Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Hợp tác thương hiệu (Co-branding) là một trong những chiến lược hiệu quả để nâng cao nhận thức về thương hiệu. Không những vậy, bằng việc hợp tác thương hiệu, các doanh nghiệp cũng gia tăng khả năng thành công khi “tấn công” vào các thị trường mới. Tuy nhiên, để có những chiến dịch Co-branding thành công thì các doanh nghiệp phải đảm bảo mối quan hệ win-win, hợp tác cùng có lợi giữa cả hai bên. Vậy làm thế nào xây dựng được mối quan hệ hợp tác win-win?

Trong bài viết này Ori Agency xin điểm lại 24 chiến dịch hợp tác thương hiệu bùng nổ nhất trong thời gian qua.

1. Starbucks & Spotify 

Starbucks là một trong những thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất trên toàn cầu. Trong khi đó, Spotify lại là nền tảng phát nhạc trực tuyến quen thuộc với người dùng toàn cầu. Năm 2015, hai “gã đại gia” này đã kết hợp với nhau tạo ra một “hệ sinh thái âm nhạc”. Đó sẽ là nơi các nghệ sĩ trên Spotify có cơ hội tiếp cận nhiều hơn khán giả tiềm năng. Trong khi đó, Starbucks và khách hàng của họ sẽ có quyền truy cập vào kho nhạc đồ sộ có sẵn trên Spotify.

Cụ thể, theo thỏa thuận hợp tác, nhân viên của Starbucks đã nhận được tài khoản đăng ký gói Spotify Premium. Sau đó, họ có thể lựa chọn, thêm, chỉnh sửa các bài trong danh sách phát (playlist) để làm nhạc nền và tạo ra không gian thưởng thức cà phê tuyệt vời nhất cho khách hàng. Spotify sau đó sẽ dựa trên danh sách này và đề xuất gói “on-the-go” cùng với các gói đăng ký giảm giá để thu hút khách hàng tiềm năng mới. Bởi Spotify cho rằng nhân viên Starbucks và những người đam mê với cà phê sẽ có chung gu âm nhạc. Do đó, việc đề xuất dựa theo danh sách tùy chỉnh của nhân viên Starbucks sẽ giúp Spotify “đánh trúng” vào thị hiếu nghe nhạc của tệp khách hàng này. 

Rõ ràng, có thể thấy, đây là một trong những chiến dịch Co-branding ấn tượng và thành công bởi mỗi thương hiệu đều được hưởng những lợi ích nhất định. Spotify hỗ trợ cung cấp tài nguyên âm nhạc không giới hạn để Starbucks biến không gian thưởng thức cà phê của mình trở nên “chill” hơn. Từ đó, dần dần hình thành thói quen cho khách hàng đến Starbucks để thưởng thức những ly phê chất lượng rồi làm việc cũng như thư giãn. Trong khi đó, với tệp khách hàng sẵn có, Starbucks giúp Spotify trở nên phổ biến, tăng lượt nghe hàng ngày cũng như lượt cài đặt mới cho ứng dụng.

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Nguồn: Eventige

2. Coca-Cola & Disneyland 

Mối quan hệ giữa Coca-Cola và Disneyland được coi là một trong những mối quan hệ hợp tác bền chặt và khăng khít nhất trong lịch sử. Từ năm 1992, Coca-Cola đã bắt đầu cộng tác với Disneyland Paris và cho ra mắt rất nhiều thiết kế mẫu thiết kế chai lọ, đồ gia dụng hay những phụ kiện độc đáo. Để kỷ niệm 30 “tình bạn”, Coca-Cola đã quyết định phá bỏ hoàn toàn “cái mác” truyền thống khi luôn gắn liền với các quảng cáo đồ ăn hay giải trí. Cụ thể, năm 2022, hai thương hiệu “huyền thoại” này đã tập trung vào dòng sản phẩm may mặc và cho ra mắt bộ sưu tập giới hạn mới mang tên “Classic Paris” lấy cảm hứng từ chủ nghĩa tối giản của thập niên 90.

