Media Agency Là Gì Và Tầm Quan Trọng Của Media Agency

Media Agency Là Gì Và Tầm Quan Trọng Của Media Agency

Có nhiều loại hình agency trong thế giới marketing, mỗi loại sẽ chuyên biệt một lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Và khi nói đến truyền thông, Media Agency là một trong những yếu tố tạo nên thành công của thương hiệu trên các phương tiện truyền thông.

Cùng AIM tìm hiểu về Media Agency là gì qua bài viết dưới đây.

Nội dung bài viết:

  • Tổng quan về Media Agency

  • Vai trò của Media Agency

  • Nhãn hàng cần gì ở một Media Agency?

  • Một Media Agency sẽ làm những việc gì?

  • Cấu trúc của Media Agency 

  • Media Planning 

  • Media Buying 

  • Những yêu cầu cần có để làm tại Media Agency

  • Cơ hội nghề nghiệp tại Media Agency

  • Tạm kết

1. Tổng quan về Media Agency

Media Agency là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông và quảng cáo cho các doanh nghiệp.

Chức năng chính của Media Agency là giúp các doanh nghiệp tìm kiếm và tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mục tiêu thông qua các kênh truyền thông và kênh quảng cáo phù hợp nhất. Điều này giúp tăng cường nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp và đưa sản phẩm, dịch vụ của họ đến với khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả.

Media Agency - Là gì

2. Vai trò của Media Agency

Mặc dù các công ty có thể tự thực hiện các chiến dịch quảng cáo, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực tài chính, chiến lược bài bản và nhân sự để đạt được kết quả tốt nhất.

Do đó, việc thuê các agency sẽ giúp tối ưu chi phí, nhân lực và giúp thương hiệu gia tăng doanh số. Và media agency cũng đóng vai trò quan trọng trong việc:

  • Strategic Planning (Lên chiến lược truyền thông): Lên kế hoạch định hướng, chiến lược cho nhãn hàng bằng việc phân tích, đánh giá các thông tin về thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh và mục tiêu của nhãn hàng. 

  • Buying (Mua chỗ quảng cáo): Để đạt được hiệu quả cao nhất, người mua chỗ quảng cáo phải đàm phán và lựa chọn các kênh truyền thông (như YouTube, báo điện tử, OOH, banner,...) phù hợp với mục tiêu của chiến dịch. Họ cũng phải tối ưu hóa chi phí cho việc mua chỗ quảng cáo, đảm bảo rằng các chi phí mua quảng cáo là hợp lý và được sử dụng hiệu quả để đạt được mục tiêu của chiến dịch. 

Ví dụ, một công ty sản xuất xe hơi muốn quảng cáo sản phẩm của mình trên kênh truyền hình phổ biến. Media agency sẽ đàm phán với đơn vị quản lý kênh truyền hình đó để mua chỗ quảng cáo tại những khung giờ được xem nhiều nhất trong ngày, để đảm bảo sản phẩm của khách hàng được tiếp cận với nhiều người nhất có thể. 

Develop (Phát triển chiến dịch): Là quá trình thiết kế, phát triển các chiến dịch truyền thông và quảng cáo cho nhãn hàng. Quá trình này bao gồm việc lên ý tưởng, lựa chọn phương tiện truyền thông, phát triển nội dung và thiết kế quảng cáo. Các chiến dịch này có thể bao gồm nhiều phương tiện truyền thông như truyền hình, radio, tạp chí, báo, truyền thông xã hội và các kênh trực tuyến khác.

Invention (Phát minh): Là quá trình tạo ra các phát minh mới, giúp nhãn hàng tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả hơn. Quá trình này bao gồm đưa ra các ý tưởng sáng tạo và ứng dụng các công nghệ mới để tạo ra những trải nghiệm truyền thông độc đáo cho khách hàng.

