Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Duolingo x LinkedIn: 59% nhân viên văn phòng tại Việt Nam mệt mỏi vì thuật ngữ công sở

Duolingo x LinkedIn: 59% nhân viên văn phòng tại Việt Nam mệt mỏi vì thuật ngữ công sở

Trong bối cảnh tiếng Anh tiếp tục là ngôn ngữ thương mại được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, các thuật ngữ công sở như “KPI” (key performance indicator – chỉ số hiệu suất chính), “SOW” (scope of work – phạm vi công việc) hoặc “EOD” (end of day – cuối ngày) đã trở thành một phần trong giao tiếp hàng ngày của nhân viên văn phòng. Theo nghiên cứu mới nhất của Duolingo và LinkedIn, mặc dù việc sử dụng thuật ngữ công sở đã trở nên phổ biến vì sự tiện lợi, nhưng việc lạm dụng chúng khiến một số bộ phận nhân viên cảm thấy bối rối và lạc lõng.

Duolingo đã hợp tác cùng LinkedIn để thực hiện khảo sát toàn cầu mang chủ đề “Thói quen sử dụng thuật ngữ nơi làm việc” nhằm nghiên cứu việc sử dụng ngôn ngữ trong môi trường công sở và tác động của nó đối với người lao động ở một số thị trường trọng điểm, bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Colombia, Brazil, Ấn Độ và Việt Nam. Báo các khám phá cảm giác của các nhân viên khi phải tự mình tìm hiểu ý nghĩa của những thuật ngữ mới; đồng thời xem xét nhận định của các thế hệ khác nhau tại nhiều quốc gia về tầm ảnh hưởng của những cụm từ này tới quá trình làm việc của họ.

“Duolingo rất vui mừng khi hợp tác với LinkedIn để tìm hiểu sâu hơn các xu hướng ngôn ngữ mới thông qua lăng kính văn hóa. Duolingo luôn đánh giá cao tiềm năng của việc học ngôn ngữ giúp người học khám phá và nâng cao sự hiểu biết đa văn hóa. Chúng tôi cam kết thực hiện mục tiêu này, không chỉ thông qua phát triển ứng dụng mà còn qua các hoạt động của chúng tôi”, bà Haina Xiang, Giám đốc Marketing khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Duolingo, cho biết, “Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp những ứng viên trẻ và nhà tuyển dụng tại Việt Nam giao tiếp rõ ràng và tự tin hơn trong quá trình tuyển dụng, đồng thời góp phần tạo nên môi trường làm việc thân thiện hơn”

* Khảo sát được thực hiện bởi Censuswide với trên 8.227 nhân viên đang đi làm ở Anh, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Colombia, Brazil và Việt Nam, trong độ tuổi 18-76, trong khoảng thời gian từ 12/04/23 đến 26/04/23. Riêng tại Việt Nam, có 1.004 người lao động thuộc độ tuổi 18-76 tham gia khảo sát từ ngày 11-18/5/2023. Censuswide tuân thủ và sử dụng các thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu Thị trường (Market Research Society) dựa trên các tiêu chuẩn của ESOMAR.

Hầu như ai cũng sử dụng thuật ngữ công sở

Những thuật ngữ công sở tiếng Anh phổ biến được sử dụng rộng rãi tại nơi làm việc trên khắp thế giới, bao gồm cả những quốc gia mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức. 

Trong số tám quốc gia được khảo sát, Việt Nam đứng thứ hai (75,8%) về số lượng người lao động cho rằng đồng nghiệp của họ lạm dụng thuật ngữ công sở, trong đó những người thuộc thế hệ Millennial sử dụng chúng nhiều nhất. 40% nhân viên văn phòng tại Việt Nam cho biết họ hầu như không nhận ra mình đang sử dụng chúng, và 74% chia sẻ rằng họ sử dụng các thuật ngữ tiếng Anh trong cả công việc và cuộc sống hàng ngày vì họ không biết cách dịch chúng sang tiếng Việt.

Duolingo x LinkedIn: 59% nhân viên văn phòng tại Việt Nam mệt mỏi vì thuật ngữ công sở

Theo khảo sát, các thuật ngữ công sở phổ biến nhất ở Việt Nam là “networking”, “win-win”, “follow up”, “ASAP”; trong khi các thuật ngữ được cho là khó hiểu nhất bao gồm “FYI”, “KPI”, “low-hanging fruit”, “SOW” và “by EOD”.

Duolingo x LinkedIn: 59% nhân viên văn phòng tại Việt Nam mệt mỏi vì thuật ngữ công sở

Thuật ngữ công sở có thể hữu ích, nhưng lạm dụng sẽ thành rào cản

Đối với một số nhân viên văn phòng, việc có “tiếng nói chung”, chẳng hạn như thuật ngữ nơi làm việc, có thể giúp nâng cao sức mạnh của tập thể. Tuy nhiên theo khảo sát, điều này không áp dụng cho tất cả, vì với những người không quen thuộc với những thuật ngữ này, họ có thể cảm thấy bị cô lập và không được chào đón.

