30 chiến lược giúp thương hiệu trở nên khác biệt & nổi bật hơn đối thủ cạnh tranh (Phần 2)
Trong kinh doanh, đặc biệt là khi thị trường trở nên đông đúc như hiện nay, điều đầu tiên mà các doanh nghiệp cần ghi nhớ đó chính là: Làm thế nào để thương hiệu của mình khác biệt, nổi trội hơn so với đối thủ cạnh tranh từ đó thu hút và gia tăng lòng trung thành của khách hàng. Để đạt được mục tiêu trên, nó đòi hỏi các công ty phải có một chiến lược sáng tạo phù hợp, xuyên suốt, lâu dài và phản ứng nhanh với nhu cầu thị trường.
Vậy chính xác làm thế nào để tạo ra sự khác biệt hóa thương hiệu thành công nhất vẫn là một câu hỏi mà rất nhiều doanh nghiệp chưa có lời hồi đáp thỏa đáng. Tuy nhiên trong bài viết này, Ori Agency đem đến cho bạn Top 30 chiến lược khác biệt hóa thương hiệu được các “ông lớn đầu ngành” trên thế giới áp dụng. Hãy cùng Ori Agency tìm hiểu ngay nhé!
Xem lại phần 1 của bài viết tại đây.
16. Đơn giản hóa thương hiệu
Trong cuốn sách Sticky Branding, Simple Clarity là một trong những nguyên tắc mà Jeremy Miller đã đề cập đến. Simple Clarity ở đây ý chỉ sự đơn giản sẽ dễ truyền đạt thông điệp hơn. Đây chính là khả năng các doanh nghiệp diễn giải thương hiệu của họ. Nguyên tắc này khẳng định một sự thật không thể tranh cãi: Những thương hiệu mang tính chung chung, phức tạp hoạt động thường kém hiệu quả hơn khi cạnh tranh trên thị trường. Đây chính là lý do mà rất nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu đã áp dụng chiến lược này.
Mailchimp là một ví dụ điển hình khi đã xây dựng được nhận thức về thương hiệu rộng rãi bằng cách trở thành một trong những phần mềm tiếp thị qua email thân thiện với người dùng đầu tiên. Cụ thể, giữa “một biển” các công ty sử dụng các hình ảnh minh họa phức tạp, Mailchimp đã đi ngược lại xu hướng đó và lựa chọn các hình minh họa tươi sáng, đơn giản thậm chí có chút kỳ quặc. Ngoài ra ngôn ngữ và tông giọng mà Mailchimp sử dụng cũng vô cùng đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu để những khách hàng mới cũng có thể hiểu và sử dụng nó nhanh chóng.
17. Chiến đấu với “người khổng lồ”
Điều tương tự cũng áp dụng cho các thương hiệu bé khi muốn đối đầu với những “gã khổng lồ” đầu ngành. Cụ thể, nó sẽ được triển khai bằng các tìm ra điểm yếu của sản phẩm/dịch vụ hay mánh khóe marketing của đối thủ. Sau đó, các thương hiệu “yếu thế” sẽ tận dụng chúng để “vượt mặt” các đối thủ lớn bằng cách giải quyết chúng thông qua sản phẩm của mình. Tìm ra thiếu sót của các “ông lớn” đầu ngày là cách hiệu quả nhất để tạo ra điểm khác biệt và tạo được tiếng vang lớn cho thương hiệu của bạn.
Để hiểu rõ hơn chiến lược này, bạn có thể tham khảo Dollar Shave Club. Khi nghiên cứu nhóm người tiêu dùng hiện tại của Gillette, Dollar Shave Club nhận thấy rằng họ không hề hài lòng về mức giá mà Gillette đưa ra. Thay vì cố gắng đánh bại Gillette bằng công nghệ nhiều lưỡi dao, “kẻ tí hon” trong ngành lúc bấy giờ đã tận dụng lỗ hổng chưa được giải quyết đó để nâng mình lên. Cụ thể, Dollar Shave chỉ trích Gillette vì những lưỡi dao đắt đỏ với những tính năng không cần thiết và đã khiến cho một công việc đơn giản như cạo râu trở nên phức tạp. Tại thời điểm đấy, thực chất Gillette không đắt hơn Dollar Shave Club là mấy nhưng với chiến lược giá thông minh, đơn giản, dễ hiểu đã đi thẳng vào tâm thức khách hàng và kích thích họ mua sản phẩm. Sự đột phá sáng tạo này không bắt nguồn từ công nghệ mà thực chất, xuất phát từ nghiên cứu kinh tế học hành vi, thấu hiểu thực sự những khúc mắc của khách hàng.
