Những điều marketers cần biết về kiểm thử tăng tiến

Những điều marketers cần biết về kiểm thử tăng tiến

Làm thế nào bạn có thể biết được số tiền chi tiêu cho hoạt động marketing là khoản chi tiêu tốt? Hay làm thế nào để bạn biết được quảng cáo của bạn có thật sự tác động đến hành vi người tiêu dùng hay không?

Bài viết được dịch từ tựa blog “Everything marketers need to know about incrementality testing” đăng trên AppsFlyer của tác giả Michal Wagner.

Sự thật là chỉ một loại phép đo nhất định mới có thể trả lời câu hỏi này một cách rõ ràng và phép đo này có tên gọi là kiểm thử tăng tiến (incrementality testing).

Kiểm thử tăng tiến sẽ đo lường ROI và thường bị ẩn trong chi tiêu quảng cáo của bạn. Vậy kiểm thử tăng tiến là gì và vì sao lại bị ẩn?

Việc phân tách traffic tự nhiên và chuyển đổi trả phí thường không có sự rõ ràng. Điều này có thể đến từ việc bạn đang trả tiền để có người dùng mới mà lẽ ra họ đã chuyển đổi. Kiểm thử tăng tiến là cách tốt nhất để khám phá mối quan hệ này và cuối cùng sẽ biết được giá trị thật sự của hoạt động marketing.

Đo lường mức độ tăng tiến không chỉ đơn giản là tạm ngừng hoạt động truyền thông có trả phí của bạn trong 1 tuần và phân tích mức độ ảnh hưởng. Chạy các kết quả thử nghiệm là một công việc khó, vì vậy mục đích của bài viết này là để hướng dẫn cách tính toán mức độ tăng tiến và cách giải thích kết quả đó.

Hãy cùng xem xét kiểm thử tăng tiến khác biệt thế nào với phân bổ cuối (last-click attribution) thông qua tối ưu hóa sau cài đặt, và tìm hiểu tổng thể về hình thức đo lường quan trọng này.

Những điều marketers cần biết về kiểm thử tăng tiến

Tác động tăng tiến được xác định như thế nào?

Kiểm thử tăng tiến bao gồm 2 nhóm là kiểm thử và kiểm soát. Nhóm kiểm thử tiếp xúc với quảng cáo trong khi nhóm kiểm soát sẽ giữ vai trò phân tích.

Bằng cách đo lường kết quả từ mỗi nhóm, bạn sẽ biết được chuyển đổi nào – có liên quan đến tiếp cận người dùng mới hay remarketing, đều sẽ không có gì xảy ra nếu không có quảng cáo. Cách thức này được gọi là mức độ tăng tiến (incremental lift).

Ví dụ, nói một cách đơn giản, Marco’s Pizzeria đã ra mắt một loại bánh pizza vỏ dày và muốn xác định mức độ thành công của chiến dịch quảng cáo của họ. Sau một tháng phát phiếu giảm giá cho mọi người trên đường, họ đo lường có bao nhiêu chiếc bánh pizza mới đã được mua bằng phiếu giảm giá và bao nhiêu chiếc được mua mà không có phiếu giảm giá đó.

Sự khác biệt về doanh số giữa hai nhóm khách hàng là mức độ tăng tiến.

Những điều marketers cần biết về kiểm thử tăng tiến

3 loại hiệu ứng tăng tiến

Thử nghiệm tăng tiến có thể mang lại vô số kết quả như sau:

Những điều marketers cần biết về kiểm thử tăng tiến

Trong ví dụ đầu tiên, chúng ta có thể thấy rằng thử nghiệm đã dẫn đến mức độ tăng tiến tích cực. Điều đó có nghĩa là chiến dịch trả phí (paid campaign) của bạn đã có hiệu quả vì tạo ra sự gia tăng trong doanh thu.

Trong ví dụ thứ hai, không có mức độ tăng tiến và vẫn ở mức trung lập. Mặc dù chiến dịch đang tạo ra doanh số bán hàng, nhưng không có giá trị gia tăng và nhóm marketing cần cân nhắc việc tạm dừng chiến dịch hoặc thử một cách tiếp cận khác (thay đổi quảng cáo, cập nhật nhắm mục tiêu…).

