Toàn bộ những điều bạn cần biết về app marketing KPIs
Mobile app marketing cũng giống như thế giới chúng ta đang sống, đều đang hướng dữ liệu. Nói một cách đơn giản, dữ liệu là cách hiệu quả nhất để đánh giá hiệu suất của app, giúp bạn hiểu được nên cải thiện những gì và giúp doanh nghiệp tiến lên phía trước.
Bài viết được dịch từ tựa blog “Welcome to the metrics – Everything you need to know about app marketing metrics” đăng trên AppsFlyer của tác giả Einav Mor-Samuels.
Các chỉ số đo lường mobile app là chỉ số thành công chính của marketers: cho dù là tiếp cận người dùng mới hay khám phá thông tin, tỷ lệ tương tác của người dùng hay giá trị lâu dài và lợi tức chi tiêu quảng cáo, mobile marketers vẫn có thể đo lường dễ dàng.
Những yếu tố này chính là lý do vì sao khi xuất bản app trên Google Play hoặc App Store, bạn sẽ cần đặt cho bản thân mình 3 câu hỏi:
- Làm thế nào để thu hút nhiều người dùng tải app của tôi (nói cách khác là tiếp cận người dùng mới)?
- Làm thế nào để khiến người dùng dành nhiều thời gian sử dụng app của tôi (nói cách khác là tăng mức độ gắn kết và tương tác)?
- Làm thế nào để cải thiện khả năng kiếm tiền của ứng dụng (thông qua mua hàng trong ứng dụng hoặc quảng cáo trong ứng dụng)?
3 câu hỏi trên sẽ đem lại giá trị lớn và không có tham số nào có thể cho bạn câu trả lời hoàn hảo. Thực tế là hầu hết các công ty đang cạnh tranh lẫn nhau để thu hút nhiều người dùng chất lượng đến app của họ hoặc giữ người dùng tương tác và sử dụng app.
Nhưng có một điều bạn cần biết đó là khi thị trường app luôn mở rộng theo cấp số nhân, sự cạnh tranh về người dùng và chiếm lấy ví tiền của họ trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, ngay cả những tối ưu hóa nhỏ cũng có tác động đến sự thành công của ứng dụng.
Vì vậy để có thể chuẩn bị tốt cho bạn, bài viết này sẽ giới thiệu 20 chỉ số đo lường app quan trọng nhất cho phép bạn theo dõi và cải thiện khả năng tiếp cận, tương tác, giữ chân chuyển đổi và về hiệu suất ứng dụng.
Chỉ số đo lường app là gì và tại sao marketers lại chú trọng nhiều vào các chỉ số này?
Chỉ số đo lường app được sử dụng để theo dõi hiệu suất của chiến dịch marketing, giúp bạn liên tục cập nhật các xu hướng một cách nhanh chóng nhất.
Có nghĩa là những chỉ số này không tự đem lại giá trị mà chính từ sự kết hợp của chúng sẽ giúp bạn đi đúng hướng và liên tục tối ưu hóa chiến lược app của mình.
Một ví dụ tuyệt vời về tầm quan trọng của tham chiếu chéo các chỉ số của bạn đó là lượt tải app. Trong khi theo dõi số lượt cài app là điều cần thực hiện, hãy nhớ rằng không sử dụng (40%) là nguyên nhân khiến người dùng gỡ cài đặt 1 trong 2 app ngay tháng đầu tiên. Đây chính là lý do cần có sự kết nối chỉ số liên quan đến việc tải app với chỉ số sau khi tải app.
Một yếu tố quan trọng khác cần xem xét trước khi đi đến các chỉ số là không phải tất cả chỉ số đều cần thiết để áp dụng cho doanh nghiệp của bạn. Tỷ lệ bỏ qua cao đối với biểu mẫu đăng ký đối với app bảo hiểm – là một dấu hiệu nghiêm trọng cần được giải quyết càng sớm càng tốt, trong khi đối với ứng dụng trò chơi – việc bỏ qua biểu mẫu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quy trình người dùng.
Để đảm bảo bạn lựa chọn cách đo lường có liên quan, điều quan trọng là cần xác định số liệu nào mô phỏng doanh nghiệp của bạn, và chỉ số nào không có bất kỳ tác động nào đến kết quả kinh doanh.
Các chỉ số chính để đo lường
Để giúp bạn định hình và dễ dàng theo dõi giữa vô số chỉ số, chúng tôi đã phân chia thành các nhóm – bao gồm chiến dịch, App Store, cài đặt, tương tác, doanh thu và gian lận. Hãy xem xét chi tiết như sau:
Các chỉ số liên quan đến chiến dịch
Mỗi chiến dịch sẽ khác nhau và điều này mang lại sự không chắc chắn cho marketers, những người không biết phải đo lường những gì.
Ví dụ, social media đòi hỏi marketers chú ý đến tương tác vì lợi ích của remarketing. PPC tập trung vào lượt nhấp chuột. Và chiến lược SEO xoay quanh độ uy tín của tên miền và thứ hạng.
Các yếu tố trên chính là lý do vì sao các chỉ số chiến dịch bạn đo lường cần xoay quanh mục tiêu chiến dịch đã đặt ra từ trước. Dưới đây là 2 chỉ số liên quan đến chiến dịch mà bạn cần dành thời gian xem xét.
1. Tỷ lệ nhấp (Click Through Rate – CTR)
- Định nghĩa: Tỷ lệ người dùng nhấp vào quảng cáo trên tổng số người dùng đã xem quảng cáo.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Mặc dù chỉ là một số liệu có vẻ thiếu thực tế, nhưng CTR là một dấu hiệu tốt cho thấy quảng cáo của bạn đang hoạt động tốt dựa trên các lượt nhấp chuột nhận được.
- Cách tính:
Click Through Rate (CTR) = Số lượt nhấp / Số lượt hiển thị
2. Nhấp để cài đặt (Click to Install – CTI)
- Định nghĩa: Tỷ lệ người dùng đã nhấp vào quảng cáo và thực hiện tải app của bạn.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: CTI đo lường chuyển đổi trực tiếp giữa 2 điểm tiếp xúc trong hành trình cài đặt trước của người dùng, chỉ số này quan trọng cả về mặt social và công nghệ, vì tỷ lệ thấp hơn có thể cho thấy đối tượng không phù hợp, quảng cáo không hiệu quả, trang App Store được tối ưu hóa kém hoặc thời gian tải trang chậm trước khi việc cài đặt hoàn tất.
- Cách tính:
Click to Install (CTI) = Số lượt cài đặt / Số lượt nhấp vào quảng cáo
Các chỉ số liên quan đến App Store
Gắn với Tối ưu hóa cửa hàng ứng dụng (ASO), những chỉ số này cho phép bạn tối ưu hóa và cải thiện khả năng hiển thị app, theo cách tương tự như SEO. Mặc dù SEO là một thế giới rộng lớn, nhưng vẫn có một số điều quan trọng bạn cần theo dõi:
3. Tỷ lệ chuyển đổi trên App Store
- Định nghĩa: Tỷ lệ người dùng đã truy cập App Store và thực hiện tải app của bạn.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Đánh giá hiệu suất trang App Store của bạn là một yếu tố quan trọng để duy trì ASO. Nếu trang của bạn được tối ưu hóa đúng cách, thông báo với người dùng về giá trị mà app đem lại một cách rõ ràng và hấp dẫn thì tỷ lệ chuyển đổi trên App Store của bạn sẽ tăng nhanh hơn.
- Cách tính:
Tỷ lệ chuyển đổi trên App Store = Tổng số lượt cài đặt / Tổng số người dùng trên trang App Store
Các chỉ số liên quan đến lượt tải app
Một yếu tố quan trọng cần có mà marketers nên biết đó là các chỉ số liên quan đến lượt tải app là cách đảm bảo nỗ lực marketing của mình đang được minh chứng. Dưới đây là một số chỉ số quan trọng liên quan đến lượt cài đặt mà bạn cần theo dõi kỹ:
4. Organic/ non-organic split
- Định nghĩa: Tỷ lệ cài đặt theo hướng marketing, ví dụ lượt cài đặt không phải trả tiền (NOI – Non-organic installs) trong tổng số lượt cài đặt của bạn.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Hiểu được cách phân chia các loại cài đặt và tỷ lệ giữa người dùng trả phí và không trả phí sẽ giúp bạn xác định hệ số không phải trả tiền và hiệu ứng hào quang của app. Một danh mục phụ sẽ được phân chia không phải trả tiền theo các kênh, nơi bạn có thể chia nhỏ hơn số lượt không phải cài đặt cho paid và owned media (ví dụ như SMS, chuyển đổi từ web đến app, email, blog) để hiểu cách bạn có thể phân bổ ngân sách của mình hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng nhiều thuộc tính của riêng bạn hơn là của paid media.
