Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Thành công của Coachella 2023: Nhìn lại các chiến lược tiếp thị

Thành công của Coachella 2023: Nhìn lại các chiến lược tiếp thị

Với sự tham gia của các tên tuổi hàng đầu như Bad Bunny, Blackpink và Frank Ocean, lễ hội được nhận định là điểm hút của triệu người hâm mộ âm nhạc khắp thế giới. Thế nhưng, nghệ sĩ không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến sự thành công của Coachella mà còn đến từ chiến lược tiếp thị toàn diện. Cụ thể, đó là sự phối hợp giữa những gói tài trợ thương hiệu, hoạt động Influencer Marketing cũng như tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để tạo buzz và sự hứng thú cho sự kiện. 

Trang Brand Vision đã có những phân tích sơ khởi về các hoạt động marketing cho các lễ hội âm nhạc. Đặc biệt, người viết cũng nhấn mạnh vai trò của Influencer Marketing trong sự thành công của Coachella. Vì vậy, hãy thắt dây an toàn và sẵn sàng khám phá cách Influencer Marketing có thể góp phần thúc đẩy doanh số bán vé, nâng cao nhận thức về thương hiệu (brand awareness) và đóng góp vào thành công chung của lễ hội.

Nguồn: Getty Images / REX

Coachella, một trong những lễ hội âm nhạc mang tính biểu tượng và được mong đợi nhất trên thế giới, đã tái xuất và mang đến những màn biểu diễn hấp dẫn hơn bao giờ hết. Coachella 2023 đã diễn ra trong 02 cuối tuần liên tiếp (14-16/4 và 21-23/4), với sự góp mặt của đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ và nghệ sĩ biểu diễn thuộc đa dạng thể loại. Bad Bunny, Blackpink và Frank Ocean, cũng như một số nghệ sĩ tài năng khác như Rosalía, Gorillaz, Björk và Charli XCX là những cái tên tiêu biểu trong mùa lễ hội năm nay.  

Nhưng điều gì khiến Coachella thật sự nổi bật và trở thành sự kiện không thể bỏ lỡ?

Câu trả lời nằm ở chiến lược tiếp thị toàn diện. Tiếp thị cho các lễ hội như Coachella không chỉ đơn thuần là quảng bá đội hình nghệ sĩ mà nên kết hợp đa dạng các hình thức khác nhau, từ tài trợ thương hiệu (brand sponsorships), Influencer Marketing cho đến những hoạt động tạo buzz trên mạng xã hội.

Ngoài ra, các đơn vị tổ chức lễ hội cũng tập trung sáng tạo trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn cho người tham dự thông qua cách bố trí không gian nghệ thuật, hoạt động tương tác và các tính năng khác để bổ trợ âm nhạc. Tất cả những yếu tố này kết hợp với nhau để biến Coachella trở thành một sự kiện được săn đón, thu hút hàng nghìn người tham dự mỗi năm.

Coachella 2023.
Nguồn: World Wide Tune

Tầm quan trọng của Social Media đối với chiến dịch marketing cho Coachella

Marketing qua mạng xã hội (MXH) đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của các lễ hội như Coachella, đặc biệt về khía cạnh Influencer Marketing. Influencer sở hữu lượng người theo dõi lớn trên các nền tảng MXH như Instagram, TikTok và YouTube. Do đó, họ có khả năng tiếp cận lượng lớn khán giả chỉ bằng một bài đăng hoặc video. Khi hợp tác với đối tượng này, các lễ hội có thể nhanh chóng lan truyền thông tin đến khách hàng mục tiêu và thu hút sự chú ý của họ dành cho sự kiện. 

Hơn thế, mạng xã hội cũng tạo không gian tương tác theo thời gian thực cho những khán giả trong và ngoài khuôn viên sự kiện, góp phần mở rộng độ phủ cho chương trình. Ban tổ chức kết hợp cùng influencer để liên tục cập nhật thông báo và những sự kiện thú vị ở hậu trường. Điều này góp phần khiến khán giả tò mò và hào hứng hơn về sự kiện. Ngoài ra, MXH có thể được sử dụng để phát trực tiếp hoặc chia sẻ những điểm nổi bật, từ đó thu hút những khán giả không thể tham dự trực tiếp.

Nguồn: Coachella / Beth Saravo

Influencer Marketing tại Coachella

Influencer Marketing giữ vai trò then chốt trong sự thành công của Coachella. Lễ hội là cơ hội tốt để các thương hiệu tiếp cận các ngôi sao, KOLs, KOCs – những người có khả năng lan tỏa sức ảnh hưởng đến công chúng. Thông qua những hình ảnh, video chia sẻ rầm rộ trên Instagram và TikTok, mọi người trên thế giới đều có thể nhìn thấy trang phục họ mặc, giúp lan toả hình ảnh của thương hiệu trên toàn cầu. Coachella được xem là sự kiện thời trang được mong đợi nhất trong mùa lễ hội. Trang phục của ngôi sao và influencer có thể định hình xu hướng thời trang cho phần còn lại của năm.

Hình thức quảng bá này tạo điều kiện để các thương hiệu tiếp cận những khách hàng tiềm năng là người theo dõi của nhóm influencer. Bởi họ thưởng xuyên tương tác cũng như tin tưởng vào ý kiến và đề xuất của thần tượng. Các thương hiệu có thể hợp tác với influencer để tạo các sponsored content (nội dung được tài trợ), content đánh giá sản phẩm và thậm chí tổ chức giveaway để nâng cao nhận biết về thương hiệu và thúc đẩy doanh số bán hàng. Influencer cũng có thể tham dự lễ hội và chia sẻ trải nghiệm của họ, tạo ra cảm giác FOMO (sợ bị bỏ lỡ) để khuyến khích follower tự mình tham dự lễ hội.

Ngoài việc tiếp cận được một lượng lớn đối tượng khán giả, Influencer Marketing còn giúp xây dựng niềm tin và uy tín thương hiệu. Influencer được coi là các chuyên gia trong lĩnh vực của họ và việc họ giới thiệu một sản phẩm hoặc dịch vụ có thể giúp xác lập cho nó hình ảnh đáng tin cậy và chất lượng cao. 

Nguồn: BizBash

Đối với các thương hiệu, tham gia Coachella và hợp tác với các nhân vật có ảnh hưởng trong suốt mùa lễ hội cũng có thể đem đến thông tin nghiên cứu thị trường giá trị. Thương hiệu có thể nhận biết sâu sắc hơn về xu hướng thời trang đang thịnh hành qua trang phục của người tham dự sự kiện. Bên cạnh đó, họ sẽ xác định được ai đang mặc sản phẩm của thương hiệu, và những phong cách nào là phổ biến nhất. Từ đó, hiệu chỉnh kế hoạch kinh doanh tối ưu hơn. 

Việc sử dụng tiếp thị người ảnh hưởng tại Coachella mang lại lợi ích “win-win”, không chỉ đối với doanh nghiệp. Tức là, influencer cũng có cơ hội thể hiện phong cách cá nhân, trở thành một phần của một sự kiện hấp dẫn và nâng cao thương hiệu cá nhân của mình. Hơn nữa, khi tham dự lễ hội, họ có được những trải nghiệm độc quyền như tham gia các buổi tiệc và kết nối với các nhà lãnh đạo trong ngành.

Nguồn: BizBash

Nhìn chung, Influencer Marketing trở thành một khía cạnh trọng yếu tạo nên thành công của lễ hội âm nhạc năm nay. Trong tương lai, hình thức tiếp thị này được dự đoán tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của Coachella mùa tiếp theo. 

Tuy nhiên, điều gì cũng nên có chừng mực và việc sử dụng hình thức Influencer Marketing cũng vậy. Bởi theo những chia sẻ từ người tham dự trong bài viết của Zing News, việc quá xem trọng influencer và hình thức quảng bá này đã vô tình tạo nên cảm giác thiên vị, bất bình đẳng cho người tham dự. 

Cụ thể, các influencer được ưu tiên check-in tại những khu vực đặc biệt để tạo hiệu ứng FOMO khiến người tham gia khó chịu khi phải đứng chờ xếp hàng quá lâu. Mặt khác, việc hình ảnh tài trợ của thương hiệu xuất hiện có phần dày đặc cũng vô tình khiến lễ hội bị thương mại hoá quá đà, tạo cảm giác bị bao vây bởi quảng cáo và người tham dự cũng phần nào mất nhiệt khi đến với lễ hội. 

Theo Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp