Social Commerce: Học hỏi 10 chiến dịch thành công từ các nhãn hàng nổi tiếng như Converse, ASOS, Samsonite...
Trong nhiều năm trở lại đây, các thương hiệu nổi tiếng hay những doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu đang ngày càng nghiêm túc với những chiến lược tiếp thị trên mạng xã hội. Theo nghiên cứu của Influencer Marketing Hub, doanh số thương mại xã hội (Social commerce) sẽ tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc và dự kiến sẽ đạt mức 1.3 tỷ USD năm 2023.
Tuy nhiên, cùng với đó, sự cạnh tranh giữa các nền tảng mạng xã hội lớn TikTok với Facebook hay Instagram ngày càng khốc liệt. Điều này dẫn tới nhiều sự thay đổi trong chính sách người dùng cũng như sự xuất hiện và nâng cấp các tính năng như bán hàng, mua sắm trực tuyến... Do đó, mọi doanh nghiệp. dù lớn hay nhỏ, cần thích ứng nhanh hơn bao giờ hết để xây dựng chiến lược phù hợp nhằm thu hút khách hàng trong khoảng thời gian ngắn trước khi họ “trượt màn hình”.
Thực tế, rất nhiều thương hiệu đã thành công chinh phục khách hàng trên một số nền tảng mạng xã hội phổ biến. Thậm chí, họ không những là “chuyên gia” mà họ còn là “người tiên phong” với những chiến lược sáng tạo để tận dụng tối đa trên các trang mạng xã hội như hợp lý hóa quá trình mua sắm trực tuyến hay xây dựng chiến lược nội dung hiệu quả.
Trong bài viết này, Ori Agency sẽ tổng hợp 10 thương hiệu toàn cầu sở hữu chiến lược thương mại xã hội thành công.
1. Converse – Chiến lược UGC tiêu biểu của ngành thời trang
Converse đã xây dựng một chiến lược thương mại xã hội gần như hoàn hảo. Cụ thể, hãng giày nổi tiếng này đã hợp tác với một số nhà sáng tạo nội dung có sức ảnh hưởng trong một cộng đồng nhất định. Đồng thời, chiến lược này còn có sự hỗ trợ từ phía khách hàng với nội dung do chính họ tạo ra (UGC – User-generated content). Ngoài ra, Converse cũng tập trung đầu tư vào chất lượng hình ảnh để thu hút khách hàng.
Có thể nói Converse đã đi đầu trong chiến lược hợp tác xây dựng nội dung với các cá nhân có sức ảnh hưởng qua mục “Style Series”. Thương hiệu này đã mời 6 blogger với phong cách thời trang cá tính tham gia phối đồ với những đôi Chucks theo cách riêng của họ. Sau đó, Converse đã tận dụng thông minh những sự phối hợp độc đáo trên lên website với hình ảnh, video cũng như thông tin trình bày chi tiết về các mẹo phối đồ với sản phẩm của họ.
“Style Series” hoạt động như một danh mục truyền cảm hứng. Thật vậy, khách hàng khi nhấn vào mục trên sẽ được “mời khéo léo” và sau đó là “tự nguyện” ở lại để khám phá những phong cách mới mẻ từ chính khách hàng của Converse.
Đặc biệt, trong mọi bức ảnh được hiển thị trên trang, biểu tượng All Star độc quyền, mang tính di sản của hãng luôn được làm nổi bật và rõ ràng. Điều này không chỉ tạo ra một giao diện website đẹp mắt mà còn giúp xây dựng một trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng.
2. oVertone – Chiến lược UGC đa nền tảng
oVertone tận dụng hiệu quả sức ảnh hưởng của những nhà sáng tạo nội dung trên Instagram để từ đó tác động lên các quyết định mua của khách hàng. Cụ thể, nhãn hàng này đã tích hợp toàn bộ chiến lược nội dung Instagram do người dùng tạo ra để hiển thị trên website thương mại điện tử của họ.
Hay ngay cả nội dung thuộc sở hữu của họ hầu như chỉ có hình ảnh, video và bài đánh giá khách hàng.
Do đó, khi truy cập vào website của nhãn hàng này, khách hàng ngay lập tức nhìn thấy những nội dung UGC đầy thuyết phục từ trang chủ, trang danh mục cho đến trang hiển thị sản phẩm. Điều này cung cấp cho khách hàng một hình dung rõ ràng về tính năng và hiệu quả thực tế của các sản phẩm.
