Chứng nhận B Corp: “Tấm bằng” cho doanh nghiệp thực hành CSR
Chứng nhận B Corp ra đời như một tiêu chuẩn CSR giúp doanh nghiệp cân bằng giữa tăng trưởng và giải quyết các vấn đề chung toàn cầu. Chứng nhận này là gì? Quy trình xét duyệt như thế nào? Doanh nghiệp sẽ nhận được lợi ích gì? Bài viết này sẽ tập trung trả lời những câu hỏi đó.
Chứng nhận B Corp là gì?
Lợi nhuận là một trong những yếu tố sống còn của mọi doanh nghiệp. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt cho nhiều yếu tố khác bên cạnh lợi nhuận như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững hay minh bạch với các bên liên quan.
B Corp (B Corp Certification) là chứng nhận dành cho các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về tác động môi trường và xã hội, tính minh bạch công khai, và trách nhiệm pháp lý. Chứng nhận này được sáng lập bởi B Lab – một doanh nghiệp phi lợi nhuận toàn cầu ra đời năm 2006. Các tiêu chuẩn của B Lab được quản lý độc lập bởi Standards Advisory Council và Board of Directors, với ý kiến đóng góp từ các bên liên quan và Working & Advisory Groups.
Cần lưu ý 2 điểm rằng:
- Ở Mỹ có một loại hình doanh nghiệp được gọi là Benefit Corporations, đôi khi cũng bị nhầm lẫn là B Corporations. Hai dạng công ty này đều có mục tiêu hướng tới việc tạo ra tác động tích cực lên xã hội và môi trường chứ không chỉ đơn thuần tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ Benefit Corporation là một hình thức pháp lý của riêng Hoa Kỳ, trong khi B Corporation là chứng nhận có thể áp dụng cho bất kỳ công ty nào trên thế giới, với nhiều cấu trúc pháp lý khác nhau.
- Để đạt được chứng nhận B Corp, doanh nghiệp cần phải cung cấp thêm bằng chứng về giấy phép, chứng nhận, chứng chỉ liên quan đến các vấn đề trung hoà carbon, xử lý nước thải, rác thải, xả thải không khí, sổ tay nhân viên, số liệu/ kết quả của các hoạt động CSR đã làm... Chuyên gia từ B Lab sẽ đánh giá những tiêu chí này dựa trên bằng chứng doanh nghiệp cung cấp chứ không trực tiếp thực hiện đo lường. Điều này có nghĩa: Những gì doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị cho CSR đều sẽ được thu thập, đào sâu và xác minh.
Cho đến tháng 5/2023, thế giới có tổng cộng 369 B Corps nằm trong nhóm ngành Advertising & Market Research. Một số cái tên đáng chú ý có thể kể đến: Bloom Communications – agency cung cấp dịch vụ quan hệ công chúng, expert marketing và creative; Havas New York và Wieden+Kennedy – agency về quảng cáo, truyền thông và creative; hay McCann Dublin – agency về brand, design, digital và quảng cáo.
Hiện nay, Việt Nam đã có 58 công ty được công nhận đạt chuẩn B Corp.
Để đạt được chứng nhận B Corp, doanh nghiệp phải:
- Có chỉ số hoạt động vì xã hội và môi trường đạt từ 80 điểm trở lên (trên thang 200) trong bản đánh giá B Impact Assessment và vượt qua “risk review” của B Lab.
- Thực hiện cam kết pháp lý bằng cách thay đổi cơ cấu hoạt động hoặc quản trị công ty để thực hiện trách nhiệm giải trình trước tất cả các bên liên quan và cổ đông, thậm chí đăng kí cấu trúc pháp lý Benefit Corporation nếu họ là một công ty đến từ Mỹ.
- Thể hiện tính minh bạch bằng cách công khai trên website của B Lab thông tin về các chỉ số tác động của công ty.
Các tiêu chí đánh giá của B Impact Assessment
B Impact Assessment là bản đánh giá được dùng để đo lường hiệu suất hoạt động xã hội và môi trường của công ty, cả về tổng thể và trong 5 mảng tác động chính gồm: quản trị, người lao động, cộng đồng, môi trường và khách hàng.
Mỗi mảng tác động được chia thành nhiều nhóm tác động. Các nhóm tác động đến từ Vận hành (Operation) có màu trắng, các nhóm tác động đến từ Mô hình Kinh doanh (Business Model) được tô màu. Từ sự phân chia này, ta có khái niệm Operational Impact và Impact Business Model.
Các câu hỏi liên quan đến Operational Impact sẽ xuất hiện sau khi doanh nghiệp hoàn thành B Impact Assessment. Các câu hỏi này đánh giá tác động của việc quản lý và điều hành doanh nghiệp lên các bên liên quan ở các mặt như: cơ sở vật chất, hoạt động mua hàng, chính sách nội bộ hoặc cơ cấu quản trị của công ty. Mọi doanh nghiệp đều có Operational Impact bất kể sứ mệnh hay cách vận hành.
Doanh nghiệp cũng sẽ được hỏi một loạt câu hỏi không tính điểm để xác định xem doanh nghiệp đó có Impact Business Model hay không. Các câu hỏi liên quan đến Impact Business Model sẽ lần lượt xuất hiện ở cuối phần giới thiệu của từng mảng tác động. Không như Operational Impact, Impact Business Model rất hiếm và không phải công ty nào cũng có. Nó có thể dựa trên sản phẩm hoặc dịch vụ; một quy trình, một hoạt động cụ thể hoặc cấu trúc của công ty.
B Impact Assessment được tính điểm như thế nào?
Cách chấm điểm trong B Impact Assessment được thiết kế để cho phép công ty so sánh, xác định cũng như tìm kiếm cơ hội cải thiện theo thời gian. Điểm số trong B Impact Assessment được phân bổ dựa trên 5 tiêu chí chính:
- Objective: Được xác định bởi Standards Advisory Council của B Lab.
- Normalized: Tất cả công ty bất kể nhóm ngành đều có thể kiếm được tổng số điểm như nhau.
- Materiality Based: Được xác định bởi tính trọng yếu của một ngành hàng cụ thể đối với lĩnh vực hoạt động của công ty. Công ty sản xuất sẽ có cách tính điểm khác với công ty dịch vụ.
- Outputs/ Outcomes Oriented: Cùng đo lường về tác động môi trường nhưng điểm môi trường của công ty sản xuất sẽ có trọng số khác với điểm môi trường của công ty dịch vụ, bởi hai lĩnh vực hoạt động này có mức độ tác động trực tiếp lên môi trường khác nhau.
- Balanced: Tạo ra thang điểm có thể so sánh được giữa Operational Impact với Impact Business Model, cũng như giữa các Impact Business Models với nhau.
B Impact Assessment bao gồm 2 dạng câu hỏi là tính điểm và không tính điểm, công ty sẽ không bị trừ điểm cho bất kỳ câu trả lời nào. Câu hỏi tính điểm có tác dụng xác định tác động của công ty dựa trên chính sách, hoạt động, đầu ra và kết quả của công ty. Câu hỏi không tính điểm thu thập thêm ngữ cảnh và hỗ trợ đảm bảo tính chính xác của phần tự báo cáo từ phía công ty. Các câu hỏi xuất hiện trong bài đánh giá sẽ tùy thuộc vào lĩnh vực, quy mô và địa lý của doanh nghiệp.
Trọng số của câu hỏi được phân chia dựa trên mức độ khó thực hiện của hoạt động và tính trực tiếp của từng yếu tố tác động lên người lao động, cộng đồng... Nhìn chung, điểm của các câu hỏi đo lường đầu ra và kết quả có trọng số cao hơn điểm của các câu hỏi về chính sách và thực tiễn. Doanh nghiệp có thể thấy tổng điểm của mỗi câu hỏi ở góc dưới cùng bên trái của màn hình.
Hầu hết các công ty có tổng cộng 140 điểm Operation cho 5 mảng tác động: quản trị, người lao động, cộng đồng, môi trường và khách hàng. Điểm số của từng mảng tác động thay đổi theo từng lĩnh vực nhằm phản ánh mức độ trọng yếu của mảng đó đối với lĩnh vực hoạt động của công ty.
Các công ty dịch vụ sáng tạo (như agency quảng cáo) do ít tạo ra tác động đến môi trường nên trọng số của phần điểm Environment sẽ được giảm xuống và tăng điểm cho các nhóm tác động khác như Workers và Community. Tuy nhiên, các công ty không công nhân đều dùng một cấu trúc tính điểm duy nhất do kết quả đánh giá không bao gồm mảng Workers Impact.
Điểm thưởng Impact Business Models
Trung bình mỗi công ty có thể được thêm 30 điểm thưởng nhờ phần Impact Business Model. Tuy nhiên, cũng có một số điểm thưởng Impact Business Models ngoại lệ được liệt kê trong ảnh bên dưới. Một doanh nghiệp thường có từ 1-2 Impact Business Models.
Ví dụ, Việt Nam có doanh nghiệp Saitex International chuyên sản xuất hàng may mặc tại Đồng Nai đạt 105.6/200 điểm, trong đó có 2 điểm thưởng đến từ 2 Impact Business Models thuộc mảng Governance (+2.5) và Environment (+21).
Patagonia, một thương hiệu sản xuất quần áo và trang thiết bị outdoor nổi tiếng trên thế giới, đạt 151.4/200 điểm trong đó có 4 điểm thưởng đến từ 4 Impact Business Models lần lượt thuộc mảng Governance (+10), Community (+41.7), Environment (+17.6), và Customer (+1.7).
Quy trình để trở thành B Corp
Quy trình xét duyệt chứng nhận B Corp đòi hỏi sự tham gia của các nhóm và phòng ban trong công ty. Các công ty khác nhau sẽ trải qua quy trình khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó doanh thu và quy mô công ty là một trong những yếu tố điển hình. Ngoài ra, tuỳ thuộc vào độ phức tạp của từng công ty mà quy trình xét duyệt sẽ có một vài thay đổi dựa trên các yếu tố như ngành, lĩnh vực hoạt động và cơ cấu sở hữu.
Mặc dù quy trình xét duyệt có sự khác nhau, nhưng dưới đây là 4 giai đoạn cơ bản mà tất cả công ty cần đi qua để đạt được chứng nhận B Corp. B Lab toàn cầu hoặc B Lab khu vực sẽ trợ giúp khi cần.
Giai đoạn Đánh giá: Quá trình này bắt đầu bằng B Impact Assessment. Sau khi trả lời một loạt câu hỏi, doanh nghiệp có thể so sánh kết quả của mình với kết quả của các doanh nghiệp khác để xem mình đang làm tốt ở đâu và cần cải thiện ở đâu.
Giai đoạn Xác minh: Để được chứng nhận, doanh nghiệp cần đạt được ít nhất 80/200 điểm B Impact. Thoạt nghe, số điểm này có vẻ khá thấp nhưng để đạt được điểm 80 không phải là điều dễ dàng. Doanh nghiệp cần chứng minh rằng mình đáp ứng các yêu cầu và cung cấp đầy đủ tài liệu để B Lab xác minh.
Giai đoạn Hợp pháp hoá: Đây là lúc doanh nghiệp cập nhật “Articles of Association” hoặc thực hiện các thay đổi về mặt pháp lý để đảm bảo sẽ đưa ra những quyết định phù hợp dựa trên pháp luật. Doanh nghiệp cũng sẽ ký thỏa thuận B Corp và thanh toán phí ở giai đoạn này.
Giai đoạn Theo dõi: Thời khắc chia sẻ chứng nhận B Corp đến toàn thể nhân viên, thành viên hội đồng quản trị và cổ đông cũng như các nhà cung cấp, đại lý và công chúng đã đến. Nhưng sau đó, doanh nghiệp cần bắt tay vào cải thiện những điểm cần thiết để nâng số điểm lên gần 200. Trong 3 năm, doanh nghiệp sẽ được đánh giá toàn diện một lần nữa để đảm bảo những cam kết được thực hiện đúng
3 lợi ích của chứng nhận B
1. Danh tiếng
Theo số liệu mới nhất, tính đến tháng 5/2023 có 6.537 công ty đạt chứng nhận B Corp trên toàn thế giới. Thoạt nghe con số có vẻ lớn nhưng chỉ tính riêng ở Mỹ đã có đến 5,6 triệu doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa: chỉ mới có một nhóm nhỏ công ty thực sự quan tâm đến CSR và chấp nhận trải qua quy trình chứng minh nghiêm ngặt. Vì vậy, những công ty đã đạt chứng nhận B Corp sẽ được nâng cao danh tiếng, thu về lợi ích nhiều mặt từ xây dựng lòng tin với cộng đồng người tiêu dùng và nhà cung cấp, thu hút và giữ chân nhân viên, cho đến tạo tiếng vang với các nhà đầu tư phù hợp.
2. Cơ hội cải thiện
Nhờ quy trình xác minh nghiêm ngặt mà những yếu điểm có cơ hội được “mang ra ánh sáng", vì thế công ty sẽ biết đâu là điều cần cải thiện trong toàn bộ hệ thống. Quá trình này giúp công ty thực hiện đánh giá tổng quan và đảm bảo các giá trị quan trọng được thực thi đúng cách, từ đó tăng sự bền bỉ và khả năng phục hồi về lâu dài.
3. Củng cố mục tiêu
Chứng nhận B Corp không phải là sự kiện chỉ diễn ra một lần. Các công ty sẽ tiếp tục được theo dõi thường xuyên để đảm bảo duy trì những tiêu chí trong B Impact Assessment. Trong quá trình cải thiện điểm số, công ty cần phải liên tục củng cố mục tiêu, nhờ đó xác định được la bàn đạo đức cho các quyết định khó khăn có thể phát sinh trong tương lai.
3 hạn chế của chứng nhận B
1. Quy trình phức tạp
Trở thành B Corp là điều không hề dễ dàng. Lãnh đạo công ty cần chuẩn bị tinh thần có thể một hoặc một vài nhân viên phụ trách sẽ phải dành rất nhiều thời gian cho quy trình (từ vài tháng đến vài năm, tùy thuộc độ lớn của công ty). Đôi khi công ty sẽ cần thực hiện một số thay đổi trong cách thức vận hành để chứng nhận B mang lại tác động đến nhiều phòng ban.
2. Gia tăng chi phí
Để trở thành B Corp, lệ phí cần đóng hàng năm dao động từ 1.000 USD cho công ty nhỏ đến 50.000 USD cho tập đoàn lớn. Theo đuổi sự tử tế đôi khi khiến công ty phải chọn những phương án tốn nhiều chi phí thay vì những phương án giúp tiết kiệm chi phí. Bảo vệ môi trường, công bằng, minh bạch với nhà cung ứng hay dành phúc lợi tốt hơn cho nhân viên đều có thể gia tăng chi phí cho công ty.
3. Có nhiều ràng buộc
Trở thành B Corp đồng nghĩa công ty cam kết về tính bền vững của các tác động lên xã hội và môi trường, cam kết về tính minh bạch trong những quyết định đối với các bên liên quan. Một khi công ty đạt được chứng nhận B Corp, cả B Lab và công chúng sẽ theo dõi công ty sát sao và họ có quyền thắc mắc, đặt câu hỏi về những quyết định của công ty nếu những quyết định này không phù hợp với giá trị đã cam kết.
Lời kết
Đối với các agency quảng cáo nói riêng và công ty dịch vụ nói chung, chứng nhận B Corp là “tấm bằng” ghi nhận những giá trị, sứ mệnh, và tầm nhìn của doanh nghiệp về CSR. Doanh nghiệp dịch vụ có thể tập trung vào 3 mảng tác động là Community, Governance và Customer để cải thiện điểm số và “tận dụng” khung tính điểm dành cho nhóm ngành ít tạo ra footprint. Có được chứng nhận B Corp, doanh nghiệp sẽ có được niềm tin từ những khách hàng cùng chia sẻ giá trị bền vững.
Theo Kim Anh / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp