Content marketing và 3 sự thật trong thế giới content
Để trả lời câu hỏi content marketing là gì, Vũ xin mời bạn đứng ở góc nhìn của một nhà sáng tạo và tiếp thị nội dung đúng nghĩa.
Nếu ai đó hỏi rằng “nguồn sống” của một người làm content marketing – bên cạnh các nhu cầu thiết yếu như nước, giấc ngủ và thức ăn – là gì, thì câu trả lời chắc chắn sẽ là những ý tưởng hay để không ngừng sáng tạo nội dung.
Tuy nhiên, đó là trong điều kiện tiêu chuẩn và là trong trường hợp tất cả những nhà sáng tạo nội dung marketing, tạo ra nội dung mang tính tiếp thị quảng cáo đều chuẩn bị đầy đủ cho mình những trải nghiệm, kỹ năng để trở thành một “content creator” đúng nghĩa.
Tuy nhiên, thị trường nhân sự hiện nay đang ghi nhận một thực tế trái chiều. Nhiều người tham gia vào cộng đồng content creator nói chung và content marketing nói riêng mà chưa biết, chưa đủ hiểu về vai trò và tầm quan trọng của vị trí này; giống như thời xuất hiện làn sóng các bạn “rủ nhau” đi học ngành quản lý khách sạn, hay câu nói quen thuộc về nghề nhà giáo “chuột chạy bờ rào mới vào sư phạm.”
Lâu dần content marketing trở thành lĩnh vực và ngành nghề mà bất cứ ai cũng tin rằng, hoặc bị thuyết phục rằng, bản thân mình có thể dễ dàng theo đuổi. Quan điểm này còn được cổ suý mạnh mẽ bởi xu hướng các công ty, thương hiệu tìm kiếm nhân sự content freelancer mà chỉ chú trọng về số lượng thay vì chất lượng, ưu tiên chi phí bỏ ra thay vì chiều sâu của một nội dung bất kì.
Bản thân là người xuất phát từ lĩnh vực content và sản xuất nội dung nói chung, cùng với định hướng sẵn sàng chia sẻ kiến thức thương hiệu miễn phí đến đúng người cần, hôm nay Vũ muốn gửi đến tất cả các bạn bài chia sẻ giúp làm rõ khái niệm content marketing, cùng với những tố chất cần chuẩn bị hoặc sẵn có để trở thành nhân sự phù hợp trong lĩnh vực content marketing.
Content marketing xuất hiện từ khi nào?
Trước khi đi vào tìm hiểu và phân tích về content marketing, chúng ta cần hiểu rõ về bản chất của khái niệm content.
Cho đến nay vẫn có rất nhiều người suy nghĩ rằng, content chính là nội dung tiếp thị được thể hiện bằng ngôn ngữ chữ viết, giúp bản thân thương hiệu và doanh nghiệp tạo ra sự hấp dẫn, xây dựng niềm tin để rồi điều hướng hành vi tiêu dùng của họ sao cho doanh nghiệp mình được hưởng lợi.
Đây là một quan điểm đúng nhưng chưa đủ, bởi bên cạnh ngôn ngữ chữ viết thì khái niệm content còn bao hàm cả ngôn ngữ bằng hình ảnh. Trong ngôn ngữ hình ảnh còn được chia thành nhiều dạng content khác nhau, chẳng hạn như ảnh chụp, ảnh thiết kế, bản vẽ tay hay những video clip cũng được công nhận là một dạng content.
Thậm chí sẽ rất sai lầm nếu cho rằng ngôn ngữ chữ viết có khả năng truyền tải, lan toả giá trị thông tin đến người xem tốt hơn, và vì thế chỉ công nhận ngôn ngữ chữ viết mới là đúng với khái niệm content.