3. EF Ultimate Break – Chiến lược UGC truyền cảm hứng nhất
Với mỗi nhãn hàng, việc kết nối với cộng đồng khách hàng tiềm năng là điều cần thiết để đạt được thành công trên các mạng xã hội. EF Ultimate là một trong những nhãn hàng đã làm điều này một cách xuất sắc.
Thương hiệu du lịch này đã điều hướng khách hàng hiệu quả bằng cách kết nối và kích thích cộng đồng của họ chia sẻ những khoảnh khắc du lịch đáng nhớ trên Instagram và TikTok. Với sự chia sẻ liên tục từ khách hàng về những điểm du lịch đẹp nhất trên thế giới, EF Ultimate đã thu thập được vô số tài nguyên UGC truyền cảm hứng. Để tận dụng nguồn tài nguyên trên, EF Ultimate không chỉ tổng hợp và giữ chúng trên các nền tảng mạng xã hội còn liên kết và đưa chúng hiển thị trên cả website.
Chiến lược này thực sự đem lại giá trị và truyền cảm hứng cho những người đam mê xê dịch – khách hàng tiềm năng của hãng. Bởi, trong khi tìm kiếm ý tưởng cho chuyến du lịch tiếp theo, khách hàng của họ sẽ nhanh chóng bắt gặp, dễ dàng tìm kiếm những chia sẻ trải nghiệm thực tế về điểm tham quan trên các trang mạng xã hội.
EF Ultimate còn khích lệ cộng đồng của của họ tham gia chia sẻ nội dung tích cực bằng chiến dịch Brand Ambassador. Cụ thể, doanh nghiệp này khuyến khích mỗi “chuyên gia truyền thông xã hội” đam mê du lịch đăng ký tài khoản mạng xã hội để tham gia. Tài khoản đăng ký phải là tài khoản công khai. Sau đó, những người tham gia sẽ nhận được một mã code cá nhân và nhiệm vụ tiếp theo sẽ là kêu gọi cộng đồng người theo dõi của họ đăng ký tham gia hoặc mua sắm bằng mã code được cấp. Với đủ 15 lượt đăng ký, họ sẽ nhận được một chuyến du lịch miễn phí.
4. Samsonite – Chiến lược cộng tác giữa các phòng ban hiệu quả nhất
Một yếu tố quan trọng để đạt được thành công trong chiến dịch thương mại xã hội là cách các thành viên trong team social media và thương mại điện tử phối hợp với nhau. Bởi một doanh nghiệp với sự làm việc thiếu liên kết giữa các đội nhóm chắc chắn sẽ thực hiện các chiến lược marketing một cách rời rạc, kém hiệu quả. Nhưng đối với Samsonite, sự hợp tác giữa các nhóm là một trong những thế mạnh lớn nhất của họ.
Năm 2022, Samsonite đã tung ra các chiến dịch hấp dẫn và thu hút được nhiều sự tham gia của người dùng mạng xã hội. Thương hiệu vali nổi tiếng này đã khéo léo giới thiệu chiến dịch của họ trên toàn bộ website cũng như trên mọi nền tảng mạng xã hội phổ biến.
Cụ thể, với sự mở cửa trở lại của ngành hàng không và nhu cầu di chuyển ngày càng tăng của người tiêu dùng, mùa hè năm ngoái, Samsonite đã phát động một cuộc thi sáng tạo có tên “Take What’s Yours” trên Instagram. Cuộc thi này nằm trong chiến dịch cùng tên với mục đích khích lệ người lao động tận dụng PTO (Personal Time Off – tạm dịch “Thời gian nghỉ cá nhân”) của họ trong suốt mùa hè.
Các ấn phẩm truyền thông cho chiến dịch này được thiết kế giống với email thông báo vắng mặt tại văn phòng – email OOO (out-of-office) – với những khẩu hiệu như: “Hãy đặt trạng thái hoạt động của bạn sang chế độ Không Làm Phiền” hay “Lấy những gì là của bạn”. Và những người tham gia chiến dịch cũng được khuyến khích để lại những bình luận hài hước về nội dung email OOO.
Kết quả, chiến dịch đã thu hút được hơn 500 bình luận chỉ với một bài đăng. Ngay ngày hôm sau, thương hiệu vali này đã đăng tải ba thông điệp được yêu thích nhất và để khách hàng bình chọn thông qua bình luận trên Instagram. Người chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng là tiền mặt và một chiếc vali. Có thể thấy, đây là một cách hiệu quả cao để tăng tỷ lệ tương tác trên Instagram đồng thời là dịp để tri ân những khách hàng trung thành của hãng.
Ngoài ra, Samsonite cũng tận dụng các thẻ hashtag #TikTokMadeMeBuyIt để tổng hợp tất cả nội dung do khách hàng hay những người có ảnh hưởng tạo ra trong một “thư viện”. Việc này giúp khách hàng của họ có thể chọn lọc các video được yêu thích để khám phá cách những chiếc vali của họ được sử dụng hay các mẹo thông minh để sắp xếp hành lý... Sau đó, khách hàng có thể dễ dàng mua những sản phẩm nổi bật trong video bằng cách nhấp vào thẻ sản phẩm. Bằng cách đó, Samsonite đưa mua sắm trên mạng xã hội vào trang web của họ.
5. ASOS – Chiến lược UGC hiệu quả
ASOS – một trong những thương hiệu bán lẻ thời trang trực tuyến hàng đầu tại Anh – đã áp dụng chiến lược nội dung UGC cũng như hợp tác với những người có ảnh hưởng để xây dựng thương hiệu và tiếp cận đối tượng mục tiêu.
Hãng thời trang này khuyến khích mọi khách hàng chia sẻ những hình ảnh thực tế khi họ diện những món đồ ASOS lên Facebook và Instagram bằng cách sử dụng thẻ hashtag #AsSeenOnMe. Thương hiệu này sau đó, sẽ tổng hợp và thêm các liên kết các bài chia sẻ từ khách hàng trên kênh “As Seen on Me”. Đồng thời, trên website, họ cũng cho hiển thị những hình ảnh thực tế cung cấp bởi khách hàng kết hợp với ảnh mẫu của hãng đối với các mặt hàng nổi bật.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn hợp tác với một số các blogger thời trang và các cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội để tham gia phối đồ, tạo ra những phong cách đậm chất ASOS. Các nội dung này sau đó cũng được chia sẻ trên các tài khoản xã hội của những người có ảnh hưởng và đã thành công tiếp cận nhiều nhóm khách hàng tiềm năng của ASOS.
Nhìn chung, chiến lược sử dụng UGC và tiếp thị người ảnh hưởng của ASOS đã thành công trong việc nâng cao nhận thức về thương hiệu, xây dựng lòng tin với khách hàng từ đó thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng.
6. Ralph Lauren – Chiến lược hiển thị sáng tạo
Một trong những điểm nổi bật của thương mại xã hội là khả năng đổi mới. Và điều này đã được Ralph Lauren tiến hành một cách độc đáo.
Ralph Lauren đã ra mắt cuốn sách có tên “Ralph Lauren’s Polo Shirt” (tạm dịch: “Chiếc áo sơ mi của Ralph Lauren”), bao gồm những câu chuyện cá nhân của mọi người mặc, yêu thích và kết nối với chiếc áo sơ mi cổ điển trên khắp thế giới. Trên website, họ xây dựng một giao diện tương tác để làm nổi bật câu chuyện của từng khách hàng. Đồng thời, giao diện độc đáo này còn kích thích sự tò mò của khách hàng và thôi thúc họ tự do khám phá các câu chuyện.
Mỗi câu chuyện được đều được đầu tư và chăm chút về mặt hình ảnh cũng như video. Qua đó, chúng làm nổi bật nội dung độc đáo của mỗi câu chuyện về cách chiếc áo polo “hòa nhập” vào cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới.
Đây có thể coi là một ví dụ điển hình về cách kể chuyện “nguyên bản” trên các nền tảng mạng xã hội và website. Chiến lược này đề cao tiếng nói của cộng đồng người tiêu dùng và tạo ra một trải nghiệm người dùng mới lạ, hấp dẫn.
7. SpaceNK – Chiến lược bán lẻ sáng tạo
SpaceNK – doanh nghiệp bán lẻ mỹ phẩm cao cấp của Anh – thực sự hiểu cách các nội dung UGC tác động đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Một trong những hoạt động kích hoạt tại chỗ (on-site activations) thú vị và chuyên nghiệp của SpaceNK nằm trên các trang hiển thị sản phẩm.
Cụ thể, trong khi xem xét một sản phẩm, khách hàng có thể tùy chọn bật “thư viện nội dung” dưới dạng ảnh hay video ngắn (Reels) do khách hàng tạo ra trên Instagram để tìm hiểu sản phẩm một cách thực tế. Điều này có nghĩa là, giờ đây, người tiêu dùng vừa có thể xem các đặc điểm điển hình của sản phẩm như màu sắc, kích thước và giá cả vừa có thể xem sản phẩm đó trông như thế nào khi mang trên người thật.
