30 chiến lược giúp thương hiệu trở nên khác biệt & nổi bật hơn đối thủ cạnh tranh (Phần 1)
Trong kinh doanh, đặc biệt là khi thị trường trở nên đông đúc như hiện nay, điều đầu tiên mà các doanh nghiệp cần ghi nhớ đó chính là: Làm thế nào để thương hiệu của mình khác biệt, nổi trội hơn so với đối thủ cạnh tranh từ đó thu hút và gia tăng lòng trung thành của khách hàng. Để đạt được mục tiêu trên, nó đòi hỏi các công ty phải có một chiến lược sáng tạo phù hợp, xuyên suốt, lâu dài và phản ứng nhanh với nhu cầu thị trường.
Vậy chính xác làm thế nào để tạo ra sự khác biệt hóa thương hiệu thành công nhất vẫn là một câu hỏi mà rất nhiều doanh nghiệp chưa có lời hồi đáp thỏa đáng. Tuy nhiên trong bài viết này, Ori Agency đem đến cho bạn Top 30 chiến lược khác biệt hóa thương hiệu được các “ông lớn đầu ngành” trên thế giới áp dụng. Hãy cùng Ori Agency tìm hiểu ngay nhé!
1. Trở nên nổi bật và khác biệt trên kệ hàng
Thiết kế bao bì sản phẩm ấn tượng cũng là cách hiệu quả giúp thương hiệu của bạn trở nên khác biệt và gây ấn tượng mạnh mẽ đến khách hàng dù nó được đặt ở bất cứ đâu trên kệ hàng. Chẳng hạn như thương hiệu bơ hữu cơ Rachel đã sử dụng bao bì màu đen cho các sản phẩm của mình thay vì các màu sắc thông thường như vàng, đỏ, xanh lá cây. Rõ ràng, khi đặt trên các kệ hàng tại siêu thị, sản phẩm của hãng này sẽ thu hút khách hàng đầu tiên vì sự đặc biệt của nó.
Một ví dụ khác bạn có thể tham khảo là chiến lược thiết kế bao bì của thương hiệu sữa Milgard. Nhận ra rằng thị trường sữa đang chiếm hơn 22% trong cơ cấu sản phẩm thực phẩm FMCG, nghĩa là đang có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp sữa cạnh tranh trong ngành này. Vì vậy để trở nên nổi bật trên kệ hàng, Bryansk Dairy Plants (Milgard) đã quyết định thiết kế lại bao bì sản phẩm sữa của họ. Cụ thể, thiết kế bao bì mới của hãng này có hình một chú mèo xanh đáng yêu với đôi mắt mở to được minh họa bằng nhiều tư thế vui tươi khác nhau. Hình minh họa chú mèo di chuyển từ mặt này sang mặt kia của hộp sữa tạo ra nhiều tùy chọn trưng bày trên kệ. Ngay cả mã vạch của sản phẩm cũng có hình dạng giống như đầu của chú mèo. Kết quả này, thiết kế đã khiến người mua không thể nào rời mắt và thôi thúc họ “đón” ngay các chú “mèo sữa” về nhà. Thậm chí, Milgard đã tạo nên cơn sốt trên mọi nền tảng mạng xã hội năm 2020.
2. Xây dựng câu chuyện độc đáo
Andrew Stanton - một nhà làm phim tại Pixar đã từng nói rằng: "Một câu chuyện có thể vượt qua các rào cản về thời gian - quá khứ, hiện tại, tương lai - và cho phép chúng ta có trải nghiệm chân thật nhất. Bởi nó khơi gợi và tạo ra những điểm tương đồng giữa chính người xem với câu chuyện". Thật vậy, các câu chuyện dễ nhớ hơn nhiều so với hàng loạt thông tin, dữ liệu tẻ nhạt. Hơn nữa, mỗi người trong vũ trụ này đều có những câu chuyện riêng. Do đó, khi các phần trong câu chuyện của chúng ta tạo ra giống với câu chuyện của một người thì chúng ta sẽ kết nối thành công với người đó.
Thực tế trên lý giải tại sao mỗi thương hiệu thành công đều có một câu chuyện hấp dẫn đằng sau nó để kể cho khách hàng. Do đó, việt phát triển và nhấn mạnh câu chuyện thương hiệu có thể giúp bạn tạo sự khác biệt với mọi đối thủ cạnh tranh. Hãy biến câu chuyện của mình trở thành yếu tố cốt lõi, là ADN xuyên suốt của thương hiệu để củng cố cá tính, lời hứa và giá trị thương hiệu của bạn.
Nike một trong những ví dụ điển hình luôn gây được ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng qua các chiến dịch kể chuyện thương hiệu. Tiêu biểu nhất có thể kể đến chiến dịch “Equality” được ra mắt vào năm 2017. Mục đích của chiến dịch là nâng cao nhận thức của mọi người về sự bình đẳng đồng thời thể hiện trách nhiệm của Nike đối với cộng đồng. Cụ thể để truyền tải thông điệp đó, Nike xây dựng một video dài 1:30 phút sử dụng hình thức kể chuyện thông qua hình ảnh của những vận động viên da màu nổi tiếng như Lebron James, Serena William. Qua đó đề cao, nhấn mạnh nỗ lực của những cá nhân đã đưa sự công bằng và tôn trọng trong thể thao ra khỏi khuôn khổ sân cỏ đến với xã hội thực tế. “Equality” đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ và khẳng định Nike như một lực lượng thay đổi xã hội tích cực, đóng góp nhiều giá trị tích cực cho các vận động viên ngày nay chứ không còn đơn thuần chỉ là đơn vị cung cấp một đôi giày thể thao và dụng cụ tập luyện.
Hay một trong những chiến dịch kể chuyện hay nhất năm 2013 là series “Beauty Sketches” của Dove. Những quảng cáo này đã kể về những câu chuyện đằng sau việc nhiều phụ nữ thường lo lắng về ngoại hình mà bỏ qua vẻ đẹp tự nhiên của chính họ. Chiến dịch cực kỳ hấp dẫn vì nó đánh vào cảm xúc phổ biến của tất cả nữ giới là cảm thấy không an toàn trong cơ thể của chính họ. Rồi chiến dịch ra đời và tiết lộ rằng cách người khác nhìn nhận về họ khác xa so với những điều họ đang dành thời gian để lo lắng hay tự ti.
3. Bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề xã hội
Bày tỏ sự quan tâm và tham gia giải quyết một vấn đề xã hội mà toàn xã hội đang quan tâm sẽ giúp thương hiệu trở nên khác biệt. Không chỉ vậy, chiến lược này còn giúp doanh nghiệp kết nối với cảm xúc khán giả một cách tự nhiên nhất thông qua việc khơi gợi các trách nhiệm xã hội. Hơn nữa, nó còn tăng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.
Thương hiệu giày TOM’s Shoe đã thể hiện sự quan tâm đến các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tặng một đôi giày mới cho các em khi mỗi đôi giày được bán đi. Điều này không chỉ tạo ra sự khác biệt lớn cho thương hiệu mà còn thu hút khán giả về mặt cảm xúc bằng cách làm cho trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tồn tại trong trái tim của người tiêu dùng. Từ đó, nó tạo ra và kích thích thiện chí mua sắm đồng thời tăng lòng trung thành của khách hàng.
Tại Việt Nam hay bất kỳ đất nước nào trên thế giới, khí thải từ các loại phương tiện giao thông được nhận định là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng ô nhiễm không khí và tác động không nhỏ đến sức khỏe con người. Vì vậy, giao thông xanh được coi là chìa khóa, là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề ô nhiễm của đô thị. Nhận ra được vấn đề này, VinGroup luôn gây ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng Việt bằng những sản phẩm xe chạy bằng điện thân thiện với môi trường.
4. Tạo ra giá trị cảm xúc
Trong ngành marketing có một câu nói rất phổ biến rằng “Marketing is all about perception” (tạm dịch: “Marketing là cuộc chiến về cảm nhận”). Thật vậy, thương hiệu của bạn có thể nổi bật bằng cách mang lại trải nghiệm cảm xúc gắn liền với sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Và Coca-Cola chính là thương hiệu điển hình đã tận dụng chiến lược này thành công nhất. Cụ thể, khi ra mắt bất kỳ sản phẩm mới nào, “ông lớn” nước giải khát này luôn gắn chúng với cảm giác hạnh phúc. Chính điều này đã để lại ấn tượng với khách hàng về một thương hiệu luôn tạo ra niềm vui và sự hài hòa trong cuộc sống. Nhìn chung, mọi thứ Coca-Cola làm từ góc độ xây dựng chiến lược thương hiệu là gắn liền họ với những khoảnh hay thời gian vui vẻ của người tiêu dùng.