- Cách tính:
Organic/ non-organic split = Tổng số lượt cài đặt không phải trả tiền trong một khung thời gian xác định / Tổng số lượt cài đặt trong cùng một khoảng thời gian
5. Tỷ lệ chuyển đổi remarketing
- Định nghĩa: Nếu bạn hỏi remarketing là gì thì đó là phương pháp marketing được thiết kế để thu hút lại người dùng app hiện tại trên các kênh trả phí (paid) và kênh owned. Tỷ lệ chuyển đổi remarketing, còn được gọi là tỷ lệ nhắm mục tiêu lại trung bình, là tỷ lệ phần trăm chuyển đổi remarketing trong tổng số chuyển đổi marketing tổng thể (bao gồm NOI). Chuyển đổi remarketing của app được tính từ khi người dùng nhấp vào quảng cáo và mở app.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Trong hầu hết các ngành, app marketers đang sử dụng owned và paid media để thu hút lại người dùng hiện tại. Remarketing đã trở thành chiến lược quan trọng giúp cải thiện tỷ lệ giữ chân người dùng, lần lượt là LTV của người dùng và khả năng sinh lợi (với giá rẻ hơn nhiều so với tiếp cận người dùng mới).
- Cách tính:
Tỷ lệ chuyển đổi remarketing = Tổng số chuyển đổi của remarketing / Tổng số chuyển đổi marketing
Các chỉ số liên quan đến tương tác
Có rất nhiều chỉ số để phân tích mức độ tương tác của người dùng. Tuy nhiên, bạn không thực sự cần theo dõi tất cả. Những chỉ số bạn nên theo dõi phụ thuộc vào doanh nghiệp và danh mục mobile app của bạn.
Ví dụ, số lượng mặt hàng được thêm vào giỏ hàng hoặc tỷ lệ bỏ giỏ hàng có liên quan đến E-commerce app. Nhưng đối với social media apps, việc theo dõi các số liệu như thời gian mỗi phiên của người dùng hoặc số lần nhấp (click), bình luận (comment), chia sẻ (share) và thích (like) lại quan trọng hơn nhiều.
Dưới đây là 6 số liệu liên quan đến tương tác mà marketers cần theo dõi chặt chẽ ở hầu hết các ngành nghề kinh doanh.
6. Retention rate (tỷ lệ duy trì người dùng)
- Định nghĩa: Số lượng người dùng quay lại sau một khoảng thời gian nhất định
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Tỷ lệ giữ chân người dùng cao thường là một chỉ báo tốt về trải nghiệm người dùng hấp dẫn hoặc có giá trị, vì có liên quan đến việc sử dụng app thường xuyên và nhất quán. Nói cách khác, tỷ lệ giữ chân là nguồn kiếm tiền, tăng triển vọng mua hàng trong ứng dụng (in-app purchases) và tăng doanh thu quảng cáo trong app (in-app ad) cao hơn. Nhìn chung, tỷ lệ giữ chân trung bình có xu hướng khá thấp tính về tổng thể, cho thấy mức độ của vấn đề và tầm quan trọng của việc đo lường, giảm thiểu rủi ro khi thực hiện chiến dịch marketing.
- Cách tính:
Retention rate = Tổng số người dùng đang và đã hoạt động trong một khoảng thời gian / Tổng số người dùng đã mở app lần đầu tiên trong phạm vi ngày đã chọn
7. Số phiên trung bình trên mỗi người dùng
- Định nghĩa: Là thời gian trung bình mà người dùng dành cho app của bạn trên mỗi lượt truy cập. Một phiên bắt đầu vào thời điểm khách truy cập app của bạn và kết thúc khi họ thoát hoặc không hoạt động trong khoảng thời gian nhất định. Miễn là khách truy cập và tương tác với app của bạn thì phiên vẫn tiếp tục được tính.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Việc đo lường thời lượng phiên và phân tích chúng dựa trên các phân đoạn sẽ giúp bạn lập kế hoạch tốt hơn cho các chiến dịch của mình, bằng cách xác định người dùng chất lượng cao so với người dùng ít tương tác hơn và nhắm mục tiêu một cách phù hợp.
