Nhiều vấn đề về bền vững vẫn chưa được giải quyết trong ngành thời trang
Theo một cuộc khảo sát gần đây do Kearney Consumer Institute (KCI) thực hiện ở Ý, Pháp và Hoa Kỳ, ngành thời trang đang thiếu sót trong việc “educate” người tiêu dùng về tính bền vững trong mua sắm và quy trình thải bỏ các sản phẩm thời trang không dùng đến nữa.
Gần một nửa số người được hỏi không chắc liệu vật liệu nguyên chất (virgin materials) tốt hơn hay kém hơn so với các vật liệu thay thế và vật liệu tái chế (recycled/ upcycled). Có từ 30-40% người tham gia không biết về việc có thể trả lại quần áo cũ để tái chế và không quen với quy trình này. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi phần lớn người tiêu dùng thích quyên góp quần áo cũ hoặc nhượng lại chúng cho bạn bè và gia đình. Mặc dù điều này có thể được xem là phương pháp bền vững thường bắt gặp nhất, nhưng rất ít người thật sự mặc chúng.
Ngay cả thị trường bán lại đồ cũ, vốn có nhiều tiềm năng phát triển, cũng chưa thể phát huy hết thế mạnh trong ngành.
Báo cáo thường niên lần thứ ba của Kearney về chỉ số tuần hoàn của các sản phẩm thời trang – Circular Fashion Index 2023 (2023 CFX) – cũng tiết lộ những vấn đề đáng lo ngại liên quan đến các mục tiêu khí hậu giữa 200 thương hiệu. Bất chấp những hành động bảo vệ môi trường, các nhà mốt vẫn tiếp tục tung ra thị trường nhiều sản phẩm hơn và sử dụng phương pháp đốt để xử lý hàng tồn kho không bán được, thay vì tìm cách sử dụng thay thế.
Báo cáo nhấn mạnh rằng các nhà sản xuất chủ yếu dựa vào nguyên liệu thô và không đưa ra những hướng dẫn cho người tiêu dùng về các cách xử lý hàng may mặc đã qua sử dụng một cách có trách nhiệm hơn.
Hơn nữa, họ cũng lưu ý rằng cơ sở hạ tầng của quy trình giao nhận và thu gom quần áo cũ vẫn còn kém phát triển. Quá trình phân loại quần áo đã qua sử dụng được coi là phức tạp và tốn kém do thiếu nhà thiết kế để tháo rời các sản phẩm thời trang thành các thành phần phụ có thể tái sử dụng.
Thiếu tính tuần hoàn trong các mặt hàng thời trang
Viện KCI cũng đã nêu lên rằng, hiện tại, các thương hiệu đang thiếu những nỗ lực trong việc truyền đạt tầm quan trọng của tính tuần hoàn cho người tiêu dùng, và điều này có thể dẫn đến các mối lo ngại khác.
Về thị trường thứ cấp, việc phát triển các dịch vụ cho thuê không quá mạnh mẽ bởi vì mức độ phức tạp cao. Không có nhiều thương hiệu cung cấp dịch vụ đổi trả quần áo đã sờn cũ và tái sử dụng chúng, trong khi điều này đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ của quần áo và đảm bảo vật liệu có sẵn để tái chế. Hơn nữa, việc phân loại các mặt hàng đã qua sử dụng vẫn còn hạn chế do không có nhiều chuyên gia trong công đoạn này.
Tuy nhiên, KCI liệt kê ra những trường hợp ngoại lệ đã thực hiện đúng cam kết về tính bền vững. Trong số 10 thương hiệu hàng đầu được công nhận về các hoạt động có trách nhiệm, có vài cái tên đã từng góp mặt trong danh sách năm 2022. Danh sách năm nay bao gồm: Patagonia, Levi’s, The North Face, OVS, Gucci, Madewell, Coach, Esprit, Lululemon Athletica và Lindex.
Madewell được khen ngợi vì đã thu nhận lại những chiếc quần jean đã qua sử dụng trong các cửa hàng bán lẻ của mình và cung cấp quần áo đã qua sử dụng hoặc quần áo tái chế thông qua chương trình “Madewell Forever”. Trong khi đó, nhà mốt Coach đã từng cho ra mắt thương hiệu con “Coachtopia” với những sản phẩm làm từ nguyên liệu thừa và những vật liệu tái chế hoặc có thể tái chế.
Với những thiết kế đã từng được trình diễn trên sàn runway Mùa Xuân năm 2017 của thương hiệu Alexander McQueen, khách hàng hiện tại có thể trả chúng lại cho nhà mốt Anh rồi nhận được điểm tích lũy, sau đó dùng điểm để đổi lấy chiếc váy mới từ BST Mùa Xuân 2021.
Và điều đặc biệt là Kearney không công khai danh sách những nhà mốt có thành tích thấp trong mục tiêu bền vững. Theo quan sát của Kearney, phần lớn các công ty không công khai và tiết lộ các mục tiêu môi trường của họ nên khó có thể thể đo lường và xác định rõ ràng. Hành động này đã gây cản trở việc thiết lập các tiêu chuẩn cho mục tiêu bền vững toàn ngành như tính tuần hoàn.
Tuy nhiên, một vài sự thay đổi đã diễn ra, và nhanh chóng được dự đoán sẽ đem đến các quy định mới. Ví dụ như Chỉ thị Báo cáo Tính bền vững của Doanh nghiệp Châu Âu (European Corporate Sustainability Reporting Directive – CRSD) mới được tung ra gần đây với mục đích đặt ra những tiêu chuẩn cần đảm bảo trong các báo cáo bền vững với báo cáo tài chính.
Theo CRSD, hoạt động bảo vệ môi trường sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong báo cáo hàng năm. Chúng sẽ được đánh giá và xác nhận bởi bên thứ ba. Ban đầu, bản báo cáo này chỉ áp dụng cho các công ty đã niêm yết nhưng CRSD sẽ dần dần mở rộng phạm vi áp dụng cho tất cả các công ty hoạt động tại Liên minh Châu Âu để đáp ứng các tiêu chí cụ thể về doanh số bán hàng và quy mô lực lượng lao động vào năm 2028. Quy định này chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hướng tới môi trường và tính minh bạch trong toàn cảnh kinh doanh.
* Nguồn: Style-Republik