúng tôi đề ra Guideline Q&A (Question & Answer) phản hồi.
Cũng có khi nhãn hàng lâm vào tình huống có một mẹ lên bài chê rồi nhiều mẹ cũng vào comment chê luôn, từ đó gây ra khủng hoảng. Khi ấy cần guideline để xử lý tất cả những khủng hoảng đó, gồm:
- Số lượng, tỷ trọng, timeline, ngân sách
- Quy trình làm việc: đề xuất quy trình tối ưu nhất, giảm việc cho nhãn hàng
Ngoài ra, phía agency có thể tư vấn cho phía nhãn hàng xu thế, các nhu cầu mới của người dùng, đề xuất thay đổi nếu cần về hướng truyền thông và sản phẩm.
SO SÁNH NGÀNH BỈM SỮA VỚI CÁC NGÀNH NGHỀ KHÁC
Markus đã triển khai hoạt động marketing trong cộng đồng cho nhiều ngành hàng khác nhau: Làm đẹp - Mỹ phẩm - Sức khỏe (Elasten Collagen), Đồ gia dụng & Thiết bị điện tử (Casper + Panasonic Cooking + A.O Smith), Y tế (nha khoa Thuý Đức), Bất động sản (Minato, Capitaland)... Khi so sánh với những ngành hàng khác, ngành Mẹ & Bé có những đặc điểm sau:
Điểm giống: Khi khách hàng sử dụng dịch vụ Community & Booking của Markus, chúng tôi có quy trình triển khai rõ ràng các bước theo format NGHIÊN CỨU - CHIẾN LƯỢC - THỰC THI:
(1) Làm rõ đề bài (Briefing)
(2) Trình bày kế hoạch, ý tưởng (Pitching)
(3) Triển khai (Execution)
(4) Báo cáo (Report)
Ngoài ra, Markus cung cấp dịch vụ chuyên môn ở đa dạng ngành hàng, hỗ trợ khách hàng nhiệt tình; sử dụng các tài khoản đều có chọn lọc, profile rõ ràng.
Điểm khác: Mỗi ngành hàng, mỗi sản phẩm, mỗi tập đối tượng lại có hành vi, quan điểm, CJ khác nhau. Do vậy, với mỗi mục tiêu, nền tảng, chính sách và mức độ ảnh hưởng của cộng đồng, ta sẽ có những định hướng phù hợp dựa trên các thông tin, thông số nghiên cứu trước đó để đạt được hiệu quả KPI và tối ưu ngân sách nhất.
Có một sự thật ngầm hiểu về ngành hàng tã bỉm thế này: trẻ càng lớn, mức độ “đầu tư" của các mẹ càng thuyên giảm. Tuy nhiên do đặc thù ngành hàng sữa là sản phẩm đưa trực tiếp vào cơ thể nên ở độ tuổi nào các mẹ cũng rất thận trọng khi lựa chọn.
Tùy vào nhu cầu của mỗi mẹ cho con mà các thảo luận có chủ đề khác nhau. Với mỗi hội nhóm chúng tôi đều có thể đo lường những nhu cầu này bằng cách thủ công hoặc social listening, dựa vào đó để đưa ra cách tiếp cận, timeline triển khai, kế hoạch cho hội nhóm đó.
A.Quang:
Khi khởi động một chiến dịch theo từng giai đoạn, thì đặc thù ngành FMCG sẽ đánh mạnh vào giai đoạn nhận diện (awareness) với TVC và billboard. Tiếp đó là giai đoạn tương tác (engagement), thì việc làm cộng đồng sẽ nằm trong giai đoạn này: Sau khi xây dựng được nhận diện rồi sẽ lồng ghép sản phẩm vào tương tác trong cộng đồng. Ngày trước nhãn hàng làm trên facebook page của hãng là chính, giờ trong các hội nhóm facebook là chủ yếu. Đặc thù của những hội này là khó kiểm soát, đa dạng và không tồn tại được lâu. Người tiêu dùng chỉ ở với mình tối đa 3 năm (trẻ lớn hẳn rồi sẽ không dùng bỉm nữa), cứ mỗi năm lại có cộng đồng mới sinh ra và mình phải tham gia vào những cộng đồng mới đó.
