Cạnh tranh thật đơn giản, bài học từ các thương hiệu burger

Cạnh tranh thật đơn giản, bài học từ các thương hiệu burger

McDonald’s là một trong những thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất thế giới. Khi quy mô đã lớn, McDonald’s có thể đè bẹp mọi đối thủ, nhưng điều này không có nghĩa là các thương hiệu khác không thể cạnh tranh, bởi chẳng ông lớn nào có thể ôm hết toàn bộ thị trường. Vậy, chúng ta có những cách nào?

1. Trực diện “dễ toang”, vậy nên...

Sự thật là vậy! Ray Kroc sau khi chi ra hơn 2 triệu USD để mua lại và phát triển McDonald’s thành một đế chế, hai nhà sáng lập ra McDonald’s là RichardMaurice McDonald đã tiếc nuối và “cay mũi” đến mức mở ra The Big M để cạnh tranh.

Ray Kroc cũng không nhún nhường và mở ngay cửa hàng McDonald’s ở đối diện, “chơi sát ván” khiến The Big M sau một thời gian phải đóng cửa. Sau đó, Ray để lại câu nói nổi tiếng: “Nếu thấy đối thủ đang ngắc ngoải, hãy tọng vào họng hắn thêm 1 ống nước”.

Cạnh tranh trực diện “dễ toang”, tốt nhất là chọn cách khéo léo hơn.

Cạnh tranh thật đơn giản, bài học từ các thương hiệu burger

Nguồn: McDonald’s

2. “Ngon hơn?” – Quan trọng là chứng minh được

Thị trường thức ăn nhanh rất lớn, và McDonald’s là một thương hiệu đáng gờm. Các thương hiệu khác có cửa để cạnh tranh không? Có chứ, chẳng hạn như Burger King truyền thông bằng cách làm ra bánh burger “ngon hơn”.

Ngon hơn là một cái bẫy, vì mình từng nói chuyện với rất nhiều anh em bắt đầu làm F&B và họ đều thừa tự tin về việc làm ra sản phẩm ngon hơn. Nhưng, vậy thì chưa đủ…

Đủ là thế nào? Là ngon hơn và khách hàng phải thừa nhận là ngon hơn. Burger King đã làm tốt việc này.

Burger King tạo ra bánh burger bằng cách “nướng” nhân burger. Đồ “nướng” có cảm giác ngon hơn đồ “chiên”. Chiến dịch ban đầu của Burger King là “Nướng không rán – Broiling not Frying”. Định hướng này đã giúp Burger King trở thành “ông lớn” khác, đứng chung hàng với các thương hiệu Top đầu của thị trường burger.

Việc bạn tuyên bố “ngon hơn” không quan trọng. Quan trọng là quá trình làm ra món ăn có gì đặc biệt để khách hàng phải thừa nhận rằng công thức này ngon hơn.

Cạnh tranh thật đơn giản, bài học từ các thương hiệu burger

Chiến dịch ban đầu của Burger King là “Broiling not Frying”.
Nguồn: CNET

3. Không ngon hơn thì sao?

Thì tiện hơn và nhanh hơn. Đây là cách hãng In-N-Out Burger giành thị phần và trở thành chuỗi cửa hàng có biên lợi nhuận lớn nhất trong các chuỗi burger nhiều năm liền: Menu tối giản, món basic, chế biến/ phục vụ nhanh, và chỉ bán mang đi. 

Một trong những quảng cáo nổi tiếng của In-N-Out Burger kể về một nhóm lính cứu hỏa đang gấp rút đến nơi bị hoả hoạn. Trên đường ghé qua cửa hàng In-N-Out Burger, tài xế xe order món, In-N-Out Burger làm món và người lính cứu hỏa ngồi cuối xe nhận bánh. Toàn bộ quá trình đó, xe không hề giảm tốc vì còn phải đi cứu hỏa.

Tiện lợi, tối giản và nhanh gọn luôn là một cách đi hay, có điều phải rất hiểu khách hàng và mạnh dạn bỏ đi những thứ thừa thãi.

Cạnh tranh thật đơn giản, bài học từ các thương hiệu burger

Nguồn: Los Angeles Times

4. Không ngon hơn, không nhanh hơn… thì sao?

Năm 1969, Dave Thomas – Phó Chủ Tịch của chuỗi nhà hàng ăn nhanh KFC – quyết định dấn thân vào kinh doanh riêng với thương hiệu Wendy’s. Chiến lược của Wendy’s: Chỉ bán bánh cỡ lớn và nhân burger có hình vuông.

Nếu không ngon hơn, không nhanh hơn thì bạn có thể đổi mới sản phẩm bằng cách tạo ra hình dạng khác biệt. Với bánh lớn, nhân hình vuông, vị cay “mix nhẹ” từ KFC, Wendy’s định vị là chuỗi burger dành cho người lớn đi kèm khẩu hiệu “Nóng và Ngon – Hot ‘n’ Juicy”.

Nhờ vào hình dạng khác biệt và định vị cho tệp khách hàng lớn tuổi, Wendy’s cũng nhanh chóng lọt vào Top burger brand.

Cạnh tranh thật đơn giản, bài học từ các thương hiệu burger

Nguồn: Business Insider

5. Tái định vị – Chơi kiểu “Healthy” như Subway

Subway hiện là chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới với gần 40.000 cửa hàng tại 105 quốc gia, vượt mặt cả McDonald’s về số lượng địa điểm (nhưng doanh số không bằng do doanh số trên từng điểm bán thấp hơn McDonald’s).

Cách chơi của Subway là gì? Từ 1.000 USD vay mượn từ bạn bè, chàng trai Fred DeLuca đã xây Subway xoanh quanh định vị “Ăn đồ tươi – Eat fresh”. Mỗi khi nói đến đồ ăn nhanh, ai cũng nghĩ đến béo và không lành mạnh, nhưng Subway thì ngược lại khi liên tục khẳng định thức ăn của mình tươi và lành. Thậm chí từng có người ăn kiêng bằng Subway và giảm 245 pound (111 kg)!

Healthy fast food là một hướng đi hay và có thể chạy dài trong tương lai vì lối sống “healthy” đang ngày một phát triển.

Cạnh tranh thật đơn giản, bài học từ các thương hiệu burger

Nguồn: Delish

Thế nên, sẽ luôn luôn có những cách làm khác biệt, làm mới một sản phẩm, kể cả sản phẩm rất cũ và truyền thống như bánh burger.