Không phải chữ viết, con người chúng ta có xu hướng bị thu hút và thuyết phục nhiều hơn với những hình ảnh hay bản vẽ tay. Đây là một xu thế tâm lý dễ hiểu bởi từ xa xưa, hình ảnh mới là dạng ngôn ngữ đầu tiên được nhân loại ứng dụng trong giao tiếp thường ngày.
Những bức vẽ trong hang động được sử sách ghi chép có niên đại ít nhất 40 ngàn năm trước. Trong khi phải đến thiên niên kỷ thứ 3 hoặc thứ 4 trước công nguyên, con người mới bắt đầu sử dụng chữ viết như một ngôn ngữ chính thức.
Nếu tổ tiên của loài người có cơ hội tạo ra khái niệm content và phát triển nó hưng thịnh hơn trước cả thế hệ chúng ta, chắc chắn họ sẽ sử dụng hình ảnh nhiều hơn chữ viết nhằm thể hiện quan điểm, giá trị đến mục tiêu là người tiêu dùng cần tiếp cận nội dung.
Khi đó, biết đâu thứ được con người tạo ra từ hàng ngàn năm trước công nguyên sẽ là máy ảnh. Còn lịch sử chiếc bút đầu tiên trên thế giới làm từ cây sậy phải chờ đến đầu thế kỷ thứ 11. Trở lại với khái niệm về content marketing, nếu mỗi thị trường và ngành hàng chỉ có sự tham gia của một vài thương hiệu thì khái niệm này có lẽ vĩnh viễn không tồn tại.
Nhiệm vụ của doanh nghiệp và thương hiệu khi đó chỉ là duy trì bộ máy sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng với số lượng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng không phải đắn đo chọn lựa thương hiệu mình yêu thích, ủng hộ mà chỉ cần “thương hiệu nào còn hàng thì mua thôi”. Nhìn chung, các thương hiệu không phải cạnh tranh gay gắt để chiếm được thiện cảm người tiêu dùng, nhu cầu xây dựng hình ảnh và quảng bá hình ảnh thương hiệu càng không có cơ hội xuất hiện.
Khái niệm content marketing chỉ ra đời và phát triển kể từ sau Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất. Thế mạnh của công nghiệp hoá cuối cùng cũng đã mở đường cho sản xuất hàng loạt. Thị trường không chỉ đón nhận sự xuất hiện của nhiều hàng hoá hơn, nhiều doanh nghiệp và thương hiệu cùng cạnh tranh với nhau hơn, mà bản thân mỗi người tiêu dùng cũng có “quyền năng” lớn hơn trong việc chọn lựa thương hiệu mình sẽ gắn bó.
Nhiều nhà sản xuất cùng cạnh tranh trong một thị trường lúc này phải thể hiện năng lực thuyết phục, giữ chân khách hàng mục tiêu của mình bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao chất lượng dịch vụ hoặc xây dựng nền tảng nội dung có đủ sức thuyết phục; thông qua các kênh truyền thông để lan toả, truyền đạt các giá trị mà doanh nghiệp mình mang lại – bằng chất lượng của sản phẩm và dịch vụ.
Khái niệm content marketing cũng từ đó ra đời, với mục đích tạo ra chuỗi nội dung bằng cả chữ viết lẫn hình ảnh thật sự ấn tượng, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, đội ngũ và bản thân nhà sáng lập nhờ thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng theo chiều hướng tích cực.
Bản chất của content marketing
Peter Drucker – nhà tư vấn quản trị hàng đầu thế giới và là cha đẻ của ngành quản trị kinh doanh hiện đại từng nhận định:
“Bản chất của marketing là biết, hiểu rõ khách hàng đến mức sản phẩm của bạn phù hợp với họ và giúp bạn bán được hàng cho họ”.
Vậy thì khác với bản chất của marketing mà rất nhiều người đang ngộ nhận, rằng marketing là quản lý các kết nối tích cực với khách hàng thông qua xác định đúng nhu cầu. Marketing thực chất là một phạm trù thiên về cảm xúc.