Trong ví dụ cuối cùng, chúng ta thấy mức có mức độ tăng tiến âm. Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng có thể một chiến dịch quảng cáo đang gây ra nhiều thiệt hại hơn là kết quả tốt (ví dụ: hiển thị quá nhiều trong chiến dịch remarketing dẫn đến tác động tiêu cực đến thương hiệu). Bạn cũng nên xem xét quá trình thử nghiệm và đảm bảo rằng hành động này được cấu trúc chính xác.

Làm thế nào để kiểm thử tăng tiến thật sự hoạt động?

Trước tiên, hãy khám phá một số thuật ngữ và chỉ số chính. Dưới đây là một số định nghĩa về thuật ngữ liên quan đến tăng tiến và sẽ giúp chúng ta hiểu quá trình này tốt hơn.

  • Chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI): Giá trị có thể đo lường hiệu suất một công ty ứng dụng đang đạt được các mục tiêu kinh doanh KPI của họ một cách hiệu quả như thế nào.
  • Nhóm kiểm soát (Control Group): Một phân khúc người dùng sẽ không nhìn thấy quảng cáo được phân phát cho nhóm thử nghiệm trong một đối tượng chiến dịch nhất định.
  • Nhóm kiểm thử (Test Group): Một phân khúc người dùng sẽ nhìn thấy quảng cáo trong một chiến dịch nhất định.
  • Ý nghĩa thống kê: Một thước đo sự khác biệt trong kết quả giữa nhóm kiểm soát.
  • Kiểm thử tăng tiến: Phần trăm chênh lệch giữa nhóm kiểm thử so với nhóm kiểm soát.

Hãy chuyển sang quy trình tiếp theo. Kiểm thử tăng tiến cũng tương tự như các thí nghiệm khoa học khác. Bạn có giả thuyết, phương pháp, cách thu thập và phân tích kết quả cũng như kết luận của bạn. Với kiểm thử tăng tiến, có 5 giai đoạn riêng biệt đó là xác định (define), phân đoạn (segment), khởi chạy (launch), phân tích (analyze) và thực hiện hành động (take action). Hãy đi chi tiết hơn một chút về 5 giai đoạn này.

Những điều marketers cần biết về kiểm thử tăng tiến

1. Xác định mục tiêu

Khi bắt đầu với kiểm thử tăng tiến, điều quan trọng là phải xác định giả thuyết của bạn và xác định KPI kinh doanh quan trọng nào mà bạn muốn kiểm tra thêm. Hãy suy nghĩ về những gì bạn đang tìm kiếm để chứng minh bằng phương pháp khoa học này.

Ví dụ, bạn có đang kiểm tra tất cả số lượt cài đặt, ROI, ROAS hoặc một số liệu khác không?

2. Phân khúc đối tượng

Khi chạy thử nghiệm tăng tiến trên chiến dịch remarketing, hãy chọn đối tượng bạn muốn chạy thử nghiệm và đảm bảo rằng bạn phân đoạn đúng một phần của đối tượng này như là nhóm kiểm soát.

Một mẹo ở đây đó là nền tảng phân bổ (attribution platform) của bạn rất có thể sẽ giúp bạn phân khúc đối tượng theo kỳ vọng và xây dựng các chiến dịch phù hợp.

Các nhóm bao gồm cả kiểm soát và kiểm thử nên có các đặc điểm tương tự nhưng không có sự trùng lặp.

Yếu tố này có thể phức tạp khi tập trung vào các chiến dịch UA (tiếp cận người dùng mới) vì chúng tôi không biết rõ đối tượng trong trường hợp không có nhận dạng (identifier) duy nhất. Nhận dạng cụ thể sẽ giải thích chính xác cho điều này. Một số nhận dạng, chẳng hạn như ID hoặc code, giúp phân biệt với những người khác và làm cho người dùng trở thành duy nhất.

Tuy nhiên, có những yếu tố xác định khác mà bạn có thể phân khúc đối tượng của mình bao gồm các thông số như địa lý, thời gian (tương tự như ba loại tăng trưởng tăng tiến ở trên), sản phẩm hoặc nhân khẩu học.

Những điều marketers cần biết về kiểm thử tăng tiến

3. Khởi chạy thử nghiệm

Quyết định thời lượng thử nghiệm của bạn, khoảng thời gian thử nghiệm và tiến hành khởi chạy. Phương pháp hay nhất cho rằng thời gian thử nghiệm của bạn phải kéo dài ít nhất một tuần.

Thời lượng thử nghiệm, là những ngày hành động của người dùng trước khi thử nghiệm, phụ thuộc vào chu kỳ kinh doanh của app và khối lượng dữ liệu bạn phải làm việc.

Khoảng thời gian kiểm tra và thử nghiệm nên được lập kế hoạch cho một thời điểm khi có lịch trình rõ ràng và điều này sẽ cung cấp thông tin chính xác nhất về hiệu quả của chiến dịch của bạn.

4. Phân tích dữ liệu

Sau khi bạn đã thu thập tất cả dữ liệu từ các nhóm kiểm soát và kiểm thử của mình, hãy tổng hợp và so sánh để xác định mức độ tăng tiến trong một KPI cụ thể, dựa trên mục tiêu của bạn.

Hiểu được mối quan hệ giữa các kết quả từ nhóm kiểm soát và nhóm thử nghiệm sẽ giúp giải thích tại sao lại có mức độ tăng tiến tích cực, tiêu cực hoặc trung tính.

Nếu bạn nhận thấy khoảng cách lớn giữa nhóm kiểm soát và nhóm thử nghiệm của mình, đó có thể là một dự báo cho thấy có điều gì đó chưa đúng trong cấu trúc của thử nghiệm và bạn có thể chọn thử nghiệm lại.

Mặc dù thiết lập kiểm thử tăng tiến có thể khá khó khăn, nhưng có những nhà cung cấp phân bổ (attribution providers) cung cấp các công cụ kiểm thử tăng tiến tích hợp. Từ thử nghiệm, bạn sẽ có thể nhập trực tiếp tất cả dữ liệu thử nghiệm từ nền tảng phân bổ của mình vào trang tổng quan tăng tiến – một lợi thế đáng kể giúp quy trình được tổ chức hợp lý và hiệu quả hơn.

5. Thực hiện các hành động

Dựa trên thông tin thu được, hãy áp dụng insights vào các chiến dịch của bạn để có tác động ở mức tối đa. Ví dụ, Insights có thể là thông điệp tốt nhất cho từng đối tượng mục tiêu, thời gian tối ưu để tương tác lại (re-engagement) hoặc nguồn media hiệu quả nhất.

2 phương pháp chính đo lường mức độ tăng tiến

Sau khi bạn đã tích lũy và tổng hợp dữ liệu, làm thế nào để bạn tiếp tục tính toán mức độ tăng tiến. Câu trả lời sẽ đến từ 2 phương pháp chính sau:

1. Lợi nhuận tăng tiến

Đo lường mức tăng bằng cách xác định chính xác lợi nhuận gia tăng của giá trị thực từ một kênh media nhất định. Cách đo lường này có thể được tính bằng cách lấy lợi nhuận của kênh trừ đi lợi nhuận của nhóm kiểm soát.

Ví dụ, giả sử bạn đã chi 2.000 USD cho một chiến dịch. Kênh truyền thông A tạo ra 5.000 USD lợi nhuận và kênh truyền thông B tạo ra 3.000 USD. Nhìn bề ngoài, cả hai đều giống như các kênh sinh lời. Tuy nhiên, chiến dịch không phải trả tiền của bạn cũng tạo ra 3.000 USD nên lợi nhuận gia tăng trên kênh truyền thông B là 0. 

Bằng cách hiểu rằng bạn thu được bao nhiêu lợi nhuận thông qua nhóm kiểm soát của mình, bạn có thể thấy rằng bất kỳ thứ gì bạn tạo ra dưới giá trị đó sẽ không mang lại cho bạn lợi nhuận tăng tiến.

Về cơ bản, bạn sẽ kiếm được cùng một khoản lợi nhuận mà không cần quảng cáo, vì vậy hãy tiết kiệm ngân sách và đầu tư vào kênh, hoạt động, nguồn media, chiến dịch… có thể mang lại nhiều tác động hơn.

2. Mức độ tăng tiến

Sử dụng công thức sau để tính toán mức độ tăng tiến

Mức tăng = (Kiểm thử – Kiểm soát) / Kiểm soát

Để minh họa cho cách thức hoạt động của này, chúng ta có thể đính kèm các giá trị số. Giả sử rằng nhóm thử nghiệm của bạn đã tạo ra 10.000 lượt chuyển đổi và nhóm kiểm soát đã tạo ra 8.000 lượt chuyển đổi. Vậy: (10.000–8.000)/8.000=0,25.

Mức độ tăng tiến 25% có thể được đánh giá là tốt hay xấu so với KPI và ROAS của bạn.

Một cách để kiểm tra điều này là đo lường mức tăng so với chi phí bỏ ra. Chia chi phí chuyển đổi (CPA) cho mức độ tăng tiến để xem con số nhận được có bằng với LTV của bạn hay không.

