Bookaholic #26: Những kẻ xuất chúng – Cái nhìn mới về nguồn gốc của thành công

Bookaholic #26: Những kẻ xuất chúng – Cái nhìn mới về nguồn gốc của thành công

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng những người xuất chúng thường sở hữu khả năng bẩm sinh nào đó giúp họ vươn lên dẫn đầu trong một lĩnh vực. Tuy nhiên, cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” chỉ ra rằng các yếu tố như gia đình, văn hóa hay thậm chí là ngày sinh, cũng có thể có ảnh hưởng đến khả năng thành công của một cá nhân.

“Những kẻ xuất chúng” được viết bởi tác giả Malcolm Gladwell – một phóng viên của tạp chí New Yorker. Ông bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình với tư cách là phóng viên chuyên viết về kinh doanh và khoa học cho tờ Washington Post. Năm 2005, ông nằm trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất của Tạp chí Time.

Tại sao Bill Gates và The Beatles lại thành công như vậy? Tại sao ngày sinh có thể phần nào quyết định khả năng trở thành một siêu sao khúc côn cầu trên băng của bạn? Bài viết sẽ giúp bạn tìm câu trả lời thông qua một vài quan điểm nổi bật được tác giả trình bày trong cuốn sách. 

Bookaholic #26: Những kẻ xuất chúng – Cái nhìn mới về nguồn gốc của thành công

Tác giả Malcolm Gladwell. 
Nguồn: wired

Những người tự lập thường được tôn vinh 

Các nhà toán học xuất sắc thường được cho rằng bẩm sinh họ đã có tài năng tư duy logic. Điều này cũng tương tự với các nhạc sĩ, công chúng có xu hướng tin rằng họ sinh ra đã có khả năng cảm nhận nhịp tốt, hoặc hẳn là họ đã phải tự thân cố gắng rất nhiều.

Nguyên nhân là do xã hội có xu hướng quy kết thành công hoặc thành tích của một cá nhân là do nỗ lực và khả năng bẩm sinh của chính họ.

Khi Jeb Bush tranh cử chức thống đốc bang Florida, ông gọi mình là “người tự lập” như một phần trong chiến lược tranh cử. Dĩ nhiên, ông không bao giờ đề cập đến hai người thân “quyền cao chức trọng" của mình, gồm một chủ ngân hàng giàu có ở Phố Wall và một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. 

Dù rằng những thành tựu của Jeb Bush khiến ông trở thành người xuất chúng nhưng nền tảng thuận lợi của Bush cũng đã giúp ông rất nhiều trong hành trình chạm đến thành công. Khá nhiều “kẻ xuất chúng" ngoài kia cũng có bàn đạp tương tự như Jeb Bush, điều này giúp họ dễ dàng vươn xa khỏi mức trung bình và trở thành nhóm dẫn đầu trong lĩnh vực họ đang theo đuổi. 

Đám đông thường đánh giá cao các cá nhân và thành tích “tự thân vận động” đến mức cố ý bỏ qua các yếu tố khác, trong khi nó đóng vai trò rất quan trọng trong câu chuyện thành công của một người. 

Việc vượt ngưỡng sẽ không còn hữu dụng

Mặc dù có một vài yếu tố bẩm sinh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên thành công, nhưng việc sở hữu chiều cao 2 mét không đảm bảo tuyệt đối rằng bạn sẽ có một hợp đồng thi đấu bóng rổ trị giá hàng triệu USD. Hay việc có chỉ số IQ cao ngất trời không có nghĩa bạn sẽ tự động nhận được giải Nobel. Tại sao lại như vậy?

Những phẩm chất góp phần tạo nên thành công như chiều cao của cầu thủ bóng rổ hay trí thông minh định lượng của nhà toán học đều có “ngưỡng”. Sau khi đạt đến một độ cao nhất định, tăng thêm vài centimet không tạo ra nhiều khác biệt đối với một cầu thủ bóng rổ.

