Một bài đăng trên blog nên dài bao nhiêu là hiệu quả?

Một bài đăng trên blog nên dài bao nhiêu là hiệu quả?

Bạn có bao giờ tự hỏi một bài trên blog nên dài bao nhiêu để không làm người đọc chán ngán, đồng thời truyền tải đầy đủ nội dung mà mình mong muốn? Câu trả lời phụ thuộc vào mục tiêu nội dung của bạn là gì, đối tượng là ai và mục đích tìm kiếm của các đối tượng mà bạn đang muốn nhắm đến.

Một chiến lược nội dung tốt sẽ giải quyết ổn thoả cả nhu cầu nội dung ngắn/ dài lẫn mục tiêu truyền tải thông tin. Bây giờ, hãy cùng tìm hiểu độ dài phù hợp cho một bài đăng trên blog ở những phần tiếp theo.

1. Độ dài của một bài đăng trên blog có thực sự quan trọng?

Dĩ nhiên, độ dài là một yếu tố quan trọng đối với các loại content, nhưng điều đó không có nghĩa là bài viết của bạn càng dài thì sẽ càng tốt. Trên thực tế, yếu tố quyết định độ dài của bài đăng trên blog phụ thuộc phần lớn vào mục đích tìm kiếm. Nghĩa là, bạn nên tạo một bài blog có độ dài phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng người đọc mà bạn muốn nhắm đến. 

Mục tiêu chính của bài blog là trả lời các câu hỏi của độc giả. Điều này có nghĩa là bạn cần đầu tư thời gian để hiểu họ và lượng thông tin họ cần là như thế nào. 

2. Độ dài bài đăng trên blog nên tối ưu cho các loại nội dung khác nhau

Nghiên cứu của Semrush Blog cho thấy rằng những bài viết có hơn 3.000 từ sẽ tạo ra nhiều lưu lượng truy cập không phải trả tiền nhất (organic traffic). Tuy nhiên, các định dạng nội dung khác lại tuân theo một logic khác.

Yếu tố quyết định độ dài của bài đăng trên blog phụ thuộc phần lớn vào mục đích tìm kiếm.

Để hiểu rõ hơn, hãy cùng xem xét độ dài bài đăng trên blog được đề xuất dựa trên các loại định dạng bài đăng:

  • Thông cáo báo chí (Press releases): Thông cáo báo chí nên có khoảng 400-700 từ, theo The Guardian. Các bài viết dạng này cần truyền tải thông tin đến nhà báo một cách rõ ràng và đơn giản. Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng khi viết về buổi ra mắt sản phẩm cho độc giả của bạn – nội dung cần ngắn gọn, súc tích và bao quát thông tin chính.
  • Bài viết thông báo (Announcement articles): Đây là loại nội dung có độ dài ngắn nhất (400-600 từ) cho một bài đăng trên blog và có thể hoạt động tốt đối với nội dung định dạng bảng thuật ngữ và thông báo.
  • Tin tức thời sự (News articles): 600-1.000 từ là độ dài tối ưu cho các bài đăng trên blog giáo dục/ chính trị... và những nội dung có tính chất đáng tin cậy.
  • B2B use cases/ demos: Các bài viết về B2B use-cases hoặc case-studies có thể có độ dài khác nhau. Đây được coi là một trong những loại nội dung có độ uy tín cao, cho thấy khách hàng đã sử dụng sản phẩm thành công như thế nào. Nội dung này cần giúp thuyết phục khách hàng mà không làm họ mất quá nhiều thời gian, vậy nên, 500-1.500 từ là độ dài thích hợp.
  • Bài đăng trên blog thông tin (informational blog posts): Những nội dung này giúp website trở nên thân thiện hơn với các công cụ tìm kiếm, đặc biệt là khi bạn đang có kế hoạch tập trung vào một số từ khóa dài. Dung lượng phù hợp cho định dạng này là 1.000-1.500 từ.
  • Bài hướng dẫn, chia sẻ cách thực hiện (Guides and how-tos): Đối với dạng nội dung này, bạn có thể xây dựng bộ từ khoá với chiến lược content mỗi ngày/ mỗi tháng để được các công cụ tìm kiếm đánh giá cao. Độ dài phù hợp là 1.500-2.500 từ/bài.
  • Bài viết demo (Demo articles): Những bài giới thiệu chung này thường nhắm vào các khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng để giới thiệu một tính năng hoặc tập hợp các tính năng của sản phẩm/ dịch vụ. Bài viết có thể được tích hợp nhiều định dạng nội dung (video, hình ảnh...) nhằm giúp người đọc có thể tiếp cận thông tin một cách trực quan, nhanh chóng và dễ dàng. Những nội dung dạng này có thể dài 500-1.000 từ và nhiều hơn nếu cần thiết.
  • Bài viết trên trang chủ (Pillar pages): Với dung lượng từ 3.000 từ trở lên, các bài dạng này có thể vừa cung cấp đầy đủ thông tin, vừa giúp bán hàng và điều hướng đến các trang khác, cũng như đặt link và cải thiện SEO hiệu quả.