18. Định giá khác biệt
Thay đổi giá sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu bạn so với đối thủ cạnh tranh có thể là một chiến lược tạo sự khác biệt hiệu quả. Bạn có thể trở thành thương hiệu bán chạy nhất trên thị trường khi định vị mức giá thấp hoặc thậm chí ngay cả khi mức giá của bạn đang cao hơn so với thị trường.
Chẳng hạn như Starbucks đã định giá cà phê của mình cao hơn so với thị trường để tăng cảm nhận của khách hàng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ. Hay Huawei gia nhập thị trường với tư cách là một thương hiệu công nghệ giá rẻ. Chiến lược khác biệt hóa này của Huawei tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp cho người tiêu dùng. Mục tiêu của hãng là cung cấp cho khách hàng của họ một giải pháp thay thế chi phí thấp cho các sản phẩm của Samsung và Apple. Chính điều này đã giúp họ tạo dựng được vị trí trong tâm trí người tiêu dùng và khẳng định vị thế của mình trong ngành. Tuy nhiên, mặc dù Huawei đã liên tục thành công “đánh cắp” thị phần từ hai đối thủ lớn nhất trên thị trường điện thoại thông minh thông qua đổi mới sản phẩm của họ nhưng sự kỳ thị chất lượng thấp của một sản phẩm giá rẻ vẫn khó bị lung lay trong tâm trí khách hàng. Do đó, nếu doanh nghiệp bạn đang áp dụng chiến lược định giá thấp thì bạn cần phải có tính toán kỹ càng và một chiến lược dài hạn đủ tốt.
19. Khai thác thị trường ngách
Chiến lược khai thác thị trường ngách chính là việc doanh nghiệp tập trung vào một phần nhỏ của thị trường, một nhóm đối tượng hay phân khúc thị trường nhất định. Hay nói cách khác, đây là chiến lược mà doanh nghiệp đi tìm sự khác biệt của mình để tạo lợi thế cạnh tranh bằng cách thiết lập một thị trường cho chính họ.
Một ví dụ điển hình là GoPro. Hãng máy ảnh này “tấn công” mạnh vào nhóm khách hàng là các các vận động viên. Hay Rolls-Royce Motor Cars tập trung phục vụ đối tượng khách hàng là các doanh nhân thành đạt và có nhu cầu về chiếc xe hơi hạng sang.
Hay trong những năm trở lại đây, một trong những cộng đồng phát triển mạnh nhất đó là LGBTQ+. Xu hướng này dẫn tới việc khách hàng ít quan tâm về những mẫu quần áo dành riêng cho nam hoặc nữ, Thay vào đó, phần lớn người tiêu dùng sẽ quan tâm đến những mẫu unisex phù hợp với mọi giới tính. Và TomboyX là thương hiệu thời trang đã tận dụng xu hướng này để tạo ra thị trường ngách cho mình.
20. Trở thành “chuyên gia”
Việc định vị thương hiệu là “chuyên gia” trong lĩnh vực, ngành hàng đang hoạt động cũng là một cách giúp doanh nghiệp trở nên khác biệt và nổi bật trên thị trường. Có nhiều cách khác nhau để đạt được mục tiêu này. Chẳng hạn, trong thị trường công nghệ ngành càng cạnh tranh khốc liệt, Microsoft đã định vị mình trở thành “chuyên gia” trong ngành bằng cách chuyên phát triển, sản xuất, kinh doanh bản quyền phần mềm và hỗ trợ trên diện rộng các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến máy tính.
Nhận ra được điều này, hiện tại, để tạo lợi thế cạnh tranh, Ori Agency cũng đang nỗ lực định vị mình trở thành “chuyên gia” trong việc cung cấp các giải pháp marketing và chuyển đổi số hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đó, Ori Agency không ngừng nỗ lực thực hiện hoạt động chia sẻ kiến thức giá trị, hữu ích về quản trị, mô hình kinh doanh, marketing, truyền thông,... cho doanh nghiệp, quản lý, markters, khách hàng,...
21. Thiết kế trải nghiệm mua hàng độc đáo tại điểm bán
Việc thiết kế trải nghiệm mua sắm độc đáo, khó quên cho khách hàng tại điểm bán cũng giúp thương hiệu của bạn trở nên nổi bật. Chẳng hạn, hãng đồ chơi trẻ em Build-A-Bear Workshop đã tạo ra những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ với mỗi khách hàng khi ghé thăm cửa hàng của họ. Bởi họ nhận ra rằng, bất kỳ đứa trẻ nào cũng thích thú bông, nhưng chúng sẽ cảm thấy thích hơn khi có thể tự tay làm ra một con thú nhồi bông cho riêng mình.
22. Tạo sự độc đáo cho Brand Collateral
“Brand Collateral” (tạm dịch: “Tài sản thế chấp thương hiệu”) đề cập đến tài sản sáng tạo được thiết kế để quảng bá cho một doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể áp dụng mở rộng chiến lược này với các sản phẩm vật lý cho đến các sản phẩm kỹ thuật số. Chẳng hạn như: danh thiếp, phong bì, website, tờ rơi, áp phích, túi tote, chai lọ, đồng phục… Mỗi định dạng sẽ phục vụ một mục đích cụ thể của doanh nghiệp. Nhưng hãy luôn nhớ rằng “tài sản thế chấp” phải phù hợp với chiến lược thương hiệu và có sự nhất quán với bản sắc, hình ảnh, tuyên ngôn của thương hiệu bạn.
“Tài sản thế chấp thương hiệu” của bạn có thể là một khía cạnh quan trọng của sự khác biệt. Một bản sắc thương hiệu đáng nhớ, dễ nhận biết ngay lập tức không phải là điển hình của phân khúc hoặc danh mục ngành của bạn có thể rất hiệu quả trong việc thêm sự khác biệt.
Johnny Cupcakes - một doanh nghiệp may mặc độc đáo tại Mỹ bán áo phông có thương hiệu của mình. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là cửa hàng của hãng này được thiết kế như tiệm làm bánh, túi đựng là hộp bánh, tủ đựng quần áo là lò nướng… Chính điều này giúp họ trở nên thật đặc biệt, nổi bật so với đối thủ cùng ngành. Từ đó, thu hút rất nhiều khách hàng lặn lội từ xa đến để trải nghiệm.
23. Sáng tạo linh vật thương hiệu riêng
Lên ý tưởng và sáng tạo linh vật riêng cho thương hiệu cũng là một phương pháp hiệu quả và an toàn giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt lớn với đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, chiến lược này còn mang lại cho khách hàng cảm giác thích thú và gần gũi với thương hiệu.
McDonald là ví dụ điển hình nhất. Năm 1993, hãng đồ ăn nhanh lớn nhất thế thế giới này đã tạo ra nhân vật chú hề Ronald McDonald để làm linh vật thương hiệu. Ronald McDonald có một diện mạo lý tưởng để thu hút trẻ con với gương mặt trắng, chiếc mũi và bộ tóc đỏ cùng với bộ quần áo màu vàng rực rỡ, bắt mắt. Kể từ khi ra mắt công chúng, chú hề Ronald đã giúp McDonald trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới khi đã thành công thu hút các đối tượng trẻ em và người lớn. Đồng thời nhờ chiến lược này, McDonald đã chuyển đổi thành công một số lượng lớn người tiêu dùng trở thành fans và khách hàng trung thành trên toàn cầu. Hay KFC gắn liền với hình ảnh ông lão Colonel Sanders cũng là một ví dụ tiêu biểu mà các doanh nghiệp có thể tham khảo.