Ở đó khách hàng không chỉ chọn mua sản phẩm vì đơn giản là nhà cung cấp còn hàng, hay nhà bán lẻ có thể cung cấp đủ số lượng mong muốn. Chất lượng sản phẩm càng không phải yếu tố quyết định hành vi tiêu dùng tích cực. Bởi giữa một thị trường có ít nhất hàng chục thương hiệu lớn nhỏ, khách hàng không thể sở hữu hoặc trải nghiệm cùng lúc tất cả sản phẩm để tự mình đánh giá xem, sản phẩm nào mới đạt chất lượng tốt hơn cả.
Sản phẩm chất lượng kém dĩ nhiên sẽ bị đào thải theo quy luật tự nhiên, nhưng để chọn lựa giữa hàng tá sản phẩm “có vẻ tốt” còn lại cũng chẳng dễ dàng chút nào. Vậy lúc này, yếu tố nào giúp đội ngũ doanh nghiệp, thương hiệu giữ chân được khách hàng và giúp họ quay lại ủng hộ thêm nhiều lần nữa với một thái độ tích cực? Câu trả lời chính là content marketing.
Về bản chất content marketing không phải là định hướng duy nhất khi sản xuất nội dung, bên cạnh đó còn có một định hướng khác là branded content – hay còn được gọi là content branding. Thậm chí branded content còn xuất hiện trước, được phát triển từ những bước đầu tạo dựng hình ảnh thương hiệu và đi theo một định hướng lâu dài. Vậy khác biệt giữa branded content với content marketing là gì?
Khác biệt về mục tiêu ứng dụng
Điểm khác biệt cơ bản giữa content marketing và content branding nằm ở thời hạn ứng dụng. Content marketing phục vụ cho các chiến dịch tiếp thị, truyền thông ngắn hạn mang tính thời điểm. Trong khi đó, content branding bắt đầu phát triển từ lúc mới xây dựng thương hiệu, trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn luôn gắn bó cùng tiến trình tạo dựng sức mạnh cho thương hiệu.
Tuy nhiên đừng nhìn vào thời gian ứng dụng có giới hạn mà đánh giá thấp vai trò của content marketing. Trong một số tình huống nhất định, content marketing giúp đảo chiều định hướng và tuyên ngôn hoạt động của thương hiệu – để phục vụ mục đích theo đuổi một xu hướng đang lên, hoặc “tấn công” một chủ thể nhất định nhằm tuyên bố, khẳng định lần nữa về sứ mệnh thương hiệu.
Lấy ví dụ về trường hợp của Nike, thương hiệu nước Mỹ luôn nổi tiếng với câu tagline quen thuộc – “Just Do It”. Tuy nhiên, sau vụ nạn nhân da màu bị trấn áp đến mức tử vong bởi một cảnh sát da trắng hồi năm 2020, Nike đã triển khai một chiến dịch ngắn hạn bằng cách thay đổi từ “Just Do It” sang “Don’t Do It” – “Đừng làm như thế nữa”.
Có thể thấy rằng “Just Do It” là một phần của content branding được xây dựng bởi đội ngũ Nike, còn câu “Don’t Do It” là một phần của content marketing được sử dụng trong thời gian ngắn. Nhưng điều này là bắt buộc bởi nếu cứ phản đối, tẩy chay nạn phân biệt chủng tộc trong khi vẫn sử dụng tagline “Just Do It”, chiến dịch này bỗng trở nên phản tác dụng và nhìn thẳng thắn thì đâu khác gì tuyên bố rằng: “Hãy cứ phân biệt như thế đi”.
Khác biệt về hình thức ứng dụng
Ngoài khác biệt về thời hạn thì hình thức ứng dụng cũng nói lên sự đối lập giữa content marketing với content branding. Những hình ảnh, video clip hay các bài viết đầy tính bay bổng, sáng tạo mà bạn thường thấy trên nhiều nền tảng truyền thông chính là kết quả của content marketing.
