Bài học kinh doanh từ siêu anh hùng

Bài học kinh doanh từ siêu anh hùng

Tôi không thích những siêu anh hùng “sinh ra đã mạnh” như Superman, hay hoàn hảo như Captain America. Tôi thích nhìn thấy hành trình của một người đàn ông đi lên và vượt qua chính mình từng chút một, có nỗi sợ ám ảnh nhưng luôn nỗ lực vượt qua... Đó là Batman.

Sau khi xem xong bom tấn “Infinity War” thì tôi vẫn thấy rằng bộ phim “The Dark Knight” (Kỵ sĩ bóng đêm) của đạo diễn Christopher Nolan vẫn là bộ phim siêu anh hùng hay nhất.

Tôi không thích những siêu anh hùng “sinh ra đã mạnh” như Superman, hay hoàn hảo như Captain America. Tôi thích nhìn thấy hành trình của một người đàn ông đi lên và vượt qua chính mình từng chút một, có nỗi sợ ám ảnh nhưng luôn biết nỗ lực vượt qua.

Và tôi cho rằng Batman là một siêu anh hùng kiểu khác. Anh là một con người bình thường, nhờ tầm nhìn vào công nghệ, sự tập luyện chăm chỉ và triết lý của riêng mình mà trở thành một trong những nhân vật biểu tượng.

Hầu như các dự án của DC đều thất bại nặng nề khi đối đầu với Marvel, trừ mỗi trilogy Batman của Nolan, bởi nó dựa trên một hình mẫu anh hùng thực sự. Hơn nữa, ngoài việc là một siêu anh hùng nổi tiếng thế giới, Batman còn là doanh nhân thành đạt Bruce Wayne. Về góc độ này, anh có nhiều phẩm chất đáng để học hỏi.

Bài học kinh doanh từ siêu anh hùng

Nguồn: Warner Bros. Pictures

“Người giỏi không làm tất cả”

Đây là điểm khác biệt lớn của Batman so với những siêu anh hùng khác. Nếu như những siêu nhân, Thor hay Người Nhện thích hành động độc lập thì thành công mà Batman có được là nhờ sự hỗ trợ lớn từ ekip. Anh là một con người bình thường, nhưng anh có ekip bổ sung sức mạnh để trở nên hoàn hảo.

Người luôn động viên và tư vấn cho anh là quản gia trung thành Alfred Pennyworth. Anh có sự hỗ trợ của những sản phẩm công nghệ tuyệt hảo từ kỹ sư Lucius Fox. Batman còn có thể trao đổi thông tin với đại diện tin cậy của chính quyền là cảnh sát trưởng James Gordon. Và bên cạnh anh luôn có người đồng sự tin cậy Robin.

Những người đó đã tạo sức mạnh cộng hưởng lớn và tạo nên một Batman phát huy tối đa phẩm chất của mình.

“Người giỏi không phải là người làm tất cả” cũng là một tựa sách hay của tác giả Donna M. Genett. Thú thật, đây là điểm yếu của cá nhân tôi vì tôi thường nhúng tay vào nhiều việc và khả năng giao quyền còn kém cỏi.

Thực tế, một người luôn hoàn thành tốt công việc chưa chắc đã là một doanh nhân giỏi. Rất nhiều nhân viên cao cấp của các tập đoàn lớn khi tạo lập doanh nghiệp cho riêng mình đều gặp thất bại.

Điểm khác biệt lớn của một cá nhân giỏi và một doanh nhân giỏi nằm ở khả năng tạo thành một ekip làm việc quanh mình, tận dụng điểm mạnh của mọi người để tạo thành một sức mạnh tập thể.

Trong công việc kinh doanh, ai rồi cũng có lúc phải đối mặt với thời điểm khó khăn. Thậm chí người vững vàng nhất cũng sẽ có lúc nghi ngờ chính bản thân mình. Lúc này, những người cộng tác tin cậy là chỗ dựa tinh thần lớn lao giúp ta đứng lên từ những cú vấp, mang niềm tin trở lại và từ đó ta có thể gặt hái được thành quả cuộc sống.

Nếu thấy mình đơn độc? Hãy học tập Batman, tạo dựng cho mình một ekip làm việc tốt, và rồi sự đơn độc sẽ được sẻ chia. Tôi cũng đang cố học để thực thi điều này.

Bài học kinh doanh từ siêu anh hùng

Nguồn: Getty Images

Dịch vụ tạo tin tưởng

Mỗi khi dấu hiệu cầu cứu được chiếu sáng trên bầu trời thành phố Gotham, chỉ một lúc sau, Batman sẽ xuất hiện. Mỗi khi cảnh sát Gordon gọi điện, anh sẽ nhấc máy. Anh luôn có mặt khi mọi người cần sự giúp đỡ.

