Chuỗi cung ứng Việt Nam có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng thêm 1,9 tỷ USD

TMX Global - công ty tư vấn chuỗi cung ứng toàn diện có trụ sở chính tại Singapore phát hành thông cáo báo chí về những khó khăn liên đới của nhiều ngành tại Việt Nam do ảnh hưởng của gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19 và những yếu tố địa chính trị toàn cầu.

Các căng thẳng địa chính trị toàn cầu và đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuỗi cung ứng. Theo phân tích mới nhất của công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh TMX Global, điều này đã khiến cho nền kinh tế quốc gia thụt lùi ở mức đáng kinh ngạc là 1,9 tỷ đô la Mỹ hằng năm.

Việt Nam phát triển mạnh sau đại dịch, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn

Giám đốc Quốc gia của TMX Global tại Việt Nam, ông Thomas Harris chia sẻ rằng, năm ngoái, Việt Nam đã chứng kiến mức độ tăng trưởng GDP nhanh nhất kể từ năm 1997 với 8,02%. Tuy nhiên, với việc trung bình 0.47% doanh thu kinh doanh trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ, ước tính có thể mất khoảng 1,9 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Ông Harris lưu ý: “So với các nền kinh tế khác trong khu vực, Việt Nam đã có mức tăng trưởng nhanh nhất trong 25 năm qua và phát triển rất tốt sau đại dịch. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Là một trung tâm sản xuất, việc tăng giá cước vận chuyển do nguồn cung than khan hiếm và lạm phát đã gây ra căng thẳng về tài chính cho các bên liên quan trong chuỗi cung ứng. Nhìn chung, những gián đoạn này khiến doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam sụt giảm, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành dệt may và điện tử thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, dù Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc các nhà sản xuất và doanh nghiệp dời nhà máy của họ khỏi Trung Quốc trong năm ngoái, song Việt Nam cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong hoạt động xuất khẩu. Điều này xảy ra trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm, do đó, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với Việt Nam lúc này là phải tăng cường khả năng chuỗi cung ứng để chống chọi với áp lực kinh tế.”

Chuỗi cung ứng bền vững - Yếu tố then chốt cho nền kinh tế xanh của Việt Nam

Từ năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã tích cực triển khai chiến lược phát triển toàn quốc đầu tiên về khai thác năng lượng tái tạo, tăng đáng kể trong giai đoạn từ 2019 đến 2020.

Tuy nhiên, việc thiếu cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng phù hợp đang tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với an ninh năng lượng và khả năng cung cấp các sản phẩm có hàm lượng carbon thấp cho đất nước. Theo đánh giá của TMX Global, về lâu dài, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đang rất cần nguồn cung cấp năng lượng xanh nhằm đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2021-2030, sự phát triển của công nghiệp hóa và hiện đại hóa kinh tế dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu năng lượng hơn 8% mỗi năm. Đồng thời, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ quốc tế để chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn, trong đó, cam kết trị giá 15,5 tỷ USD gần đây của G7 là một minh chứng.

Ông Harris đã đề cập đến COVID-19 như một ví dụ điển hình cho việc thiếu hụt về cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng của Việt Nam có thể trở thành rào cản trong quá trình chuyển đổi này. Chẳng hạn, dù chính phủ đã đầu tư vào việc kết nối trong và giữa các thành phố cấp 1 và cấp 2 để giảm thiểu các điểm tắc nghẽn tiềm ẩn, nhưng vẫn còn những mặt hạn chế trong giao thông vận tải do phong tỏa. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án điện gió xuyên suốt thời kỳ đại dịch tại Việt Nam.

Việc chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam là rất quan trọng, không chỉ vì áp lực toàn cầu mà còn là để tăng cường an ninh năng lượng của đất nước. Hiện nay, hơn 70% các khu công nghiệp của Việt Nam vẫn được cung cấp năng lượng bởi lưới điện quốc gia và được duy trì bằng than đá. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã chỉ ra rằng sự phụ thuộc vào than đá có thể gây bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam - như đã được thể hiện qua tình trạng mất điện và thiếu năng lượng liên tục mà các ngành công nghiệp phải đối mặt trong suốt năm 2022.

“Người tiêu dùng cũng ngày càng có ý thức về môi trường, điều này có nghĩa rằng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường toàn cầu cũng sẽ phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi xanh của đất nước.Tuy nhiên, kể từ đại dịch, chúng ta đã thấy sự chuyển đổi của Việt Nam là một quá trình phức tạp, phần lớn phụ thuộc vào thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, việc củng cố bối cảnh chuỗi cung ứng của đất nước sẽ không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các ngành trụ cột sản xuất dài hạn như dệt may và giày dép, mà còn tác động tích cực đến tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động ở quốc gia này”, ông Harris cho biết.

Đối với các yếu tố quan trọng cần được xem xét cho chiến lược chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Harris chỉ ra ba lĩnh vực sau: Quy trình, nơi mà các hoạt động được tối ưu hóa và điều chỉnh theo sự thay đổi nhanh chóng của sở thích, nhu cầu khách hàng; Công nghệ, tận dụng số hóa và các cải tiến mới để thực hiện sự chuyển đổi kinh doanh cần thiết; và Nhân sự, nơi lực lượng lao động vận tải và logistics cần được nâng cao kỹ năng và chuyển đổi để phục vụ cho một chuỗi cung ứng được tái định hình.

"Không có thời điểm và cơ hội nào tốt hơn bây giờ để thích nghi và học hỏi từ các thách thức trong chuỗi cung ứng của năm ngoái. Đội ngũ TMX luôn thu thập những thông tin quý báu từ các sự kiện và xu hướng chính, đồng thời luôn sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp tại Việt Nam để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh." ông Harris chia sẻ.