Giải mã sức hút của Interactive Marketing qua các chiến dịch tiếp thị nổi tiếng từ Heineken, Knorr, Oreo,...
Ngày nay, khi mà khách hàng và sự kỳ vọng của họ ngày càng tăng cao thì Interactive Marketing được coi là một “vũ khí” đắc lực giúp doanh nghiệp kết nối, tương tác với khách hàng hiệu quả hơn. Từ đó, doanh nghiệp có thể nâng cao nhận thức thương hiệu, quảng bá sản phẩm/dịch vụ cũng như thu về lợi nhuận khổng lồ. Vậy chính xác Interactive Marketing là gì? Và thực sự nó hiệu quả đến đâu? Trong bài viết này, Ori Agency sẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời đúng nhất cho các câu hỏi trên. Ngoài ra, bài viết cũng sẽ đề cập đến 10 chiến dịch Interactive Marketing thành công để kiểm chứng thực hư hiệu quả của loại chiến dịch tiếp thị này.
I. Interactive Marketing là gì?
Interactive Marketing (tạm dịch: Tiếp thị tương tác) là cách các doanh nghiệp sử dụng các phương pháp marketing hiện đại nhằm tạo ra các kết nối 1-1, tập trung vào hoạt động của khách hàng. Để triển khai chiến lược tiếp thị này hiệu quả, các doanh nghiệp cần xây dựng các kênh truyền thông, các kênh thông tin ở đa dạng các nền tảng đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Youtube,... Chính vì vậy, khi áp dụng triển khai một chiến lược tiếp thị tương tác, doanh nghiệp có thể gia tăng sự hài lòng của khách hàng, tăng tỷ lệ chuyển đổi cũng như doanh số bán hàng và doanh thu. Ngoài ra, chiến lược này còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro cũng như tối ưu chi phí marketing.
Nhìn chung, Interactive Marketing được chia ra 4 loại phổ biến, đó là:
- Kể chuyện tương tác (Interactive storytelling): Hình thức này giúp người dùng có thể tạo ra nội dung hấp dẫn. Hãy cân nhắc sử dụng các video clip ngắn để chia nhỏ các khối văn bản dài đồng thời kết hợp các yếu tố tương tác như infographics để giao tiếp và kết nối với khán giả.
- Tương tác hai chiều (Two-way interaction): Hình thức này sẽ tạo ra các trải nghiệm thú vị cho khách hàng nhằm khuyến khích họ tích cực tương tác với doanh nghiệp. Để áp dụng, doanh nghiệp có thể triển khai các trò chơi, câu đố hay video tương tác,...
- Phân tầng thông tin (Layered information): Hình thức này sẽ giúp doanh nghiệp “giáo dục” khách hàng hiệu quả. Bởi nó cung cấp các đoạn nội dung ngắn, dễ đọc nhưng chi tiết một cách từ từ cho khách hàng để họ không cảm thấy nhàm chán.
- Nội dung cá nhân hóa (Personalized content): Hình thức này giúp các doanh nghiệp có thể cung cấp các trải nghiệm được cá nhân hóa cho từng khách hàng. Tuy nhiên nó đòi hỏi doanh nghiệp phải thu thập được lượng lớn dữ liệu khách hàng. Chẳng hạn như dữ liệu nhân khẩu học, địa lý,...
Ngoài ra để triển khai một chiến dịch tiếp thị tương tác hiệu quả, bạn có thể cân nhắc sử dụng các phương pháp sau:
- Câu đố/câu hỏi (Quizzes)
- Tiếp thị tìm kiếm và quảng cáo nhắm mục tiêu
- Thăm dò ý kiến (Polls)
- Video tương tác
- Tiếp thị qua Email
- Sử dụng hashtags trên các nền tảng mạng xã hội
- Tổ chức cuộc thi
II. Điểm lại 10 chiến dịch Interactive Marketing thành công từ các thương hiệu nổi tiếng
1. Heineken
Chiến dịch tuyển dụng “Go Places” (tạm dịch: Đi muôn nơi) của Heineken vào năm 2016 là ví dụ điển hình nhất của hình thức tiếp thị tương tác. Chiến dịch này đã phá bỏ khuôn mẫu nhàm chán về những đợt tuyển dụng với những bản mô tả công việc chi chít chữ hay các email, CV ứng tuyển từ ứng viên. Thay vào đó, Heineken đã đưa ra những thông tin tuyển dụng của mình trở nên thật ấn tượng, sáng tạo để đem đến những trải nghiệm thú vị cho ứng viên nhằm gây ấn tượng về thương hiệu tốt nhất với mọi ứng viên trước khi họ nộp đơn đăng ký. Không chỉ vậy, nó còn là một chiến lược quảng bá thương hiệu đầy khéo léo từ Heineken.
