Suy nghĩ và hành động một cách chiến lược (Phần 1): Hiểu về chiến lược và tư duy chiến lược
Trong thời đại kinh tế có nhiều biến thiên, chiến lược giữ vai trò tối quan trọng trong việc đưa ra những lựa chọn sáng suốt với những thông tin không hoàn chỉnh, cũng giống như chơi ghép hình puzzle mà không có đủ tất cả những miếng ghép.
Chiến lược là gì?
Theo Binh pháp Tôn Tử: “Kết quả mỗi trận chiến được định đoạt trước khi nó xảy ra”. Nếu nhìn nhận mỗi chiến dịch tiếp thị là một trận chiến, để chiến thắng, doanh nghiệp và nhãn hàng cần có sự chuẩn bị kỹ càng và có chiến lược khả thi.
Chân lý được lưu truyền hơn 2000 năm qua cho thấy tầm quan trọng trong việc chuẩn bị và xây dựng chiến lược trước khi thực hiện. Vậy, chiến lược là gì? Theo từ điển Oxford: “Chiến lược là một kế hoạch được đưa ra nhằm đạt được một hoặc một vài mục tiêu nhất định”. Chiến lược không nhất thiết là phải đúng, tuy nhiên, nó phải hiệu quả.
Chiến lược, có thể hiểu đơn giản, là một ý kiến sáng suốt về việc làm thế nào để thắng. Ý kiến sáng suốt này cần được hỗ trợ bởi các biện pháp nghiên cứu hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng, các tìm hiểu về thị trường và môi trường kinh doanh, cũng như các hiểu biết về văn hoá địa phương kết hợp với toàn cầu.
Chiến lược cũng tập trung vào vấn đề mấu chốt của vấn đề. Trong một vài trường hợp, để đạt được kết quả mong muốn, doanh nghiệp và nhãn hàng nên tập trung vào KẾT QUẢ cuối cùng thay vì chỉ quan tâm đến QUÁ TRÌNH. Điều quan trọng là xác định vấn đề đang gây trở ngại và đề xuất giải pháp. Tập trung vào điều chúng ta muốn người tiêu dùng phản hồi, suy nghĩ hoặc hành động, thay vì chỉ đơn giản là truyền tải thông điệp tới họ. Suy nghĩ rõ ràng và xác định phương cách để giành chiến thắng là hai yếu tố vô cùng quan trọng trong công tác lên chiến lược.
Trong thời đại kinh tế có nhiều biến thiên, chiến lược giữ vai trò tối quan trọng trong việc đưa ra những lựa chọn sáng suốt với những thông tin không hoàn chỉnh, cũng giống như chơi ghép hình puzzle mà không có đủ tất cả những miếng ghép.
Tư duy chiến lược
Tư duy chiến lược là khía cạnh quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch. Các nhà hoạch định chiến lược thường xuyên phải đối mặt với sự nhiễu loạn của quá nhiều thông tin, câu hỏi và ý tưởng. Điều này luôn đòi hỏi họ phải có một tư duy sáng suốt để đơn giản hoá vấn đề, nói cách khác là gạn đục khơi trong để có thể lựa ra những ý tưởng có tiềm năng nhất, đặt ưu tiên cho từng ý tưởng hoặc vấn đề, loại bỏ những ý tưởng hoặc vấn đề không hoặc kém tất yếu, xác định điểm cần tập trung và hoạch định kế hoạch hành động.
Hãy bắt đầu từ việc hiểu rõ thách thức mà doanh nghiệp và nhãn hàng đang đối mặt, để có thể thiết kế quy trình hành động cần thiết. Tập trung vào những gì sẽ tạo ra tác động lớn nhất và nỗ lực để đạt được mục tiêu. Để xây dựng chiến lược, có thể sử dụng mô hình 5 câu hỏi:
- Chúng ta đang ở đâu? Đây là câu hỏi về thực tế hiện tại của doanh nghiệp và nhãn hàng, cũng là nền tảng để định hình chiến lược.
- Chúng ta đã đến đây bằng cách nào? Câu hỏi này giúp doanh nghiệp và nhãn hàng xác định các yếu tố và quy trình đã đóng góp vào sự phát triển hiện tại.
- Chúng ta muốn đi đâu? Đây là câu hỏi về mục tiêu và hướng phát triển trong tương lai.
- Chúng ta sẽ đến đó bằng cách nào? Câu hỏi này đề cập đến các biện pháp và chiến lược cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra.
- Làm thế nào để biết chúng ta sẽ đến đích? Đây là câu hỏi về các chỉ số và phương pháp đo lường nhằm đánh giá hiệu quả của chiến lược.
Đồng thời, việc tìm ra vấn đề con người đằng sau vấn đề kinh doanh, nhận biết lợi thế độc đáo của doanh nghiệp và nhãn hàng, và có cái nhìn thấu suốt về sự thật chưa từng được chú tâm hoặc chạm tới trước đây sẽ giúp doanh nghiệp và nhãn hàng hiểu rõ hơn về vấn đề. Để từ đó, các nhà lãnh đạo có được góc nhìn và cách tiếp cận mới trong quá trình hoạch định và xây dựng chiến lược.
Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về việc có hay không những công thức chung cho công tác xây dựng và hoạch định chiến lược cho doanh nghiệp và nhãn hàng.
Asaf Rosen – Giám đốc Chiến lược, Dinosaur Vietnam