- Cách tính:
Số phiên trung bình trên mỗi người dùng = Tổng số phiên / Tổng số người dùng
8. Tỷ lệ gỡ cài đặt
- Định nghĩa: Tỷ lệ người dùng gỡ cài đặt app trong một khoảng thời gian tải app.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Tỷ lệ gỡ cài đặt cho phép bạn so sánh chất lượng của người dùng đến từ nhiều nguồn media, chiến dịch quảng cáo đơn lẻ hoặc ở những quốc gia khác nhau. Trong tất cả các ngành, tỷ lệ gỡ cài đặt có xu hướng rất cao. Chỉ số này là một dấu hiệu cho thấy có thể có điều gì đó không ổn với app hoặc quá trình onboarding (giới thiệu) của bạn, hay chương trình khuyến mãi không phù hợp với kỳ vọng của người dùng.
- Cách tính:
Tỷ lệ gỡ cài đặt = Tổng số lượt gỡ cài đặt trong khoảng thời gian tải app được xác định trước / Tổng số lượt cài đặt trong một khung thời gian đã chọn
9. Tỷ lệ chuyển đổi thông qua phễu
- Định nghĩa: Phần trăm xác định tỷ lệ người dùng đang tập trung ở đâu trên phễu marketing. Bằng cách mô phỏng các sự kiện trong ứng dụng trên phễu trước, tỷ lệ chuyển đổi có thể được đo lường giữa 2 sự kiện bất kỳ mà bạn xác định, chẳng hạn như tải app để mua hàng, thêm vào giỏ hàng để mua sản phẩm…
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Đo lường tỷ lệ chuyển đổi thông qua phễu có thể nhanh chóng làm rõ nơi mà quy trình marketing và bán hàng của bạn không phù hợp. Khi bạn thiết lập và đo lường các chỉ số, bạn có thể tăng hiệu chuẩn toàn diện với insights chi tiết khách quan, ví dụ như xác định chân dung người dùng tối ưu để định vị chiến dịch tốt hơn hoặc xác thực tính hiệu quả các nỗ lực marketing của bạn.
- Cách tính:
Tỷ lệ chuyển đổi thông qua phễu = (Tổng số chuyển đổi sự kiện mong muốn / Tổng số sự kiện ban đầu trong ứng dụng) x 100
10. Tỷ lệ chuyển đổi trả phí (PCR)
- Định nghĩa: Số lượng chuyển đổi thông qua quảng cáo có trả tiền. PCR bao gồm PPC, quảng cáo hiển thị (display ads), quảng cáo social media (ví dụ: Tweet được quảng cáo hoặc boost posts trên Facebook), các bài đăng hoặc bài đánh giá được tài trợ hay bất kỳ phương pháp marketing nào khác liên quan đến việc trực tiếp sử dụng tiền để có các lượt đề cập, lượt xem.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: PCR là một yếu tố chính trong chiến lược tìm kiếm có trả phí của bạn. Sau tất cả, nếu bạn không chuyển đổi người xem thành người dùng với tỷ lệ cao, vậy bạn đang quảng cáo vì điều gì? Tối ưu hóa PCR cho phép tối ưu hóa từng đồng chi tiêu PPC của mình bằng cách tìm ra điểm nào có thể thuyết phục tối đa tỷ lệ phần trăm khách hàng tiềm năng của bạn thực hiện hành động – và cuối cùng là chuyển đổi.
- Cách tính:
Tỷ lệ chuyển đổi trả phí (PCR) = Tổng số chuyển đổi / Tổng số tương tác quảng cáo có thể theo dõi thành chuyển đổi trong cùng một khoảng thời gian
Ví dụ: Nếu bạn có 50 chuyển đổi trong tổng số 1.000 tương tác, tỷ lệ chuyển đổi của bạn sẽ là 5% (50/1000=5%).
11. Tỷ lệ chuyển đổi không phải trả phí (OCR)
- Định nghĩa: Số lượng chuyển đổi thông qua lượt khám phá không phải trả phí. OCR bao gồm tìm kiếm tự nhiên, các lượt đề cập truyền miệng trên social media, influencer marketing, PR và buzz, app có liên quan trong danh sách App Store, hoặc bất kỳ cách thức marketing nào không liên quan đến quảng cáo trả phí.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: OCR là một chuẩn mực cho sự thành công của inbound marketing. Theo Search Engine Journal, người dùng từ hoạt động inbound, chẳng hạn như blogs và webinars có tỷ lệ rời bỏ cao hơn nhiều so với đối tác outbound, ví dụ như chiến dịch email hoặc SMS.