Cụ thể, “Go Places” cũng dựa trên những yếu tố cơ bản cần thiết của một buổi phỏng vấn, đó là tìm hiểu ứng viên và giới thiệu về thông tin, đặc điểm, văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, hãng bia nổi tiếng toàn cầu đến từ Hà Lan đã biến cuộc phỏng vấn truyền thống thành một bài trắc nghiệm tương tác bằng đoạn video liền mạch, tươi vui. Thông qua đoạn video, người xem có thể hiểu hơn về những giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời, họ cũng có cơ hội khám phá bản thân họ sau khi đã hoàn thành 12 câu hỏi. Kết quả trên sẽ được gửi kèm với CV khi ứng viên gửi thư ứng tuyển qua LinkedIn.
Rõ ràng, chương trình tuyển dụng đặc biệt này đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho công chúng về một Heineken trẻ trung, sáng tạo, luôn mang tới những cơ hội giúp mỗi cá nhân có thể phát triển. Thật vậy, kết quả đạt được đã vượt xa kỳ vọng của Heineken. Theo Emerce, “Go Places” đã lan truyền nhanh chóng và “ông lớn” ngành bia Heineken đã chứng kiến số lượng ứng viên tăng 300%. Không chỉ vậy, các số liệu thống kê về mức độ tương tác cũng rất tuyệt vời khi có 67% người xem đã thực hiện tất cả các bài kiểm tra và dành ra gần 5,3 phút để xem video.
2. Adidas
Năm 2017, thương hiệu giày “quốc dân” đã bắt tay hợp tác với Snapchat để triển khai chiến dịch tiếp thị tương tác nhằm quảng bá cho dòng sản phẩm mới “Neo Label”. Adidas chọn Snapchat bởi ứng dụng này chính là phương tiện hiệu quả nhất để kích hoạt tương tác trên toàn cầu khi “fan” của Adidas Neo là những người dùng ưu tiên sử dụng điện thoại. Ý tưởng chính đằng sau việc lên ý tưởng cho chiến dịch tiếp thị tương tác này là tận dụng sự phổ biến của Snapchat để thu hút tối đa và tiếp thị thành công.
Với mục tiêu thu hút thật nhiều người người dùng tham gia, #myneolabel đã khởi động bằng một đoạn video thời trang ngắn thể hiện các thiết kế quần áo, giày chưa hoàn thiện về màu sắc.
Khi theo dõi đoạn video, người hâm mộ được khuyến khích chụp lại màn hình một người mẫu mặc các trang phục màu trắng của họ, sau đó sử dụng công cụ vẽ của Snapchat để chỉnh sửa, thiết kế lại trên chính những bức ảnh đó. Cuối cùng người tham gia sẽ chia sẻ các tác phẩm, các bản thiết kế độc đáo của họ ngay trên chính Snapchat. 4 người chiến thắng có cơ hội được biến thiết kế của họ thành những bộ trang phục hoàn chỉnh nằm trong một bộ sưu tập Adidas. Chính vì vậy, chiến dịch này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của người tiêu dùng Millennials và thậm chí sau đó nó đã trở thành một “cơn sốt” vào năm 2017. Bằng chứng là, #myneolabel đã thu về hơn 3.000 bài dự thi của người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới.
3. Lancome
Sau đại dịch Covid-19, hình thức mua sắm trực tuyến (Online Shopping) ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, một trong những nhược điểm của mua sắm trực tuyến là không phải lúc nào khách hàng cũng có thể thử và đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi mua.
Để giải quyết vấn đề trên, thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu thế giới - Lancome đã sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (Augmented Reality) trong chiến lược kinh doanh của mình. Cụ thể, Lancome cung cấp các bộ lọc (filters) trên Instagram để khách hàng của họ có thể truy cập vào camera điện thoại sau đó “dùng thử” các sản phẩm của hãng. Bởi thực tế, các filters này sẽ hiển thị mô phỏng màu sắc thực tế của một số sản phẩm qua giúp khách hàng đánh giá được chúng sẽ trông như thế nào trên khuôn mặt họ. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể tin tưởng, tự tin đưa ra các quyết định mua hàng.
4. Knorr
Năm 2016, Knorr gây ấn tượng với công chúng với chiến dịch “Love at First Taste”. Chiến dịch này được bắt nguồn dựa trên ý tưởng rằng việc có chung khẩu vị sẽ giúp mọi người gắn kết với nhau.
