The Outbox Company: Hiệu quả hoạt động du lịch tại Đông Nam Á – Cập nhật tháng 3/2023

The Outbox Company: Hiệu quả hoạt động du lịch tại Đông Nam Á – Cập nhật tháng 3/2023

Số liệu từ Tổng cục Du lịch của các quốc gia Đông Nam Á trong tháng 3/2023 cho thấy dấu hiệu tích cực hơn 2 tháng trước đó. Nhìn chung, số lượt khách quốc tế tới các nước đều ghi nhận mức cao hơn tháng 1 và tháng 2, ngoại trừ Việt Nam giảm nhẹ (Campuchia chưa cập nhật số liệu). Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của toàn khu vực trong tháng 3 đã tăng gấp gần 5 lần so với tháng 2. 

Mức độ tăng trưởng khách quốc tế có dấu hiệu cải thiện tích cực

Xét trên 5 quốc gia gồm Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Philippines và Indonesia, tổng lượng khách quốc tế đến trong tháng 3 đạt 5.420.067 lượt, tăng 247.745 lượt (tương đương khoảng 4,79%) so với tháng 2. Trước đó, lượng khách nhập cảnh các nước Đông Nam Á trong tháng 2 chỉ tăng 1% so với tháng 1. Đây là một tín hiệu khá đáng mừng đối với ngành du lịch của toàn khu vực.

Trong tháng 3, Thái Lan vẫn giữ vững ngôi vị đầu bảng trong top các điểm đến Đông Nam Á được khách quốc tế ưa chuộng nhất. Cụ thể, Thái Lan đón 2.219.040 lượt khách nước ngoài trong tháng 3, cao hơn 118% so với hạng nhì là Singapore và hơn hạng 3 là Việt Nam 149%. 

Tuy nhiên đối với tổng lượt khách quốc tế đến trong tháng 3/2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực chứng kiến sự sụt giảm về số lượt khách đến (895.425 lượt), giảm 4% so với tháng 2/2023. Indonesia dẫn đầu về mức tăng trưởng giữa tháng 2 và 3 khi tăng thêm 15,39%, tiếp sau là Singapore và Thái Lan. 

Chỉ số phục hồi và tỷ lệ đạt mục tiêu 

Tuy nắm giữ vị trí đầu trong các tháng trước, hiện tại Campuchia vẫn chưa cập nhật số liệu trong tháng 3. Vì vậy, tạm thời Philippines đang dẫn đầu Đông Nam Á về tỷ lệ phục hồi so với cùng kỳ năm 2019 là 66,59%, theo sát là Singapore (65,38%) và Thái Lan (63,79%). Sau khi sự kiện SEA Games 32 kết thúc, nước chủ nhà Campuchia được kỳ vọng sẽ tạo nên một dấu ấn đáng kể về số lượng khách quốc tế trong những tháng tiếp theo.

Tỷ lệ đạt mục tiêu 2023 của khu vực đang dao động từ 20% tới dưới 34%. Trong đó, Việt Nam vẫn đạt tỷ lệ này cao nhất tính tới tháng 3 (33,74%). Singapore tiếp tục là quốc gia có tỷ lệ đạt mục tiêu thấp nhất (20,78%).

Các thông tin nổi bật

Top 3 điểm đến Đông Nam Á có số lượt khách quốc tế đến cao nhất tháng 3 năm 2023:

1. Thái Lan: 2.219.040 – Sau mức giảm nhẹ hồi tháng 2, lượt khách quốc tế đến Thái Lan trong tháng 3 đã tăng gần 5%. 
2. Singapore: 1.020.000 – Tỷ lệ đạt mục tiêu của đảo quốc sư tử vẫn đang cuối bảng (20,78%). 
3. Việt Nam: 895.425. –Dù có tỷ lệ đạt mục tiêu cao nhất và lọt Top 3 quốc gia Đông Nam Á đón nhiều khách quốc tế nhất trong quý I, Việt Nam lại là điểm đến duy nhất đón lượng khách giảm. 

Top 3 điểm đến Đông Nam Á có tỷ lệ phục hồi cao nhất tháng 3/2023:

1. Philippines: 66,59% 
2. Singapore: 65,38% 
3. Thái Lan: 63,79% 

Về hàng không, thứ tự các điểm đến có tổng lượng chỗ ngồi trên các chuyến bay đến và đi nhiều nhất khu vực không có sự thay đổi xuyên suốt 4 tháng. Theo OAG, trong tháng 4, Indonesia vẫn đứng đầu với 10.148.070 chỗ ngồi, theo sau là Thái Lan (6.047.377 chỗ ngồi), Việt Nam (5.792.606), Philippines (4.339.133), Malaysia (4.274.854) và Singapore (2.875.056). 

Hà Nội – TP.HCM tiếp tục là đường bay Nội địa nhộn nhịp nhất tháng 4 với 917.814 chỗ ngồi (giảm 9% so với tháng trước). Hạng nhì vẫn thuộc về đường bay Jakarta – Bali (639.101 chỗ ngồi, tăng 16,5%), nhưng vị trí thứ 3 đã có sự thay đổi so với tháng 3. Đó là đường bay Jakarta – Sumatera Utara (516.624 chỗ), thay thế Jakarta – South Sulawesi. 

Trong Top 10 đường bay Quốc tế bận rộn nhất, Singapore xuất hiện tới 7 lần, đồng thời chiếm trọn Top 3, xứng danh trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của Đông Nam Á. Đường bay Kuala Lumpur – Singapore là đường bay tấp nập nhất tháng 4 với 409.946 chỗ ngồi, tiếp theo là đường bay Jakarta – Singapore và Bangkok – Singapore.

Nguồn: Saigon Times

Như vậy, trong tháng 3/2023, tình hình hoạt động du lịch của các nước Đông Nam Á đã tươi sáng hơn khi tỷ lệ tăng trưởng về lượng khách quốc tế đã gần gấp 5 lần tháng 2. Tuy vậy, khả năng đạt được mục tiêu đề ra nhìn chung không thực sự cao (từ khoảng 20-34%).

Theo UNWTO, trong quý I, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tuy đang có những dấu hiệu tốt nhưng vẫn là khu vực có tốc độ phục hồi du lịch chậm nhất thế giới (đạt 54% mức 2019). Dấu hiệu tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang được kỳ vọng tốt hơn, đặc biệt là với sự trở lại của Trung Quốc, thị trường nguồn chính của nhiều quốc gia cùng với thời điểm du lịch cao điểm trong mùa hè cũng thúc đẩy tốc độ phục hồi du lịch của khu vực này.

Tuy nhiên, như đã thông tin trước đó, việc kỳ vọng quá nhiều vào một quốc gia nguồn hay thời điểm du lịch cao điểm nhưng lại không có một chiến lược tiếp cận phù hợp cũng sẽ không đạt được hiệu quả cao, đặc biệt là trong năm 2023, giai đoạn cuối của quá trình phục hồi. Cùng với các dịp lễ hội và thời điểm hè sắp tới, tháng 4-5 sẽ chứng kiến nhiều sự phân hóa rõ nét hơn về kết quả hiệu suất du lịch thông qua tốc độ tăng trưởng và khả năng đạt mục tiêu du lịch của mỗi quốc gia.