Bookaholic #26: Những kẻ xuất chúng – Cái nhìn mới về nguồn gốc của thành công

Chiều cao của các cầu thủ bóng rổ chỉ quan trọng ở một mức độ nào đó, sau khi có đủ kiến thức chuyên môn, các yếu tố khác bắt đầu đóng vai trò lớn hơn
Nguồn: eNotes

Chiều cao của các cầu thủ bóng rổ chỉ quan trọng ở một mức độ nào đó, sau khi có đủ kiến thức chuyên môn, các yếu tố khác bắt đầu đóng vai trò lớn hơn. Các kỹ năng và phẩm chất liên quan là nền tảng cần thiết để đạt được thành tích trong một lĩnh vực. 

Bạn không thể trở thành chuyên gia pháp lý hàng đầu nếu không có kỹ năng suy luận logic. Tuy nhiên, khi bạn đã đạt đến một ngưỡng nhất định về mặt kỹ năng, cho dù cố phát triển kỹ năng thêm nữa bạn cũng sẽ không giỏi hơn là bao.

Thế nhưng những yếu tố khác như kỹ năng xã hội, khả năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ, hoặc thậm chí là một chút may mắn, sẽ có khả năng thay đổi cuộc đời bạn.

Bạn cần khoảng 10.000 giờ luyện tập để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực 

Mặc dù tài năng là một thành phần quan trọng trong công thức thành công, tuy nhiên sự chăm chỉ cũng đóng vai trò quan trọng không kém, nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả tài năng. Bill Gates đã dành rất nhiều thời gian để học lập trình máy tính. The Beatles đã dành rất nhiều thời gian luyện tập trên sân khấu. Mặc dù họ là những cá nhân có năng khiếu bẩm sinh, nhưng chính việc luyện tập thường xuyên đã khiến họ đạt mức đẳng-cấp-thế-giới.

Để đạt được trình độ thành thạo và xuất chúng ở bất kỳ lĩnh vực nào, các nghiên cứu cho thấy cần dành một lượng thời gian tối thiểu khoảng 10.000 giờ để luyện tập. Tất nhiên, không phải ai cũng có cơ hội dành nhiều thời gian như vậy để thực hành một điều gì đó.

Trước hết, bạn cần có cơ hội bắt đầu sớm để có được thời gian luyện tập nhiều nhất có thể, tạo tiền đề cho một khởi đầu thuận lợi. Ngoài ra, bạn cũng cần có các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ ví dụ như sự động viên, ủng hộ của bạn bè và người thân. Thật khó để dành trọn vẹn thời gian cho công việc hoặc việc nhà khi bạn cần tối đa 40 giờ luyện tập hằng tuần để trở thành nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng thế giới. Song song đó, tùy thuộc vào từng lĩnh vực, bạn có thể sẽ cần chuẩn bị vững vàng về mặt tài chính để trang bị những thiết bị cần thiết cho việc luyện tập.

Bookaholic #26: Những kẻ xuất chúng – Cái nhìn mới về nguồn gốc của thành công

Biểu đồ thể hiện mối liên hệ giữa thời gian luyện tập và mức độ chuyên sâu trong một lĩnh vực. 
Nguồn: alyjuma

Tháng sinh có thể ảnh hưởng rất lớn đến những gì bạn đạt được

Trong giải đấu khúc côn cầu dành cho thanh thiếu niên của Canada, mốc thời gian dùng để phân chia các nhóm tuổi là ngày 1/1. Tất cả những đứa trẻ sinh cùng năm dương lịch sẽ thi đấu với nhau. Điều này nghe có vẻ công bằng. Tuy nhiên, bạn có để ý rằng những đứa trẻ sinh vào cuối tháng 12 sẽ phải cạnh tranh với những đứa trẻ sinh vào đầu tháng 1? Nói cách khác, những đứa trẻ tháng 12 đang phải đối đầu với những “đối thủ” lớn hơn chúng một tuổi.

Hệ thống phân chia trông có vẻ bình đẳng này đã vô tình tập trung khích lệ và khen thưởng những đứa trẻ sinh ở nửa đầu năm. Đây là một trong những lý do vì sao những cầu thủ khúc côn cầu thành công tại Canada đa phần có sinh nhật trong khoảng 6 tháng đầu năm.

