Value Shift – Chuyển dịch giá trị

Value Shift – Chuyển dịch giá trị

Từ đầu năm 2023 đến giờ đối với tôi là một trải nghiệm kỳ thú và nhiều thăng trầm. Từ một con người đam mê tri thức, tôi lại bén duyên với con đường tâm linh và chập chững từng bước nhỏ đi tìm lại chính mình. Đến thời điểm hiện tại, tôi đã có cơ hội được nhặt lại mình và nhìn nhận mọi thứ bằng một cách nhìn rất khác.

Tôi từng tự hào về vài thứ trong cuộc sống của mình để rồi nhận ra mình chưa chắc đã thực sự tồn tại. Tôi đã từng cho rằng mình đã sở hữu vài thứ để rồi nhận ra chẳng có gì gọi là khái niệm “của mình”. Bỗng chốc tôi nhận ra bao năm này mình vẫn đang lái trên một chiếc xe. Chiếc xe ấy là cơ thể này, là những vật chất tôi sở hữu, là kiến thức, là tâm tư tình cảm tích tụ trong tâm trí qua nhiều năm của đời sống. Tôi đã từng tự hào về những điều này vì tôi nghĩ chúng là tôi. Giống như bạn có thể lái một chiếc xe Toyota hay Lexus lâu đến nỗi bạn tưởng như chiếc xe là một phần của thân thể không tách rời của mình. Rồi bạn tự gọi mình là Toyota hay Lexus.

Rồi tôi nhận ra trong mình còn có một thứ sâu sắc hơn – một kết nối với toàn thể. Tôi vẫn thắc mắc điều gì đã dẫn dắt tôi khởi tâm muốn ăn chay và sống tối giản hồi những năm 2018. Vậy là sau hơn 5 năm, dần dần tôi đã nhận ra được những kết nối của mình với những vấn đề này. Vậy đấy, con người ta đều có nhiều chặng phát triển trong cuộc đời mà ở đó họ thay đổi hệ quy chiếu và lớp vỏ ngoài của mình để phù hợp với sự phát triển tươi mới bên trong của một kết nối sâu sắc mà người ta hay gọi là linh hồn. Nhưng trải nghiệm này không đến với tôi một cách tự nhiên mà là một quá trình chuyển hoá nội tâm rất dài mà tôi xin trích dẫn bằng một câu nói yêu thích.

“Nếu lời khuyên không làm con người ta thay đổi, thì khổ đau sẽ làm con người ta thay đổi. Nếu khổ đau không làm con người ta thay đổi, thì mất mát sẽ làm con người ta thay đổi. Nếu mất mát không làm con người ta thay đổi thì những mất mát lớn lao sẽ làm con người ta thay đổi.”

Dù là nguyên nhân gì thì những thay đổi này cũng là cần thiết và quá trình chuyển hoá bản thân này tôi xin tổng hợp trong một khái niệm mà tôi gọi là Chuyển dịch giá trị – The Value Shift.

Chuyển dịch giá trị có thể đúng cho cá nhân và đúng cho cả tập thể. Nhìn một cách rộng ra, con người là một bản thể đơn lập, và tổ chức là một bản thể đa lập, được cấu thành từ những thể đơn lập nhưng cùng nhau. Trong quá trình phát triển và hoàn thiện bản thể, dường như các tổ chức cũng cần trải qua những tiến trình tương tự.

Ít doanh nghiệp bắt đầu với mục tiêu vì phụng sự nhân loại hay cứu thế giới. Điều này cũng bình thường thôi vì chúng ta chẳng thể kỳ vọng gì nhiều ở một “doanh nghiệp em bé”. Đa phần người ta khởi nghiệp vì kiếm tiền, hoặc một số khác thì là vì đam mê. Dù giỏi giang và thuận lợi, phần lớn sẽ thất bại theo quy luật của xác suất, nhưng một số thì có thể sẽ thành công. Rồi họ sẽ đứng trước những lựa chọn của chuyển dịch giá trị khi việc kiếm tiền và bành trướng có còn quan trọng, hay họ sẽ phấn đấu vì một mục tiêu khác có thể cao cả hơn.