Ngược lại, content branding thường nằm lại trên file thuyết trình, bảng quản lý dự án hay tài liệu truyền thông nội bộ mà branding agency bàn giao cho khách hàng doanh nghiệp.
Khác với những đóng góp sôi nổi, mang tính liên tục của content marketing trên nền tảng truyền thông. Content branding thường mang lại giá trị một cách thầm lặng, không huyên náo nhưng giàu ý nghĩa trong quá trình xây dựng nhận thức thương hiệu tích cực.
Cũng vì bản chất này mà mục tiêu của content marketing là tiếp cận càng nhiều người càng tốt, thu về càng nhiều tương tác thì càng chứng minh được độ hiệu quả của chiến dịch tiếp thị. Trong khi đó, content branding chỉ cần tiếp cận và thuyết phục thành công một nhóm người cụ thể. Tuỳ vào thời điểm, tình huống hay mục đích truyền đạt nhất định.
Để chứng minh sự khác biệt về hình thức ứng dụng của content marketing với content branding, cũng cần đề cập đến khác biệt quan trọng nhất mà Vũ sẽ chia sẻ ngay sau đây. Đó là sự khác nhau về mục tiêu truyền tải nội dung.
Khác biệt về mục tiêu truyền tải
Cần nhìn nhận một thực tế rằng content branding đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hình ảnh, định hướng phát triển chiến lược và cải thiện nhận thức thương hiệu tích cực. Những quá trình này không chỉ ghi nhận sự đóng góp của người tiêu dùng, khách hàng mục tiêu hay khách hàng trung thành của thương hiệu, mà còn là công sức của ban lãnh đạo, nhà sáng lập cho đến từng mảnh ghép nhỏ nhất ở trong đội ngũ nhân sự.
Content branding vì thế phải được xây dựng, phát triển dựa trên sự tham gia của nhiều cá nhân và tập thể. Từ những người tạo ra sản phẩm để tìm kiếm doanh thu, lợi nhuận đến những người chọn mua sản phẩm để đóng góp vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Content branding được xây dựng với mục tiêu truyền tải đến khách hàng, truyền thông trong nội bộ doanh nghiệp và thậm chí, giúp nhà sáng lập thương hiệu luôn ghi nhớ và đưa đội ngũ của mình theo đuổi một triết lý vận hành nhất quán. Nhìn một cách tổng thể, content branding truyền tải đến nhiều mục tiêu khác nhau chứ không có giới hạn nào nhất định.
Ngược lại, content marketing mang trên mình một nhiệm vụ duy nhất nhưng cũng là vai trò không kém phần quan trọng. Không chỉ tạo ra sức hút ban đầu và làm cho khách hàng mục tiêu cảm thấy ấn tượng, content marketing như đã nói còn là yếu tố giúp khách hàng quay lại ủng hộ thêm nhiều lần sau với một thái độ tích cực.
Nhiệm vụ duy nhất của content marketing là gì? Đó là tạo ra hành vi tích cực và thúc đẩy quá trình mua hàng của người tiêu dùng diễn ra thuận lợi hơn.
Có thể so sánh người làm content marketing với đội ngũ nhân viên kinh doanh, chỉ khác ở chỗ nhân viên kinh doanh thì tư vấn và trao đổi trực tiếp với người tiêu dùng, còn người làm content marketing sẽ thuyết phục họ thông qua năng lực sáng tạo nội dung của mình. Khi đó, mục tiêu tiếp cận và truyền tải nội cũng chỉ có một, chính là khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp.
“Quá khứ” của content marketing
Trong những năm đầu tiên học hỏi, tìm tòi và thử sức mình với vai trò của nhà sáng tạo nội dung marketing, bản thân Vũ đã lầm tưởng rằng hệ giá trị của content marketing với content branding là hoàn toàn khác biệt.