Ví dụ: Một công ty sản xuất đồ điện tử mới muốn quảng bá sản phẩm của họ trên thị trường. Để giúp công ty này thu hút sự chú ý của khách hàng, media agency sẽ đề xuất sử dụng công nghệ thực tế ảo (AR) để tạo ra một trải nghiệm tương tác độc đáo. Media agency phát triển ứng dụng AR và chiến dịch truyền thông tương ứng để giúp công ty nổi bật trên thị trường và thu hút một lượng lớn khách hàng tiềm năng.

Media Agency - nhiệm vụ

3. Nhãn hàng cần gì ở một Media Agency?

Trong thời đại phát triển nhanh chóng, việc sử dụng phương tiện truyền thông và kênh marketing trở nên ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, việc tiếp cận khách hàng qua các kênh digital ngày càng phức tạp, vì người tiêu dùng đang sử dụng nhiều phương tiện xã hội cùng một lúc. Do đó, các nhãn hàng không chỉ đòi hỏi mua media với mức giá tốt, mà còn mong muốn các media agency phải có khả năng tư vấn và thực hiện chiến lược quảng cáo phù hợp với portfolio của nhãn hàng.

Ngoài ra, các nhãn hàng còn cần các media agency phải sáng tạo và tự tạo ra những nội dung, chương trình để tăng tính nhận diện và khác biệt cho thương hiệu. Do đó, media agency cần có đội ngũ chuyên gia tài năng và sáng tạo, kết hợp với kinh nghiệm trong ngành để giúp các nhãn hàng tiếp cận khách hàng một cách thành công và mang lại hiệu quả cao nhất.

4. Một Media Agency sẽ làm những việc gì?

Các hoạt động chính của một Media Agency bao gồm:

  1. Tư vấn chiến lược truyền thông.

  2. Nghiên cứu thị trường.

  3. Phát triển chiến dịch truyền thông.

  4. Mua bán và quản lý quảng cáo trên các phương tiệntruyền thông khác nhau (bao gồm truyền hình, đài phát thanh, báo chí, tạp chí, truyền thông kỹ thuật số,...)

  5. Đo lường hiệu quả quảng cáo và cung cấp các dịch vụ liên quan khác như thiết kế đồ họa, sản xuất video và phát triển nội dung.

5. Cấu trúc của Media Agency

1. Media Planning 

Media Agency - media planning

Media Planning là bộ phận tập trung vào việc phân tích, đánh giá các thông tin về thị trường, đối tượng khách hàng, mục tiêu và ngân sách của khách hàng, từ đó lên kế hoạch truyền thông và quảng cáo phù hợp. 

Bộ phận Media Planning thường bao gồm 2 vị trí chính:

Account

Account là người đầu tiên tiếp cận với khách hàng (client), lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của họ. Sau đó, account sẽ tổng hợp thông tin và truyền đạt lại yêu cầu của khách hàng đến với team nội bộ cho dễ hiểu và thống nhất.

Account cũng có trách nhiệm theo dõi và đánh giá hiệu quả của chiến dịch quảng cáo cũng như đề xuất những điều chỉnh phù hợp để tối ưu hiệu quả chiến dịch. 

Strategy Planner

Có nhiệm vụ lên kế hoạch truyền thông để đạt được mục tiêu kinh doanh của khách hàng thông qua các phương tiện truyền thông. Strategy Planner phải nghiên cứu và phân tích thị trường, đối thủ cạnh tranh, đối tượng khách hàng, xu hướng ngành và các yếu tố khác để đưa ra các giải pháp truyền thông hiệu quả.

Sau khi đã có một khung sườn về chiến lược marketing (holistic framework), planner có nhiệm vụ kết nối với functional team (bao gồm content, digital, designer,...) để biến những nội dung, ý tưởng đó thành hiện thực.

Ngoài ra, Brand Marketing cũng nằm trong bộ phận Media Planning, chịu trách nhiệm phát triển và triển khai chiến lược marketing để xây dựng và duy trì hình ảnh thương hiệu trên các kênh truyền thông, từ quảng cáo truyền thống đến kênh truyền thông số.

2. Media Buying 

Media Agency - media buying

Media buying là quá trình mua các không gian quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, được chia thành hai loại chính: truyền thống và kỹ thuật số.

Media buying truyền thống: các kênh phổ biến bao gồm TV, out of home, radio, và print. Media Agency sẽ tìm hiểu và đưa ra quyết định về địa điểm, lịch trình và hình thức quảng cáo truyền thống dựa trên sự phân tích và đánh giá kết quả đối với các đối tượng khách hàng cụ thể.

Ví dụ: Mua không gian quảng cáo trên báo chí như mua quảng cáo trên trang nhất của một tờ báo lớn như New York Time. Mua quảng cáo trong giờ vàng trên kênh truyền hình phổ biến như VTV hay HTV để quảng bá sản phẩm mới.

Media buying digital: các hoạt động mua quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến. Ví dụ: Mua không gian quảng cáo trên các trang web hoặc ứng dụng thông qua Google Adwords hoặc các mạng quảng cáo khác như Admob.

Tùy thuộc vào mục đích của chiến dịch quảng cáo, các nhà quảng cáo có thể chọn Inventory buying hoặc Performance marketing.

Inventory buying là hoạt động mua quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến (như Facebook, Google, Tiktok,...) để đạt được một lượng người tiếp cận cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Các nền tảng này cung cấp các hình thức quảng cáo khác nhau, bao gồm các loại quảng cáo hình ảnh, video và bài đăng. (ví dụ: bạn có thể nhìn thấy quảng cáo dầu gội Sunsilk trên website của các trang báo điện tử,...)

Performance marketing tập trung vào việc tối ưu hóa hiệu quả chi phí quảng cáo bằng cách chỉ trả tiền cho các hành động cụ thể từ người tiêu dùng, chẳng hạn như nhấp vào quảng cáo hoặc mua hàng trên trang web của nhà quảng cáo. Các

hoạt động Performance marketing có thể bao gồm các chiến dịch quảng cáo trên các nền tảng tìm kiếm (SEM), theo dõi đối tượng khách hàng (CPAS), hoặc tìm kiếm trên trang web của nhà bán lẻ (Onsite search của e-retailer).

Ví dụ về performance marketing bằng cách sử dụng SEM (Search Engine Marketing) là khi một công ty quảng cáo sản phẩm của mình trên Google Adwords với mục tiêu chỉ trả tiền cho mỗi lượt nhấp vào quảng cáo (CPC - Cost Per Click).

Công ty sẽ thiết lập chiến dịch quảng cáo với các từ khóa liên quan đến sản phẩm và đặt mức giá CPC cho từng từ khóa đó. Khi người dùng tìm kiếm từ khóa đó trên Google và nhấp vào quảng cáo của công ty, công ty sẽ bị tính phí cho lượt nhấp vào quảng cáo đó

Ngoài ra, content marketing cũng là một hoạt động quan trọng trong media buying. Đây là một chiến lược tập trung vào tạo ra nội dung hấp dẫn, thường là thông qua đối tác hoặc tài trợ, để tăng khả năng tương tác của đối tượng khách hàng và giúp xây dựng thương hiệu.

Functional Team

Functional team là một nhóm làm việc gồm các thành viên có chuyên môn, kỹ năng và trình độ chuyên sâu trong một lĩnh vực cụ thể. Một số vị trí phổ biến trong Media Agency là copywriter, designer, digital,..

6. Những yêu cầu cần có để làm việc tại Media Agency

Kiến thức về marketing

Đây là kiến thức cơ bản của một nhân viên Media Agency cần có, bao gồm các khái niệm, chiến lược, cách thức quảng bá sản phẩm/dịch vụ và các kênh truyền thông hiệu quả.

