Ngôn ngữ - bản năng sinh tồn hay “tử huyệt” của người làm marketing?

Theo các chuyên gia, những mầm móng đầu tiên của tiếng nói con người đã hình thành từ 70.000 - 100.000 năm trước. Tuy nhiên, đây chỉ là một tập hợp âm thanh khác nhau và không mang lại nhiều ý nghĩa, mãi cho đến khi con người có ngôn ngữ.

Hai từ “ngôn ngữ” nghe có vẻ đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều điều, đặc biệt hơn khi nó mang cả ý nghĩa sinh tồn. Theo định nghĩa của một số chuyên trang khoa học, ngôn ngữ là một hệ thống giao tiếp có cấu trúc được sử dụng bởi con người và khác biệt ở những nền văn hóa, lịch sử khác nhau. Ví dụ, người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi thì hay nói “tiếng Quảng”, người ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì nói “tiếng miền Tây”.

Không phân tích sâu về những khía cạnh của khoa học, đối với tôi, ngôn ngữ đơn giản là những lời hay ý đẹp trong cuộc sống. Nó giúp chúng ta có thể “sinh tồn” trong một xã hội đang rất cần những lời hay, ý đẹp, những lời nói truyền động lực để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có thể lấy một ví dụ đơn giản. Nếu bạn đi phỏng vấn xin việc, bạn không cẩn trọng trong cách sử dụng ngôn ngữ lời nói, không trau chuốt ngôn từ truyền tải thông điệp tích cực, thì vài lời nói vô ý cũng có thể làm bạn mất đi công việc mà mình yêu thích. Vậy nên, sức mạnh của ngôn ngữ là rất quan trọng, hoàn toàn đúng với nghĩa “sinh tồn”.

Ngôn ngữ - bản năng sinh tồn hay “tử huyệt” của người làm marketing?

Nói riêng ở lĩnh vực marketing, đặc biệt là content marketing, ngôn ngữ chính là “chìa khóa” hữu hiệu quyết định thành - bại trong chiến lược marketing.

Theo khảo sát, trung bình mỗi ngày, một khách hàng có thể tiếp nhận khoảng 250 - 400 thông điệp quảng cáo, tiếp thị. Do đó, để những thông điệp quảng cáo của doanh nghiệp gây ấn tượng với người tiếp nhận, người làm content marketing phải sử dụng ngôn ngữ biểu đạt thông qua ngôn từ thật tự nhiên, chính xác và phù hợp với nhu cầu của khách hàng mục tiêu. Hay nói đơn giản “Hãy để khách hàng nghe hoặc xem bằng trái tim, hơn là ép họ nghe hoặc xem những gì họ không muốn”. Như vậy, doanh nghiệp đó mới có thể lấy được thiện cảm của khách hàng. Bằng không, nó sẽ có thể đẩy họ ra xa bạn hơn.

Từ đó, có thể khẳng định rằng, ngôn ngữ vừa là bản năng, vừa là “tử huyệt” của dân làm marketing. Nếu chậm thay đổi, bạn sẽ không thể tiến xa.

Julien Nguyễn