Mặc dù Coca-Cola và Disney không phải là những cái tên mới trong ngành thời trang, nhưng trong những năm trở lại đây, cả hai công ty đã nổi lên và đóng một vai trò quan trọng đối với thời trang đường phố.

Thực vậy, giờ đây, Coca-Cola luôn là một phần trong các cuộc trò chuyện liên quan đến thời trang nhờ những chiến dịch hợp tác với hàng loạt thương hiệu đình đám như Nigo, Kith và Staple Pigeon đến Karl Lagerfeld, Marc Jacobs và Comme des Garçons. Trong khi đó, Disney cũng có nhiều dự án nổi bật với Givenchy, Gucci, Adidas, Uniqlo, Pandora và thậm chí cả Barbie.

Có thể thấy, cả Coca-Cola và Disney đều là những “tay chơi” thành thạo trong việc khơi gợi cảm xúc, thúc đẩy các cuộc thảo luận liên quan đến văn hóa – thứ đã khắc sâu vào tâm trí người khách hàng. Đây là kết quả của sự nỗ lực tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ cho công chúng trong nhiều năm qua.

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Nguồn: Fashion United

3. Pottery Barn & Benjamin Moore 

Một trong những lần bắt tay thành công nhất trong lịch sử phải kể đến chiến dịch “Experience Colors” của hãng nội thất Pottery Barn và Công ty sơn Benjamin Moore đầu những năm 2000. Sở dĩ diễn ra lần hợp tác này là do trong quá trình tư vấn, phục vụ, chăm sóc khách hàng, Pottery Barn đã nhận được rất nhiều các câu hỏi liên quan đến màu sơn họ sử dụng trong quyển catalog. Điều này có nghĩa là khách hàng của họ đang có sự quan tâm đặc biệt đến màu sơn. Nhận ra nhu cầu và mong muốn chung này, hãng nội thất trang trí nhà cửa Pottery Barn đã quyết định hợp tác với Benjamin Moore – một hãng sơn uy tín lúc bấy giờ.

Ngay sau khi bắt tay hợp tác thương hiệu, hai hãng này đã cho ra một dòng sơn độc quyền. Đồng thời, ngay sau đó, Pottery Barn đã có thêm một mục mới giúp khách hàng của họ dễ dàng lựa chọn màu sơn cho các sản phẩm nội thất họ định mua. 

Kết quả của “phi vụ” hợp tác thức thời trên là doanh thu của Benjamin Moore đã tăng trưởng vượt bật. Trong khi đó, danh tiếng và độ nhận diện của Pottery Barn được nâng lên một tầm cao mới. 

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Nguồn: HubSpot

4. Coca-Cola & The American Red Cross 

Việc hợp tác thương hiệu thành công sẽ giúp các doanh nghiệp thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng cũng như truyền tải thông điệp hiệu quả nhằm truyền cảm hứng, khơi gợi sự tò mò cho công chúng. 

Trong hơn 100 năm qua, Coca-Cola đã liên kết, xây dựng và phát triển mối quan hệ đối tác với Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ (The American Red Cross). Mục tiêu của sự hợp tác bền chặt hơn 10 thập kỷ này là thể hiện thiện chí, nỗ lực của Coca-Cola trong việc thúc đẩy cuộc sống của các cộng đồng địa phương trên khắp nước Mỹ. Cụ thể, “ông trùm nước giải khát toàn cầu” đã không ngừng tăng cường tham gia các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ thiên tai, các sự kiện chăm sóc sức khỏe người dân tại địa phương hay các sáng kiến ​​từ thiện. Điều này giúp cho Hội chữ thập đỏ Hoa Kỳ đảm bảo rằng họ luôn có một đối tác sẵn sàng trợ giúp, hỗ trợ các chiến dịch thiện nguyện bằng cách tiếp tế và tài trợ các sản phẩm đồ uống. 