Có thể nói, về mặt dịch vụ, Batman luôn cung cấp một “dịch vụ” ổn định và “quan hệ khách hàng” ở mức hoàn hảo.

Người ta thường hay đề cập đến những tố chất đặc biệt của doanh nhân như thông minh, sáng tạo, nhưng một trong những yếu tố hay bị bỏ qua nhất là khả năng làm việc bền bỉ.

Thomas Edison trải qua hơn 10.000 thất bại trước khi tạo nên bóng đèn điện. Bill Gates say mê viết phần mềm 18 tiếng/ngày khi Microsoft đi những bước chập chững đầu tiên…

Sự bền bỉ làm việc sẽ tạo nên dịch vụ tốt. Và dịch vụ tốt sẽ tạo cho khách hàng niềm tin gắn bó với doanh nghiệp.

Bài học kinh doanh từ siêu anh hùng

Nguồn: Gajus

Trong cuốn sách “Thương hiệu lớn, rắc rối lớn”, nhà quản trị marketing nổi tiếng Jack Trout đã viết: “IBM có thể gặp rất nhiều vấn đề về xây dựng thương hiệu con, định hướng sản phẩm, nhưng có một việc mà Big Blue (tên nick name của IBM) vượt trội so với các đối thủ, đó chính là dịch vụ khách hàng. Bộ phận dịch vụ khách hàng toàn cầu là cứu tinh, giúp cho hình ảnh IBM vẫn luôn duy trì là một doanh nghiệp đáng tin cậy”.

Khi thế giới công nghệ thay đổi chóng mặt, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt thì doanh nghiệp càng cần phải có dịch vụ ổn định để tạo nên niềm tin cho khách hàng. Khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hậu mãi tốt, chăm sóc khách hàng tốt, giải quyết các vấn đề phát sinh một cách ổn thỏa, người tiêu dùng sẽ có niềm tin vào doanh nghiệp.

Một lần nữa, việc này đi đến từ sự tỉ mỉ và cẩn thận bám sát công việc hàng ngày và nghiêm túc kỷ luật với bản thân.

Một lần nữa, đây là điểm yếu mà cá nhân tôi vẫn cần phải học theo Batman.

Không có sức, hãy có “tools”

Một trong những yếu tố khiến Batman trở nên đặc biệt cuốn hút chính là nhờ những “đồ chơi” công nghệ độc đáo của anh: điện thoại dơi, đồng phục dơi, phi tiêu dơi, ô tô dơi, xe máy dơi... Những vũ khí công nghệ tối tân chính là điểm tựa để Batman đủ khả năng đối đầu với những địch thủ hùng mạnh.

Khán giả yêu thích Batman bởi anh cũng bình thường như tất cả chúng ta. Anh không có sức mạnh ngoài hành tinh của siêu nhân. Anh không thể bắn tơ nhện như người nhện. Anh không có móng vuốt sắc nhọn như dị nhân Wolverine. Quyền lực của Batman đến từ sự khổ luyện và sức mạnh của công nghệ. Công nghệ được sử dụng đúng đắn sẽ trở thành cánh tay nối dài, thúc đẩy khả năng con người.

Bài học kinh doanh từ siêu anh hùng

Nguồn: Getty Images

Tôi vẫn luôn nhớ một câu nói nổi tiếng của Bill Gates: “I don’t know has become I don’t know yet” (tạm dịch: “Tôi không biết” nên trở thành “Tôi chưa biết”). Học hỏi hàng ngày là điều cần thiết.

Đơn giản nhất là “đóng não” và nói “Tôi không biết”, vất vả hơn là cày cuốc để “thông não”. Thú thực, cá nhân tôi bị trì trệ rất nhiều bởi điều này.

Trong kinh doanh, doanh nghiệp cần phải tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ. Mỗi con sóng tiến đến là khi bộ mặt kinh doanh của thế giới thay đổi. Chúng ta đã trải qua con sóng của ngành công nghiệp và giờ là thời của làn sóng công nghệ. Doanh nghiệp nào không biết sử dụng sức mạnh của công nghệ sẽ gặp khó khăn. Doanh nghiệp nào không biết đón đầu những biến chuyển công nghệ mang lại sẽ bị tụt hậu, thậm chí là biến mất.

Kodak từng là công ty hàng đầu về kỹ thuật ảnh, cơn sóng ảnh kỹ thuật số tràn đến khiến Kodak phải phá sản. DEC từng là người khổng lồ của ngành công nghiệp máy tính, nhưng rồi DEC cũng phải gục ngã khi không theo kịp những dòng máy tính cá nhân thế hệ mới.

Một doanh nghiệp biết áp dụng công nghệ trong quá trình quản trị sẽ cải thiện quy trình làm việc, tiết kiệm chi phí quản trị, liên kết với khách hàng hiệu quả hơn.

Nói cách khác, không có sức, hãy dùng công nghệ để gia tăng sức mạnh.