Để có thêm dữ liệu phục vụ cho chiến dịch, Knorr đã tiến hành khảo sát 12.000 người ở 12 quốc gia khác nhau về hương vị có ý nghĩa như thế nào đối với họ. Và một trong những phát hiện quan trọng trong nghiên cứu của Knorr là cứ bốn người thì có ba người có nhiều khả năng bị thu hút bởi một người có cùng sở thích hương vị với họ. Đó là chính là lý do họ nảy ra ý tưởng rằng: Tìm kiếm bạn đời là tìm kiếm những những người có cùng khẩu vị.
Dựa theo nghiên cứu trên, Knorr đã tạo tận dụng các công cụ kỹ thuật số để kết nối và đặt ra các câu hỏi cho khách hàng của mình như một chiến lược tiếp thị tương tác. Sau đó, dựa trên các câu trả lời, Knorr cho phép những người tham gia khám phá sở thích hương vị của họ (Knorr Flavour Profiler). Việc thiết kế bộ câu hỏi là chiến lược gây ấn tượng nhất. Bởi lẽ hầu hết các thương hiệu hiện nay không đầu tư nhiều vào khía cạnh này. Thay vào đó, họ thường chỉ xem việc đặt các câu hỏi như một hình thức tiếp thị nội dung 'chớp nhoáng'.
Không chỉ vậy, để kiểm tra lý thuyết trên, Knorr đã tiến hành một thử nghiệm xã hội bằng việc thực hiện dự án ghép đôi những người hoàn toàn xa lạ trong một buổi gặp mặt bất ngờ. Dĩ nhiên, những người tham gia được ghép đôi dựa trên sở thích hương vị giống nhau của họ. Kết quả là Knorr đã chứng minh thành công rằng việc có khẩu vị là một chất chất xúc tác hoàn hảo để gắn kết những người hoàn toàn xa lạ lại gần với nhau.
Chiến dịch này là một phần trong nỗ lực nhằm phát triển một chiến lược marketing hiện đại để Knorr nhắm đến chinh phục thế hệ khách hàng mới, trẻ tuổi. Và rõ ràng, Knorr đã thành công khi thu hút được sự quan tâm của thế hệ millennials cũng như nâng cao nhận thức về thương hiệu và cải thiện mức độ tương tác với khách hàng.
5. Zenni Optical
Zenni Optical - một thương hiệu kính mắt trực tuyến nổi tiếng đến từ Mỹ là một ví dụ tiêu biểu khác cũng sử dụng các “bài kiểm tra” như một chiến lược tiếp thị tương tác nhằm tăng gia tăng độ nhận diện thương hiệu cũng như thu hút thêm lưu lượng truy cập vào website.
Bằng cách tham gia trả lời các câu hỏi, Zenni Optical sẽ trả lại kết quả gợi ý giúp khách hàng của họ chọn được loại kính phù hợp với phong cách cá nhân cũng như lối sống của họ. Ngoài ra, Zenni Optical cách tiếp cận khách hàng mới mẻ, thú vị này còn khuyến khích khách hàng chia sẻ kết quả kiểm tra đến với bạn bè, người thân của họ. Nhờ vậy, thương hiệu kính trực tuyến này sẽ thu hút rất nhiều lượt truy cập đổ về website của mình
Theo báo cáo của REQ, chiến lược này của Zenni Optical thực sự đã thành công khi giúp tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng đạt 29.410 và ROI là 9.655% trong vòng 6 tháng.
6. Coca Cola
Năm 2015, Coca-Cola chắc chắn đã làm cho Giáng sinh tại Ba Lan trở thành một kỳ nghỉ đáng nhớ. Cụ thể, Coca Cola đã cho ra mắt “Chuyến xe trượt tuyết thực tế ảo của ông già Noel” (Santa’s Virtual Reality Sleigh Ride). Trong chiến dịch, “ông lớn” ngành nước giải khát này đã sử dụng phụ kiện kính thực tế ảo Oculus Rift cho phép người dân Ba Lan được trải nghiệm cảm giác cưỡi trên cỗ xe trượt tuyết, bay và khám phá mọi nẻo đường trên đất nước hay đến thăm các ngôi làng nhỏ. Chiến dịch này rõ ràng đã tạo ra một trải nghiệm vô cùng mới mẻ, độc đáo cho khách hàng của họ khi ai nấy bất kể là trẻ con hay người lớn đều đắm chìm, tận hưởng cảm giác làm ông già Noel trong một ngày.
