Giữ hồn nghệ thuật cho vải nhuộm Chàm

 “Áo chàm là áo chàm ơi

Người ở đây đó, để người thương nhau”

Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nhuộm Chàm vẫn giữ được nét tinh hoa văn hóa truyền thống, trở thành xu hướng của chất liệu bền vững của ngành thời trang và tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực.

BST Ký gửi người Mông vào tương lại của NTK Vũ Việt Hà

Đưa sắc Chàm lên sàn catwalk

Dệt vải Chàm vốn là một nghề truyền thống, tồn tại lâu đời, gắn liền với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc nước ta. Trải qua nhiều giai đoạn biến đổi thăng trầm của lịch sử, đến nay nghề dệt Chàm chỉ còn duy trì và phát triển ở quy mô nhỏ; trong hoạt động thường ngày của nhiều cộng đồng dân tộc: người Nùng, Thái, Tày, H’Mông, Mường, La Chí, Dao Họ,... Những tưởng nhuộm Chàm sẽ có nguy cơ mai một trước tốc độ phát triển nhanh của ngành công nghiệp thời trang, nhưng đến khi một số nhà thiết kế “mạnh dạn” đưa sắc Chàm lên sàn catwalk, dường như đã khơi gợi nhận thức cho các tín đồ thời trang về một loại vật liệu tự nhiên bền vững nhưng lại chưa được phát triển đúng với giá trị vốn có. 

BST độc đáo được biến tấu từ nhuộm Chàm của Kilomet 109

Thực tế, với khao khát bảo tồn, phát triển chất liệu Chàm tự nhiên thuần Việt, nhiều local brands tâm huyết đã ra đời cùng nhiều sản phẩm được biến tấu độc đáo, hiện đại hơn để phù hợp nhu cầu thị trường. Không còn giới hạn trên chất liệu vải lanh, sợi gai truyền thống, giờ đây nhuộm chàm còn được các nhà thiết kế ứng dụng đa dạng vào vải len, vải jean… Bởi khi thị trường ngày càng e ngại với thời trang nhanh, cùng với sự lên ngôi của bền vững, vải nhuộm Chàm của Việt Nam sẽ là lựa chọn độc bản, cùng nét đẹp cuốn hút lạ thường. 

Tỉ mỉ trong từng công đoạn

Giai đoạn làm cao Chàm thủ công (Ảnh: Nic Shonfeld)

Xanh thẳm như màu của núi rừng, sắc Chàm cứ thế gắn liền với đời sống thường nhật, với văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc. Để có một tấm vải Chàm là cả một quá trình thủ công tỉ mỉ, thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ. Vì không có tính công nghiệp và được triển khai ở quy mô rộng nên mỗi tấm vải gần như là độc bản. Tùy từng vùng đồng bào dân tộc, sẽ có những cách thức nhuộm Chàm khác nhau, nhưng thường chia làm hai phương pháp là nhuộm nguội và nhuộm nóng. Nhuộm Chàm gồm 3 công đoạn chính: Làm cao chàm, nhuộm chàm và kiềm màu.

Giai đoạn 1: Làm cao chàm

  • Hái lá chàm và ngâm cùng nước sạch trong vòng 1 tuần. Khi chàm đã mục ruỗng hoàn toàn trong nước, tùy từng dân tộc mà họ gạn lọc giữ lại phần cao hay lấy nước cốt. Nếu như: người Thái, Dao hay Phàn Sình lấy phần nước cốt để làm cao chàm, thì người H’Mông và người Nùng An lại làm cao chàm từ phần bã sau khi ngâm.
Phơi vải Chàm (Ảnh: Tày Indigo)
  • Thêm vôi, thảo dược địa phương theo tỷ lệ, công thức riêng của từng vùng, để khô và thu cao chàm. Trong khi người H’Mông chuộng phương pháp nhuộm nguội nuôi vi sinh vật để tạo màu, thì các đồng bào khác hay dùng phương pháp nhuộm nóng sử dụng nước sôi, vôi để tạo thành cao tràm. Vì người Mông tin rằng nhuộm nguội mất nhiều thời gian (ủ men nuôi vi sinh từ 4-5 ngày) hơn nhưng cho kết quả màu bền đẹp hơn.