Tin tưởng vào sứ mệnh của mình

Bruce Wayne từng chứng kiến cảnh cha mẹ bị bắn chết ngay trước mặt mình. Với gia sản kếch xù được thừa hưởng, có lẽ Bruce có thể hoàn toàn sống một cuộc sống vô lo về vật chất cho đến cuối đời.

Tuy nhiên, anh muốn tạo nên một thành phố Gotham tốt đẹp hơn, ít tội phạm hơn để những thế hệ sau không phải chịu sự mất mát như anh từng vấp phải.

Trong quá trình đó, anh đã liên tục vấp ngã, liên tục bị các đối thủ làm cho rối trí. Rốt cuộc, anh vẫn tin tưởng vào một thế giới tốt đẹp hơn, tin tưởng vào sứ mệnh của mình. Đó là điểm tựa tinh thần vững chãi nhất, giúp cho Batman luôn đứng vững trước mọi sóng gió.

Nếu một ngày nào đó ta không còn tin vào những điều lương thiện, đó là khi cuộc đời trở nên trống rỗng và mọi việc ta làm bỗng trở nên thiếu sức sống lạ thường. Dù đầy rẫy những xấu xa và tiêu cực, hãy luôn tin vào tương lai tốt đẹp, đó là điều vô cùng quan trọng giúp ta vững bước. Giống như câu thơ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ:

“...Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa?
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi!...”.

Bài học kinh doanh từ siêu anh hùng

Nguồn: Getty Images

Hay tác giả Stephen Covey luôn đề cập đến việc mỗi người cần phải tự xây dựng nên một “sứ mệnh cá nhân” cho chính mình để có thể trở thành những cá nhân thành đạt trong tương lai.

Tương tự như vậy, trong cuốn sách “Xây dựng để trường tồn”, tác giả Jim Collins liên tục nhấn mạnh đến việc xây dựng “sứ mệnh của doanh nghiệp”. Chính sứ mệnh của doanh nghiệp liên tục được truyền đạt một cách mạnh mẽ sẽ khiến khách hàng gắn kết với công ty hơn, sẽ khiến nhân viên gắn kết với nhau hơn và giúp công ty đứng vững trước những thử thách.

Sứ mệnh của doanh nghiệp cũng chính là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp có những hành động đúng đắn khi phải trải qua những thời điểm khủng hoảng.

Nhất quán về thương hiệu

Trong số những siêu anh hùng, không ai có được một “bộ nhận diện thương hiệu” ấn tượng như Batman. Là một doanh nhân, Bruce Wayne đã đồng bộ hóa hệ thống nhận diện thương hiệu của Batman một cách xuất sắc.

Hãy xem thử logo của Batman: Ấn tượng, dễ nhớ và có sức gợi cảm hình ảnh mạnh mẽ. Logo của Batman cũng xuất hiện trên khắp các vật dụng của anh như điện thoại, xe ô tô, xe máy và đặc biệt là mỗi khi biểu tượng dơi chiếu sáng trên bầu trời thành phố Gotham.

Bài học kinh doanh từ siêu anh hùng

Nguồn: aceshowbiz.com

Một bộ nhận diện thương hiệu tốt là một vũ khí mạnh mẽ giúp doanh nghiệp tạo dấu ấn trong tâm trí khách hàng tốt hơn.

  • Nhắc đến cái tên Marlboro, người tiêu dùng lập tức liên tưởng đến hình ảnh của “chàng cao bồi”.
  • Nhắc đến Apple, ta lập tức liên tưởng đến hình ảnh quả táo cắn dở.
  • Nhắc đến Olympic, ta lập tức nghĩ đến hình ảnh 5 vòng tròn đan kết vào nhau, biểu tượng cho 5 châu với 5 màu da, một biểu tượng xuất sắc.
  • Còn nhắc đến Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn? Rất khó có thể gợi nhớ ra logo của ngân hàng này vì nó khá phức tạp.

Một logo đơn giản, không trùng lặp, có sức liên tưởng mạnh mẽ là điều mọi doanh nghiệp cần phải có.

Bài học kinh doanh từ siêu anh hùng

Nguồn: Getty Images

Batman là một siêu anh hùng đặc biệt bởi đằng sau chiếc mặt nạ Người Dơi, anh vẫn là một người bình thường. Tôi thích vì anh có vấn đề của mình, tự biết mình có những nỗi sợ, có những điểm yếu và luôn phải cố gắng để vượt qua.

Và không phải chỉ cuộc chiến với những đối thủ mới khiến Batman mạnh mẽ, cuộc chiến với chính bản thân cũng khiến anh trở thành một người hùng. Đúng như câu nói của anh: “It’s not who I am underneath, but what I do that defines me” (tạm dịch: Không phải tôi là ai đằng sau lớp mặt nạ, mà là những gì tôi làm định nghĩa con người tôi).

Hoàng Tùng