Tóm lại, có thể thấy, “Santa’s Virtual Reality Sleigh Ride” là một bước tiến lớn của Coca-Cola trong nỗ lực tạo ra những trải nghiệm quảng cáo đáng và tương tác hiệu quả hơn với khách hàng của mình. Thật vậy, không phụ những nỗ lực trên, Coca Cola đã ngay lập tức vượt mặt các đối thủ và chứng minh rằng các sản phẩm nước giải khát của họ không chỉ dành cho mùa hè.
7. The New York Times
Trước thực trạng báo động khi số lượng các đầu báo in được phát hành sụt giảm mạnh, thời báo nổi tiếng thế giới The New York Times nhận ra rằng họ cần phải chuyển đổi cách xuất bản tin tức của mình sang hình thức kỹ thuật số và cung cấp những dạng tin tức tương tác được với độc giả. Do đó, năm 2016, nhật báo này nổi tiếng toàn cầu này đã nghĩ ra một chiến dịch Thực tế ảo (Virtual reality campaign) được hỗ trợ bởi Google Cardboards.
Các độc giả có thể tải ứng dụng “NY Times VR” hoặc truy cập vào website của tờ báo để cập nhật và trải nghiệm tin tức một cách sống động thông qua video 360 độ ngay trên điện thoại, máy tính bảng, máy tính. Cụ thể, người dùng sẽ được đặt vào trung tâm của các bối cảnh và có thể nhìn sang trái, sang phải, nhìn lên, nhìn xuống hay thậm chí là cả phía sau chỉ bằng cách di chuyển con trỏ chuột hay ngón tay lên chính video 360 được cung cấp. Để thực hiện được chiến dịch, các nhà báo của Times trên khắp thế giới phải nỗ lực mỗi ngày để mang đến cho khán giả một video 360 mà The New York Times gọi nó là “The Daily 360”.
Bạn có thể thử trải nghiệm ngay tính năng của The New York Times tại link này.
Kết quả là, ngay sau khi chiến dịch được thông báo, Google Trends đã cho thấy “NYT VR” đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất lúc bây giờ.
8. HBO
Vào tháng 8 năm 2016, HBO đã khởi động một chiến dịch quảng cáo, trong đó họ đã phát triển một trang web tương tác cho loạt phim truyền hình siêu ăn khách “Game Of Thrones”. Chiến dịch tiếp thị tương tác này cho phép người hâm mộ có thể tìm kiếm các nhân vật yêu thích và bỏ phiếu để chọn ra người sẽ dẫn dắt các cuộc đại chiến cho các mùa sắp tới. Ý tưởng độc đáo này đã tạo ra cảm giác phấn khích và kích thích người hâm mộ của series “Game Of Thrones” tương tác nhiều hơn với nhãn hàng. Đồng thời, qua đó, HBO cũng được lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng từ chính khách hàng của mình cũng như thành công gia tăng độ phủ sóng cho thương hiệu. Thực tế là chiến dịch tiếp thị tương tác này đã thành công vang dội thông qua các kết quả được đo lường và ghi lại trên Google Trends.
HBO cũng tung ra một video ngắn trên YouTube với tiêu đề “What We Believe | #GOT2016 (HBO)” và đã thu về hơn 517.000 lượt xem. Và kể từ đó, rất nhiều các câu hỏi, các cuộc khảo sát thăm dò ý kiến và các hình thức tương tác khác xuất hiện trên internet khiến HBO và Game of Thrones trở thành chủ đề bàn tán của công chúng trong suốt nhiều tuần.
9. Oreo
Năm 2016, Oreo - thương hiệu bánh bánh quy bán chạy nhất toàn cầu đã nảy ra một ý tưởng tiếp thị độc đáo mới mẻ chưa từng có trong lịch sử nhằm quảng bá cho dòng sản phẩm mới “Filled Cupcake Flavored Oreo Cookies”. Họ đã tạo một video tương tác 360 độ được hỗ trợ bởi công nghệ thực tế ảo (VR). Đoạn video dài khoảng 1 phút này nhằm mục đích mang đến cho người xem một chuyến tham quan ảo khám phá nhà máy Oreo.
Bằng cách di chuyển ngón tay hoặc con trỏ chuột trên video, người xem có thể quan sát xung quanh như thể đang lạc vào thế giới trong mơ. Cụ thể, người xem sẽ được dịch chuyển đến một thế giới diệu kỳ đầy những dòng sông sô-cô-la để trải nghiệm quá trình tạo ra những chiếc bánh Oreo có hương vị bánh cupcake mới này. Qua đó, nó kích thích mong muốn của người xem thưởng thức ngay những chiếc bánh Oreo mới làm đang “du hành” trước mắt họ hay thưởng thức một ngụm sô-cô-la nguyên chất bên dưới những dòng sông Willy Wonka. Chính cảm giác “đói” này cuối cùng sẽ là động lực khiến người tiêu dùng đưa ra quyết định mua và dùng thử dòng bánh quy mới của Oreo.