Điều này không chỉ xảy ra ở môn khúc côn cầu mà còn diễn ra trong môi trường học đường. Trong một lớp học của học sinh 9 tuổi, đôi khi giáo viên sẽ ca ngợi một vài đứa trẻ vì chúng học đạt thành tích tốt hơn. Thực tế có khi chỉ là do chúng lớn tuổi hơn những bạn còn lại. Khoảng cách một năm cũng đủ tạo ra sự khác biệt lớn.

Bạn có thể nghĩ “Không có gì to tát đâu. Tôi không phải là vận động viên khúc côn cầu. Tôi thậm chí không phải là người Canada!”.

Nhưng việc sử dụng ngày giới hạn 1/1 (hoặc bất cứ mốc thời gian nào) để phân chia mọi người thành các nhóm dựa trên độ tuổi có thể vô tình tạo ra sự bất bình đẳng trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Bookaholic #26: Những kẻ xuất chúng – Cái nhìn mới về nguồn gốc của thành công

Bìa sách Những kẻ xuất chúng
Nguồn: medicinspires

Một đứa trẻ năm tuổi với khả năng tập trung có hạn, thường xuyên cầm bút màu vẽ nguệch ngoạc thay vì làm bài tập về nhà, có thể lớn lên với suy nghĩ rằng “mình là một đứa trẻ kém cỏi" khi chúng nhìn qua một người bạn cùng lớp gần-sáu-tuổi với khả năng tập trung tuyệt vời.

Nên tạo nhiều cơ hội thành công hơn cho mọi người

Trong môn khúc côn cầu, việc phân chia độ tuổi theo hệ thống lịch dương khiến những đứa trẻ sinh vào cuối năm phải thi đấu với những đứa trẻ hơn chúng gần một tuổi. Nhưng một vận động viên khúc côn cầu người Canada sinh ngày 27 tháng 12 không thể yêu cầu mẹ anh ta quay ngược thời gian và chờ đến ngày 1/1 để chuyển dạ. Thực tế, anh ta cũng không cần phải ước như vậy. 

Thay vì sử dụng ngày giới hạn 1/1, các đội thi đấu có thể chia các vận động viên khúc côn cầu trẻ tuổi thành nhiều nhóm hơn: người sinh tháng 1 - tháng 3 chơi trong một nhóm, từ tháng 4 - tháng 6 ở nhóm khác…

Có rất nhiều yếu tố vô hình ảnh hưởng đến thành công của một người và hầu hết chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của người đó.

Đối với các trường học cũng vậy. Thay vì ngồi yên và chấp nhận rằng con của các bậc phụ huynh khá giả sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhà trường có thể tạo ra các chương trình như KIPP (Knowledge is Power Program) của học viện South Bronx. Đây là một trường trung học cơ sở dành cho học sinh đến từ gia đình có thu nhập cực thấp trong khu vực. Mặc dù không có kỳ thi hoặc yêu cầu nhập học và hầu hết học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, KIPP vẫn cố gắng giúp 84% học sinh đạt được mức học lực bằng hoặc thậm chí cao hơn mặt bằng chung khi các em hoàn thành chương trình học.

Bạn có bao giờ đọc tiểu sử của một nhân vật nổi tiếng mà thành công của cá nhân đó hoàn toàn đến từ may mắn không? Chắc chắn là không. 

Thông qua cuốn sách “Những kẻ xuất chúng”, tác giả Malcolm Gladwell muốn nhấn mạnh rằng khi nói đến câu chuyện thành công, công chúng thường nghĩ rằng những người xuất chúng đạt được thành công là nhờ tài năng và sự chăm chỉ của chính bản thân họ. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Có rất nhiều yếu tố vô hình ảnh hưởng đến thành công của một người và hầu hết chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của người đó.

Không ai thành công một mình và hiếm người thành công chỉ nhờ duy nhất một yếu tố chăm chỉ. Thành công phi thường là kết quả của một loạt các sự kiện kết hợp với nhau để tạo nên môi trường phù hợp giúp thành tích nảy mầm, bao gồm cả sự may mắn. 

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcast cùng chuyên mục tại đây.

Kim Anh / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam