Doanh nghiệp đang đối mặt với những thách thức nào trong quản trị kênh phân phối?
Ngành kinh doanh phân phối bán buôn đang thay đổi và cạnh tranh hơn bao giờ hết khi sự bùng nổ về thương mại điện tử, số hóa dần hình thành trong hành trình mua sắm của người tiêu dùng. Đại dịch COVID-19 xuất hiện cũng là lúc thị trường trực tuyến lên ngôi, người tiêu dùng cũng thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi này. Vai trò chuyên biệt mà các nhà phân phối từng thực hiện đang bị sứt mẻ dần trong bối cảnh mới.
Do vậy, các nhà quản trị cần phải thích nghi và hoạt động hiệu quả hơn. Hoặc trong vài năm nữa, họ sẽ thấy một phần lớn doanh thu bị mất đi do tác động của những khó khăn trên. Về mặt hoạt động, có 8 thách thức chính trong quản trị kênh phân phối mà các nhà phân phối hiện đại phải giải quyết nếu muốn duy trì hoạt động thời gian tới.
Thách thức 1: Quản lý hàng tồn kho
Quản lý hàng tồn kho luôn là thách thức cho các nhà quản trị phân phối.
Để cạnh tranh trong thời đại thương mại điện tử, các nhà phân phối hiện đại cần phải có đầy đủ thông tin về hàng hóa hiển thị theo thời gian thực, từ đầu đến cuối về lượng hàng tồn kho, chuỗi cung ứng sản xuất và hậu cần. Nhân viên kho cần biết chính xác về kho hàng, chẳng hạn như hàng nằm ở vị trí nào, còn bao nhiêu và khi nào cần đặt hàng lại... Để kiểm soát tốt thì phương pháp quản lý truyền thống là chưa đủ, nhất là kiểm soát tình trạng hàng hóa trong kho chi tiết theo từng lot number, serial number, từ nhập kho cho đến xuất kho.
Thách thức 2: Thiếu dữ liệu và công cụ phân tích về khách hàng
Dữ liệu người dùng là chìa khóa để các nhà bán lẻ có thể hiểu được thói quen mua hàng và cung cấp dịch vụ mua sắm được cá nhân hóa dựa trên những thông tin đã thu thập. Khi chuyển đổi số trở thành xu hướng, doanh nghiệp cần một công cụ mạnh mẽ giúp thu thập, quản lý, hợp nhất dữ liệu khách hàng hiệu quả hơn. Ngày nay, việc thu thập, hợp nhất dữ liệu dần trở nên phức tạp, tốn kém, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thấu hiểu khách hàng của mình.
Mặt khác, một số doanh nghiệp đã có được dữ liệu nhưng không có công cụ hỗ trợ trong việc phân tích dẫn đến hiệu quả không cao trong các chiến lược phát triển kinh doanh và nguy cơ bị mất khách hàng vào tay đối thủ.
Ngoài ra, chất lượng dữ liệu là rất quan trọng. Một số doanh nghiệp không chịu đầu tư vào việc nghiên cứu thị trường mà tận dụng các nguồn không rõ từ trên mạng xã hội, dẫn đến tiếp cận không đúng đối tượng, khiến nhiều khách hàng bị làm phiền bởi các thông tin không phù hợp.
Thách thức 3: Áp lực cạnh tranh về giá
Trong tất cả các ngành công nghiệp cạnh tranh về giá vẫn đóng vai trò trung tâm, chịu tác động và sức ép từ lực lượng bán lẻ. Điều này thường do những tác nhân mới xuất hiện hay các đối thủ cạnh tranh.
Trước đây, hoạt động phân phối rất đơn giản, các nhà bán lẻ quan tâm nhiều đến việc xây thêm kho hàng hơn là quan tâm đến lợi nhuận cận biên. Khi đó, thị trường đang trong giai đoạn tăng trưởng. Ngày nay, khi hầu hết các thị trường đều bước vào giai đoạn bão hòa thì số tiền dành cho tiếp thị và các hoạt động xúc tiến bán hàng càng lúc càng nhiều hơn. Điều này trái ngược với điều cơ bản trong kinh doanh, rằng nhân tố thiết yếu để đạt được sự thành công là duy trì mức chi phí thấp.
Thách thức 4: Thương mại điện tử
Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu cho quản trị kênh phân phối. Các nhà phân phối hiện đại đã bắt đầu triển khai bán hàng trực tuyến để tránh việc xói mòn về doanh thu. Nhu cầu về các tùy chọn thương mại điện tử này là cần thiết để tạo điều kiện cho việc mua hàng trở nên dễ dàng hơn cho các khách hàng hiện tại trong chuỗi, nhất là những khách hàng vốn đã quen với việc đặt hàng trực tuyến.