- Cách tính:
Tỷ lệ chuyển đổi không phải trả phí (OCR) = Tổng số chuyển đổi – Tổng số chuyển đổi trả phí
Các chỉ số liên quan đến doanh thu
Trong kinh doanh, xác định yếu tố quan trọng chính là điểm mấu chốt. Dưới đây là 7 cách bạn có thể đo lường khả năng tạo doanh thu và lợi nhuận của app.
12. Giá trên mỗi lượt cài đặt (Cost Per Install – CPI)
- Định nghĩa: Theo dõi lượt cài đặt có trả phí thay vì lượt tải app tự nhiên, CPI đo lường chi phí nhà quảng cáo (advertiser) trả cho nhà xuất bản (publisher) để tăng lượt tải.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Quay lại những ngày khi ứng dụng 0.99 đô la được đánh giá là tiêu chuẩn ngành, CPI là chỉ số được sử dụng thường xuyên nhất để đo lường hiệu suất chiến dịch. Ngày nay, một số KPI như chi phí trên mỗi hành động (CPA) đã phản ánh rõ hơn sự phức tạp của thị trường.
- Cách tính:
Cost Per Install – CPI = Chi tiêu quảng cáo / Tổng số lượt tải được liên kết trực tiếp với chiến dịch quảng cáo
13. Chi phí trên mỗi hành động (CPA)
- Định nghĩa: CPA là chi phí trên mỗi hành động chuyển đổi khách hàng. CPA không nhất thiết ngụ ý rằng chuyển đổi đến từ người dùng mới mà là một hành động mới như đăng ký gói đăng ký, nâng cấp tài khoản premium, mua hàng trong ứng dụng hay mua các quyền mới.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: CPA là chỉ số hiệu suất thuần túy đảm bảo việc thanh toán chỉ diễn ra khi có người dùng chất lượng cao. CPA thường được phân biệt với CAC (Cost of Acquiring Customer – Chi phí sở hữu khách hàng) bởi mức độ chi tiết của CPA. Đi kèm với chỉ số Giá trị đơn hàng trung bình (AOV – Average Order Value) và Giá trị lâu dài (LTV – Lifetime Value), bạn có thể xác định tiêu chuẩn CPA của riêng mình.
- Cách tính:
Chi phí trên mỗi hành động (CPA) = Chi phí / Tổng số hành động đang được đo lường
14. Giá trị lâu dài (LTV)
- Định nghĩa: Doanh thu mà người dùng đã tạo ra từ thời điểm họ tải app của bạn cho đến nay.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Kết hợp với doanh thu trung bình trên mỗi người dùng, LTV là số liệu vàng để xác định tổng doanh thu hoặc giá trị tiềm năng của người dùng. Trong nền kinh tế các ứng dụng được tải miễn phí, LTV là một số liệu thiết yếu để đo lường tình trạng của doanh nghiệp.
- Cách tính:
Giá trị lâu dài (LTV) = Tổng doanh thu được tạo ra kể từ ngày tải app / Tổng số người dùng đã tải app vào ngày đó
15. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (APRU)
- Định nghĩa: Số tiền trung bình được tạo ra cho mỗi người dùng thông qua mua hàng trong ứng dụng, số lần hiển thị hoặc nhấp chuột vào quảng cáo, đăng ký, tải xuống có trả tiền hoặc các hình thức kiếm tiền khác.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: ARPU thông báo cho bạn về chất lượng của người dùng trung bình theo hướng quan trọng nhất – doanh thu được tạo ra.
- Cách tính:
Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (APRU) = Doanh thu trong một khoảng thời gian xác định trước / Tổng số người dùng
Trong lĩnh vực app marketing, ARPU và LTV có thể được sử dụng thay thế cho nhau, LTV ngày 90 giống như ARPU ngày 90. Sự khác biệt nằm ở chỗ LTV phải dựa trên ngày tải app, trong khi ARPU thì không.
Nếu không có ngày tải app nào được nhắc đến trong báo cáo hoạt động của bạn, chỉ cần thực hiện tra cứu tất cả doanh thu được tạo ra trong khung thời gian X và chia số đó cho tất cả người dùng đang hoạt động trong cùng một khung thời gian, bất kể họ đã tải app khi nào.
16. Tỷ lệ người dùng trả tiền
- Định nghĩa: Tỷ lệ phần trăm người tải app đã thực hiện mua hàng trong ứng dụng trong một khung thời gian nhất định kể từ lần tải ban đầu.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Tỷ lệ này là dấu hiệu chính về người dùng chất lượng đến từ các nguồn media, cũng là một cách tốt để đo lường hiệu suất của mô hình kiếm tiền của bạn. Mặc dù thực tế là chỉ có 5% người dùng chi tiêu cho việc mua hàng trong ứng dụng, nhưng doanh thu mà những người dùng này tạo ra lớn hơn 20 lần so với doanh thu kiếm được từ tất cả những người dùng trả phí khác cộng lại.