Những mục tiêu này nếu bạn quan tâm, bạn có thể tìm đọc thêm trong một mô hình tâm lý học rất thú vị – Mô hình xoắn động (Spiral Dynamics). Dù doanh nghiệp có chọn mức tiến triển nào cho mục đích doanh nghiệp của mình, tôi tin là ẩn sâu đằng sau tất cả những quyết định vẫn là một sự chuyển dịch giá trị rất sâu sắc. Có điều giống như đời người, tôi tin rằng những chuyển dịch giá trị phát sinh trong niềm vui và thuận lợi không mấy vững bền. Những khó khăn thử thách như điều kiện kinh tế hiện tại có khi lại là những cơ hội để sự chuyển dịch giá trị diễn ra ở một phân tầng sâu sắc và bền vững hơn.

Value Shift – Chuyển dịch giá trị

Mô hình xoắn động 
Nguồn: psychology

Sau khi ngộ ra đến đây, tôi thấy rằng công việc của mình cũng không còn như trước. Các doanh nghiệp thường tìm đến tôi để làm Tái định vị thương hiệu (Re-branding), chiến dịch truyền thông hoặc cần tư vấn một việc gì đó. Dù là việc gì, nay tôi cũng cảm nhận trong nội tại của họ cũng có một sự chuyển dịch giá trị. Có thể họ không muốn bán những dịch vụ như hiện tại nữa. Họ muốn nâng cấp tập khách hàng – chuyển dịch phân khúc. Họ không muốn bị trói buộc trong cái ngành hàng của họ nữa mà muốn chuyển dịch sang ngành mới, ví như từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng bền vững – chuyển dịch ngành hàng. Dù là thế nào, tôi cũng mừng cho họ dù rằng những chuyển dịch giá trị này có thể đến từ những hoan ca của thành công, hay trăn trở của thất bại. Dù là lý do nào, nó cũng là những sự kiện được sắp xếp của vũ trụ để các bản thể đơn lập, hay đa lập, đạt tới trạng thái hoàn thiện tiếp theo.

Gần đây các doanh nghiệp đã đề cập nhiều hơn đến khía cạnh xã hội và sự bền vững trong các hoạt động kinh doanh của họ. Đối với tôi, đó là những chuyển dịch giá trị sâu sắc về hướng của sự sáng. Tuy thế, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện tại liệu doanh nghiệp sẽ chọn chuyển dịch giá trị theo hướng nào? Thực dụng hay cao quý đó đều là quyết định của họ.

Công ty của tôi có thể cũng sẽ trải qua những thay đổi tương tự. Chúng tôi không còn nhìn nhận đối tác như những đơn vị cần làm tái định vị hay chạy truyền thông nữa. Chúng tôi muốn được đồng hành cũng những quá trình chuyển dịch giá trị này.

Thế giới cũng đang trải qua những quy trình như thế, khi Đất Mẹ đang ở chu kỳ cuối của Thành – Trụ – Hoại – Diệt. Vâng, ý tôi là nếu bạn là fan của Muôn Kiếp Nhân Sinh, hay là một Tín Đồ Cơ Đốc. Dù là theo hệ quy chiếu nào, tôi vẫn thấy mình còn quá ít thời gian để có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho cuộc sống của mình.

Con người đã từng rất ngưỡng mộ chỉ số trí tuệ IQ (Intelligent Quotient) để rồi nhận ra thông minh vừa có thể dựng xây vừa có thể phá hoại. Rồi chúng ta bước vào một thiên niên kỷ cần nhiều tình yêu và sự hoà ái hơn, khi ấy chỉ số cảm xúc EQ (Emotional Quotient) ra đời, để rồi nhân loại lại một lần nữa rối bời trong những cảm xúc yêu ghét của chính mình. Có thể đã đến lúc chỉ số tâm linh SQ (Spiritual Quotient) cần được quan tâm nhiều hơn để chúng ta thực sự hình thành những kết nối, thực sự hiệp một và giải quyết được những bế tắc trong nội tâm của chính ta trong một kỷ nguyên bộc phá công nghệ, những tổn thương và nhu cầu được chữa lành.

Tôi kết bài viết này bằng hình ảnh của bông hoa sen, và những chuyển dịch giá trị trong đời sống của nó. Khi sen chưa nở mục đích của nó là phát triển cho chính nó. Khi sen nở, mục đích của nó là toả hương. Khi sen tàn, mục đích của nó là sự sống kế tiếp.

Value Shift – Chuyển dịch giá trị Value Shift – Chuyển dịch giá trị Value Shift – Chuyển dịch giá trị

Tôi cũng mong mình là bông hoa sen. Và sự sống của tôi là nền tảng cho những sự sống kế tiếp, cho những chuyển dịch giá trị của cá nhân, tập thể và cộng đồng. Những chuyển dịch giá trị về sự sống và sự sáng.

Nguồn: Nguyễn Hải Minh