Khi Duolingo và LinkedIn hỏi người tham gia khảo sát cảm thấy thế nào khi có đồng nghiệp sử dụng nhiều thuật ngữ công sở, câu trả lời phổ biến nhất là sử dụng thuật ngữ giúp công việc hiệu quả hơn và giúp việc giao tiếp trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên, số khác cũng cho rằng các thuật ngữ công sở này không tạo ra một môi trường hòa nhập và có thể làm quá trình giao tiếp phức tạp hơn. Trên thực tế, 68,4% cho biết họ đã hiểu sai hoặc mắc lỗi sai trong công việc do sử dụng sai hoặc không biết ý nghĩa của các thuật ngữ. Ngoài ra, việc hiểu sai thuật ngữ tại nơi làm việc đã dẫn đến việc lãng phí thời gian bởi các cuộc họp, email hoặc sửa đổi bổ sung ít nhất một lần một tuần, theo 62% nhân viên văn phòng tại Việt Nam.

Duolingo x LinkedIn: 59% nhân viên văn phòng tại Việt Nam mệt mỏi vì thuật ngữ công sở

“Không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của các thuật ngữ như nhau”, Tiến sĩ Hope Wilson – Giám đốc Học tập và Chương trình giảng dạy tại Duolingo – cho biết, “Đơn cử, những người lớn lên không nói tiếng Anh cho biết họ gặp khó khăn hơn với thuật ngữ tiếng Anh so với những người sử dụng tiếng Anh từ nhỏ. Các thuật ngữ có thể dễ hiểu hoặc hiển nhiên đối với bạn, nhưng điều này không có nghĩa là đồng nghiệp của bạn sẽ hiểu chúng”.

Trên thực tế, trong số các quốc gia được khảo sát, Việt Nam xếp hạng cao nhất (86%) trong số lượng người lao động đồng ý rằng họ buộc phải tự tìm hiểu thuật ngữ công sở khi bắt đầu công việc gần đây nhất. Bên cạnh đó, những người làm việc từ xa/ linh hoạt cảm thấy tác động của điều này mạnh mẽ hơn so với các đồng nghiệp làm việc tại văn phòng. Đối với nhiều người, nỗ lực phải bắt kịp những thuật ngữ công sở đã làm giảm năng suất công việc (34,8%), trì hoãn quá trình làm quen với công việc mới (32,5%) và/ hoặc khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi trong cuộc trò chuyện (25,4%).

Duolingo x LinkedIn: 59% nhân viên văn phòng tại Việt Nam mệt mỏi vì thuật ngữ công sở

Hầu hết người tham gia khảo sát nhận thấy nỗ lực học hỏi này được đền đáp, với 85,4% nhân viên cho rằng việc hiểu thuật ngữ nơi làm việc có thể giúp thăng tiến trong công việc, như tăng lương hay thăng chức. Dẫu vậy, Việt Nam (59,1%) cùng với Ấn Độ (70%)Mỹ (50%) vẫn là những quốc gia hàng đầu nơi nhân viên cho biết họ muốn loại bỏ hoặc giảm bớt việc sử dụng thuật ngữ công sở tại nơi làm việc.

Tiến sĩ Hope Wilson chia sẻ thêm: “Mặc dù việc sử dụng thuật ngữ tại nơi làm việc có những ưu và nhược điểm, nhưng mọi người không nên thấy xấu hổ vì sử dụng các thuật ngữ này. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhận thức được rằng không phải ai cũng hiểu được những từ ngữ công sở này, chúng ta có thể sử dụng các cụm từ quen thuộc hơn mà vẫn truyền tải đúng thông điệp – và điều này giúp ích cho tất cả mọi người”.

Đầu tư vào việc học tiếng Anh 

Theo khảo sát, những nhân viên sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai cảm nhận được những tác động của thuật ngữ tại nơi làm việc rõ rệt hơn so với đồng nghiệp nói tiếng Anh bản xứ. Gần một nửa (49%) người lao động thông thạo tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai nói rằng thuật ngữ công sở là nguyên nhân gây ra lỗi hoặc hiểu lầm trong công việc, so với 40% số người có tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ.

Duolingo x LinkedIn: 59% nhân viên văn phòng tại Việt Nam mệt mỏi vì thuật ngữ công sở

“Các thuật ngữ kinh doanh tiếng Anh thường được tận dụng sang các ngôn ngữ khác và trở thành từ thông dụng đối với những người trong ngành. Vì vậy, ngay cả ở những nơi làm việc không sử dụng tiếng Anh, những người lao động biết tiếng Anh có thể tiếp cận các thuật ngữ này tốt hơn nhờ năng lực tiếng Anh của họ”, Tiến sĩ Hope Wilson nói thêm, “Đây là một trong nhiều lý do tại sao việc học tiếng Anh rất có giá trị. Trên thực tế, một nửa số người dùng của chúng tôi đang sử dụng Duolingo để học tiếng Anh. Chúng tôi quan tâm đến việc đầu tư vào các khóa học tiếng Anh, vì chúng tôi tin rằng việc cho phép người học tiếp cận với ngôn ngữ này có thể cải thiện các cơ hội nâng cao đời sống của họ một cách đáng kể”.

“Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ được học nhiều nhất tại Việt Nam do tính hữu ích của nó trong cuộc sống và công việc. Khi ngày càng nhiều người Việt Nam tích hợp tiếng Anh vào môi trường kinh doanh, sứ mệnh quan trọng của chúng tôi là làm cho việc học ngôn ngữ ở thị trường này trở nên dễ dàng và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết”, bà Haina Xiang chia sẻ.

Để biết thêm thông tin chi tiết về khảo sát “Thói quen sử dụng thuật ngữ nơi làm việc”, vui lòng xem tại đây.