Mặc dù, một số sản phẩm của Coca-Cola được coi là không tốt cho sức khỏe và có thể gây ra những phản ứng trái chiều mạnh mẽ khi hợp tác với một tổ chức y tế như Hội chữ thập đỏ. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai thương hiệu này đã vượt xa khỏi ranh giới sản phẩm. Bởi nó nhấn mạnh vào mối quan hệ toàn diện, những giá trị truyền thống mà hai tổ chức có nguồn gốc từ Mỹ mang lại. Thêm vào đó, trong quá trình trình hợp tác với Hội Chữ thập đỏ, Coca-Cola thậm chí đóng góp các sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe như nước Dasani, SmartWater hay Vitamin Water.  

Có thể thấy, đây cũng là mối quan hệ hợp tác bền vững và thành công bởi cả hai tổ chức đều nhận được những giá trị thực tế. Việc đồng hóa các hoạt động kinh doanh gắn liền với một tổ chức nhân đạo đã giúp Coca-Cola giành được một vị trí quan trọng trong cộng đồng địa phương. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ (The American Red Cross) cũng đảm bảo các hoạt động của họ được tiến hành thuận lợi với các sự trợ giúp từ một doanh nghiệp lớn.

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Nguồn: The Branding Journal

5. Louis Vuitton & BMW 

Thoạt nhìn qua, chắc hẳn, nhiều người có lẽ sẽ thấy doanh nghiệp sản xuất ô tô đình đám BMW và thương hiệu thời trang xa xỉ Louis Vuitton không có bất kỳ mối liên hệ nào cả. Nhưng thực tế, hai thương hiệu này có một vài điểm chung quan trọng. Nếu tập trung xem xét các dòng vali của Louis Vuitton, bạn sẽ nhận ra rằng cả hai đều đang kinh doanh các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, sự sang trọng, đắt đỏ là những yếu tố đầu tiên mà khách hàng hàng nghĩ về chúng. Không những vật, cả Louis Vuitton và BMW đều nổi tiếng với những sản phẩm chất lượng cao được làm thủ công.

Những giá trị chia sẻ trên kể trên chính là lý do dẫn đến lần hợp tác thương hiệu “thế kỷ” có ý nghĩa rất lớn với Louis Vuitton và BMW. Trong lần hợp tác vào năm 2014, BMW đã nghiên cứu và cho ra mắt mô hình xe thể thao BMW i8. Trong khi đó, Louis Vuitton thiết kế một bộ vali và túi xách độc quyền vừa vặn với cốp sau cũng như phù hợp với hình thức, kiểu dáng của BMW i8. Bên cạnh đó, bộ túi xách du lịch của Louis Vuitton còn được sản xuất bằng vật liệu sợi carbon tương tự với nguyên liệu được sử dụng để làm hầu hết nội thất của i8. Đây là chất liệu bền, nhẹ, “lột tả” được tinh thần của cả hai thương hiệu khi mang đến cho các sản phẩm vẻ ngoài bóng bẩy, nam tính và sang trọng. 

Chiến dịch này được gọi là “The Art Of Travel” và nó đã được khách hàng mục tiêu của cả hai thương hiệu đón nhận nồng nhiệt. Bởi lẽ, Louis Vuitton và BMW biết rằng thị trường cũng như khách hàng mục tiêu của họ đều mong muốn sở hữu những sản phẩm thể hiện sự sang trọng, khéo léo, tỉ mỉ. Chính vì vậy, bằng cách cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, hai thương hiệu đã thành công thu hút sự chú ý của tệp khách hàng trung thành.

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Nguồn: Louis Vuitton

Ông Patrick-Louis Vuitton, đại diện của Louis Vuitton, cũng từng cho biết rằng: Thương vụ Co-branding với BMW này là sự kết hợp giữa giá trị sáng tạo, đổi mới công nghệ và phong cách. Các thợ thủ công của họ đã rất thích thú, sử dụng kinh nghiệm và sự khéo léo của họ để tạo ra một bộ sưu tập hành lý sang trọng. 

