Có nên mời TikToker đến các Tuần lễ Thời trang?
Câu trả lời ngắn gọn là có, miễn là sự hiện diện của họ không gây thiệt hại cho những người thực sự làm việc trong ngành thời trang.
Sẽ không phải là một Tuần lễ Thời trang thực sự nếu không có những tranh cãi kéo dài và xuyên suốt các show diễn ở Milan. Điều gây xôn xao và trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi của lần tổ chức này chính là các khách mời, đặc biệt là đối với các TikToker. Theo như tạp chí thời trang Déjà-vu, khi khái niệm blogger mới ra đời và bắt đầu bước chân vào sàn diễn thời trang, họ cũng đã từng gặp phải sự phản đối không hề nhỏ từ những “lão làng”. Nếu thời điểm đó, các blogger là những người tạo ra tầm ảnh hưởng thì ngày nay, người tạo nên tầm ảnh hưởng lại chính là những TikToker.
Điều mà chưa từng xảy ra, nhân vật chính của những bữa tiệc thời trang đường phố, tham gia vào những show diễn, ghi lại từng phút, từng giây về các thiết kế, hình ảnh sau bữa tiệc lại chính là các TikToker. Cho đến nay, điều này không có gì làm lạ, bởi theo một khía cạnh nào đó, đây cũng chính là công việc của họ. Nhưng liệu nó có thực sự là một “công việc” theo đúng nghĩa?
Việc mời những nhân vật này – những vị khách không có chuyên môn, tham gia các buổi diễn thời trang sẽ mang đến một Tuần lễ Thời trang theo những “kịch bản” như thế nào, và liệu các câu chuyện có bị “bóp méo”?
“TikToker” có thể đang chưa phải là một khái niệm hoàn hảo trong mắt công chúng, nhưng xét về nhiều mặt, sự xuất hiện của các TikToker tại các show diễn vẫn có nhiều lý do. Việc nhìn thấy những nhà báo, buyer, và TikToker ngồi cạnh nhau trên một băng ghế là một bằng chứng điển hình nhất cho thấy sự hỗn loạn của ngành thời trang hiện tại.
Đỉnh điểm của tranh cãi là tình trạng các nhà báo và người trong ngành được yêu cầu nhường chỗ cho những người nổi tiếng, Influencer, KOL ngồi ở hàng ghế đầu diễn ra thường xuyên và được “chấp nhận” tại các show diễn.
Luigi Giaretti – nam CEO của một agency có tiếng trong ngành – cho rằng Tuần lễ Thời trang nhẽ ra nên giống như Salon del Mobile – hội chợ chỉ dành riêng cho giới nội thất, song hành cùng nó là những sự kiện cho báo chí và những người trong ngành, cũng như mở cửa những chương trình bên lề khác dành cho công chúng. Cần phải có một khâu trung gian để kết nối chúng thành một vòng tròn khép kín cho các thương hiệu thời trang hoặc ít nhất, nó sẽ giúp cho hình ảnh của BST mới nhất không bị đăng “tràn lan” khi chưa được cho phép, và tránh được sự hỗn loạn như trong một số show diễn cuối cùng của Tuần lễ Thời trang Milan (MFW).
Khi nói đến MFW, người ta vẫn tồn tại một quan điểm cho rằng đó là sự phù phiếm và nông cạn đến mức không có nghĩa, chính vì thế nó bị giới hạn và chỉ duy trì được một nhóm nhỏ người tiếp cận. Rốt cuộc, những yếu tố nào sẽ là điều kiện cần để có thể hiểu được những thông điệp mà BST thời trang truyền tải đến khách hàng thông qua các sản phẩm chúng ta mặc hàng ngày?
Theo báo cáo của Striscia la Notizia về chủ đề này, nói một cách trào phúng thì Tuần lễ Thời trang đang giống như một nồi lẩu “thập cẩm”. Điều này đã khiến cho show diễn trở thành một sự kiện vô nghĩa và phù phiếm, trong khi đáng lý ra nó phải trở thành điểm đặc trưng, là nơi hội tụ những điều tinh túy nhất của giới mộ điệu.
Quay trở lại chủ đề đang được tranh cãi gần đây, rằng sự xuất hiện của những TikToker mang lại điều gì cho chương trình, đặc biệt là cho những show diễn? Họ sẽ kể lại câu chuyện thời trang mà họ được tham gia theo một “công thức” khác tích cực hơn? Họ sẽ giải thích những mẫu thiết kế thông qua các tài liệu tham khảo chính thống, nguồn cảm hứng và hậu trường của bộ sưu tập?
Nếu điều đó được diễn ra như vậy thì quả là tuyệt vời. Nhưng đáng tiếc, những người sáng tạo nội dung gốc Ý được mời tham gia show lại không biết cách truyền tải này, mà thay vào đó là những hình ảnh được đăng lên trên Vogue Runway. Nếu hình ảnh của những mẫu thiết kế được truyền tải thông qua những TikToker – những người đóng vai trò là cầu nối giữa thương hiệu với khán giả, thì họ cần phải có một kiến thức chuyên môn vững vàng. Đáng tiếc, điều này lại thiếu trong hầu hết mọi trường hợp.
Và có lẽ, các TikToker không sai, người sai là chính các thương hiệu – những người mời họ đến mà không đưa ra những yêu cầu, hay cung cấp những thông tin chính thống để họ có thể hiểu, và truyền tải nó một cách rõ ràng, đúng đắn đến với khán giả.
Đây cũng là bài học để các thương hiệu hiểu rằng, chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng. Truyền thông thì cũng quan trọng, nhưng chúng ta cần sự hiệu quả hơn là bề nổi của “viral”.
* Nguồn: Style-Republik