- Cách tính:
Tỷ lệ người dùng trả tiền = Tổng số người dùng đã mua hàng (X Thời gian) sau khi cài đặt / Tổng số lượt cài đặt
17. Tần suất mua hàng (PF)
- Định nghĩa: Số lần mua hàng trung bình mà người dùng của bạn đã thực hiện trong một khoảng thời gian cụ thể. Theo định nghĩa, số liệu này cũng sẽ cho phép bạn theo dõi những người dùng không mua hàng và những người có thể dễ tiến hành đặt hàng bằng các chiến dịch được nhắm mục tiêu.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: PF là một KPI lý tưởng để đo lường lòng trung thành của người dùng, cũng như làm nổi bật các sản phẩm hoặc danh mục kém hiệu quả. PF cũng cung cấp cho bạn khả năng xác định nhóm người dùng để có các chiến dịch lookalike marketing và remarketing thông minh hơn. Mặt khác, bạn có thể thưởng cho người dùng PF cao nhất của mình – loại trừ họ khỏi các nỗ lực remarketing có trả tiền của bạn, vì họ có sự tương tác cao ở hiện tại.
- Cách tính:
Tần suất mua hàng (PF) = Tổng số lần mua hàng trong một khoảng thời gian / Tổng số người dùng trong cùng một khoảng thời gian
18. Lợi tức trên chi tiêu quảng cáo (ROAS)
- Định nghĩa: Số tiền chi tiêu cho hoạt động marketing chia cho doanh thu do người dùng tạo ra từ chiến dịch marketing trong một khung thời gian nhất định. Ví dụ, ROAS của Ngày 7 là 50% có nghĩa là một người dùng đã tạo ra doanh thu tính cho 50% số tiền đã chi ra để có được người dùng đó. Nói cách khác, mốc 100% là điểm hòa vốn.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Chỉ số lợi nhuận, ROAS là số liệu quan trọng nhất đối với các nhà quản lý UA. Bằng cách liên tục so sánh thu nhập với ROAS, bạn có thể đánh giá tốt hơn hiệu suất của các chiến dịch của mình và chất lượng người dùng.
- Cách tính:
Lợi tức trên chi tiêu quảng cáo (ROAS) = Doanh thu do người dùng tạo từ một chiến dịch cụ thể trong khung thời gian nhất định / Tổng chi tiêu marketing
Các chỉ số liên quan đến gian lận
Chúng tôi muốn nói gì về gian lận trên thiết bị di động (mobile fraud)? Gian lận trên thiết bị di động bao gồm các âm mưu giả mạo lượt cài đặt, nhấp chuột, hiển thị hoặc sự kiện trong ứng dụng.
Các giải pháp phát hiện gian lận sử dụng sự kết hợp giữa big data, machine learning theo thời gian thực và AI, để giúp marketers xác định và gắn cờ các hoạt động gian lận như cài đặt chiếm quyền điều khiển (install hijacking) và nhấp chuột (click flooding)
Dưới đây là 2 số liệu quan trọng liên quan đến gian lận mà bạn cần dành thời gian chú ý đến:
19. Tỷ lệ gian lận lượt tải app
- Định nghĩa: Tỷ lệ cài đặt gian lận tổng thể được xác định hoặc bị chặn cài đặt trong một nhóm người dùng thực hiện tải app có điểm tương đồng nhau. Tỷ lệ này còn được gọi là gian lận phân bổ, vì mục đích là cố gắng và đánh lừa các khoản phân bổ để chiếm khoản tín dụng cho một nguồn gian lận.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Với mức 1,6 tỷ USD chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2020, các khoản lỗ tiềm ẩn hiện vẫn rất cao. Có một điều không thể tránh khỏi ở đây là bạn cần chủ động bảo vệ app chống lại gian lận quảng cáo trên thiết bị di động bằng cách theo dõi hoạt động gian lận. Hoạt động này là một thực tế không thể tránh khỏi và không có dấu hiệu chậm lại trong thời gian ngắn.
