VOBF 2023: Doanh nghiệp cần lạc quan nhưng không chủ quan
Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 (Vietnam Online Business Forum – VOBF) đã khép lại sau 2 ngày sự kiện tại Hà Nội (18/04) và tại TPHCM (20/04) cung cấp một góc nhìn toàn cảnh về ngành Thương mại điện tử năm nay và nhiều chia sẻ thiết thực từ các chuyên gia.
Với chủ đề Smart Ecommerce, trong đó, Smart Tech và Smart Solution là hai khía cạnh quan trọng nhất được đề cập xuyên suốt sự kiện, thu hút hơn 2000 người tham gia và quan tâm.
Tại phiên đầu tiên, ông Trần Minh Đức - đại diện Neilsen IQ cho biết, những thống kê của Nielsen IQ về người tiêu dùng hiện tại cho thấy 2 điểm: Người tiêu dùng ngày một thông minh hơn và hành vi mua sắm đa kênh đã trở thành tiêu chuẩn.
Không còn giới hạn chỉ tại các kênh truyền thống, các kênh online như website, Facebook… mới nhất là TikTok, cũng là “điểm chạm” với người tiêu dùng. Thêm vào đó, ảnh hưởng của Covid và những khó khăn kinh tế trong năm 2022 khiến người tiêu dùng quan tâm về giá cả, kiểm soát chi phí nhiều hơn, giảm đáng kể những mua sắm không thiết yếu để đảm bảo sức khỏe tài chính hiện tại và tương lai.
Dấu mốc chuyển giao “kỷ nguyên” offline sang online ngày càng rõ ràng hơn đối với hành vi tiêu dùng và các nền tảng online doanh nghiệp sử dụng kể từ sau Covid. Thậm chí, những doanh nghiệp trước nay chỉ thuần túy tập trung vào những kênh truyền thống như tài chính ngân hàng, bảo hiểm… thì nay cũng mở rộng với những hình thức online. Trong đó, Live Commerce của TikTok Shop được đánh giá có đóng góp nổi bật nhất trong năm 2022.
Ông Đỗ Hữu Hưng – CEO ACCESSTRADE Việt Nam chia sẻ tại sự kiện, Ecommerce đang đóng góp ngày càng lớn vào cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp. Theo thống kê, doanh thu Ecommerce tại thị trường Việt Nam của quý 1/2023 tăng 20% so với quý 4/2022. Dự báo đến năm 2025, Ecommerce tăng gấp đôi so với 2022, trung bình 37%/năm. Mặc dù hiệu quả từ kênh online ngày một tăng trưởng, tuy nhiên các doanh nghiệp cần phải cân nhắc cẩn trọng khi triển khai các kênh online một cách phù hợp, để tránh những mất mát không đáng có như mâu thuẫn hoặc không tương thích giữa kênh phân phối offline truyền thống hiện có.
Ông Hưng cũng chỉ ra một vấn đề lớn đối với kênh offline trong xu hướng tiếp thị hiện nay: Doanh nghiệp gặp khó khăn để đo lường một cách chính xác và đánh giá đúng hiệu quả của kênh offline. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Đồng thời chia sẻ quan điểm liên quan đến dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023. Theo Nielsen IQ, năm 2022 được dự báo là một năm khó khăn thế nhưng những con số đã cho thấy kinh tế tăng trưởng cao hơn so với dự báo. Năm 2023 cũng một lần nữa được đánh giá là một năm khó khăn nhưng kết quả ra sao hoàn toàn phải dựa vào những con số cuối năm nay. Theo đó, trong giai đoạn này, doanh nghiệp nên lạc quan nhưng không được chủ quan.
Đối với các doanh nghiệp mới tham gia thị trường TMĐT sẽ gặp nhiều bất lợi và hạn chế nếu tự loay hoay hoạch định hướng đi. Ông Bùi Huy Dũng – General Manager của ACCESSTRADE Việt Nam chia sẻ tại phiên tọa đàm, “doanh nghiệp có thể thấy mình cần phát triển kênh nào theo xu hướng, nhưng không biết nên triển khai ra sao và làm sao đánh giá tính hiệu quả của từng kênh. Có thể cuối cùng hủy bỏ toàn bộ cố gắng nỗ lực vì chưa đi đúng hướng”.
Ông Bùi Huy Dũng - General Manager của ACCESSTRADE Việt Nam chia sẻ thông tin tổng quan về thị trường TMĐT và những xu hướng nổi bật 2023 tại sự kiện.
Đồng quan điểm với ông Dũng, vị đại diện Nielsen IQ chia sẻ, doanh nghiệp mới càng nên thận trọng, với những quyết định nếu “làm đúng ngay từ đầu” sẽ hạn chế rủi ro. Lựa chọn một nền tảng đã có sẽ an toàn hơn so với bản thân tự xây dựng riêng cho mình. Từ đó đặt ra vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại sự kiện từ phía người tham gia: Đâu là cách chọn đúng ngay từ đầu?
“Không có lựa chọn nào chắc chắn đúng, nhưng sẽ luôn có những lựa chọn phù hợp. Những doanh nghiệp, nền tảng có kinh nghiệm triển khai những dự án có cùng quy mô, cùng tệp khách hàng có thể là một dữ liệu, tiêu chí để lựa chọn đối tác phù hợp”, trả lời vấn đề trên, ông Dũng chia sẻ quan điểm.
Lấy ví dụ từ thành công gần nhất của nhãn hàng F&B chuỗi khi áp dụng giải pháp CPP (Cost Per Promotion) của ACCESSTRADE vừa qua. Ông Dũng cho biết, bên cạnh điểm chung về độ phủ (Nhãn hàng sở hữu hệ thống cửa hàng phủ khắp toàn quốc và ACCESSTRADE có đội ngũ 2 triệu publisher phủ sóng toàn quốc trên đa nền tảng online) thì lợi thế hiện có của nền tảng ACCESSTRADE phù hợp với tệp khách hàng và mô hình F&B chuỗi này. Đặc biệt, CPP giúp doanh nghiệp đo lường được hiệu quả việc kết hợp online và offline một cách chính xác. Chỉ sau 30 ngày triển khai, CPP đã mang lại hàng trăm ngàn lượt tiếp cận, tỷ lệ chuyển đổi xấp xỉ 15% -20% cho các nhãn hàng này.
Bên cạnh Ecommerce, các chủ đề về Dropship, sức ảnh hưởng của công nghệ AI, thị trường PropTech… cũng là những chủ đề được quan tâm tại sự kiện. VOBF được tổ chức bởi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) có quy mô toàn quốc luôn là sự kiện mang đến nhiều giá trị thực tiễn, quy tụ đông đảo các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử trong và ngoài nước tham gia mỗi năm.