Bán và nhận đơn đặt hàng trực tuyến thông qua các nền tảng thương mại điện tử là một lĩnh vực mới đối với một số nhà phân phối, có nghĩa là họ cần sự hiện diện sản phẩm trên website lớn hơn và các hệ thống phụ trợ có thể kết nối với các nền tảng và thị trường bán hàng trên đám mây.
Thách thức 5: Lỗi vận chuyển và trả hàng
Dịch vụ khách hàng luôn luôn quan trọng. Đặc biệt là với thương mại điện tử và sự cạnh tranh chỉ cách nhau vài cú nhấp chuột, dịch vụ khách hàng tốt đang trở thành điểm khác biệt chính cho các nhà phân phối hiện đại. Việc lấp đầy chính xác các đơn đặt hàng của khách hàng là nền tảng cho sự thành công của dịch vụ khách hàng đối với các nhà quản trị phân phối. Trong đó, giảm thiểu sai sót khi vận chuyển và tỷ lệ trả hàng thấp là chìa khóa quan trọng.
Một lần nữa, điều này quay trở lại độ chính xác của hàng tồn kho và hậu cần. Các nhà phân phối hiện đại đang chuyển đổi doanh nghiệp của họ thông qua chuyển đổi kỹ thuật số bao gồm một hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) mạnh mẽ và một hệ thống WMS (Warehouse management system) vững chắc.
Thách thức 6: Rủi ro bảo mật thông tin
Với sự gia tăng của việc mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng ngày càng lo ngại về cách dữ liệu của họ đang được sử dụng. Do vậy, vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân vẫn là một trong những kỳ vọng chính của hầu hết người tiêu dùng đối với các nhà bán lẻ. Các nhà bán lẻ cần đảm bảo rằng những người truy cập vào trang web thương mại điện tử của họ đã được xác thực để ngăn chặn kẻ xấu truy cập vào dữ liệu bí mật của khách hàng, bao gồm chi tiết các thẻ tín dụng hoặc gửi email lừa đảo, giả mạo nhà bán lẻ đến khách hàng.
Ngay cả trong các cửa hàng vật lý, những tiến bộ công nghệ – mua sắm không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc – cũng khiến các nhà bán lẻ không chỉ đối mặt với những thách thức trong việc triển khai các phương thức mua sắm mới, mà còn phải tăng cường giám sát và duy trì an ninh công cộng. Tất cả những điều trên, cùng với việc thiếu nhân lực CNTT trình độ cao để hỗ trợ các cơ sở mới tại cửa hàng, đã làm tăng thêm tính phức tạp cũng như chi phí và rút ngắn biên lợi nhuận.
Thách thức 7: Hệ thống báo cáo chậm và lỗi thời
Những hệ thống báo cáo đã lỗi thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản trị kênh phân phối.
Quá nhiều hàng tồn kho sẽ làm giảm dòng tiền và tăng nguy cơ tồn kho không bán được, nhưng tình trạng quá ít hàng tồn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thách thức kinh điển này đối với các nhà phân phối đã trở nên khó khăn hơn bởi kỳ vọng vận chuyển nhanh hơn từ khách hàng, nhiều loại sản phẩm phải được giữ trong kho và chu kỳ bán hàng cũng thay đổi nhiều hơn.
Do đó, khả năng hiển thị kinh doanh và dự báo chính xác là cực kỳ quan trọng đối với nhà phân phối hiện đại. Các nhà quản trị hiểu biết đang rời xa các báo cáo theo chu kỳ và thay vào đó là ứng dụng báo cáo theo thời gian thực để nắm bắt những gì đang diễn ra với doanh nghiệp trong thời điểm này thay vì tại một thời điểm trong quá khứ. Điều này góp phần làm tăng độ chính xác của dự báo về lượng hàng đang có trong kho.
Thách thức 8: Hệ thống CNTT lỗi thời và hay bị ngắt kết nối
Không có thách thức nào trong số bảy thách thức trên có thể được giải quyết đúng cách với các hệ thống CNTT lỗi thời, đây có lẽ là thách thức lớn nhất mà các nhà phân phối phải đối mặt ngày nay. Các hệ thống CNTT cũ rất chậm và gặp khó khăn khi kết nối với các nền tảng thương mại điện tử. Do đó, hệ thống CNTT đối tác như nhà sản xuất và các giải pháp phần mềm đám mây hiện đại đang ngày càng trở nên quan trọng đối với mọi doanh nghiệp.
Các nhà quản trị phân phối hiện đại đang chuyển hệ thống CNTT của họ lên đám mây, một bước quan trọng giúp loại bỏ nhu cầu nâng cấp và đảm bảo kết nối luôn hoạt động và luôn hiện đại hóa ngay cả khi xu hướng kinh doanh tiếp tục thay đổi. Và tất nhiên, đây không phải là những thách thức duy nhất mà các nhà phân phối hiện đại phải đối mặt.
* Nguồn: Zen Office