3. Độ dài bài đăng trên blog lý tưởng là bao nhiêu?

Trên thực tế, thành công chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng nội dung và mức độ bao quát chủ đề mà bài viết tạo nên. Vậy nên, không nhất thiết phải có độ dài cụ thể cho cách bài đăng trên blog.

Hãy xem ví dụ minh hoạ bên dưới để hiểu rõ hơn:

Trong hình minh hoạ trên, chúng ta đã tìm kiếm từ khoá “cách mở rộng quy mô một công ty khởi nghiệp”. Kết quả, bài đăng của Integrio xếp đầu danh sách với 1.997 từ. Tuy nhiên, bài viết đứng thứ hai trong danh sách, được xuất bản bởi Sloan School of MIT Management, ngắn hơn gần 75% với 554 từ. Thứ ba, bài viết từ RingCentral, lại dài hơn nhiều với hơn 3.200 từ. 

Điều này cho thấy độ dài của bài đăng trên blog của bạn có thể thay đổi nhưng vẫn được xếp hạng cao bởi các công cụ tìm kiếm, đó là nhờ vào chất lượng content và khả năng đánh đúng nhu cầu của khách hàng tiềm năng.

4. Cách xác định độ dài bài đăng trên blog trong 3 bước

Như đã đề cập ở trên, độ dài lý tưởng cho bài đăng trên blog được xác định bởi một số yếu tố và các yếu tố đó gồm:

4.1. Thiết lập mục tiêu

Bạn biết không, một content marketer giỏi không bắt tay vào viết ngay từ đầu, mà họ đầu tư thời gian vào việc xây dựng chiến lược và lập kế hoạch. Việc thiết lập mục tiêu bài bản cho nội dung trên blog sẽ giúp bạn đạt được các mục tiêu kinh doanh lớn hơn. 

Mục tiêu cho những bài đăng trên blog có thể bao gồm: 

  1. Xếp hạng cao trong kết quả của công cụ tìm kiếm
  2. Được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội
  3. Tạo khách hàng tiềm năng và chuyển đổi
  4. Nhận bản dùng thử sau khi thông báo ra mắt sản phẩm mới

Cuối cùng, việc xác định được mục tiêu của bài đăng trên blog của bạn như thế nào sẽ giúp bạn cân nhắc về độ dài nội dung. 

4.2. Xác định đối tượng mục tiêu

Sự hiểu biết của bạn về đối tượng mục tiêu là một yếu tố có thể quyết định độ dài bài đăng trên blog. Các đối tượng khác nhau tiếp nhận nội dung theo những cách khác nhau và yêu cầu kiến ​​thức chuyên sâu khác nhau. 

Hãy suy nghĩ về những câu hỏi sau:

  • Bạn đang viết cho các chuyên gia, những người không cần dẫn dắt hay giới thiệu ngữ cảnh để hiểu chủ đề bài viết? 
  • Hay bạn đang viết cho những người nghiệp dư, những người cần có được bức tranh toàn cảnh trước khi đi vào chi tiết nâng cao? 

Ví dụ, nếu bạn đang viết cho một người mua thường xuyên thiếu thời gian, hãy cân nhắc làm cho bài viết của bạn ngắn gọn và tập trung vào một ý tưởng chính.

Trong ví dụ bên dưới, Semrush Blog đã tạo hồ sơ cá nhân người mua hư cấu tên Alma – một nhà thiết kế đồ họa muốn thay đổi nghề nghiệp. Trong trường hợp của Alma, chúng ta có thể thấy rằng cô ấy thích nội dung trực quan và dạng ngắn. Vì vậy, với trường hợp này, bạn phải đảm bảo nội dung có chất lượng, súc tích và đồ họa đẹp mắt, đồng thời được phân phối trên các nền tảng như Instagram, Facebook… 

4.3. Tập trung vào mục đích tìm kiếm, không phải số lượng từ

Mục đích tìm kiếm đề cập đến mục tiêu chính mà ai đó có khi họ nhập từ khóa vào công cụ tìm kiếm hoặc tìm kiếm thứ gì đó trực tuyến. Vì vậy mọi bài đăng trên blog của bạn nên xác định mục tiêu rõ ràng, mỗi phần nội dung phải tương ứng với mục đích tìm kiếm cụ thể. Chẳng hạn như:

  • Điều hướng: Người dùng đang tìm kiếm một trang web hoặc địa điểm cụ thể (ví dụ: “trang web Figma”)
  • Cung cấp thông tin: Người dùng muốn tìm hiểu về điều gì đó (ví dụ: “Thiết kế UX là gì?”)
  • Giao dịch: Người dùng đang tìm cách thực hiện một hành động nhất định (ví dụ: “Mua công cụ tạo mẫu”)
  • Thương mại: Người dùng muốn tìm hiểu thêm trước khi mua hàng (ví dụ: “Figma vs. Sketch”)