- Cách tính:
Tỷ lệ gian lận lượt tải app = Số lượt cài đặt gian lận / Tổng số NOI (bao gồm cả NOI lượt cài đặt gian lận)
20. Tỷ lệ gian lận trong ứng dụng
- Định nghĩa: Số lượng các sự kiện trong ứng dụng, post-install có thể đo lường sau một lượt cài đặt gian lận hoặc được phát hiện là gian lận, bất kể tình trạng của lượt cài đặt là gì. Những sự kiện này có thể bao gồm các sự kiện có thể đo lường, liên quan đến tối ưu hóa, chẳng hạn như Giá trên mỗi hành động (CPA) liên kết với khoản thanh toán, cũng như mua hàng trong ứng dụng.
- Vì sao chỉ số này lại quan trọng: Những người gian lận gần đây đã vượt ra khỏi lượt cài đặt để tiếp tục hoạt động gian lận trong ứng dụng, giống như marketer bắt đầu hướng tới CPA. Ví dụ: đặt hàng với số lượng lớn trong một ứng dụng mua sắm, sau đó hủy trong khoảng thời gian cho phép để kiếm tiền từ chi phí CPA cao.
- Cách tính:
Tỷ lệ gian lận trong ứng dụng = Người dùng từ một sự kiện gian lận trong ứng dụng (X Thời gian) sau khi cài đặt / Tổng số người dùng không phải trả tiền từ một sự kiện (X Thời gian) sau khi cài đặt
Trên thực tế, chúng tôi đã phát hiện rằng tỷ lệ giữa các lượt cài đặt gian lận và các sự kiện trong ứng dụng gian lận đã tăng gấp 3 lần, sự gia tăng này chủ yếu đến từ các ứng dụng trò chơi.
Một vài chỉ số marketers thường dùng để đo lường hiệu suất app
1. Chi phí trên 1.000 lần hiển thị hiệu quả (eCPM)
Doanh thu được tạo ra trên mỗi 1.000 lần hiển thị, eCPM cung cấp một cách tiếp cận cơ bản để đánh giá giá trị của lưu lượng truy cập (traffic) và xác định CPM của bạn.
Mặc dù CPM là tỷ lệ mà nhà quảng cáo (advertiser) sẵn sàng trả cho 1.000 lần hiển thị, eCPM lại là thu nhập của nhà xuất bản (publisher) trên mỗi 1.000 lần hiển thị.
Cách tính:
eCPM = (Tổng doanh thu quảng cáo / Tổng số lần hiển thị) x 1.000
2. Người dùng hoạt động hàng ngày (DAU)
Số lượng người dùng duy nhất tương tác với app của bạn trong khoảng thời gian 24 giờ. DAU thường được sử dụng bởi các doanh nghiệp có người dùng dự kiến sẽ tương tác với ứng dụng hàng ngày (ví dụ như ứng dụng trò chơi).
3. Người dùng hoạt động hàng tháng (MAU)
Số lượng người dùng duy nhất tương tác với ứng dụng của bạn trong thời hạn 30 ngày. MAU thường được các ứng dụng B2B sử dụng vì có người dùng dự kiến sẽ tương tác một vài lần trong tháng hoặc ít hơn (ví dụ như ứng dụng ngân hàng).
4. Tỷ lệ DAU/MAU
Công thức này cho phép bạn đo lường người dùng hoạt động hàng tháng tương tác với ứng dụng của bạn trong khoảng thời gian lặp lại 24 giờ.
Khi sử dụng chỉ số DAU/MAU, bạn có thể dự báo khả năng thu hút người dùng và doanh thu tiềm năng theo thời gian, nhưng quan trọng hơn là giúp bạn xác định giá trị của sản phẩm bằng cách theo dõi tần suất người dùng quay lại ứng dụng.
Cách tính:
Tổng số DAU / Tổng số MAU
5. Tỷ lệ churn
Ngược lại với tỷ lệ giữ chân, tỷ lệ churn được định nghĩa là tỷ lệ người dùng gỡ cài đặt app của bạn, hủy hoặc hạ cấp đăng ký dịch vụ.
Mặc dù tỷ lệ churn không tốt, nhưng churn bắt đầu trở nên có vấn đề khi những người dùng có giá trị nhất hoặc tạo ra doanh thu hàng đầu của bạn bỏ đi. Điều này có thể tạo ra sự tác động đáng chú ý về nhiều mặt liên quan đến hoạt động kinh doanh tổng thể.