Nhiều thời điểm mình nghĩ nhà sáng tạo nội dung branding sở hữu “bản ngã” của một người thích chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những kỹ năng họ sẵn có. Trong khi nhà sáng tạo nội dung marketing sẽ dùng kinh nghiệm và kỹ năng từng được học tập, trau dồi để làm nổi bật lên chuỗi giá trị của sản phẩm hay nhà bán hàng, từ đó giúp người bán hàng bán được nhiều sản phẩm hơn, doanh thu lớn hơn và ít nhiều còn “làm giàu nhanh hơn.”
Vũ cũng tin rằng mình không cô đơn, rất nhiều bạn bè, người thân và khách hàng doanh nghiệp Vũ từng tiếp xúc cũng có chung một suy nghĩ như vậy.
Rồi đến khi nào thì suy nghĩ và quan điểm đó của mình phải thay đổi? Đó là lúc bắt đầu đi tìm về “cội nguồn” của khái niệm content marketing, rằng quá khứ của content marketing là gì, đâu là những bản thể đầu tiên của content marketing dưới dạng chữ viết và hình ảnh?
Bản thể content marketing đầu tiên
Sự thật là các doanh nghiệp chỉ bắt đầu ứng dụng khái niệm content marketing từ đầu thế kỷ 19, nhưng những bản thể đầu tiên của content marketing đã xuất hiện từ hàng thế kỷ trước đó.
Nếu ngày nay, bạn có thể dễ dàng mua bất cứ cuốn sách nào mình thích ở nhà sách, cửa hiệu hay trên nền tảng thương mại điện tử với một mức giá dễ chịu, thì bạn đã may mắn hơn hàng tỷ người khác sinh sống trong giai đoạn các thế kỷ thứ 17 và 18. Thời đó sách rất khó tìm mua, không được bày bán đại trà và quan trọng hơn hết là mức giá cực kì đắt đỏ.
Đây là động lực để vào năm 1732, ông Benjamin Franklin cho phát hành cuốn sách “Poor Richard’s Almanack” (tạm dịch: “Cái nghèo của Richard”, Richard Saunders là bút danh của ông). Sách là tổng hợp một loạt kiến thức bổ ích về thời tiết, địa điểm du lịch, công thức nấu ăn, lời khuyên cuộc sống hoặc các nghiên cứu về nhân khẩu học.
Mục tiêu ra đời của cuốn sách là tổng hợp toàn bộ những thông tin từ cơ bản đến nâng cao, để bất cứ ai cũng có thể cải thiện chất lượng đời sống của mình – mà không phải chi trả quá nhiều tiền để sở hữu quá nhiều đầu sách khác nhau. Sách được biên soạn và cải tiến, cập nhật hằng năm, tái bản mỗi năm một lần trong vòng 25 năm sau đó.
Để nói thêm về cá nhân Benjamin Franklin, nếu George Washington là nhà khai quốc của Mỹ khi trở thành Tổng Thống đầu tiên vào năm 1789, sau nhiều năm lãnh đạo phe Yêu Nước đứng lên giành độc lập, thì Benjamin Franklin lại được mệnh danh là “Người Mỹ Đầu Tiên.” Bởi trong giai đoạn đảm nhiệm chức vụ đại sứ, Benjamin Franklin đã thuyết phục chính phủ Pháp hỗ trợ nhân dân Hoa Kỳ cả về vũ khí lẫn tài chính – nhằm phục vụ cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập từ tay Thực dân Anh.
Tháng 6/1776, khi Quốc hội Mỹ đề xướng “nhóm năm người” đến từ năm tiểu bang khác nhau để soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập, ông Benjamin Franklin được chỉ định là người đại diện cho bang Pennsylvania. Ông cũng là người đặt bút ký vào bản tuyên ngôn độc lập, luận cương Chủ nghĩa liên bang và Hiến pháp Hoa Kỳ – ba văn kiện quan trọng nhất để đưa nước Mỹ giành độc lập và tuyên bố nền độc lập với thế giới.