Giai đoạn 2: Nhuộm chàm

  • Người ta trộn cao chàm với tro bếp/ rượu tự nấu, hòa tan trong nước để được dung dịch ngâm. 
  • Ngâm vải vào trộn màu nhuộm. Quá trình trộn màu phải mất mấy ngày và lặp đi lặp lại để có được sắc độ phù hợp, đều màu rồi mới đem phơi khô.

Giai đoạn 3: Kiềm màu

  • Có những nơi, để màu chàm được bền hơn, sau khi nhuộm, áo sẽ được kiềm màu bằng cách ngâm nước giấm qua đêm hoặc luộc với tro bếp.

Hồi sinh bản sắc chất liệu “xanh” bền vững

Xưởng nhuộm chàm hiện đại của Kiiro

Tại sao vải Chàm từng bị lãng quên, bị “gắn mác” là chất liệu không thời thượng trong thời trang? Có phải do các thiết kế mang đậm đặc trưng văn hóa và chưa có tính ứng dụng cao. Để hồi sinh loại “chất liệu xanh” tự nhiên này, có lẽ đòi hỏi nhiều công sức và tâm huyết hơn về mặt mẫu mã của các brands, của nhà thiết kế.

Cuối năm 2022, giới thời trang được mãn nhãn trước BST Ký gửi người Mông vào tương lai của NTK Vũ Việt Hà tại Aquafina Vietnam Fashion Week. Trên nền chất liệu hiện đại cùng những thiết kế táo bạo, NTK tài hoa này đã đưa vẻ đẹp của nhuộm Chàm lên một tầm cao mới. Trong khi đó, trong mộ sự kiện của ngành dệt may, NTK Quang Hòa đã cho ra mắt BST Connectivity trên nền chất liệu Jean nhuộm Chàm. Những thiết kế phá cách bằng đường chỉ đột tay cùng họa tiết đính cườm tinh tế như sự kết nối giữa văn hóa truyền thống và hiện đại. Tất cả như đã kéo gần khoảng cách của vải Chàm với tín đồ thời trang trong nước.

Kimino màu Chàm

Đặc biệt, các local brands Việt đang ngày một khẳng định dấu ấn riêng của thương hiệu qua chất liệu vải Chàm. Nếu như Indigo Store biến tấu bằng những họa văn thủ công lạ mắt, đậm chất cá tính, thì thương Kiiro (Kimono Ơi) khéo léo kết hợp văn hóa Nhật Bản trên nền vải nhuộm Chàm để cho ra đời những sản phẩm Kimono, art decore độc đáo.

Không gian nghệ thuật được trang trí bằng họa tiết độc đáo trên vải Chàm

Bên cạnh ngành thời trang, hiện nay nhuộm Chàm còn được ứng dụng cao trong việc sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất… Với mong muốn “Đi tìm sự nguyên bản” năm 2019 Pizza 4P’s phối hợp với Indigo Store thiết kế không gian của thương hiệu tại Đà Nẵng với bức tường nhuộm Chàm và những tấm rèm bằng vải Chàm.

Với tính bền vững cao và ứng dụng rộng rãi, ngày càng nhiều người thương mến nét đẹp của vải Chàm, và như thể sắc Chàm chẳng bao giờ phai nhạt theo dòng chảy cuộc sống. 

Việc gìn giữ và phát huy nghề truyền thống nhuộm Chàm không chỉ khẳng định giá trị, bảo tồn nét đẹp văn hóa nghề truyền thống, mà còn phát huy tiềm năng của một chất liệu xanh bền vững mang đậm bản sắc Việt.

Bức tường nhuộm Chàm cùng những tấm rèm vải Chàm của Pizza 4P’s

Nguồn: Như Hạnh

Hình: Fanpage/ website brands