Kỹ năng quản lý dự án

Nhân viên Media Agency thường phải làm việc với nhiều khách hàng và dự án cùng lúc, vì vậy kỹ năng quản lý dự án là rất quan trọng. Nhân viên phải biết lên lịch làm việc, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề và giữ liên lạc với khách hàng.

Kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp là một yêu cầu cần thiết cho nhân viên Media Agency, bao gồm kỹ năng viết, nói và lắng nghe. Nhân viên phải có khả năng thuyết phục khách hàng về các chiến lược và ý tưởng truyền thông, cũng như có khả năng trình bày báo cáo và đàm phán với đối tác.

Kỹ năng sáng tạo

Sáng tạo là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển chiến lược truyền thông cho khách hàng. Nhân viên Media Agency cần có khả năng tư duy sáng tạo, đưa ra các ý tưởng mới và khác biệt để giúp khách hàng nổi bật hơn trong mắt người tiêu dùng.

Kỹ năng digital

Kỹ năng digital cần thiết cho việc làm tại Media Agency bao gồm việc quản lý các trang mạng xã hội, quản lý các kênh truyền thông số, phân tích dữ liệu và tối ưu hóa chiến dịch truyền thông.

Kiên trì và linh hoạt

Công việc tại Media Agency thường đòi hỏi nhân viên phải làm việc với những khách hàng khó tính và thời gian làm việc thường xuyên phải thay đổi, do đó nhân viên cần có tính kiên trì và linh hoạt để hoàn thành công việc một cách hiệu quả.

7. Cơ hội nghề nghiệp của Media Agency

Với sự phát triển không ngừng của ngành quảng cáo và truyền thông, các Media Agency đang ngày càng mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng hóa các dịch vụ và sản phẩm, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các ứng viên có đam mê và năng lực trong lĩnh vực này.

Các cơ hội nghề nghiệp trong Media Agency có thể bao gồm các vị trí như strategic planner, creative director, account manager, media planner, content creator, social media manager và nhiều vị trí khác.

Media Agency - cơ hội nghề nghiệp

Tại Media Agency, bạn có thể phát triển kỹ năng của mình trên cả chiều dọc và chiều ngang. 

Nếu bạn muốn phát triển theo chiều ngang

Bạn có thể trở thành “Media strategic planning” hoặc “Account”, điều này bạn phải nắm vững toàn bộ kiến thức về các chức năng, quy trình của Media Agency.

Bạn sẽ có trách nhiệm đưa ra lời khuyên phù hợp cho nhãn hàng mà bạn làm việc, để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của brief đã được nhận được. Với những công việc này, bạn sẽ tiếp xúc với nhiều khách hàng và làm việc cho nhiều nhãn hàng khác nhau, tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Còn nếu bạn muốn phát triển theo chiều dọc

việc tham gia vào các functional team như content, designer hoặc digital performance là một lựa chọn tốt. Trong các functional team này, bạn sẽ được làm việc với những chuyên gia trong lĩnh vực của mình, học hỏi kỹ năng và kiến thức chuyên môn trong ngành nghề mình lựa chọn.

8. Tạm kết

Trong thời đại công nghệ ngày nay, vai trò của media càng trở nên quan trọng trong việc kết nối thương hiệu với khách hàng tiềm năng, cũng như tăng cường sự nhận diện của thương hiệu trên thị trường.

Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về ngành này và nắm được các kiến thức cần thiết để làm việc trong một media agency, hãy tham gia khóa học Digital Platform Management tại AIM Academy:

  • Nắm bắt toàn diện kiến thức từ các nền tảng digital, đến media, nội dung, website và ecommerce:
  • Nắm vững các thuật ngữ và chỉ số đo lường vốn phức tạp và dễ hiểu sai
  • Cập nhật xu hướng mới nhất về digital marketing
  • Hoạch định chiến lược social media marketing