6. GoPro & Red Bull 

GoPro không chỉ bán các thiết bị camera cầm tay và Red Bull cũng không đơn thuần chỉ bán các sản phẩm nước tăng lực. Thay vào đó, hai thương hiệu này ngày càng tự khẳng định mình là “thương hiệu phong cách sống” (lifestyle brand) gắn liền với tinh thần phiêu lưu, không sợ hãi và những môn thể thao mạo hiểm. Chính những giá trị chung trong định vị của hai “gã đại gia” này khiến họ trở thành cặp đôi hoàn hảo khi “bắt tay” thực hiện các chiến dịch hợp tác thương hiệu, đặc biệt là đối với các hoạt động thể thao mạo hiểm. 

Trong chiến dịch Co-branding của mình, GoPro cung cấp trang bị cho các vận động viên và những nhà thám hiểm từ khắp nơi trên thế giới các công cụ để ghi lại những thước phim biểu diễn mạo hiểm của mình. Không những vậy, theo thỏa thuận, GoPro còn là nhà cung cấp các sản phẩm công nghệ độc quyền để ghi lại tất cả những sự kiện của Red Bull trên toàn cầu. Trong khi đó, Red Bull lại tận dụng danh tiếng thương hiệu của mình để vận hành, triển khai và tài trợ cho các các giải đua Motor, biểu diễn xe đạp mạo hiểm, trượt ván...

GoPro và Red Bull đã cùng nhau phối hợp thực hiện nhiều sự kiện cũng như các dự án trò chơi mạo hiểm. Và một trong những lần hợp tác gây tiếng vang lớn giữa GoPro và Red Bull là chiến dịch Stratos. Stratos được coi là một sự kiện không tưởng bởi phi hành gia Felix Baumgartner đã thực hiện cú nhảy từ ngoài không gian ở độ hơn 24 dặm xuống bề mặt của Trái Đất. Tất nhiên cả quá trình đó đều được ghi lại bằng các thiết bị chuyên dụng của GoPro được gắn vào mình người.

Kết quả là ý tưởng “điên rồ” của Red Bull và GoPro đã tạo nên sự trấn động trên toàn thế giới khi Baumgertner đã tiếp đất thành công và làm nên những kỷ lục thể thao mới. Qua đó, GoPro và Red Bull đã khẳng định thông điệp thương hiệu của họ đồng thời tạo ra vị trí khó có thể bị thay thế bởi thương hiệu khác trong lòng khách hàng.

Nguồn: GoPro

7. Polaroid & Lacoste 

Người tiêu dùng toàn cầu hẳn không còn xa lạ với cái tên Polaroid – thương hiệu nổi tiếng với dòng máy ảnh chụp lấy ngay và Lacoste – hãng thời trang được coi là đắt đỏ nhất toàn cầu. Năm 2021, hai tên tuổi đình đám này đã quyết định hợp tác với nhau để cho ra mắt một loạt những sản phẩm độc đáo thiết kế theo theo phong cách cổ điển với màu sắc tươi tắn, bắt mắt. Tất cả những sản phẩm trong chiến dịch hợp tác nằm trong bộ sưu tập mùa xuân 2021 của Lacoste. 

Theo như Lacoste, những sản phẩm quần áo nằm trong bộ sưu tập được lấy ý tưởng từ logo cầu vồng trên chiếc máy ảnh đầu tiên của Polaroid ra mắt năm 1963. Chính vì vậy, bộ sưu tập “Lacoste Live” lựa chọn những màu sắc nổi bật trên logo làm chủ đạo bao gồm: đỏ, cam, vàng, lục, lam. Ngoài ra, các sản phẩm quần áo được thiết kế với những kẻ sọc bản to kết hợp hài hòa với dòng “Lacoste Live” đã làm nổi bật tinh thần vui vẻ, tự do, năng động. 