Tuy nhiên, phân tích mục đích tìm kiếm cũng nên liên quan đến việc đánh giá các đặc điểm chính để xếp hạng nội dung cho từ khóa mục tiêu của bạn, bao gồm:

  • Độ dài của bài đăng trên blog
  • Giọng điệu sử dụng trong bài
  • Các câu hỏi và chủ đề phụ được giải quyết trong bài viết
  • Cấu trúc của bài đăng trên blog (ví dụ: định dạng blog, độ sâu tiêu đề và sự hiện diện của danh sách)
  • Hình ảnh và các yếu tố khác trên trang

Chẳng hạn, hãy tưởng tượng bạn muốn tạo một bài viết nhắm mục tiêu “hoạt động doanh thu”. Đây là các bước mà bạn cần làm:

  • Bước 1: Đầu tiên, Google từ khóa mục tiêu của bạn và phân tích xếp hạng nội dung trên trang nhất. 

  • Bước 2: Phân tích các yếu tố bạn thấy trên SERP (trang kết quả của công cụ tìm kiếm). Xem đoạn trích nổi bật và phần “people also ask” rồi kiểm tra tiêu đề của các bài đăng trên blog được xếp hạng hàng đầu. 

  • Bước 3: Cuối cùng, kiểm tra thủ công 5-10 bài báo xếp hạng trên trang nhất. Cố gắng xác định các mẫu phổ biến, chẳng hạn như các chủ đề phụ được đề cập trong các bài, cấu trúc, hình ảnh và độ dài trung bình của chúng.

4.4. Xác định độ dài bài đăng trên blog dựa trên 10 đối thủ hàng đầu của bạn

Đầu tiên, nhập từ khóa mục tiêu của bạn và chọn khu vực địa lý mục tiêu (tối đa cấp thành phố) và loại thiết bị.

Tiếp theo, bạn sẽ thấy danh sách các đề xuất cho nội dung của mình dựa trên 10 đối thủ hàng đầu (những trang được đề xuất này hoàn toàn không phải trả tiền cho việc được đề xuất). Chúng bao gồm độ dài nội dung, mức độ dễ đọc và nội dung liên quan đến ngữ nghĩa. 

5. Độ dài bài đăng blog lý tưởng cho SEO là gì?

Nghiên cứu của Semrush từ “Báo cáo toàn cầu về tiếp thị nội dung năm 2022” cho thấy rằng độ dài có tương quan tích cực với lượt xem không phải trả tiền. 

Như bạn có thể thấy từ bảng bên dưới, các bài đăng có hơn 3.000 từ nhận được nhiều lượt xem trang hơn 138% so với những bài đăng có trung bình dưới 500 từ. Nội dung dài hơn cũng có xu hướng tạo ra nhiều backlinks hơn.

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy trước đó, việc sản xuất nội dung dài chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó bao quát toàn bộ chủ đề và giải quyết được vấn đề cho người đọc. 

6. Ưu và nhược điểm của bài viết dài trên blog

Vậy những lợi thế và bất lợi chính của việc viết nội dung dài là gì?

  • Ưu điểm
    • Nội dung dài có thể bao quát chủ đề một cách toàn diện hơn
    • Nội dung dài có xu hướng nhận được nhiều backlinks hơn
    • Nội dung dài hơn có thể giúp bài viết của bạn xếp hạng cao hơn
    • Thương hiệu sẽ có nhiều tiềm năng hơn để tăng giá trị cho khách hàng từ những nội dung có chiều sâu
  • Nhược điểm
    • Nội dung dài dễ gây lạc đề hoặc làm giảm tính tập trung của người đọc, dẫn đến trải nghiệm kém
    • Nội dung dài không làm tăng số lượt chia sẻ bài viết
    • Nội dung càng dài thì càng phải hay và người viết cần nhiều thời gian hơn để soạn thảo, chỉnh sửa và nghiên cứu để đạt được các mục tiêu
    • Nội dung càng dài thì bạn càng phải đảm bảo rằng những gì bạn đang nói thực sự hữu ích cho đối tượng mục tiêu, nếu không, bạn chỉ đang “xả rác content” trên Internet.

Tóm lại, độ dài bài viết không quan trọng bằng chất lượng thông tin mà bạn truyền tải. Vì mục tiêu chính của việc viết các bài đăng trên blog là trả lời các câu hỏi của độc giả và giúp họ giải quyết vấn đề của mình. Thế nên, độ dài tối ưu của các bài đăng trên blog phải được xác định theo nhu cầu của độc giả và mục đích tìm kiếm của họ.

Joyful Marketing (Dịch và tổng hợp)
* Nguồn: Semrush Blog