Điểm lại 18 chiến dịch quảng cáo từ Apple, Google, KFC… sáng tạo nhất trong lịch sử (Phần 2)

Điểm lại 18 chiến dịch quảng cáo từ Apple, Google, KFC… sáng tạo nhất trong lịch sử (Phần 2)

Với sự bùng nổ của Internet và các nền tảng mạng xã hội, các chiến dịch quảng cáo ngày nay dễ dàng tiếp cận với khách hàng hơn. Tuy nhiên, số lượng quảng cáo thật sự gây được ấn tượng mạnh với công chúng lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhìn chung, những chiến dịch tạo được tiếng vang lớn thường là những quảng cáo có ý tưởng độc đáo, sáng tạo và mới mẻ.

Có thể thấy dù các chiến dịch quảng cáo của bạn có được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các phương tiện truyền thông nhưng sáng tạo mới là yếu tố giúp bạn kết nối với khách hàng. Do đó, nếu bạn đang loay hoay tìm kiếm ý tưởng cho chiến dịch tiếp thị sắp tới thì hãy cùng Ori Agency khám phá và nghiên cứu 18 chiến dịch quảng cáo sáng tạo nhất trong lịch sử của các thương hiệu nổi tiếng.

Xem lại phần 1 của bài viết tại đây.

10. KFC: “FCK” (2018)

Vào tháng 2/2018, doanh nghiệp KFC tại Anh đã trải qua một khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ. Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh nổi tiếng với món gà rán lại nhưng lại... hết thịt gà. Nguyên nhân dẫn đến “vụ khủng hoảng kỳ lạ” này là do KFC gặp vấn đề về chuỗi cung ứng. 

Hầu hết các cửa hàng KFC đã phải tạm thời đóng cửa, còn một số ít thì duy trì hoạt động để cầm chừng với menu và thời gian phục vụ giới hạn. Điều này khiến nhiều khách hàng cảm thấy thất vọng và chia sẻ chúng trên mạng xã hội. Thậm chí một số người còn nhờ sự can thiệp từ phía cảnh sát. 

Trước tình huống bất ngờ đó, KFC ngay lập tức thực hiện một print ads xin lỗi vô cùng hài hước. Trên tờ quảng cáo là hộp đựng gà rán trống rỗng và tên thương hiệu “KFC” đã bị đổi trật tự các chữ cái thành “FCK” để tự chế giễu sự cố của mình. Phía dưới là lời xin lỗi từ KFC với đại ý: “Một nhà hàng gà mà không có chút thịt gà nào thì thật đáng xấu hổ”. 

Điểm lại 18 chiến dịch quảng cáo từ Apple, Google, KFC… sáng tạo nhất trong lịch sử (Phần 2)

Nguồn: Pinterest

Lời xin lỗi từ KFC nhanh chóng lật ngược tình thế, thậm chí là biến cuộc khủng hoảng trở thành một chiến thắng lớn trong truyền thông. Bởi nó đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía công chúng với hàng ngàn lượt tweet tung hô. 

Bài học: Hãy xin lỗi khách hàng khi cần thiết và biến sự cố của mình thành một chiến lược truyền thông cho thương hiệu thật khéo léo.

11. California Milk Processor Board: Got Milk? (1993)

“Got Milk?” được coi là một trong những chiến dịch thành công nhất trong lịch sử ngành quảng cáo. Đây là chiến dịch quảng cáo được thực hiện bởi California Milk Processor Board và agency Goodby Silverstein & Partners. “Got milk?” nhắm mục tiêu vào những người tiêu dùng đã và đang sử dụng các sản phẩm sữa tươi. Chiến dịch nhấn mạnh vào lợi ích tuyệt vời của sữa tươi tới sức khỏe qua đó củng cố và gia tăng niềm tin của nhóm khách hàng trung thành về sữa và giúp California Milk Processor Board tăng trưởng doanh số bán hàng.

Chiến dịch được triển khai bằng nhiều print ads với hình ảnh nổi bật là bộ ria mép tạo nên từ sữa của nhân vật chính. Dễ dàng nhận ra rằng bộ ria mép từ sữa là hình ảnh quen thuộc của những người uống sữa bằng cốc. Với mỗi nhân vật ở từng tấm print ad, đội ngũ thực hiện chiến dịch đã khéo léo thay đổi lời nói của nhân vật một cách hài hước. Chẳng hạn như print ad sử dụng hình ảnh người sói Wolverine với câu hỏi “Bạn đã uống sữa chưa?” kèm theo câu tự trả lời phía dưới: “Tôi có một đống kim loại trong xương nhưng tôi vẫn uống sữa để bổ sung chất dinh dưỡng cho chúng!”.

Kết quả là nhờ “Got Milk?”, doanh số bán sữa ở California đã tăng 7% chỉ trong vòng một năm. 

Điểm lại 18 chiến dịch quảng cáo từ Apple, Google, KFC… sáng tạo nhất trong lịch sử (Phần 2)

Nguồn: License Global

Bài học: Từ chiến dịch này, bạn hãy nhớ rằng không phải lúc nào cũng có khách hàng mới tiêu thụ sản phẩm của thương hiệu. Do đó, không bao giờ được lãng quên những khách hàng đã và đang sử dụng sản phẩm. Đôi khi, đó là về việc khiến đối tượng hiện tại của bạn đánh giá cao và sử dụng sản phẩm của bạn thường xuyên hơn, từ đó biến thành những người ủng hộ; đồng thời sử dụng nội dung tiếp thị và quảng cáo để cho họ biết lý do tại sao họ nên tiếp tục thưởng thức sản phẩm/ dịch vụ mà bạn đang cung cấp.

12. Metro Trains: Dumb Ways to Die (2012)

Trước tình hình báo động về số lượng các vụ tai nạn tại hệ thống tàu điện ngầm Metro ở Melbourne gia tăng do sự thiếu ý thức của người dân, Metro Trains đã thực hiện một chiến dịch sáng tạo mang tên “Dumb Ways to Die”. 

Thay vì sử những phương pháp truyền thông truyền thống để truyền tải thông điệp cảnh báo an toàn đường sắt, họ đã tiếp cận giới trẻ bằng hình thức giải trí để người trẻ tự giác nâng cao ý thức bảo vệ tính mạng bản thân và những người xung quanh. Cụ thể, thông điệp của Metro Trains được thể hiện thông qua một bài hát với những tình huống ngớ ngẩn để cái chết diễn ra. Ví dụ như chọc một con gấu xám bằng gậy hay tháo mũ bảo hiểm.

Video với một đoạn điệp khúc nhỏ nhưng đủ hấp dẫn và khiến người xem thậm chí sẽ không thể ngừng ngâm nga: “Dumb ways to die, so many dumb ways to die” (tạm dịch: “Những cách chết ngớ ngẩn, thật nhiều cách ngớ ngẩn để chết”).

Cuối video, các nhân vật hoạt hình sẽ chết theo cách ngu ngốc nhất để giáo dục công chúng rằng: Có nhiều cách chết mà bạn chưa từng mảy may tưởng tượng ra, nhưng chắc chắn cách ngu ngốc nhất là khi bạn chết trong lúc đứng trên mép sân ga, lái xe qua biển báo hiệu đường sắt hoặc cố ý băng qua đường ray xe lửa.

Nguồn: Dumb Ways to Die

Video quảng cáo trên nhanh chóng viral trên YouTube. Bài hát trong chiến dịch cũng được đăng tải trên iTunes và được phát qua radio.

Bài học: Chìa khóa để chiến dịch “Dumb Ways to Die được công chúng nhanh chóng đón nhận chính là cách truyền đạt ý tưởng tuy đơn giản, dễ hiểu nhưng lại độc đáo, sáng tạo và dễ nhớ. Khi theo dõi đoạn video mang tính giáo dục này, người xem không cảm thấy mình đang bị cằn nhằn hay “lên lớp” giống như các phương pháp quảng cáo truyền thống. Do đó, nếu chủ đề chiến dịch của bạn quá nhàm chán, bạn có thể cân nhắc thêm các yếu tố sáng tạo chưa từng có trong tiền lệ để truyền tải thông điệp.

13. Apple: Get a Mac (2006) 

“Get a Mac” là một chiến dịch quảng cáo khôn ngoan, sáng tạo và mang đậm yếu tố hài hước đến từ “ông lớn công nghệ” Apple. Cụ thể, chiến dịch này được xây dựng dưới dạng một TVC quảng cáo. Nội dung chính của đoạn video 30s xoay quanh miêu tả về 2 anh chàng. Anh chàng Mac là một chàng trai trẻ trung, năng động, thời thượng với quần jeans và áo phông. Ngược lại, PC là một anh chàng mập ú, chậm chạp, khoác lên mình một bộ vest lỗi thời.

Có thể thấy Apple đã khéo léo xây dựng hai nhân vật đại diện cho hai trường phái thời trang khác nhau để truyền đạt thông điệp một cách tinh tế. Trong khi, chiếc Mac thì nhỏ gọn, hiện đại, sang trọng với nhiều tính năng vượt trội thì những chiếc PC sử dụng hệ điều hành Windows lại chậm chạp, lỗi thời, kém bắt mắt.

Nguồn: mac1no

Đoạn quảng cáo của Apple đã đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng với những sản phẩm công nghệ. Khách hàng luôn ưu tiên sự tiện lợi, nhanh chóng. Phần lớn trong số họ sẵn sàng bỏ qua vấn đề giá cả để trải nghiệm những thứ tuyệt vời nhất. Và Mac chính là thứ khách hàng đang tìm kiếm.

Kết quả, sau khi chiến dịch “Get a Mac” diễn ra một năm, Apple đã tăng trưởng 42% thị phần. Đồng thời khiến Microsoft phải chật vật tìm lại chỗ đứng trên thị trường.

Bài học: Đừng nghĩ rằng vì sản phẩm của bạn có thể thực hiện được một vài đặc điểm, tính năng nổi trội, chuyên biệt hơn so với đối thủ mà bạn được phép “nhồi nhét” hay “cưỡng bức” khách hàng phải tiếp nhận chúng. Thay vào đó, hãy giới thiệu, giải thích những lợi ích của sản phẩm theo cách khách hàng có thể hiểu và hình dung nhanh nhất. 

14. Clairol: Does She or Doesn’t She? (1957)

“Does She or Doesn’t She?” được xem là một trong những chiến dịch thành công nhất trong lịch sử ngành quảng cáo. 

Cụ thể, lần đầu tiên Clairol hỏi câu hỏi trên là vào năm 1957, nhằm khảo sát việc nhuộm tóc, và chỉ có 1 trong 15 người tham gia trả lời “Có”. Sau đó, Clairol đã thực hiện một quảng cáo dài với nhiều mẫu quảng cáo kèm theo những câu chuyện nhắm vào đối tượng người tiêu dùng nữ như các bà mẹ, phụ nữ da màu, phụ nữ trung niên…

Clairol đã đi ngược lại với những gì mà hầu hết các nhà tiếp thị đã làm ở thời điểm bấy giờ. Thay vì để khách hàng của họ phải liên tục chia sẻ với bạn bè rằng họ đang sử dụng sản phẩm nhuộm tóc của Clairol, thương hiệu này còn tinh tế hơn khi muốn khách hàng nữ hiểu hiểu rằng sản phẩm của họ tốt đến mức những người xung quanh không thể phát hiện họ có sử dụng thuốc nhuộm tóc hay không. 

Điểm lại 18 chiến dịch quảng cáo từ Apple, Google, KFC… sáng tạo nhất trong lịch sử (Phần 2) Điểm lại 18 chiến dịch quảng cáo từ Apple, Google, KFC… sáng tạo nhất trong lịch sử (Phần 2) Điểm lại 18 chiến dịch quảng cáo từ Apple, Google, KFC… sáng tạo nhất trong lịch sử (Phần 2) Điểm lại 18 chiến dịch quảng cáo từ Apple, Google, KFC… sáng tạo nhất trong lịch sử (Phần 2)

Nguồn: Pinterest

Kết quả, chỉ 11 năm sau đó, theo báo cáo của Tạp chí Time (Time Magazine) thì cứ 2 người sẽ có 1 người nhuộm tóc. Thậm chí, “Does She or Doesn’t She?” đã thành công đến mức thay đổi được cả cơ chế của một nhà nước, khi một số tiểu bang ở Mỹ phải ngừng yêu cầu phụ nữ điền thông tin về màu tóc trên giấy phép lái xe của họ. 

Bài học: Đôi khi, truyền tải cách thức và lý do tại sao sản phẩm của bạn hoạt động là đủ cho người tiêu dùng. Chỉ cho khách hàng thấy sẽ hiệu quả hơn là nói cho họ nghe.

15. De Beers: A Diamond is Forever (1999)

Vào những năm 1900, De Beers – một công ty liên doanh được thành lập nhằm kiểm soát và sở hữu độc quyền tình hình mua bán kim cương trên thế giới. Tuy nhiên sau chiến tranh thứ nhất, suy thoái kinh tế khiến kim cương mất giá và khiến De Beers đứng trước nguy cơ phá sản. Để khôi phục lại thị trường, De Beers đã tiến hành rất nhiều chiến dịch marketing gắn liền với cảm xúc và giá trị xã hội để từng bước đưa kim cương vào đời sống xã hội. Một trong những chiến dịch đó phải kể đến “A Diamond is Forever”.

Năm 1999, AdAge – một agency mà De Beers hợp tác – đã biến câu slogan “A Diamond is Forever” trở thành câu nói nổi tiếng nhất vào thế kỉ 20. Chiến dịch này nhắm vào các đấng mày râu bởi họ là đối tượng chi nhiều tiền nhất cho kim cương. Và ý tưởng của chiến dịch quảng cáo như một lời khẳng định: Không có một đám cưới hay tình yêu nào trọn vẹn, nếu thiếu vắng một chiếc nhẫn kim cương. De Beers biến kim cương trở thành một sản phẩm xa xỉ, đắt đỏ và cần thiết bậc nhất.

Điểm lại 18 chiến dịch quảng cáo từ Apple, Google, KFC… sáng tạo nhất trong lịch sử (Phần 2)

Nguồn: HubSpot

Bài học: Tờ New York Times nhận định De Beers đã thành công “thao túng tâm lý” và thôi thúc các cặp đôi chuẩn bị cưới phải cảm thấy rằng việc sở hữu một chiếc nhẫn kim cương là yếu tố tiên quyết. Có thể thấy rằng, quảng cáo có thể giáo dục khách hàng và biến một sản phẩm trở nên sang trọng và cần thiết trong cuộc sống nếu nhãn hàng biết khai thác câu chuyện để khơi gợi cảm xúc cho người xem.

16. Old Spice: The Man Your Man Could Smell Like (2010)

Trong giai đoạn những năm 2000, tại Mỹ, những sản phẩm chăm sóc cá nhân dành riêng cho nam giới bắt đầu được quan tâm. Old Spice, một trong những thương hiệu chăm sóc cá nhân cho nam giới hàng đầu tại Mỹ, đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng trên. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Old Spice gắn liền với hình ảnh “cũ kỹ”, “già cỗi”, kém hấp dẫn so với nhiều đối thủ khác. Do đó, thương hiệu này buộc phải thay đổi để giành lại lợi thế cạnh tranh cũng như thị phần. Và năm 2010, chiến dịch quảng cáo “The Man Your Man Could Smell Like” đã giúp Old Spice thực hiện mục tiêu trên.    

Cụ thể, thương hiệu này đã tung ra một đoạn TVC quảng cáo “The Man Your Man Could Smell Like” hợp tác với cựu vận động viên Isaiah Mustafa trên YouTube và Facebook. Việc chọn lựa nhân vật chính cho TVC cũng cho thấy sự khôn khéo của nhãn hàng này. Bởi trong quá trình nghiên cứu, P&G phát hiện rằng dù đối tượng sản phẩm là nam giới nhưng nữ giới mới là đối tượng mua hàng chủ yếu.

Do đó, mục tiêu của chiến dịch là nhắm vào đối tượng khách hàng nữ và điều này giải thích tại sao nhân vật chính của trong TVC xuất hiện có phần “khiêu gợi”. Ngoài ra, hình ảnh của Isaiah Mustafa cũng tạo sức hút với khách hàng nam giới. 

Nguồn: Old Spice

Nội dung video đã thành công khai thác đề tài “mùi hương nam tính” và đã tạo ra những cuộc thảo luận sôi nổi từ phía khách hàng xoay quanh mùi hương sữa tắm. Từng bước một, Old Spice đã chiếm được sự quan tâm của khách hàng từ tay đối thủ. 

Chớp lấy cơ hội trên, thương hiệu cung cấp sản phẩm chăm sóc cá nhân cho nam giới này cũng bắt đầu tương tác, tham gia vào các cuộc trò chuyện của khán giả. Cụ thể, nhãn hàng sử dụng “Old Spice Guy” – biệt danh của Mustafa – để trả lời mọi bình luận trên website, Facebook, Twitter. Hành động này giúp khách hàng cảm thấy được quan tâm và kích thích họ tương tác nhiều hơn trên mạng xã hội. Đồng thời, chúng cũng góp phần gia tăng “làn sóng truyền miệng” về chiến dịch của Old Spice.

Kết quả, sau khi chiến dịch được thực thi, Old Spice có thêm 29.000 lượt theo dõi trên Facebook và 58.000 lượt theo dõi trên Twitter. Ngoài ra, doanh số bán hàng đã tăng hơn gấp đôi với năm trước ở mức tăng 125%. Đồng thời, Old Spice cũng nhận được nhiều hạng mục giải thưởng vào năm 2011.

Bài học: Thành công của chiến dịch đến từ việc thấu hiểu và khai thác triệt để insight của người tiêu dùng. Ngoài ra, nếu như chiến dịch đang tạo được sức hút trên mạng xã hội, bạn hãy cố gắng làm mọi thứ kéo dài sự tương tác với người theo dõi và fans của mình. 

17. Wendy’s: Where’s the Beef? (1984)

Wendy’s là một thương hiệu khá xa lạ đối với thị trường đồ ăn nhanh Việt Nam, nhưng đây lại là đối thủ cạnh tranh chính của Burger King và McDonald’s tại thị trường quốc tế.

Năm 1984, thương hiệu này đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo táo bạo khi nhắm mục tiêu vào các đối thủ cạnh tranh của mình. Cụ thể, cụm từ “Where’s the Beef?”, tạm dịch là “Thịt bò của tôi đâu?”, ám chỉ rằng những miếng burger của đối thủ thường quá ít thịt hoặc thậm chí là không có thịt bò. Sau khi khởi chạy, chiến dịch ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của khách hàng.

Nguồn: Anthony Kalamut

Tuy nhiên, Wendy’s còn rất khôn ngoan khi đã không tiếp thị quá mức cụm từ “hit” của họ mà chỉ chạy chiến dịch này trong vỏn vẹn khoảng một năm.

Bài học: Hãy cẩn thận với thành công và thất bại trong những chiến dịch quảng cáo và tiếp thị của bạn. Đồng thời, hãy luôn sáng tạo, phát triển không ngừng để có thể đạt được thành công lớn hơn nữa trong tương lai.

18. Procter & Gamble: Thank You, Mom (2012)

Nghiêm túc mà nói, “Thank You, Mom” của Procter & Gamble (P&G) là một trong những chiến dịch quảng cáo sáng tạo và thành công nhất trong ngành công nghiệp hàng tiêu dùng. 

Vào cuối những năm 2019, P&G nhận ra rằng có cơ hội rất lớn để chuyển mình ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Đó là ký hợp đồng tài trợ chính thức cho thế vận hội Olympic. Tuy nhiên, để thành công với hoạt động tài trợ này, P&G cần xác định chính xác đâu là đối tượng mục tiêu trong hàng trăm nghìn người theo dõi thế vận hội. Bởi nếu đối tượng khán giả mục tiêu quá hẹp thì chiến dịch sẽ không tạo được tiếng vang. Trong khi đó, nếu số lượng đối tượng mục tiêu trải rộng thì thông điệp có thể sẽ “loãng” và tạo được sự liên quan. 

Bên cạnh đó, khi nhìn vào danh mục sản phẩm, rõ ràng P&G không hề liên quan để biến những vận động viên thành nhà vô địch. Tuy nhiên, P&G đã rất nhanh chóng phát hiện ra điểm chung giữa mình và các vận động viên chính là những bà mẹ. Bởi đằng sau thành công của mỗi vận động viên là tình yêu, sự hỗ trợ và cả sự hy sinh của những người mẹ. Và thế vận hội Olympic chính là thời điểm vô cùng thích hợp để nói lời “Cảm ơn” và tri ân đến những người mẹ vì đã luôn là hậu phương vững chắc để con trẻ tự tin chinh phục giấc mơ.

Bên cạnh đó, P&B đã tinh tế nhận ra rằng, sự ủng hộ hay hy sinh của những người mẹ đến từ những hành động nhỏ nhất như giặt đồ, dọn dẹp… Và có lẽ, để hoàn thành những công việc ấy, những người mẹ đã sử dụng sản phẩm của P&G. 

Do đó, ý tưởng của P&G cho Olympic 2012 là tôn vinh các bà mẹ đồng thời nhấn mạnh vai trò của thương hiệu này trong việc họ trở thành những người mẹ tuyệt vời nhất qua chiến dịch “Thank You, Mom”.   

Nguồn: Cause Marketing

“Thank You, Mom” được xây dựng từ những điều đơn giản nhất nhưng đã tạo ra những sợi chỉ kết nối cảm xúc hiệu quả, có giá trị với khách hàng. Thật vậy, sau chiến dịch, P&G đã thu về số lượng lớn fan theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, doanh số bán hàng tăng mạnh…

Bài học: Việc xác định thời gian diễn ra và đối tượng quảng cáo nhắm tới là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, tiếp thị bằng cảm xúc là chiến thuật đặc biệt hiệu quả trong việc thôi thúc khách hàng đưa ra lựa chọn mua sắm.

* Nguồn: Ori Marketing Agency (Tổng hợp)