Ví dụ, nếu CPA của bạn là 2 USD, hãy chia số đó cho 0,25, tương đương với 8 USD. Nếu LTV của bạn cao hơn 8 USD, bạn đang làm tốt. Nếu thấp hơn mức đó, bạn có thể cần phải đánh giá lại chiến lược cho chiến dịch của mình.

Những điều marketers cần biết về kiểm thử tăng tiến

Kiểm thử tăng tiến và A/B Testing

Bây giờ bạn đã nắm được ý chính của kiểm thử tăng tiến, bạn có thể tự hỏi liệu kiểm thử tăng tiến có thực sự khác với A/B Testing không.

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh về bản chất của tính tăng tiến là một loại của A/B Test. A/B Testing tiêu chuẩn chia sản phẩm hoặc chiến dịch của bạn thành hai nhóm A và B, sau đó chia đối tượng của bạn thành Đối tượng 1 và Đối tượng 2. Tiếp theo sẽ áp dụng các phiên bản khác nhau của sản phẩm hoặc chiến dịch cho các đối tượng khác nhau và xem phiên bản nào mang lại kết quả tốt hơn.

Ví dụ, một đối tượng nhìn thấy biểu ngữ có nút màu xanh lam và đối tượng kia nhìn thấy biểu ngữ tương tự nhưng có nút màu đỏ. So sánh CTR của biểu ngữ cho từng đối tượng là một A/B Testing tiêu chuẩn trong marketing.

Trường hợp A/B Testing khác với kiểm thử tăng tiến là nhóm kiểm soát, nơi một phần đối tượng hoàn toàn không được phân phát bất kỳ quảng cáo nào trong suốt một khoảng thời gian.

Nếu chúng ta quay lại ví dụ ở trên, tăng tiến sẽ cho bạn biết liệu chạy một quảng cáo nhất định có tốt hơn không chạy quảng cáo đó hay không, so với việc liệu một quảng cáo có nút màu xanh lam có tốt hơn quảng cáo tương tự nhưng có nút màu đỏ hay không.

Làm thế nào để bạn không phân phát quảng cáo cho đối tượng, nhưng vẫn “sở hữu” quảng cáo xác định đối tượng cụ thể?

Có 3 phương pháp chính:

  • Phân tích theo phân bổ ngẫu nhiên ban đầu (ITT – Intent-to-treat): Phương pháp này tính toán kết quả thử nghiệm dựa trên phân bổ ngẫu nhiên ban đầu chứ không dựa trên phân bổ ngẫu nhiên cuối cùng đã nhận được (nghĩa là bạn đánh dấu trước từng người dùng để thử nghiệm/ kiểm soát và không dựa trên dữ liệu phân bổ). Bạn có “ý định” phân bổ đến người dùng bằng quảng cáo/ hạn chế họ nhìn thấy quảng cáo, nhưng không có gì đảm bảo điều đó sẽ xảy ra).
  • Ghost ads/ bids: Đây là một ví dụ khác về đối tượng được phân chia ngẫu nhiên, nhưng lần này được thực hiện ngay trước khi quảng cáo được phân phát. Sau đó, quảng cáo được giữ lại khỏi nhóm kiểm soát, mô phỏng quá trình hiển thị quảng cáo cho người dùng, được gọi là phân phát quảng cáo, mà không phải trả tiền cho quảng cáo giả. Ghost ads/ bids là một chiến thuật chủ yếu được sử dụng bởi các mạng quảng cáo (ad networks) thực hiện các kiểm thử tăng tiến của riêng họ.
  • Thông báo dịch vụ công cộng (PSA): Những thông báo này nhằm mục đích hiển thị quảng cáo cho cả nhóm kiểm thử và nhóm kiểm soát, tuy nhiên, nhóm kiểm soát được hiển thị PSA chung trong khi nhóm kiểm thử được hiển thị biến thể. Sau đó, hành vi của người dùng trong cả hai nhóm được so sánh để tính toán mức độ tăng tiến.

Tăng tiến so với tối ưu ROAS

Kiểm thử tăng tiến không phải là sự thay thế cho các mô hình phân bổ truyền thống. Kiểm thử hoạt động đồng thời với phân bổ để giúp bạn đo lường hiệu suất của mình tốt hơn.

Lưu ý là nếu bạn chỉ đo lường số lượt cài đặt thì điều này là không đủ để hiểu về ROAS của bạn.

Marketers cần đo lường và tối ưu hóa dựa trên các chỉ số sau cài đặt (post-install) và càng hướng phía dưới kênh càng tốt. Bằng cách tập trung vào LTV và quan trọng nhất là tính cả chi phí media, bạn sẽ có thể xem liệu ROAS của mình có khả quan hay không.

Tăng tiến hoạt động trong khuôn khổ và cho bạn biết liệu bạn có thể có ROAS tốt hơn nữa hay không bằng cách chi tiêu ít hơn cho quảng cáo và vẫn đạt được doanh thu từ người dùng không phải trả tiền.

Tác động tăng tiến lên ROAS (hay còn gọi là iROAS) được tính bằng cách lấy chênh lệch giữa doanh thu của nhóm thử nghiệm và doanh thu của nhóm kiểm soát và chia cho tổng chi tiêu quảng cáo. Bằng cách loại bỏ các chuyển đổi không phải trả tiền khỏi phương trình, bạn có thể tính toán tác động thực sự của chiến dịch và tối ưu hóa cho phù hợp.

Công thức tính toán như sau:

iROAS = (Doanh thu nhóm thử nghiệm – Doanh thu nhóm kiểm soát) / Tổng chi tiêu quảng cáo

Ví dụ, nếu iROAS của bạn thấp hơn 100%, bạn có thể phân bổ lại ngân sách cho các chiến dịch và kênh hoạt động tốt hơn. Nếu iROAS bằng hoặc cao hơn 100%, bạn biết rằng bạn không đánh mất lưu lượng truy cập không phải trả tiền (organic traffic) và quảng cáo của bạn có hiệu quả.

Với tiền tố tăng tiến, marketers có một lớp thông tin bổ sung và quan trọng để tối ưu hóa ROAS tiềm năng. Đây là sự khác biệt giữa việc đo lường ROI/ROAS đơn giản của bạn và xem mức độ tăng tiến hoặc tác động của các chiến dịch marketing đối với chi tiêu quảng cáo.

Những điều marketers cần biết về kiểm thử tăng tiến

Lợi ích của kiểm thử tăng tiến

Marketers sử dụng kiểm thử tăng tiến có thể tự tin làm nổi bật chính xác mức độ hiệu quả của chiến dịch của họ. Bạn không chỉ xác định các tác động đến iROAS của mình mà còn có thể áp dụng insights này vào các chiến lược marketing trong tương lai.

Ví dụ, kiểm thử tăng tiến sẽ rất hữu ích khi thử nghiệm một kênh truyền thông mới trước khi quyết định có đầu tư nhiều hơn hay không. Bạn cũng có thể sử dụng kiểm thử tăng tiến trên các chiến dịch truyền thông nhỏ để xem liệu có ROAS dương hay không. Nếu câu trả lời là có, thì bạn có thể tự tin mở rộng các nỗ lực marketing trên kênh đó.

Một ví dụ khác mà kiểm thử tăng tiến đem đến đó là tạo chiến lược tương tác lại ở thời điểm thích hợp. Kiểm thử tăng tiến giúp làm nổi bật ngày tối ưu, sau cài đặt (post-install), để tiếp cận lại người dùng và đảm bảo mức độ tăng tiến cao nhất từ ​​các nỗ lực marketing của bạn.

Ngay khi được trang bị kiến ​​thức này, với tư cách là marketers bạn sẽ có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn về kênh nào đang mang lại tác động (thực tế) cao nhất và nơi đầu tư ngân sách marketing của bạn.

Thách thức của kiểm thử tăng tiến

Tất nhiên không có phương pháp nào là không có thách thức và tăng tiến cũng không phải ngoại lệ.

Điều quan trọng khi tạo các nhóm kiểm soát và kiểm tra của bạn là bạn phải loại bỏ mọi yếu tố nhiễu hoặc các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến hành vi của người dùng. Bạn cũng cần thử và làm sạch dữ liệu, đảm bảo không có đối tượng trùng lặp vì điều này cũng có thể làm sai lệch kết quả.

Việc quyết định các thông số của thử nghiệm cũng là một thách thức. Mỗi app có lượng người dùng khác nhau và do đó, bạn cần quyết định khoảng phân khúc tốt nhất để thử nghiệm mà không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực marketing hiện có.

Việc chọn một phân khúc quá nhỏ sẽ khiến kết quả của bạn không đáng kể, vì vậy, cần sự cân bằng giữa việc đạt được kết quả tối ưu mà bạn tin tưởng và chi phí duy trì thời gian thử nghiệm kéo dài.

Không phải lúc nào bạn cũng có thể tạm dừng tất cả các chiến dịch marketing của mình trong một tuần hoặc một tháng. Vì vậy, trong trường hợp này, nếu bạn muốn xem kết quả mà không mất thêm thời gian, bạn nên ngừng nguồn marketing hoạt động kém nhất và đo lường.

Xác định và loại trừ các giá trị dị biệt là một bước quan trọng khác vì điều này có thể làm sai lệch dữ liệu và dẫn đến kết luận không chính xác. Khối lượng dữ liệu sẽ ảnh hưởng đến mức độ ảnh hưởng của các giá trị dị biệt đối với kết quả, vì vậy, một lần nữa, khối lượng dữ liệu là một yếu tố quan trọng khi xem xét các điểm chuẩn cho thử nghiệm của bạn.

Tăng tiến là một công cụ mạnh mẽ có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc và sự tự tin trong việc lựa chọn kênh, phân bổ ngân sách và đo lường ROAS, đồng thời đảm bảo các nỗ lực marketing phát huy hết tiềm năng.

Bên cạnh đó, hãy lưu ý đến các mùa lễ hội. Các ngày như Black Friday, Cyber Monday, Easter và mùa lễ đều sẽ ảnh hưởng đến hành vi của người dùng. Do đó, chọn thời điểm thích hợp để bắt đầu chạy thử nghiệm là rất quan trọng.

So sánh những kết quả này với những khoảng thời gian bình thường sẽ mang lại những kết quả rất khác nhau. Là một app marketer, bạn có thể quyết định khung thời gian tốt nhất để chạy kiểm thử tăng tiến dựa trên mô hình kinh doanh và xu hướng người dùng điển hình của bạn.

Cuối cùng, kiểm thử tăng tiến đặt ra một số thách thức về kỹ thuật.

Những thử nghiệm này phức tạp và đòi hỏi developers có chuyên môn để tạo ra công nghệ cần thiết nhằm mang lại kết quả có tác động nhiều nhất.

Ví dụ, kết nối với API của mỗi ad network, nhận và tổng hợp tất cả dữ liệu thô, loại bỏ các giá trị dị biệt và tính toán ý nghĩa thống kê của kết quả là điều cần làm.

Làm việc với nhà cung cấp phân bổ để sử dụng công cụ tăng tiến của họ sẽ giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Tất cả dữ liệu đều có trong trang tổng quan phân bổ của bạn, vì vậy bạn có thể dễ dàng phân đoạn và tổng hợp thông tin này thành các thử nghiệm tăng tiến.

Tóm tắt một số điểm chính

Tăng tiến là một công cụ mạnh mẽ có thể cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc và sự tự tin trong việc lựa chọn kênh, phân bổ ngân sách và đo lường ROAS, đồng thời đảm bảo các nỗ lực marketing của bạn phát huy hết tiềm năng.

Để đạt được thành công khi thực hiện kiểm thử tăng tiến, bạn cần nhớ:

  1. Áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện, tập trung vào cả lưu lượng truy cập trả phí và không phải trả phí, cũng như lưu ý mối quan hệ phức tạp giữa chúng.
  2. Đảm bảo dữ liệu của bạn sạch; loại bỏ yếu tố nhiễu, dị biệt và đối tượng trùng lặp để đảm bảo thử nghiệm của bạn mang lại kết quả có ý nghĩa thống kê.
  3. Xác định KPI của bạn trước khi xây dựng chiến dịch và đảm bảo phân khúc đúng đối tượng.
  4. Nhập, tổng hợp và so sánh dữ liệu để xác định mức độ tăng tiến của các chiến dịch của bạn.
  5. Phân bổ ngân sách một cách tối ưu và tối đa hóa ROAS khi hiểu rõ những kênh nào đang mang lại mức độ tăng tiến cao nhất, nhóm cohorts nào dễ đón nhận quảng cáo hơn và thời điểm nào là thời gian tối ưu để tương tác lại với người dùng.

Tối ưu hóa theo hướng LTV hoặc ROAS là yếu tố quan trọng để đo lường giá trị của các chiến dịch của bạn, nhưng chỉ khi bổ sung tính tăng tiến, bạn mới có thể được chứng nhận về hiệu quả của chiến dịch.

* Bài viết gốc: Tinle.co