Sau những thành tựu quan trọng cũng như vai trò then chốt trong quá trình lập quốc, chân dung Benjamin Franklin sau này đã được in trên tờ tiền 100 USD như một cách bày tỏ niềm tri ân của người dân Hoa Kỳ. Dưới vai trò của một tác giả sách, ông cũng xuất bản thêm nhiều đầu sách nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ như “The Whistle”, “The Way To Wealth”, “The Morals Of Chess”…
Content marketing từng có thời là phương tiện cập nhật kiến thức
Cái nghèo của Richard được công nhận là bản thể đầu tiên, nhưng không phải là bản thể content marketing duy nhất có mục đích chia sẻ kiến thức. Năm 1801, để thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhà sách Librairie Galignani, ông chủ Giovanni Galignani đã tận dụng xưởng xuất bản của mình để cho ra đời cuốn “Galignani’s Messenger”.
Đây là một tuần san để nhà sách của ông giới thiệu đến độc giả những tác phẩm, đầu sách được viết bằng tiếng Anh hiện đang được bày bán. Không chỉ thể hiện thông tin và quan điểm một chiều của ông chủ nhà sách, tuần san Galignani’s Messenger còn cung cấp kiến thức và nhận định của nhiều học giả phương Tây có uy tín.
Tuần san này không chỉ tạo điều kiện để ông Giovanni Galignani quảng bá mô hình kinh doanh, mà còn mở đường cho sách của nhiều tác giả người Anh được bày bán tại đây. Một số tác giả danh tiếng lúc bấy giờ là Thackeray, Byron, Wordsworth…
Một ví dụ nữa của sản phẩm content marketing nhưng chia sẻ nhiều kiến thức đến bạn đọc, đó là tạp chí hướng dẫn được Michelin xuất bản lần đầu năm 1920 với mức giá 7 franc. Trước đó, vào năm 1889, hai anh em nhà Michelin là Andre Michelin và Edouard Michelin đã mở một công ty kinh doanh lốp xe. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn người Pháp không quá mặn mà với chuyện sở hữu và sử dụng xe ô tô. Tính trên cả nước chỉ có chưa đến 3 ngàn xe ô tô được lưu hành trong thời gian này.
Khi xu hướng “xê dịch” bắt đầu hưng thịnh trở lại vào đầu thế kỷ 20, công ty lốp xe Michelin cũng đã dần kiệt quệ sau nhiều năm đối mặt với tình trạng “ế khách”. Nhìn thấy người Pháp tích cực di chuyển và khám phá những vùng đất mới bằng chính chiếc xe của mình, anh em nhà Michelin đã quyết định xuất bản ấn phẩm “MICHELIN Guide”.
Cuốn sách hướng dẫn có màu đỏ nổi bật là một tập hợp các kiến thức, thông tin bổ ích cho những ai đam mê du lịch. Nó bao gồm bản đồ du lịch, điểm đến du lịch hấp dẫn, thông tin về trạm xăng dọc đường đi cũng như địa chỉ của những khách sạn/ nhà nghỉ uy tín. Dĩ nhiên, những thông tin về hướng dẫn thay lốp hoặc cửa hàng thay lốp Michelin gần nhất cũng không thể thiếu.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi sách hướng dẫn được bán ra, anh em nhà Michelin phát hiện ra rằng thông tin về ẩm thực, địa chỉ ăn uống chất lượng mới là dạng content được bạn đọc quan tâm hơn cả. Đây là tiền đề để đến năm 1926, công ty Michelin quyết định thành lập một nhóm các “thực khách ẩn danh”. Với nhiệm vụ định kỳ ghé thăm các địa điểm ăn uống có tên trong “MICHELIN Guide”, sử dụng dịch vụ như một thực khách đúng nghĩa và trả về các đánh giá cho công ty.