Có nhiều mẹ bỉm sữa bán hàng và tạo ra các cộng đồng riêng, thì chúng tôi cũng phải tham gia vào đó để tìm hiểu. Có những hội nhóm đặc thù như hội các mẹ trong khu công nghiệp miền Nam chẳng hạn. Mỗi hội nhóm như vậy có vài nghìn thành viên, khá nhỏ lẻ, mà mỗi lần chạy chiến dịch là nhãn hàng sẽ nhắm đến các nhóm cả chục triệu người, nên không bao phủ được hết các hội nhóm, kể cả có book agency cũng không đủ nguồn lực.
Những ngành hàng khác có thể có cộng đồng cố định, xây dựng dần qua từng năm, nhưng với ngành hàng bỉm sữa đặc thù thì không có thời gian để tích luỹ, làm năm nào phải chắc năm đó.
Bởi xu hướng nuôi con cũng liên tục thay đổi chứ không cố định như các ngành hàng FMCG khác (ví dụ trước nuôi con kiểu Nhật rất hot, nhiều hội nhóm cũng được tin tưởng và vững mạnh, nhưng giờ lại có nhiều phương pháp mới).
Nhìn chung, nhãn hàng phải đảm bảo luôn học, hiểu và tiếp cận được với tất cả các hội nhóm đó.
4. Các anh dự đoán như thế nào xu hướng hành vi cộng đồng ngành hàng bỉm sữa trong tương lai? Các bà mẹ bỉm sữa gen Z sẽ khác gì so với gen Y?
A.Quang:
Ngày trước các mẹ bỉm sữa sinh hoạt cộng đồng chủ yếu trong hội nhóm facebook, nhưng giờ khi gen Z làm mẹ thì nhãn hàng phải tiếp cận nhiều trên các nền tảng khác như Tiktok. Giờ nhãn hàng chúng tôi dùng nhiều KOCs trên các nền tảng đó. Nội dung tiếp thị cũng sẽ nhanh gọn, trực diện hơn chứ không dài dòng.
Các chất liệu marketing cũng phải làm mới hoàn toàn qua từng năm. Lý do thứ nhất là sản phẩm của Bobby liên tục thay đổi và cải tiến. Lý do tiếp theo là các mẹ năm sau thuộc thế hệ trẻ hơn năm trước, tông giọng mình sử dụng cũng phải trẻ trung hơn.
A.Khải:
Trong tương lai, hành vi cộng đồng ngành bỉm sữa sẽ được gói gọn trong các từ sau: Chọn - Mua - Sử dụng - Loại bỏ/Thay thế.
-
Các cộng đồng được xây dựng có thông tin có chiều sâu (như bài phân tích, chia sẻ kinh nghiệm thực tế,...) được kiểm duyệt nội dung từ ban quản trị sẽ thu hút TA. Hiện tại có quá nhiều cộng đồng rác hoặc thiên nhiều thương mại hoá cho dù trước đó có rất nhiều người theo dõi nhưng TA không còn quan tâm, tương tác.
-
Khi cộng đồng đó có đội ngũ admin là những chuyên gia hoặc người có kiến thức tốt, chia sẻ cho các thành viên trong cộng đồng thì dễ tạo lòng tin hơn
-
Xu hướng xem thông tin qua short video vì thông tin truyền tải nhanh gọn, trực quan và tạo ra cảm xúc tốt hơn. Vì vậy, TikTok / Reels / Shorts sẽ lên ngôi
-
Mua sản phẩm online qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử do đa dạng lựa chọn, giá tốt, ship hàng tận nơi, đổi trả dễ dàng và quan trọng là dựa trên các review thực tế từ các người mua trước đó và lượt điểm đánh giá sản phẩm/shop.
5. Các bà mẹ bỉm sữa gen Z sẽ khác gì so với gen Y?
Có một số điểm khác biệt trong phong cách nuôi dạy con của gen Z so với những thế hệ trước:
1. Phong cách nuôi dạy con
Hiện nay, vẫn có rất nhiều phụ huynh cả thế hệ trước lẫn gen Z rất hay cáu gắt với con cái, khiến con cảm thấy sợ cha mẹ và thấy mình dưới quyền kiểm soát của cha mẹ. Tuy nhiên, phần đa cha mẹ gen Z đã thay đổi điều này, họ cho con cái một mối quan hệ vô cùng cởi mở, bình đẳng, cùng trưởng thành, thân thiết và gần gũi như những người bạn của nhau.
Sống trong thời đại công nghệ số, phụ huynh gen Z cũng phụ thuộc khá nhiều vào internet. /Khi gặp vấn đề như con khóc, con không chịu ăn, con không nghe lời,... đều hỏi Google hoặc tham gia vào các hội nhóm trên các social media như: Facebook, Zalo,... để hỏi thay vì tham vấn bác sĩ hoặc người có chuyên môn.
2. Xu hướng trở thành gia đình hiện đại
Phụ huynh gen Z được tiếp cận với nhiều thông tin, cẩm nang làm cha mẹ từ khắp mọi nơi trên thế giới như: Nhật, Pháp, Hàn,... nên luôn tự tin xây dựng một gia đình hiện đại, toàn cầu hoá.
Nếu ngày xưa cha mẹ Việt hay đặt một cái tên bình thường, không quá nổi trội để tránh bị chú ý thì ngày nay, hàng loạt các trang web được sinh ra chỉ để giúp cha mẹ tìm một cái tên hợp mệnh, hợp cung, hợp ý.
Khác với gen X, gen Y, các hot mom gen Z có những quan điểm và phương pháp chăm sóc con hiện đại, khoa học. Các bà mẹ trẻ sinh từ năm 1997-2002 tự tin nuôi con khỏe, mẹ vẫn có thời gian chăm sóc cho bản thân mình.
Các bậc cha mẹ trẻ lớn lên trong thời đại mạng xã hội, họ đã quen với việc mọi hành động của mình đều được thảo luận và phê bình. Điều đó không khác gì việc nuôi dạy con cái. Ngược lại, các bà mẹ thuộc thế hệ 8x và đầu 9x lại đánh giá cao việc cha mẹ cần có một cuộc hôn nhân thành công và phải nêu gương cho con về tinh thần làm việc.
6. Việc làm marketing trong các cộng đồng có những thách thức và thú vị gì?
A.Khải:
Khó khăn đầu tiên là với những hội nhóm chất lượng (có lượng tương tác tốt, bài viết chất lượng, không có spam) thì việc chờ kiểm duyệt rất lâu và khó khăn. Nếu có bài booking không đúng quy chuẩn của hội nhóm thì cũng không được duyệt nên Markus cũng phải đề xuất kỹ cho khách hàng. Thêm vào đó, với khối lượng nội dung triển khai nhiều và còn chờ duyệt từ brand team, dù agency đã có guideline từ đầu vẫn khá mất thời gian.
Với các kênh cộng đồng này, ngành nào cũng có thể tham gia và đầu tư để phát triển bền vững. Markus đang chuẩn bị làm cho các mảng ô tô, công nghệ, ẩm thực, bất động sản,... thậm chí là kit test STDs (bệnh lây qua đường tình dục). Bình thường mình biết một vài hội nhóm của các ngành hàng đó thôi nhưng đến lúc nghiên cứu sâu mới thấy là số lượng hội nhóm rất nhiều và tương tác của họ rất tốt.
Việc làm cộng đồng trên nền tảng khác nhau cũng tuỳ vào ngành hàng. Nếu về coin, chứng khoán, NFTs thì mọi người hay sử dụng telegram chứ không phải trên facebook. Có một số ngành bị hạn chế trong việc chạy quảng cáo (ví dụ: ngành hàng sức khỏe), người tiêu dùng chỉ có thể tìm đến các cộng đồng vì họ không thấy được thông tin từ nhãn hàng.
Việc làm cộng đồng cũng có sự tham gia mật thiết của các bạn KOLs, KOCs. Các bạn KOLs bây giờ hầu hết đều sản xuất nội dung và đăng lên đa kênh, đi theo một ngách/ngành hàng mình đã chọn (bạn nào khéo lắm thì đi hai ngách) để đảm bảo chất lượng nội dung.
Mỗi một đợt booking cho nhãn hàng của Markus có trung bình khoảng 50 bạn KOLs/KOCs, chia làm 2 batch, mỗi batch 25 video. Cũng có những bạn làm 2 video một đợt. Thực ra mỗi đợt làm việc chúng tôi phải chọn lọc từ 200 KOLs, trao đổi với họ về đề bài và báo giá, gửi cho khách hàng chọn danh sách cuối khoảng 25 bạn.
Về giá cả, các booking bây giờ được báo giá “vô cùng” lắm nên chúng tôi sẽ đánh giá theo những con số. Chúng tôi sẽ kiểm tra số lượng video các bạn lên trong 1 tháng, xem 10 video gần nhất nội dung ra sao, các video của kênh đó có lượng view bao nhiêu, các bạn đã làm việc cho những nhãn hàng nào, cách tương tác với fan ra sao,... Từ đó chúng tôi sẽ tổng hợp số liệu và gửi cho khách hàng.
Ngoài ra, hiện các nhãn hàng không chỉ nhìn vào tương tác mà còn xem lượt booking đó có mang về cho họ doanh số được không. Nếu KOLs có fan chủ yếu là học sinh cấp 2 cấp 3 thì chúng tôi cũng không book được. Các nhãn hàng cũng có xu hướng chẻ nhỏ đợt booking ra theo 3 tháng một chứ không book theo chiến dịch tổng cả năm nữa. Về lâu dài thì việc này cũng sẽ yêu cầu mọi thứ “thật" hơn, cả cho phía KOLs và phía agency.
Cảm ơn các anh về cuộc trò chuyện!
Việc làm marketing trong các cộng đồng hay còn gọi là Community & Booking, hiện giờ đã trở thành một phần tất yếu trong tất cả các chiến dịch truyền thông, tiếp thị. Để nắm bắt hành vi người tiêu dùng, chúng ta, những marketer cần hoà mình vào môi trường nơi người tiêu dùng sinh hoạt, thấu hiểu suy nghĩ, động lực, thói quen của họ, trở thành một trong số họ. Chỉ có như vậy, những sản phẩm ta làm mới “chạm” đến họ, từ đó cho họ một lý do thực hiện hành vi mua sắm. Nhất là trong ngành hàng đặc thù như Mẹ & Bé, nơi niềm tin vào những người có chuyên môn hay người ảnh hưởng rất lớn và sức ảnh hưởng của cộng đồng xung quanh cũng rất có giá trị.
Thu Vũ
Markus Agency là Creative Digital Agency mang đến giải pháp Marketing toàn diện cho khách hàng, từ định hướng chiến lược tới khả năng thực thi, dựa trên 03 năng lực lõi: (1) Tư duy marketing (Marketing Thinking + Brand – Trade – Sales Alignment) (2) Năng lực thực thi trên Nền Tảng Số và (3) Năng lực Sáng Tạo.
Markus cung cấp dịch vụ Xây dựng, Quản lý Cộng đồng & Đặt hàng Truyền thông theo tư duy chiến lược, nghiên cứu bài bản, đưa ra các đề xuất chiến lược trước khi đề xuất kế hoạch thực thi, nhằm giải quyết các vấn đề trọng tâm của nhãn hàng. Để tạo được sự khác biệt với đối thủ và thành công cho chiến dịch, nhãn hàng cần cách tiếp cận chiến lược, bài bản và khả năng thực thi xuất sắc.
Markus đã và đang phụ trách mảng Cộng đồng & Đặt hàng Truyền thông cho các nhãn hàng thuộc ngành hàng: Mẹ & Bé, Điện Máy, Làm đẹp/Mỹ Phẩm, FMCG,...