Cách tính:
Tỷ lệ churn = Tổng số người dùng rời bỏ / Tổng số người dùng
6. Tỷ lệ mua lặp lại (RPR)
RPR cung cấp cho bạn số lượng khách hàng quay lại app để mua hàng bổ sung. RPR có thể giúp bạn đo lường lòng trung thành của khách hàng cũng như lập kế hoạch chiến lược bán hàng.
Mua hàng lặp lại giúp tăng LTV cao hơn cho mỗi khách hàng có được hoặc không phải trả tiền. Tỷ lệ mua lặp lại càng cao thì ROI càng cao.
Cách tính:
Tỷ lệ mua lặp lại (RPR) = Tổng số lần mua hàng từ người dùng hiện tại / Tổng số lần mua hàng
7. Giá trị đơn hàng trung bình (AOV)
AOV thường áp dụng cho lĩnh vực Thương mại điện tử, vì AOV cho bạn biết khách hàng của bạn thường chi bao nhiêu cho một đơn hàng. AOV cho phép bạn xác định các phân khúc khác nhau theo mức chi tiêu hoặc để xem kênh nào hiệu quả nhất về mặt doanh thu.
Cách tính:
Giá trị đơn hàng trung bình (AOV) = Tổng doanh thu / Tổng số đơn đặt hàng
8. Tỷ lệ chuyển đổi từ web sang app
Là tỷ lệ người dùng bắt đầu hành trình mua hàng của họ trên web và sau đó chuyển đổi sang app của bạn.
Trong một thế giới mà người dùng liên tục chuyển đổi giữa các thiết bị, việc khuyến khích khách truy cập web chuyển sang dùng app là điều cần thiết. Ứng dụng gốc (Native app) mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn nhiều và có nhiều khả năng thu hút người dùng mua hàng hơn so với trang web.
Cách tính:
Tỷ lệ chuyển đổi từ web sang app = Tổng số chuyển đổi trong ứng dụng / Tổng số người dùng trên web và tải app
9. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng trả phí (ARPPU)
ARPPU được sử dụng để đánh giá hiệu quả của các sự kiện mua hàng trong ứng dụng (IAP – in-app purchase) hiện có, sự thành công của các sự kiện IAP mới được giới thiệu với luồng người dùng và ảnh hưởng của các sự kiện khác đối với doanh thu IAP (ví dụ: lựa chọn xem quảng cáo thay vì trả tiền).
Cách tính:
Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng trả phí (ARPPU) = Tổng doanh thu / Tổng số người dùng tạo ra doanh thu
10. Lợi tức trên trải nghiệm (ROX)
ROX đo lường tác động tài chính của trải nghiệm đối với các chiến dịch, làm cho các chiến dịch có thể được đo lường hay mở rộng ROI hơn. ROX là nỗ lực tận dụng các hoạt động tập trung vào chiến dịch có ảnh hưởng, quyết định đến CX (trải nghiệm khách hàng), cuối cùng sẽ có tác động tích cực đến lợi nhuận của bạn trong tương lai không xa.
Cách tính:
ROX = Lợi ích (ví dụ: doanh thu) / Chi phí trải nghiệm (ví dụ: phần mềm, nhân lực, dịch vụ) x 100%
Tóm tắt một số điểm chính
- Mobile app giống như con người, có thể phát triển tốt nhờ vào các phản hồi. Nói một cách đơn giản, phản hồi là cách hiệu quả nhất để đánh giá hiệu suất của app, hiểu những gì cần được cải thiện và giúp doanh nghiệp của bạn phát triển.
- Mobile app metrics là các chỉ số chính marketers sử dụng để khám phá thông tin, đánh giá mức độ tương tác của người dùng, lượt chia sẻ hoặc tỷ lệ chia sẻ và là lý do tại sao mobile marketers lại dành nhiều thời gian để đo lường.
- Có rất nhiều chỉ số đo lường app khác nhau. Tuy nhiên không nên phức tạp hóa mọi thứ bằng cách cố gắng theo dõi quá nhiều KPI không nhất thiết cho doanh nghiệp. Thử nghiệm để tìm ra những gì tốt nhất cho ứng dụng và tối ưu hóa chúng để phát huy hết tiềm năng khi bạn tiếp tục thu hút người dùng.
- Với mọi hành động người dùng thực hiện trên app, họ đang báo hiệu cho bạn những gì cần đo lường. Cần xem xét, lắng nghe và học hỏi vì các chỉ số sẽ cho bạn biết chính xác những gì cần theo dõi ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.
* Bài viết gốc: Tinle.co