24. Tạo sự kết nối với văn hóa và lịch sử của quốc gia
Khi bắt đầu gặp gỡ, làm quen với những người mới, có lẽ một trong những điều đầu tiên chúng ta muốn biết đầu tiên về họ là họ đến từ đâu và câu chuyện của họ là gì. Và trong kinh doanh, điều này cũng đúng với các thương hiệu và được gọi là "xuất xứ" hay “nguồn gốc” của thương hiệu. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp cũng có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách liên kết và gắn hình ảnh thương hiệu với đặc điểm quốc gia của họ.
Đặc biệt, trong thời đại toàn cầu hóa này như hiện nay, người tiêu dùng lại có xu hướng muốn gắn các thương hiệu vào các địa điểm cụ thể. Một ví dụ cổ điển về tầm quan trọng của xuất xứ là rượu sâm panh Pháp, chỉ những loại rượu vang “nổ” được làm từ nho từ tỉnh Champagne mới có thể sử dụng từ "sâm panh" trong nhãn mác.
Hay chẳng hạn, đặc điểm chung của hầu hết các thương hiệu bắt nguồn từ Anh như J.W. Anderson, Burberry, Hildon,... sẽ mang lại cảm giác cổ điển. Trong khi đó, các thương hiệu đến từ Thụy Sỹ Rolex, Omega, Tag Heuer, Cartier,... gắn liền với sự khéo kéo và độ chính xác. Ngược lại, các thương hiệu của Đức như BMW, Adidas, Porsche,... đã in sâu vào tâm trí người tiêu dùng là cảm giác đáng tin cậy và có thiết kế tốt.
Có thể thấy, nguồn gốc xuất xứ rất quan trọng đối với nhiều thương hiệu bởi nó chứng minh độ uy tín, tính xác thực của sản phẩm. Tóm lại, xuất xứ là một yếu tố quan trọng giúp các thương hiệu khác biệt giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt, tạo ra bản sắc văn hóa thương hiệu riêng.
25. Đổi mới thương hiệu
Đổi mới sản phẩm/dịch vụ là một trong những chìa khóa tạo ra sự khác biệt cho một thương hiệu. Đây là một chiến lược khá quen thuộc, được nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thường xuyên áp dụng. Apple chính là một ví dụ điển hình. “Ông lớn công nghệ” này thường xuyên nâng cấp, đổi mới sản phẩm để chúng trở nên thân thiện, dễ sử dụng từ đó nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.
Tuy nhiên, dù vậy, chiến lược này không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ. Các doanh nghiệp F&B hay FMCG cũng hoàn toàn có thể sử dụng nó để tạo ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng về thương hiệu của mình. Việc thay đổi bao bì hay tung ra thị trường những sản phẩm khác biệt đáp ứng nhu cầu khách hàng là những cách các doanh nghiệp trong nhóm này có thể áp dụng. Ví dụ như O’Egg thay vì bán các trứng theo cách thông thường thì họ lại sản xuất và cung cấp cho khách hàng của mình những sản phẩm trứng lỏng tự nhiên giàu protein.
Bên cạnh đó, một số thương hiệu thời trang cũng áp dụng chiến lược này đã gặt hái được rất nhiều thành công. Ví dụ như Happy Socks - doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ tất, đồ lót và đồ bơi của Thụy Điển đã giành được vị trí đặc biệt trong lòng người tiêu dùng khi nổi tiếng với những thiết kế tất sặc sỡ, độc đáo, chất lượng cao. Happy Socks đã nhìn thấy cơ hội biến một trang phục đơn giản hàng ngày mà mọi người không mấy quan tâm thành một xu hướng thời trang. Ngày nay, bạn thấy nhiều người tự hào mang những đôi tất sặc sỡ như một phần trang phục để thể hiện “cái tôi” và cá tính của họ. Trên thực tế, họ đã tạo ra một sản phẩm tuyệt vời đến nỗi mọi người bắt đầu mua tất làm quà cho gia đình và bạn bè của họ.