Hay riêng tại thị trường Việt Nam, để tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu, các hãng kem đánh răng “quốc dân” đã thành công khơi gợi và “đóng đinh” những cảm nhận đắt giá về thương hiệu của trong tâm trí khách hàng. Chẳng hạn như Closeup gắn liền với cảm nhận giúp khách hàng thơm miệng, có hơi thở thơm tho. Trong khi đó, Colgate được nhớ tới giúp người tiêu dùng phòng ngừa sâu răng. Hay Sensodyne lại được người tiêu dùng “ưu ái” nhớ tới là sản phẩm dùng cho răng nhạy cảm, ê buốt. Rõ ràng, thực tế, cả ba hãng kem đánh răng này đều có những công dụng được coi là nổi bật như đã kể ở trên. Tuy nhiên, các thương hiệu này đã nhanh chân tạo ra và chiếm lĩnh sự khác biệt về nhận thức của khách hàng nhằm tạo lớn thế đủ lớn khi người tiêu dùng đặt lên bàn cân so sánh chúng với nhau.
5. Tạo ra các yếu tố gây bất ngờ
Việc định vị thương hiệu của bạn gắn liền với giá trị gây sốc có thể giúp bạn trở nên khác biệt, nhưng hãy cẩn thận khi sử dụng chiến lược này. Bởi sự phẫn nộ từ công chúng có thể “giết chết” thương hiệu bạn. Vì vậy, một thương hiệu gây sốc nên được đi theo hướng tích cực và thể hiện những giá trị thương hiệu bạn cung cấp.
Năm 2016, Điện máy xanh gây đã tung ra một chiến dịch quảng cáo gây sốc với nội dung và hình ảnh gây “ám ảnh” người xem. Đoạn TVC dài khoảng 30 giây với hình ảnh các diễn viên mặc các bộ đồ bó từ đầu đến chân và mặt mũi cũng được tô màu “xanh lè xanh lét”. Không chỉ vậy, các hình nộm màu xanh còn mang các mô hình TV, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt,... và nhảy múa một cách kỳ quặc trên khung nền xanh. Hơn nữa, giai điệu sôi động, bắt tai kết hợp với lời bài hát dễ nhớ, dễ thuộc đã in vào tâm trí người xem cho đến tận bây giờ. Đặc biệt, trong clip quảng cáo, cụm từ “Đến điện máy xanh” được lặp đi lặp lại đến 5 lần chỉ vỏn vẹn trong vòng 30 giây đã thực sự khiến người xem không thể không nhớ được tên thương hiệu này.
Thay vì xây dựng quảng cáo theo hướng đưa ra giá trị của doanh nghiệp hay sản phẩm/dịch vụ của mình, Điện Máy Xanh tập trung làm nổi thông tin họ đang bán những mặt hàng như tủ lạnh, ti-vi, máy giặt,... Ý tưởng chỉ đơn giản là vậy nhưng Điện máy xanh đã truyền đạt nó bằng một kịch bản độc lạ thậm chí là kỳ dị đến ám ảnh với những tình huống khó hiểu, bất ngờ.
Mặc dù chiến dịch quảng cáo này đã nhận về những phản ứng trái chiều từ một bộ phận lớn công chúng, tuy nhiên cũng chính vì vậy mà nó lại càng trở nên viral trên khắp mạng xã hội. Sau chiến dịch, cái tên Điện máy xanh lan truyền như vi-rút, tấn công mạnh mẽ vào tâm trí khách hàng khiến dù là người lớn hay trẻ con đều nhớ đến họ.
6. Đổi mới trải nghiệm khách hàng
Nếu ngành hàng bạn đang kinh doanh bị “đóng khung” với một loại trải nghiệm nhất định, thì bạn có thể tạo sự khác biệt bằng cách đổi mới trải nghiệm khách hàng. Tức là làm cho trải nghiệm của khách hàng trở nên khác biệt.
Ví dụ, GEICO đã gây ấn tượng thành công trong ngành bảo hiểm. Cụ thể, ngành bảo hiểm thường sử dụng các cách tiếp cận có phần nghiêm túc hay chiến thuật gây sợ hãi đánh vào tâm lý khách hàng về những rủi ro họ có thể gặp phải nếu không mua bảo hiểm. Tuy nhiên, thay vì đi theo lối mòn đó, GEICO đã tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng bằng triển khai một chiến lược tiếp thị thú vị, kỳ lạ với những con vật biết nói.
Hay một ngành hàng khá nhạy cảm như bao cao su đã được Durex tiếp thị một cách khéo léo để mang lại những trải nghiệm mua - bán “dễ thở” nhất cho khách hàng. Cụ thể, hãng này đã sử dụng ngôn ngữ tinh nghịch, khiêu khích nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ văn hóa Việt Nam. Thương hiệu này thành công đến mức luôn trở thành tâm điểm chú ý mỗi khi tung ra một bài post hay chiến dịch nào.
7. Cá nhân hóa sản phẩm
Người tiêu dùng hiện đại đặc biệt là thế hệ Z cực kỳ ưa chuộng những sản phẩm mang tính cá nhân hoá cao. Theo báo cáo của McKinsey, Gen Z có xu hướng thích thể hiện “cái tôi” và bản sắc cá nhân. Do đó, 58% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ bị thu hút bởi những thương hiệu mang đến những sản phẩm đáp ứng nhu cầu cá nhân của họ. Đồng thời, họ cũng sẵn sàng chi trả một mức giá cao hơn để sở hữu những sản phẩm có tính cá nhân hóa cao, bộc lộ được cá tính của họ.
Chính vì vậy, cá nhân hóa có thể giúp bạn khác biệt hóa thương hiệu của mình. Để thực hiện chiến lược này, rất đơn giản, bạn có thể trao quyền, cho phép khách hàng tự do sáng tạo ra các sản phẩm của riêng họ, hoặc thông qua trải nghiệm mua tương tác hay nâng cấp chất lượng dịch vụ khách hàng cao hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các chiến lược tiếp thị kỹ thuật số, công cụ phân tích AI để phân tích, khám phá, đề xuất và cung cấp sản phẩm phù hợp, cho đúng người, vào đúng thời điểm.
Chẳng hạn như Uniqlo - hãng thời trang đến từ Nhật Bản đã cho phép khách hàng của mình có thể sáng tạo và thiết kế những chiếc áo thể hiện phong cách của riêng họ. Kết quả, chiến lược này đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều đối tượng khách hàng..
8. Gắn hình ảnh thương hiệu với những dịp lễ đặc biệt
Một cách khác để tạo sự khác biệt là xây dựng liên kết thương hiệu với một dịp hoặc lễ kỷ niệm cụ thể. Chẳng hạn, tại Mỹ, mỗi khi đến Lễ Phục sinh là khách hàng nhớ ngay đến Cadbury. Trong khi đó, De Bế lại được nhớ đến vào mỗi dịp lễ tình nhân và Giáng sinh,...
9. “Nhân cách hóa” sản phẩm
Thoạt nghe, chiến lược này có vẻ sẽ giống với việc xây dựng một linh vật cho thương hiệu. Tuy nhiên, “nhân cách hóa” sản phẩm là cách một doanh nghiệp tạo nên một “nhân vật” đại diện và thể hiện tất cả các đặc điểm của thương hiệu.
Để hiểu rõ hơn, hãy cùng Ori tham khảo ví dụ của Green Giant. Thương hiệu rau củ quả này đã áp dụng chiến lược “nhân cách hóa” sản phẩm thành công thông qua nhân vật Jolly Green Giant. Hay thương hiệu đồ ăn vặt Keebler được nhân cách hóa thông qua chú Yêu tinh Keebler (Keebler Elves).
10. Hướng tới những giá trị “xanh”
Hiện nay, người tiêu dùng, đang ngày càng có ý thức và quan tâm đến những loại hàng hóa hay dịch vụ bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy thương hiệu xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay.
IKEA - thương hiệu nội thất Thụy Điển gây ấn tượng với người tiêu dùng khi luôn đứng đầu danh sách ví dụ điển hình về các doanh nghiệp xanh. Cụ thể, thương hiệu này đã tạo ra chiến lược bền vững của riêng mình có tên People & Planet Positive (tạm dịch: Con người & Hành tinh tích cực). Ngoài việc tích hợp tre hay các chất liệu hữu cơ vào các thiết kế của mình, IKEA còn cam kết chỉ sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm của mình vào năm 2030. Hãng nội thất này cũng nỗ lực sử dụng bông và len bền vững. Không chỉ vậy, hãng này còn thực hiện rất nhiều các biện pháp thân thiện với môi trường bao gồm việc lắp đặt các tấm pin mặt trời ở 90% tòa nhà của công ty tại Hoa Kỳ và cắt giảm lượng rác thải được chuyển đến các bãi chôn lấp. Bên cạnh đó, Công ty Thuỵ Điển còn sử dụng các nền tảng trực tuyến của mình để khuyến khích khách hàng sống “xanh”, có ý thức về môi trường hơn.