Ngoài ra, đặc biệt nhất trong bộ sưu tập trên còn phải kể đến chiếc máy ảnh Polaroid 600 phiên bản giới hạn được phủ lớp sơn màu xanh lam và đỏ cùng với các hình minh họa răng, mắt của chú cá sấu rất “Lacoste”. Thậm chí, hai nhãn hàng toàn cầu này còn khẳng định mối quan hệ thương hiệu khăng khít khi các hình ảnh quảng cáo cho bộ sưu tập “Lacoste Live” được chụp hoàn toàn bằng máy ảnh Polaroid. Điều này đã tạo ra cảm giác hoài cổ, độc đáo cũng như “lột tả” được chất riêng của Polaroid.

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Nguồn: PetaPixel

8. IKEA & LEGO  

LEGO từ lâu đã trở món đồ chơi thú vị, khuyến khích sự sáng tạo và thỏa mãn trí tưởng tượng cho các bé. Tuy nhiên, sự sáng tạo mà món đồ chơi trí tuệ này mang đến lại đi đôi với tình trạng hỗn loạn khi mà các mảnh ghép sắc nhọn nằm la liệt trên sàn nhà. Vì vậy, rất nhiều tai nạn đã xảy ra khi phụ huynh hay chính các bạn nhỏ thường xuyên giẫm phải các mảnh ghép và gây ra những chấn thương không đáng có. 

Ý thức được vấn đề trên, năm 2020, hãng đồ chơi cho trẻ em LEGO đã quyết định hợp tác với “gã khổng lồ” ngành nội thất IKEA để cho ra mắt một loạt các hộp lưu trữ có tên “Bygglek” – tiếng Thụy Điển có nghĩa là “xây dựng & chơi” (build & play). Mục đích của chiến dịch nhằm khuyến khích trẻ em cất dọn các mảnh ghép lego sau khi chơi xong cũng như biến việc dọn dẹp đó trở thành một phần của quá trình sáng tạo. 

Cụ thể, một bộ “Bygglek” có 3 hộp nhỏ, 2 hộp lớn và 1 bộ gạch được thiết kế bởi nhà sản xuất LEGO. Bộ sản phẩm này có thể chứa hàng trăm viên gạch lego. Đặc biệt hơn cả, nó cho phép các bạn nhỏ có thể dễ dàng xếp chồng các mảnh lego dù cũ hay mới thành các khối lego khổng lồ. Bởi lẽ các khớp nối trên các mặt hộp đã được tính toán kỹ lưỡng.

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Nguồn: iDesign

Ngoài ra, “Bygglek” còn được thiết kế phù hợp với các sản phẩm nội thất khác của IKEA. Theo Rasmus Buch Løgstrup, nhà thiết kế LEGO đồng thời là trưởng dự án này, cho biết “Bygglek” là sự án mở đầu, đánh dấu cho sự hợp tác lâu dài giữa IKEA và LEGO. 

9. Nike & Michael Jordan

Một trong những thương vụ hợp tác bùng nổ và thành công nhất toàn cầu phải kể đến lần kết hợp giữa Michael Jordan và Nike. 

Trong thập niên những năm 70, Nike là một trong những thương hiệu thời trang được yêu thích nhiều nhất khi chú trọng phát triển các sản phẩm giày chạy bộ chuyên dụng. Tuy nhiên, đến năm 1984, thị trường trở nên bão hòa khiến sức hút và doanh thu của Nike sụt giảm nhanh chóng. Đó là lần đầu tiên, thương hiệu giày “quốc dân” này ghi nhận khoản thua lỗ đầu tiên. 

Trước tình hình đó, Phil Knight – nhà sáng lập Nike đã quyết định ký hợp đồng hợp tác với Michael Jordan – một cầu thủ có tiềm năng trở thành ngôi sao nhưng chưa được nhiều nhãn hàng để mắt đến. Việc hợp tác giữa Nike với Michael Jordan không chỉ đơn giản dừng lại ở những chiến dịch quảng cáo cho một dòng sản phẩm hay một mẫu giày mới. Thay vào đó, Nike tham vọng tạo ra một hiện tượng thời trang gắn liền với tên tuổi và phong cách của một vận động viên tài năng.