26. Thay đổi tên sản phẩm
Như đã đề cập ở trên, việc cung cấp cho khách hàng một sản phẩm/dịch vụ hoàn toàn mới là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để tạo sự khác biệt cho thương hiệu. Tuy nhiên, thay vì đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc để nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến sản phẩm/dịch vụ đang bán để cho ra mắt một sản phẩm hoàn toàn mới, các doanh nghiệp có thể cân nhắc thay đổi tên của chúng. Bởi lẽ việc tên gọi của sản phẩm/dịch vụ trong nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng và tác động đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng.
Chiến lược này hoạt động hoàn toàn hiệu quả. Nếu bạn cảm thấy hoài nghi thì hãy cùng Ori điểm qua lại một vài trường hợp đã thành công với phương pháp này này ngay sau đây.
Tyson Foods – doanh nghiệp chế biến, tiếp thị thịt gà, thịt bò và thịt heo lớn thứ hai thế giới – đã bắt đầu bán những con gà size nhỏ hơn nhiều so với mức trung bình. Sản phẩm có thể không thành công nếu họ gọi nó là “miniature chickens”, vì vậy thay vào đó, họ tiếp thị chúng là “Cornish Game Hens”.
Hay Hey Song Company đã tiếp thị thành công một loại nước giải khát có tên “Sars” trong vòng 60 năm. Sars là viết tắt của thành phần chính trong loại nước đó là sarsaparilla. Nhưng sự bùng nổ của SARS - một hội chứng hô hấp cấp tính nặng ở Trung Quốc đã khiến doanh số của sản phẩm này giảm mạnh do nó có sự tương đồng về tên sản phẩm. Chính vì vậy, thương hiệu này đã nhanh chóng đổi tên sản phẩm thành “Hey Song Sarsaparilla” và sau đó doanh số bán hàng tăng trở lại.
27. Biến thương hiệu trở thành “nghi thức” trong đời sống hàng ngày
Thực tế, chúng ta sinh ra và lớn lên gắn kết những nghi thức. Những nghi thức mang theo nhiều ý nghĩa tượng trưng và tạo ra những phản ứng cảm xúc ngay lập tức. Nó có thể là những kỷ niệm hoặc những hoạt động được hình thành trong quá khứ và được lưu giữ đến hiện tại như một thói quen. Chính vì vậy, nghi thức định hướng cuộc sống chúng ta hàng ngày, hàng tuần, và theo từng mùa.
Do đó, hiển nhiên, bất kỳ thương hiệu luôn muốn là một phần của các “nghi thức” trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Bởi chiến lược này giúp các thương hiệu tạo ra điểm khác biệt để khiến người tiêu dùng trung thành với thương hiệu hơn, từ đó có hành vi tiêu dùng có lợi cho thương hiệu hơn.
Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Minnesota và Harvard ở Mỹ đã làm một loạt thí nghiệm về mối liên hệ giữa “nghi thức” với các sản phẩm ẩm thực để kiểm tra xem nó ảnh hưởng thế nào đến thái độ người tiêu dùng đối với sản phẩm. Kết quả là “nghi thức” giúp người tiêu dùng cảm thấy gắn bó và tận hưởng sản phẩm ở mức tốt nhất có thể. Ngoài ra một vài cuộc khảo sát khác cũng chứng minh rằng nghi thức có thể gia tăng nhận thức về giá trị thương hiệu. Người tiêu dùng xem việc sử dụng sản phẩm như là một nghi thức sẽ cảm thấy thích thú về sản phẩm và sẵn sàng trả tiền nhiều hơn các sản phẩm khác.
Chiến lược này nghe có vẻ mơ hồ và bất khả thi nhưng thực tế rất nhiều thương hiệu lớn đã sử dụng nó rất thành công. Nếu bạn vẫn đang nghi ngờ, hãy cùng Ori Agency tham gia thử thách đoán tên thương hiệu khi đọc những “nghi thức” sau: “Xoay bánh, nếm kem, chấm sữa”. Không sai! Đó chính là bánh Oreo!
Hay có một văn hóa và nghi thức bất thành văn cho việc ăn Kit Kat: người tiêu dùng bẻ ra từng thanh rồi ăn, sau đó tiếp tục bẻ và ăn tiếp cho đến khi nào hết thì thôi. Tuy "luật" này không thuộc bộ luật chính thức ở bất kỳ quốc gia nào, và bạn cũng sẽ không bị… bỏ tù nếu ăn "sai", nhưng có vẻ bạn sẽ bị "kì thị" ít nhiều đấy. Bằng chứng là năm 2018, một thanh niên "xấu số" chưa bao giờ ăn Kit Kat, đã đi ngược lại luật lệ này và bị cư dân mạng "ném đá".
Chiếc Tweet được đăng kèm hình ảnh thanh Kitkat bị cắn ngang nửa, khiến toàn thể hội ăn Kitkat phải "dậy sóng". Nhiều người tỏ ra sốc trước "tội ác" cắn thanh Kitkat một cách thiếu quy luật của chàng trai và như một hệ quả, dân mạng khuyên cô bạn gái nên bỏ anh chàng ngay!
Tóm lại, có thể nói, việc xây dựng “nghi thức” trong khách hàng sẽ làm tăng việc thử sản phẩm của thương hiệu, tạo ra những giá trị cộng thêm và tạo cảm giác là một phần của một cộng đồng nào đó.
28. Xây dựng sự đồng cảm bằng câu chuyện của “ những kẻ lép vế”
Có lẽ bạn đã từng xem qua vô số các bộ phim hay sách báo với mô-típ nhân vật chính là những người mới, yếu thế, thiếu kỹ năng, gặp khó khăn trong cuộc sống,... nhưng nhờ sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm họ đã vượt lên hoàn cảnh hay giành chiến thắng trước những “kẻ phản diện”,... Tuyến nhân vật chính này chắc chắn sẽ giành được sự cảm thông, đồng cảm và ủng hộ của người xem.
Và mô-típ trên đã được rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới sử dụng như một chiến lược để tạo kết nối cảm xúc với khách hàng. Cụ thể, các nhãn hàng sẽ xây dựng những câu chuyện kể về những khó khăn, thử thách họ đã trải qua trong suốt quá trình “thai nghén” ý tưởng cho đến lúc bắt đầu thành lập và vận hành doanh nghiệp. Theo sau đó sẽ là những lời tuyên bố rằng họ sẽ không nản lòng trước bất kỳ đối thủ lớn nào hay bất kỳ thử thách nào bởi vì niềm tin, đam mê, tình yêu và sự trân quý những giá trị họ tạo ra cho xã hội. Những câu chuyện này cuối cùng sẽ truyền tải thông điệp rằng: Họ tôn trọng tất cả những cá nhân luôn kiên trì, cố gắng, đấu tranh trước mọi khó khăn trong cuộc sống cho dù họ có thành công hay không.
Đó chính là “một cuộc đấu tranh” mà phần lớn khách hàng có thể đồng cảm vì con người chúng ta thường cảm thấy mình là “kẻ thua cuộc” trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Thậm chí, nhiều khách hàng đâu đó sẽ nhìn thấy hình ảnh của bản thân họ trong chính những câu chuyện mà các nhãn hàng đang truyền tải. Điều này lý giải tại sao chiến lược định vị “kẻ yếu” lại hấp dẫn khách hàng.
Để hiểu rõ hơn về chiến lược này, bạn có thể xem xét ví dụ của Apple. Hãng công nghệ dẫn đầu toàn cầu hiện nay cũng chinh phục khách hàng bằng những câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng. Cụ thể, trước khi trở thành “gã khổng lồ” ngành công nghệ, Apple chỉ là một doanh nghiệp nhỏ bé, hoạt động vỏn vẹn trong chính ga-ra chật chội của Steve Jobs. Tương tự, Jeff Bezos – CEO của Amazon, cũng bắt đầu xây dựng “đế chế” bán lẻ tỷ đô ngay trong chính ga ra của mình… Để rồi đến tận bây giờ, thành công của Apple hay Amazon vẫn luôn được ví như là một tấm gương điển hình cho rất nhiều doanh nghiệp, là câu chuyện mỗi lần được nhắc đến ai ai cũng phải hết lời khen ngợi bởi sự nỗ lực và kỳ tích kinh doanh vô cùng ấn tượng.
29. Đưa sản phẩm/dịch vụ đến gần khách hàng
Sự thuận tiện cũng là một yếu tố tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu. Cụ thể sự thuận tiện ở đây có nghĩa là cách doanh nghiệp đưa sản phẩm/dịch vụ của mình đến gần hơn với khách hàng. Hay hiểu đơn giản là bất kỳ khách hàng nào không phân biệt vị trí địa lý đều có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn. Chiến lược này hoạt động hiệu quả bởi nó giúp cuộc sống của khách hàng trở nên dễ dàng hơn bằng việc đến và sử dụng sản phẩm/dịch vụ bạn cung cấp. Từ đó, thương hiệu sẽ dần hình thành thói quen sử dụng sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng để rồi từng bước một chiếm chọn trái tim khách hàng và giành lợi thế trước đối thủ cạnh tranh.
Amazon là một ví dụ điển hình khi xây dựng mô hình bán lẻ với “cửa hàng cái gì cũng có” để phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng. Hay Home Depot - tập đoàn bán lẻ của Mỹ chuyên cung cấp những sản phẩm sản phẩm “tân trang” nhà cửa và nội thất tự làm. Nhưng khác với nhiều đối thủ trong ngành, thương hiệu này nổi bật với mô hình kinh doanh “nhà kho” độc đáo với sức chứa đến 25.000 mã hàng hóa khác nhau. Do đó khi tìm đến đây, khách hàng có thể tìm thấy mọi thứ họ cần.
30. Cung cấp dịch vụ khách hàng độc đáo
Cung cấp dịch vụ khách hàng tuyệt vời với các tùy chọn hỗ trợ cũng là một cách tuyệt vời để phân biệt doanh nghiệp bạn với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Có rất nhiều phương pháp để đạt được mục tiêu trên.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp có thể xây dựng tính độc đáo trong dịch vụ thông qua quá trình xử lý đơn hàng, giảm thời gian chờ đợi hay tăng chất lượng dịch vụ,... Chuỗi thức ăn nhanh McDonald's là một ví dụ điển hình về thương hiệu khác biệt hóa thành công bằng cách cung cấp chất lượng sản phẩm và dịch vụ nhất quán. Cụ thể, tất cả các cửa hàng McDonald's trên toàn thế giới đều phục vụ các món ăn theo cùng một cách với hương vị gần như là giống nhau, ngoại trừ một số món có những thay đổi nhỏ để phù hợp với khẩu vị địa phương.
Hay sự thành công của gã khổng lồ thương mại điện tử - Amazon một phần lớn là nhờ sự khác biệt hóa trong quá trình phân phối sản phẩm. Cụ thể, hãng này luôn thiết lập thời gian giao hàng trên app lớn hơn thời gian giao hang thực tế. Với chiến lược này, Amazon đã thành tạo ra cảm giác rằng họ đang cố gắng làm tốt hơn để đem lại nhiều giá trị nhất cho khách hàng bằng cách giao hàng nhanh chóng cho tất cả khách hàng.
Trên đây, Ori đã tổng hợp và phân tích 30 chiến lược khác biệt hóa thương hiệu đã được các thương hiệu nổi tiếng như Apple, Airbnb, Coca-Cola,... kiểm chứng và áp dụng thành công. Hy vọng, những thông tin trong bài biết sẽ hữu ích và hỗ trợ tốt cho các chiến lược xây dựng, định vị thương hiệu của doanh nghiệp bạn trong tương lai. Đừng quên theo dõi Fanpage Ori Agency để cập nhật thêm nhiều những kiến thức giá trị nhé!
Nguồn biên tập: Ori Marketing Agency
Vượt sóng 6 tháng nửa cuối năm 2023 với các hoạt động Marketing đột phá nhất cùng Ori Agency.
Ori Marketing Agency định vị là một Performance Agency, chúng tôi đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp, triển khai các chiến dịch Marketing với nhiều loại ngành nghề khác nhau như Ô tô, Bất động sản, F&B, FMCG, Giáo dục - Khóa học, Sản phẩm sức khỏe,....
Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi câu chuyện Marketing của bạn, tư vấn hỗ trợ bạn đạt mục tiêu kinh doanh hiệu quả nhất: https://bit.ly/3OF2d3Y