Chiến dịch tiếp thị tương tác này của Oreo đã thực sự thành công vang dội. Bằng chứng là đoạn video ngay sau đó đã đạt hơn 7 triệu lượt xem trên Youtube. Không chỉ, các chỉ số được Google Trends thống kế cũng cho thấy mức độ quan tâm rất lớn đến loạt bánh quy mới của Oreo là rất lớn.
10. Lean Cuisine
Lean Cuisine có vẻ là cái tên khá lạ trong danh sách này. Đây là thương hiệu cung cấp thực phẩm đông lạnh cao cấp tốt cho sức khỏe với hàm lượng calorie thấp nổi tiếng thế giới.
Năm 2015, Lean Cuisine gây ấn tượng với công chúng qua chiến dịch #WeighThis hợp tác với 360i. Chiến dịch là một phần trong nỗ lực tái xây dựng thương hiệu của Lean Cuisine nhằm xóa bỏ cái “mác” là một thương hiệu dành cho người ăn kiêng và khẳng định trở thành một công ty cung cấp các sản phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe phù hợp với mọi người tiêu dùng. Không những vậy, #WeighThis còn định nghĩa lại những vấn đề được cho là khá tiêu cực và nhạy cảm đối với phụ nữ đó là ăn kiêng và giảm cân.
Cụ thể, Lean Cuisine đã thực hiện một video ngắn phỏng vấn những người tham gia để khuyến khích họ kể về chính câu chuyện truyền cảm hứng của mình. Chẳng hạn như việc cứu sống một thành viên trong gia đình, việc quay lại trường học ở độ tuổi 55,... Và tất cả những điều đấy điều không thể đo lường được bằng chiếc cân. Chỉ với một đoạn video vỏn vẹn hơn 2 phút, Lean Cuisine thể hiện quan điểm mạnh mẽ về lý do tại sao phụ nữ nên tập trung vào thành tích của họ hay những gì họ đánh giá cao và trân trọng trong cuộc sống. Thay vì đo lường giá trị của bản thân họ thông qua cân nặng hoặc hình dạng, kích thước cơ thể. Đồng thời, Lean Cuisine cũng khuyến khích khách hàng của mình tham gia chia sẻ câu chuyện của riêng họ trên Twitter kèm hashtag #WeighThis.
Không chỉ dừng lại ở đó, Lean Cuisine còn đặt một phòng trưng bày những chiếc cân (scale gallery) ở Nhà ga lớn trung tâm thành phố New York (Grand Central Station in New York City) nhằm tương tác với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Những chiếc cân được trưng bày không phải để đo trọng lượng. Thay vào đó chúng là những tấm bảng nhỏ - nơi mà những người phụ nữ có thể viết ra những thành tựu quan trọng nhất mà họ đạt được trong cuộc đời để đo lường.
Có thể thấy, trong chiến dịch, người xem không hề thấy có một sản phẩm hay bữa ăn nào của Lean Cuisine xuất hiện. Thay vào đó tất cả những điều đó đã được khéo léo lồng ghép một cách kín đáo. Và kết quả là chiến dịch đã giúp Lean Cuisine tăng 33% nhận thức tích cực về thương hiệu cũng như 4285 lượt đề cập trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, đoạn video cũng đạt 6,5 triệu lượt xem ngay trong tuần đầu tiên và hơn 211 triệu lượt hiển thị.
Thành công của các “gã khổng lồ” đầu ngành trên thế giới thông qua những chiến dịch tiếp thị tương tác đã chứng minh rằng tương tác với khách hàng thực sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với bất kỳ thương hiệu nào đặc biệt là trong thời đại lý thuật số như hiện nay.
Nếu thấy bài viết hay và hữu ích đừng quên nhấn theo dõi fanpage Ori Marketing Agency cũng như tiếp tục ủng hộ chúng tôi tại đây!
Nguồn biên tập: Ori Marketing Agency
Ori Marketing Agency định vị là một Performance Agency, chúng tôi đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp, triển khai các chiến dịch Marketing với nhiều loại ngành nghề khác nhau như Ô tô, Bất động sản, F&B, FMCG, Giáo dục - Khóa học, Sản phẩm sức khỏe....
Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi câu chuyện Marketing của bạn, tư vấn hỗ trợ bạn đạt mục tiêu kinh doanh hiệu quả nhất: https://bit.ly/3OF2d3Y