Quyết định này của Nike đã trở thành một trong những chiến lược đúng đắn nhất trong lịch sử. Bởi ngay sau đó, việc Michael Jordan tỏa sáng trong mùa giải 1984-1985 đã khiến doanh số của hãng tăng vọt. Kết quả là, kết thúc năm 1984, doanh thu của Nike đạt 900 triệu USD. Năm 1885, các mẫu giày Air Jordan liên tục “cháy hàng” và thu về 70 triệu USD trong vòng hai tháng. Năm 1997, khi Jordan vô địch lần thứ 5 trong sự nghiệp bóng rổ, doanh thu của Nike cán mốc 9,19 tỷ USD.

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Nguồn: Centuro Global

Có thể thấy rằng, thoả thuận hợp tác giữa Nike và Michael Jordan đã thực sự làm thay đổi vận mệnh của cả một thương hiệu thời trang thể thao cũng như cuộc sống của một huyền thoại bóng rổ. Michael Jordan đã đưa Nike từ một tên tuổi kém hấp dẫn trở thành một trong những thương hiệu may mặc dẫn đầu toàn cầu. Ở chiều ngược lại, Nike cũng biến Michael Jordan thành vận động viên thể thao giàu có nhất thế giới với khối tài sản 1,4 tỷ USD, trong đó hết 1,3 tỷ USD là đến từ các thương vụ hợp tác với Nike.

10. Kanye & adidas

Một trong những lần ra mắt sản phẩm được nhắc đến nhiều nhất trong lĩnh vực thời trang và trang phục đường phố (streetwear) là chiến dịch Yeezy. Đây là chiến dịch mà adidas đã hợp tác với rapper nổi tiếng Kanye để phát triển một dòng giày cao cấp cùng tên. 

Trong chiến dịch này, địa vị cũng như sức ảnh hưởng của Kanye đóng một vai trò rất lớn trong việc thu hút sự chú ý, khơi gợi sự tò mò, kích thích sự hào hứng của công chúng đối với sản phẩm. Trong khi đó, danh tiếng của thương hiệu quần áo thể thao toàn cầu này cũng mang đến cho Kanye một nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển dòng quần áo cao cấp của nam rapper. 

Ngoài ra, một trong những điểm thu hút mạnh nhất của đôi giày Yeezy là tính độc quyền. Cụ thể, điều đó được thể hiện qua danh tiếng của Kanye, số lượng sản phẩm giới hạn cùng với mức giá cao “ngất ngưởng” đã tạo cho khách hàng cảm giác rằng họ là người may mắn sở hữu một đôi giày thể thao Yeezy.

Tóm lại, sự kết hợp giữa thương hiệu cá nhân của Kanye và phân khúc streetwear đang phát triển của Adidas đã tạo ra tiếng vang mạnh mẽ và trở thành tâm điểm chú ý của bộ phận lớn công chúng lúc bấy giờ. Qua đó, chiến dịch đã đem về lợi nhuận khủng cho adidas vào năm 2019 với thu nhập ròng (Net Income) tăng từ 19,5% lên 1,9 tỷ USD.

Có thể thấy, một sự hợp tác thương hiệu thành công không nhất thiết phải là giữa hai công ty. Một cá nhân và một doanh nghiệp cũng có thể kết hợp với nhau để tạo thành một liên minh mạnh mẽ, “khuấy đảo” thị trường. 

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Nguồn: Harper’s Bazaar Việt Nam

11. Apple & Mastercard 

Sự hợp tác giữa Apple và MasterCard trong chiến dịch Apple Pay là một ví dụ điển hình về cách hai thương hiệu có thể kết hợp với nhau để tạo ra những giá trị thiết thực phục vụ cuộc sống.