Ban đầu Michelin chỉ cung cấp một ngôi sao duy nhất cho các nhà hàng đạt chuẩn. Theo thời gian khi số lượng địa điểm tăng lên, tính cạnh tranh khốc liệt hơn và bản thân tiêu chuẩn đánh giá của Michelin cũng khắt khe hơn, công ty này bắt đầu xếp hạng sao kể từ năm 1936.
Ba ngôi sao là “đẳng cấp” cao nhất dành cho những nhà hàng tiêu chuẩn xuất sắc, ngược lại, việc đánh mất dù chỉ một ngôi sao cũng đủ khiến sự nghiệp của đầu bếp lụn bại.
Vua đầu bếp Gordon Ramsay tiết lộ mình từng bật khóc như một đứa trẻ khi bị tước sao hồi năm 2015, trong khi đó người được mệnh danh là Đầu bếp giỏi nhất thế giới Guy Savoy cũng rất suy sụp, vì nhà hàng món Pháp mới đây bị tước sao mà không rõ lý do. Thậm chí vào năm 2020, đầu bếp Bernard Loiseau đã tự tử vì nhà hàng của mình bị tước mất một sao Michelin.
Những trường hợp bị tước sao Michelin dẫn đến thất vọng, suy sụp tinh thần hay thậm chí tìm đến cái chết nghe có vẻ tiêu cực. Nhưng chính những câu chuyện đó cũng là đại diện cho thành công của công ty lốp xe Michelin trong việc xây dựng, khai thác content marketing với nguồn cảm hứng sáng tạo tưởng chừng chẳng hề liên quan đến lĩnh vực kinh doanh.
Lời kết
Khác với cách hiểu ban đầu của Vũ cũng như rất nhiều bạn đang theo dõi bài viết này, content marketing ban đầu vẫn được phát triển và định hình trở thành một công cụ chia sẻ kiến thức hữu ích.
Những ví dụ về tựa sách đầu tay của Benjamin Franklin, tuần san của một nhà xuất bản người Pháp hay cuốn “MICHELIN Guide” đã được in rồi xuất bản với nhiều thứ tiếng khác nhau, chính là bằng chứng của một quá khứ nơi content marketing sớm trở thành kênh chia sẻ kiến thức cho người làm kinh doanh.
Thời gian trôi đi, khi tính cạnh tranh thị trường ngày một tăng dần, áp lực tồn tại và phát triển mô hình kinh doanh giữa thị trường cạnh tranh chưa một lần hạ nhiệt, khái niệm content marketing cũng dần thay đổi về mặt bản chất.
Nội dung lúc này được xây dựng và truyền cảm hứng bởi giá trị của sản phẩm, mức độ chuyên nghiệp của quy trình sản xuất và phần nào đó là thành tựu đáng nể của mọi doanh nghiệp lớn nhỏ. Người làm content marketing cũng tập trung nhiều hơn vào các giá trị tức thời, mang tính thời điểm và góp phần lớn cải thiện kết quả kinh doanh bằng những con số thống kê.
Vũ không đánh giá hay bày tỏ quan điểm rằng content marketing là một định hướng tiêu cực, cũng không muốn đặt lên bàn cân giữa một bên là content branding, một bên còn lại là content marketing. Vũ cho rằng cả hai khái niệm, định hướng xây dựng nội dung này mang trên mình những vai trò, trách nhiệm khác nhau, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh sau cùng.
Hy vọng rằng bài chia sẻ lần này đã giúp bạn có góc nhìn trực quan về tầm quan trọng của content marketing trong quá trình xây dựng thương hiệu và phát triển doanh nghiệp, cũng như hiểu rõ vai trò của content marketing trong quá trình chinh phục khách hàng mục tiêu, cải thiện hành vi tiêu dùng theo chiều hướng tích cực hơn.
Xin chân thành cảm ơn.
* Bài viết gốc: Vũ Digital