10 điều có thể bạn chưa biết về thương hiệu Yakult

10 điều có thể bạn chưa biết về thương hiệu Yakult

Cùng là sữa uống lên men Yakult, nhưng ở các nước khác nhau, thương hiệu sẽ sản xuất các chai có dung tích khác nhau. Dù vậy, kích thước của chúng đều nhỏ nhắn và nằm gọn trong lòng bàn tay. Vì sao lại như thế? Câu trả lời sẽ được bật mí trong bài viết sau.

Vào năm 1930, Tiến sĩ Minoru Shirota – sinh viên khoa Y trường Đại học Hoàng gia Kyoto, đã nuôi được một dòng lợi khuẩn có thể sống trong điều kiện khắc nghiệt của dạ dày mang tên Lactobacillus casei Shirota. Đây là thành phần để sản xuất sữa uống lên men Yakult sau này. Năm 1935, Yakult chính thức có mặt trên thị trường và phát triển rộng khắp toàn cầu với hơn 30 triệu chai được tiêu thụ mỗi ngày.

Dưới đây là 10 điều thú vị về chai sữa nhỏ bé này:

1. Tên Yakult bắt nguồn từ chữ “Jahurto” có nghĩa là “sữa chua” (theo thuật ngữ Esperanto phổ biến vào những năm 1880). 

2. Thương hiệu sở hữu hệ thống giao hàng tận nhà riêng mang tên Yakult Lady, đóng góp 60% doanh số bán hàng. Sở dĩ có tên gọi này là vì những chai sữa Yakult sẽ được giao bởi các chị em phụ nữ, đa số là các bà nội trợ muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mô hình này được triển khai từ năm 1963 tại Nhật Bản. Đến nay, Yakult Lady đã cung cấp việc làm cho hơn 80.000 phụ nữ trên khắp thế giới.

Hệ thống giao hàng Yakult Lady đã cung cấp việc làm cho hơn 80.000 phụ nữ trên khắp thế giới.
Nguồn: vtv1

3. Ban đầu, Yakult được đóng gói dưới dạng chai thủy tinh. Đến năm 1968, thương hiệu chuyển sang dạng chai nhựa và giữ cho đến ngày nay. Với loại chất liệu này, chai sữa Yakult sẽ nhẹ hơn, dễ dàng vận chuyển và tiết kiệm chi phí. Hình dạng chai được lấy cảm hứng từ búp bê gỗ truyền thống của Nhật Bản: Kokeishi.

4. Yakult bắt đầu tiến ra thị trường nước ngoài từ năm 1964. Quốc gia đầu tiên là Đài Loan, tiếp theo là một quốc gia nằm ngoài khu vực Châu Á – Brazil. Vào năm 1966, Yakult xâm nhập thị trường “samba-land”, nhắm đến số lượng lớn người nhập cư Nhật Bản ở quốc gia này. Mãi đến năm 1994, Yakult mới bắt đầu tiến vào thị trường các nước nói tiếng Anh như Australia.

5. Ở các nước khác nhau, Yakult sẽ có dung tích khác nhau, nhưng đều nhỏ nhắn và nằm gọn trong lòng bàn tay. Ở Úc, Châu Âu, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, dung tích của chai Yakult là 65ml. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Mỹ, dung tích chai là 80ml. Tại Thái Lan, Singapore, Đài Loan và Trung Quốc, Yakult được đóng trong chai 100ml.

Ở các nước khác nhau, Yakult sẽ có dung tích khác nhau, nhưng đều nhỏ nhắn và nằm gọn trong lòng bàn tay.
Nguồn: danielfooddiary

Tại sao Yakult luôn được đóng gói với dung tích nhỏ như vậy? Câu trả lời là do vấn đề vệ sinh. Thương hiệu cho rằng với dung tích lớn, người tiêu dùng không thể sử dụng hết trong một lần, phần còn lại sẽ được cất trong tủ lạnh. Điều này tạo điều kiện cho vi sinh vật từ bên ngoài xâm nhập vào, ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Dù với dung tích nhỏ, nhưng Yakult vẫn đảm bảo cung cấp đủ lượng lợi khuẩn cho 1 người trưởng thành dùng mỗi ngày.

6. Không chỉ dung tích, vị ngọt của Yakult cũng khác nhau ở mỗi nước. Điều này tùy thuộc vào loại chất làm ngọt sẵn có được sản xuất tại mỗi quốc gia. Ngoài ra, sữa uống lên men còn được gọi theo nhiều cái tên khác nhau như: “sữa chua”, “sữa uống lên men”, “thức uống probiotic”, “thức uống có đường”…

7. Hương vị của Yakult ở hầu hết các nước đều là vị tự nhiên của sữa sau khi lên men. Duy chỉ tại thị trường Singapore, Yakult có thêm 3 hương vị khác là nho, táo và cam. Trong 1 lốc Yakult 5 chai, thì có 2 chai mang hương vị tự nhiên, 3 chai còn lại sẽ là những hương vị trái cây kể trên.

Tại thị trường Singapore, Yakult có thêm ba hương vị khác là nho, táo và cam
Nguồn: danielfooddiary

8. Vì người tiêu dùng Singapore không có thói quen mở nắp chai và uống trực tiếp từ chai, nên bao bì của Yakult tại đất nước này có ống hút kèm theo. Tương tự tại Malaysia, ống hút cũng được đính kèm với chai Yakult. 

9. Với xu hướng bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng hiện nay, thương hiệu cũng có sự điều chỉnh sản phẩm phù hợp ở các thị trường khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ở Nhật Bản, Yakult 400LT là sản phẩm ít ngọt, ít calo hơn nhưng chứa đến 40 tỷ lợi khuẩn. Trong khi đó, dòng sản phẩm Yakult tiêu chuẩn với dung tích 65ml chứa 6,5 tỷ khuẩn hoặc Yakult Malaysia với dung tích 80ml chứa 30 tỷ khuẩn.

Ở Úc, Yakult Light sẽ có lượng đường ít hơn 30% so với công thức ban đầu. Ở Malaysia, Yakult Ace Light có lượng đường ít hơn 50%. Ngoài ra, tại Nhật bản, còn có dòng Yakult SHEs bổ sung sắt, canxi, collagen để đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng nữ. 

10. Nói về người tiêu dùng nữ, Yakult cũng sản xuất mỹ phẩm với chủng độc quyền của Lactobacilli. Có mặt lần đầu trên thị trường vào năm 1971 tại Nhật Bản, các dòng mỹ phẩm của Yakult ban đầu được phân phối chủ yếu bởi Yakult Lady, sau đó được phân phối tại các thẩm mỹ viện. Việc kinh doanh các dòng mỹ phẩm này cũng rất thành công tại thị trường Nhật Bản.

Yakult cũng sản xuất mỹ phẩm với chủng độc quyền của Lactobacilli
Nguồn: danielfooddiary

Ngoài ra, Yakult còn tổ chức các chuyến tham quan miễn phí tại một số nhà máy. Ngoài việc tìm hiểu về quy trình sản xuất Yakult, người tham quan còn được tìm hiểu thêm về lịch sử của Yakult và thưởng thức sản phẩm ngay tại nhà máy.

* Nguồn: Yakult