Khi Apple phát hành ứng dụng Apple Pay, thương hiệu này đã thay đổi hoàn toàn cách khách hàng thực hiện giao dịch. Cụ thể, ứng dụng này cho phép mọi người dùng có thể nhanh chóng thanh toán bằng thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ ngay trên điện thoại mà không cần mang theo thẻ bên mình. 

Tuy nhiên, để thành công, Apple Pay cần các công ty thẻ tín dụng tích hợp với ứng dụng này. MasterCard đã trở thành doanh nghiệp thẻ tín dụng đầu tiên cho phép khách hàng sử dụng Apple Pay để lưu trữ thông tin thẻ và sử dụng nó để thực hiện các giao dịch một cách hiệu quả. Sự tham gia này của MasterCard đã thể hiện thiện chí hợp tác, sẵn sàng hỗ trợ và đổi mới cùng với một trong những “ông lớn” công nghệ dẫn đầu thế giới. Đồng thời, điều này cũng cho khách hàng thấy rằng họ rất linh hoạt, thức thời, không ngừng đổi mới để phù hợp với mọi sự phát triển và thay đổi thời đại. 

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Nguồn: MacRumors

12. Airbnb & Flipboard 

Chắc hẳn nhiều người đã chẳng còn xa lạ với cái tên Airbnb – một ứng dụng chia sẻ phòng cho phép khách hàng tìm nơi cư trú nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, có lẽ Flipboard – đối tác của Airbnb lại là cái tên xa lạ với nhiều người. Nói qua về Flipboard, đây là một công cụ thu thập và tổng hợp nội dung, tin tức theo chủ đề mà người dùng đang chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Tương tự với các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội, Flipboard cho phép người dùng xem và “lướt qua” nội dung nhanh chóng. 

Năm 2018, Airbnb đã hợp tác với Flipboard để thực hiện chiến dịch “Experinences”. Mục tiêu của chiến dịch nhằm phục vụ và cung cấp cho mọi khách hàng của Airbnb các nội dung tùy chỉnh về phong cách sống, phù hợp với sở thích của họ, được chia sẻ bởi các khách hàng khác. Sau đó, khách hàng của họ có thể đưa ra những quyết định phù hợp nhất khi đặt homestay thông qua Airbnb. Hay một vài chiến dịch diễn ra sau đó đã tạo ra một sản phẩm khác có tên “Trips”. Chiến dịch này cho phép người dùng Airbnb kết nối với các chủ nhà có chung sở thích để họ “mua” được những giá trị trải nghiệm tuyệt vời nhất trong chuyến du lịch. 

Sự hợp tác này là một ví dụ điển hình về cách các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau có thể kết nối, phục vụ lợi ích cá nhân cho từng khách hàng để từ đó thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của cả hai thương hiệu.

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)

Nguồn: Colaboratory

Trên đây là 12 “phi vụ” hợp tác thương hiệu thành công nhất từ các nhãn hàng nổi tiếng. Hy vọng những thông tin mà Ori chia sẻ phần nào sẽ giúp ích cho những chiến dịch quảng cáo thương hiệu của doanh nghiệp bạn sau này. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, đừng quên để lại một lượt theo dõi cho Fanpage của Ori Agency và tiếp tục theo dõi các bài viết mới nhất của chúng tôi.

* Nguồn: Ori Marketing Agency

 

Ori Marketing Agency định vị là một Performance Agency, chúng tôi đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp, triển khai các chiến dịch Marketing với nhiều loại ngành nghề khác nhau như Ô tô, Bất động sản, F&B, FMCG, Giáo dục - Khóa học, Sản phẩm sức khỏe....

Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi câu chuyện Marketing của bạn, tư vấn hỗ trợ bạn đạt mục tiêu kinh doanh hiệu quả nhất: https://bit.ly/3OF2d3Y

Nhìn lại những chiến lược Co-branding thành công của các thương hiệu nổi tiếng (Phần 1)