Ứng dụng phương tiện truyền thông thị giác: Đâu là lựa chọn để tạo nên một quảng cáo ấn tượng?

Phương tiện truyền thông quảng cáo là bức phông nền để ý tưởng sáng tạo “lớn” được thể hiện trên đó. Lựa chọn phương tiện truyền thông có thể mở ra thêm các cơ hội sáng tạo và đôi khi nó cũng là một phần tích hợp của chính ý tưởng đó.

Việc cân nhắc các phương tiện truyền thông khác nhau xuyên suốt chiến dịch là điều tối quan trọng mà đội ngũ sáng tạo phải thực hiện, đòi hỏi sự thấu hiểu về ưu điểm của từng phương tiện truyền thông khác nhau, cũng như tập đối tượng công chúng tiếp nhận thông điệp quảng cáo. Cùng tham khảo một số loại hình phương tiện nổi bật đã được chia sẻ trong cuốn sách “Art Direction - Art Director và hành trình định hướng hình ảnh trong chiến dịch quảng cáo”!

1. Poster

Còn điều gì đơn giản, đáng nhớ và ấn tượng hơn những tấm poster ngoài trời cỡ lớn, được đặt ở vị trí chiến lược mà thật khó cho bất cứ ai có thể phớt lờ hoặc bỏ qua hay không? Dù đã xuất hiện và được ứng dụng từ rất lâu, loại hình này vẫn biết cách phát triển phù hợp với công chúng thế hệ hiện đại. Công nghệ kỹ thuật số mới mang đến những giải pháp sáng tạo đa dạng hơn, ví dụ như hình ảnh chuyển động hay đồ họa tương tác…

Tấm poster ấn tượng từ dịch vụ chuyển phát nhanh Deadline Express với khả năng tự hủy và phát nổ đúng thời điểm

Đối với poster, người làm quảng cáo nên giữ ý tưởng sao cho thật đơn giản, bao gồm cả phần “hình” và “chữ”. Tốt nhất là tối giản đến mức chỉ có một hình ảnh, tiêu đề, logo và một khẩu hiệu, trong khi những nội dung quảng cáo cồng kềnh là thứ chắc chắn không nên đưa vào.

2. Báo và tạp chí

Khi nói đến khả năng hiển thị, đa số mọi người đều tranh luận rằng quảng cáo trên báo và tạp chí có phần chật vật hơn các phương tiện truyền thông in ấn khác. Công chúng khi đọc báo thường không mấy quan tâm đến các mẫu quảng cáo, cũng như có khuynh hướng lướt qua chúng.

Tuy nhiên, quảng cáo trên báo và tạp chí mang đến nhiều cơ hội mà poster có thể không làm được. Trước hết, việc sử dụng phần nội dung quảng cáo để cung cấp thêm thông tin sẽ khả thi hơn, đồng thời sản phẩm truyền thông cũng có cơ hội tiếp cận công chúng cụ thể qua quá trình chọn lựa ấn phẩm xuất bản đặc thù.

3. Truyền hình và phim ảnh

Đây là những phương tiện truyền thông thị giác có sức tác động mạnh mẽ; cả hai đều sử dụng hình ảnh động, âm thanh để lôi cuốn và thôi thúc khán giả hành động. Sự kết hợp giữa chúng và cả phần thuyết minh sẽ có tiềm năng truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và đáng nhớ hơn, chiếm được cảm tình nơi người xem và giữ chân họ tiếp tục theo dõi.

Quảng cáo truyền hình và phim ảnh đòi hỏi một mối quan hệ khá đồng điệu giữa hình ảnh động và lời thoại. Như một quy tắc vàng nói chung, đừng tham sử dụng quá nhiều thông tin nếu có nhiều hành động thu hút thị giác đang diễn ra trong đoạn phim quảng cáo. Ngược lại, hãy hạn chế lượng nội dung hình ảnh phức tạp nếu có nhiều thứ để nói.

4. Trực tuyến

Trong cuộc sống thường ngày phụ thuộc vào Internet của mỗi chúng ta, không còn nghi ngờ gì nữa khi quảng cáo trực tuyến đã trở thành phương tiện ngày càng hấp dẫn đối với người làm truyền thông.

Quảng cáo trực tuyến bao quát một phạm vi rộng lớn các nền tảng truyền thông như quảng cáo hiển thị, quảng cáo lan truyền, video, microsite, truyền thông xã hội, điện thoại di động hay quảng cáo trong trò chơi điện tử. Trên phương diện định hướng hình ảnh, việc tạo ra một ý tưởng sáng tạo, tạo dựng diện mạo quảng cáo cuốn hút và đáng nhớ vẫn sẽ giống như khi thực hiện trên bất kỳ phương tiện nào khác. Sự khác biệt lớn nhất là phải tiên liệu được sự tương tác với người xem thế nào, hay giới hạn phần cứng, chất lượng thiết bị của người dùng.

Microsite cho chiến dịch chống bạo lực gia đình của Women's Refuge có khả năng tương tác: Gương mặt người phụ nữ sẽ xuất hiện vết thương nếu người dùng hét vào micro trên máy tính

Trên thực tế còn có nhiều phương tiện khác nữa mà đội ngũ sáng tạo có thể ứng dụng bên cạnh 4 loại hình đã được đề cập. Có nhiều yếu tố khác nhau tác động đến việc lựa chọn phương tiện nào để truyền thông, tuy nhiên người làm quảng cáo luôn cần hiểu kỹ “luật chơi” của từng phương án, áp dụng kỹ năng định hướng hình ảnh, xây dựng bố cục, cách thức thiết kế hiệu quả để truyền tải ý tưởng và đưa sản phẩm tiếp cận công chúng lôi cuốn nhất.

Tham khảo cuốn sách "Art Direction - Art Director và hành trình định hướng hình ảnh trong chiến dịch quảng cáo" để khám phá thế giới hình ảnh trong quảng cáo, trau dồi năng lượng sáng tạo và rèn luyện nhãn quan đầy màu sắc, cùng nhau tạo nên những quảng cáo để đời, thu hút về mặt thị giác.

Tìm hiểu thêm TẠI ĐÂY!!!