Tóm lại, có thể thấy, chính chiến lược hướng tới những giá trị “xanh” đã giúp IKEA trở nên đáng tin cậy và khác biệt so với các doanh nghiệp khác trong ngành.
11. Phá bỏ quy chuẩn
Bạn có thể tạo sự khác biệt cho thương hiệu bằng cách thoát khỏi ra những quy chuẩn, hiểu biết thông thường xung quanh ngành hàng hay lĩnh vực doanh nghiệp mình đang hoạt động.
Để hình dung rõ ràng hơn, bạn có thể tham khảo cách tiếp cận của thương hiệu kiểm soát mùi PooPourri. Cụ thể, thương hiệu này phá vỡ khuôn khổ cứng nhắc trong tiếp thị và chấp nhận sự thật về “phân” (chất thải con người) bằng việc triển khai nhiều nội dung hài hước về nhà vệ sinh.
Hay tại Việt Nam, thay vì lựa chọn những gam màu an toàn thể hiện nét đặc trưng của ngành tài chính - ngân hàng là an toàn, tin cậy thì TPBank lại chọn màu tím cho bộ nhận diện thương hiệu của mình. Chính nhờ chiến lược này mà TPBank trở thành “ngân hàng màu tím” duy nhất, không bị lẫn lộn với bất kỳ ngân hàng nào trong thị trường Việt Nam.
12. Định nghĩa lại công dụng sản phẩm
Nếu sản phẩm của bạn có thể sử dụng thay thế cho một số sản phẩm khác hay đáp ứng, phục vụ được nhiều nhu cầu khác nhau trong cuộc sống của khách hàng thì chắc chắn thương hiệu của bạn sẽ trở nên nổi bật trên thị trường. Vì vậy, hãy dành thời gian để xem xét và định nghĩa lại công dụng thực sự của sản phẩm/dịch vụ của bạn để tạo lợi thế cạnh tranh.
Nếu bạn hoài nghi về tình hữu dụng của chiến lược này, hãy cùng Ori tham khảo ví dụ của Arm & Hammer. Sản phẩm của hãng này ban đầu đơn thuần cũng chỉ là một loại baking soda như bao thương hiệu khác. Tuy nhiên, cho đến khi thương hiệu này bắt đầu tiếp thị với người tiêu dùng rằng nó cũng là một chất làm mát không khí tuyệt vời cùng vô số các công dụng khác thì Arm & Hammer mới thực sự ghi dấu ấn trong lòng công chúng.
13. Cung cấp sản phẩm chất lượng cao
Các thương hiệu cao cấp có thể định một mức giá cao hơn thông qua việc nhấn mạnh vào các sản phẩm có chất lượng cao hơn – theo thực tế hoặc cảm nhận. Sự sang trọng là một yếu tố tạo nên khác biệt thương hiệu đối với hầu hết các thị trường. Chẳng hạn, máy máy Mac của Apple vượt trội hơn các dòng máy PC của các thương hiệu đối thủ ở thiết kế đẹp và đồ hoạ tuyệt vời.
14. Giới hạn sản phẩm
Việc giới hạn số lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường thoạt nghe có vẻ trái ngược với lợi nhuận nhưng ngược lại có thể giúp bạn bán được nhiều hàng hơn, với mức giá cao hơn. Đồng thời, chính điều này cũng giúp định vị thương hiệu của bạn trở nên khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Bởi nó sẽ tạo ra sự kham hiếm, khơi gợi cảm giác về một sản phẩm độc đáo, chất lượng cao từ đó nâng giá trị của thương hiệu.
Thực tế, đây là chiến lược định vị thương hiệu khác biệt mà rất nhiều các thương hiệu thời trang xa xỉ trên thế giới áp dụng điển hình như Dior, Hermès, Gucci,... Nhìn chung các sản phẩm của các thương hiệu này đều được làm thủ công, không có quy trình sản xuất quy mô lớn, nguyên liệu sản phẩm đắt đỏ, chất lượng cao, đồng nghĩa với việc sẽ không có nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng, ngay cả khi khách hàng có nhiều tiền đến đâu, họ cũng chưa chắc có thể mua được những món đồ như vậy. Qua đó, nó sẽ khơi gợi nhu cầu sở hữu và tăng giá trị cảm nhận của khách hàng về thương hiệu.
Hay ngay cả các doanh nghiệp hoạt động trong ngành F&B cũng đã và đang bắt đầu sử dụng chiến lược này để tạo sự khác biệt cho thương hiệu giữa “rừng” đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn như năm 2021, Starbucks gây sốt mạng xã hội khi cho ra mắt Chiếc ly phiên bản giới hạn vào dịp Giáng Sinh. Nhiều khách hàng “ruột” sau đó đã xếp hàng nhiều giờ trước cửa hàng Starbucks New World hàng giờ để sở hữu được chiếc ly phiên bản giới hạn đó. Thực tế, đó không phải là lần đầu tiên, Starbucks áp dụng chiến lược này. Chiến lược này thành công đến mức, trên toàn cầu xuất hiện một cộng đồng chuyên “đi săn” các sản phẩm giới hạn của hãng
15. Phục vụ nhu cầu chưa được đáp ứng của khách hàng
Thay vì chạy đua tìm chỗ đứng và trở nên nổi bật với đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp có thể khám phá thị trường ngách và cung cấp cho khách hàng những sản phẩm/dịch vụ mà chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng.
Airbnb là một thương hiệu sáng tạo khác đã tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh bằng cách cung cấp thứ gì đó độc đáo so với các công ty dịch vụ khách sạn khác. Airbnb mang đến cho khách du lịch cơ hội đặt chỗ ở tại những địa điểm yêu thích của họ trên khắp thế giới mà không phải trả giá khách sạn cắt cổ. Công ty quản lý điều này bằng cách hợp tác với những chủ nhà có thêm không gian mà họ muốn cho thuê khi đi xa để họ có thể kiếm thêm tiền ngoài thu nhập thường xuyên của mình.
Một thương hiệu khác cũng áp dụng thành công chiến lược này là Xmen. Ra mắt năm 2003 với slogan “Đàn ông đích thực” , Xmen nhanh chóng trở nên viral trên các phương tiện truyền thông lúc bấy giờ. Thương hiệu này ghi dấu ấn và thu phục người tiêu dùng bằng cách tấn công vào thị trường ngách qua việc định hình quan điểm mới về chăm sóc sắc đẹp mà nhiều người đã “đóng đinh” vốn chỉ dành cho phụ nữ. Thật vậy, tại thời điểm đó, gần như không hề có bất cứ sản phẩm chăm sóc tóc chuyên biệt dành riêng cho nam giới và thực tế là các đấng mày râu phải “dùng ké” các sản phẩm của nữ giới. Chính vì thế, các sản phẩm của Xmen đã nhận được sự ủng hộ rất nhanh của công chúng và chiến lược định vị của hãng đã thành công vượt mong đợi.
Trên đây, Ori đã tổng hợp và phân tích 30 chiến lược khác biệt hóa thương hiệu đã được các thương hiệu nổi tiếng như Apple, Airbnb, Coca-Cola,... kiểm chứng và áp dụng thành công. Hy vọng, những thông tin trong bài biết sẽ hữu ích và hỗ trợ tốt cho các chiến lược xây dựng, định vị thương hiệu của doanh nghiệp bạn trong tương lai. Đừng quên theo dõi Fanpage Ori Agency để cập nhật thêm nhiều những kiến thức giá trị nhé!
Nguồn biên tập: Ori Marketing Agency
Vượt sóng 6 tháng nửa cuối năm 2023 với các hoạt động Marketing đột phá nhất cùng Ori Agency.
Ori Marketing Agency định vị là một Performance Agency, chúng tôi đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp, triển khai các chiến dịch Marketing với nhiều loại ngành nghề khác nhau như Ô tô, Bất động sản, F&B, FMCG, Giáo dục - Khóa học, Sản phẩm sức khỏe,....
Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi câu chuyện Marketing của bạn, tư vấn hỗ trợ bạn đạt mục tiêu kinh doanh hiệu quả nhất: https://bit.ly/3OF2d3Y