8. MVMT Watches – Chiến lược thu hút khách hàng bằng hình ảnh trên Pinterest
Với mục tiêu tăng tỷ lệ chuyển đổi và thu về lợi nhuận cao nhất cho mỗi đơn hàng, MVMT Watches đã khai thác sức mạnh của các ghim hình ảnh trên Pinterest.
Để thu hút khách hàng, thương hiệu này đã đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng hình ảnh. Các hình ảnh sau đó cũng được chọn lọc cẩn thận sao cho nổi bật và thu hút khách hàng click vào xem nhiều nhất trên Pinterest. Khi người dùng click vào, họ sẽ được chuyển hướng tự động đến trang giới thiệu và thanh toán sản phẩm đó.
Kết quả, chỉ trong vòng 3 tháng, thương hiệu đồng hồ này đã thu về lượng truy cập Pinterest tăng gấp 12 lần và doanh số bán hàng là 11.000 lượt.
9. YETI – Chiến lược kể chuyện thương hiệu mộc mạc tạo nên “đế chế tỷ đô”
YETI là một trong những “người kể chuyện thương hiệu” và xây dựng cộng đồng thành công nhất. Chiến lược marketing của YETI không tập trung quảng cáo tính năng sản phẩm, thay vào đó, họ tìm cách kết nối cảm xúc của khách hàng. Đặc điểm của thương hiệu (brand’s ethos) là hòa mình vào thế giới tự nhiên, hoang dã; phiêu lưu và học hỏi từ những người khác. Và họ đã truyền tải những đặc điểm trên trở nên sống động với mục “Story” trên website hãng.
“Story” là kho tài nguyên video bao gồm những nội dung do khách hàng và những người hâm mộ của YETI tạo ra với hashtag #builtforthewild. Mục này cũng bao gồm cả những nội dung video ngắn do YETI tự sản xuất như series YouTube “YETI Presents”.
Những câu chuyện đều được kể một cách mộc mạc nhưng đủ để làm làm bất tính năng và đặc điểm thương hiệu.
Chẳng hạn như đoạn clip này, dù không có bất kỳ một lời giới thiệu hay quảng cáo nào từ nhãn hàng nhưng nó đã hoạt động hiệu quả khi chỉ đơn giản cho người xem thấy một chiếc thùng giữ nhiệt YETI thực sự được chế tạo cho “môi trường hoang dã”. Dù trải qua một vụ cháy thuyền nhưng lớp băng vẫn còn nguyên vẹn bên trong.
Chiến lược kể chuyện của YETI không chỉ khuyến khích người tiêu dùng mua hàng, mà nó còn giới thiệu và khẳng định giá trị và sứ mệnh của thương hiệu.
10. KitchenAid – Chiến lược nội dung video sáng tạo
Với hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu cùng với tỷ lệ tương tác đạt mức cao nhất trong các nền tảng mạng xã hội, TikTok đang thống trị thương mại xã hội. Nhận thấy điều này, KitchenAid đã triển khai chiến dịch #MadeWithKitchenAid trên TikTok. Chiến dịch này khuyến khích các đầu bếp nghiệp dư và chuyên nghiệp chia sẻ công thức nấu ăn mà họ đã thực hiện với các sản phẩm của KitchenAid.
Tại thời bài viết này được thực hiện, #MadeWithKitchenAid đã thu hút được 25 triệu lượt xem trên TikTok. Sau đó, hãng này đã nhanh chóng tận dụng các nội dung chia sẻ từ khách hàng của mình để xây dựng và củng cố lòng tin với khách hàng.
Cụ thể, họ đã biên soạn một số video hay nhất thành một “cuốn sách dạy nấu ăn” (cookbook) và đăng tải công khai trên chính website của mình. Nội dung “cuốn sách” được sắp xếp theo từng danh mục, và khách hàng có thể tìm kiếm nội dung mình cần một cách nhanh chóng qua các bộ lọc. Với cách tiếp cận này, KitchenAid đã thành công khích lệ khách hàng tìm và mua các sản phẩm của họ trên website. Vì vậy, có thể nói rằng đây chính là một ví dụ thương mại xã hội thành công.
Để tiếp cận thế hệ người tiêu dùng thời đại mới, không gì tốt hơn việc tiếp cận trên những nền tảng mạng xã hội mà họ dành nhiều thời gian nhất. Vì vậy, chiến lược thương mại xã hội ngày càng chứng minh sự vượt trội và hiệu quả hơn so với mô hình marketing truyền thống. Ori Agency hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm nhiều ý tưởng mới, sáng tạo cho chiến dịch thương mại xã hội của thương hiệu.
* Nguồn: Ori Marketing Agency