Sau một tuần ra mắt, 70% người dùng mạng xã hội tuyên bố sẵn sàng trải nghiệm YouTube Premium

Sau một tuần ra mắt, 70% người dùng mạng xã hội tuyên bố sẵn sàng trải nghiệm YouTube Premium

Sau 1 tuần chính thức ra mắt tại Việt Nam, YouTube Premium đã thu hút hơn 143,804 lượt tương tác, gần 900 bài đăng và 27,000 lượt thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội. Người dùng mạng xã hội đang phản ứng ra sao với YouTube Premium và liệu người dùng Việt Nam đã sẵn sàng chi trả cho YouTube Premium hay chưa? 

+18,000 người thảo luận về YouTube Premium sau một tuần ra mắt, đứng thứ #6 các tin tức được quan tâm nhất mạng xã hội  

YouNet Media – công ty chuyên về nền tảng và dịch vụ phân tích dữ liệu mạng xã hội (MXH) – ghi nhận từ ngày 10/04/2023 đến 17/04/2023 trên các nền tảng MXH có 27,680 lượt thảo luận (mentions) cùng 143,804 lượt tương tác (interactions) đến từ gần 18,478 người về chủ đề YouTube Premium. 

Đây là một làn sóng phản ứng rất tích cực, đặc biệt trong bối cảnh YouTube không có động thái quảng cáo quá rầm rộ cho sự kiện này.

Hàng loạt bài đăng chia sẻ về “Xem YouTube không quảng cáo chỉ từ 49,000 đồng”, “YouTube Premium chính thức về Việt Nam vào sáng nay”, “Lời khuyên khi mua YouTube Premium” đến từ các diễn đàn công nghệ (Voz.vn, Tinhte.vn, otofun.net, J2TEAM Community, Group Tinh tế; Cùng chơi Công nghệ…); Hot Community Page (Theanh28 Express, Insight mất lòng, Beatvn, Cuộc Sống Agency…); influencer (Nguyễn Ngọc Duy Luân, Tuấn Tiền Tỉ…) đã giúp YouTube Premium trở thành chủ đề về công nghệ nóng nhất MXH. 

Đây đều là những nơi tập hợp những “early adopters” (người đón đầu xu hướng về công nghệ, giải trí) đang ngóng chờ trải nghiệm của YouTube Premium.

Vậy cụ thể người dùng MXH đã có những phản ứng gì?

70% thảo luận thể hiện mong muốn trải nghiệm YouTube Premium, 25% tiếp tục dùng miễn phí & 5% chuyển qua nền tảng MXH khác

Chỉ sau 1 tuần ra mắt chính thức, theo YouNet Media ghi nhận, trong 27,680 lượt thảo luận về YouTube Premium, có 16,608 thảo luận thể hiện cụ thể quan điểm yêu/ ghét về dịch vụ mới này.

Trong đó, có tới 70% thảo luận cho thấy mong muốn chi trả để trải nghiệm YouTube Premium. Đặc biệt, nhiều người dùng cho biết mức giá siêu tiết kiệm của gói Family (29,000 VNĐ/tháng/người) đã giúp thúc đẩy mong muốn trải nghiệm YouTube Premium của họ. 

Nổi bật trong các thảo luận, nhiều người dùng cho biết họ đang phải dùng các phần mềm chặn quảng cáo hoặc mua “chui” tài khoản từ nước ngoài nên khi YouTube Premium có mặt tại Việt Nam thì nhóm người dùng này sẵn sàng “mua luôn không cần nghĩ”. 

Ngay cả với gói cá nhân 79,000 đồng/tháng, nhiều người dùng vẫn cho là mức giá hợp lý và hưởng ứng tích cực với các nội dung chia sẻ như “Chi phí tài khoản YouTube Premium tại thị trường Việt Nam đang trong nhóm rẻ nhất thế giới”. Nhóm chưa từng sử dụng YouTube Premium trước đó cũng rất hào hứng để trải nghiệm miễn phí 1 tháng đầu tiên và khám phá YouTube Music (tính năng đi kèm khi mua YouTube Premium).    

Bên cạnh đó, vẫn có 25% thảo luận trên mạng xã hội cho biết chỉ muốn dùng YouTube miễn phí. Các thảo luận này thẳng thắn chia sẻ quan điểm vì họ đã có thói quen sử dụng YouTube miễn phí hoặc họ đã có sẵn giải pháp thay thế, nên sẽ tiếp tục sử dụng mà không cần trả tiền. Mức giá 79,000 VNĐ/tháng đối với nhóm này là một rào cản để sử dụng. 

Thiểu số có 5% thảo luận phản đối YouTube Premium và cho biết sẽ chuyển qua nền tảng MXH khác. Nhóm người dùng này phản đối với việc YouTube đã không kiểm duyệt nội dung quảng cáo, đặc biệt là nhóm quảng cáo thuốc “Nhà tôi ba đời”.  

YouTube Music – chìa khóa hấp dẫn người dùng Việt Nam trải nghiệm YouTube Premium  

YouTube Premium mang lại cho người dùng các trải nghiệm bao gồm không xem quảng cáo, chất lượng video cao, tải video & nghe offline, chạy nền & quyền sử dụng YouTube Music. Trong các tính năng trên, YouTube Music chính là “cơn sốt” thu hút phần đông người dùng.

Trong 27 nghìn lượt thảo luận, 32% thảo luận có liên quan trực tiếp tới YouTube Music.

Phần đông thảo luận (chiếm 46%) đặc biệt đánh giá cao kho nhạc đáp ứng được mọi thị hiếu nghe nhạc người Việt” của YouTube Music. “Xài ổn” (chiếm 42% thảo luận), “Giao diện đẹp, trực quan, dễ sử dụng” (chiếm 7% thảo luận), “Đồng bộ được nhiều thiết bị” (chiếm 5% thảo luận) là những phản hồi tích cực của cộng đồng về YouTube Music. 

Mặt khác, điểm trừ lớn nhất của YouTube Music theo cộng đồng MXH là “chất lượng nhạc không cao khi so với một số dịch vụ tương tự”. 

Dù không cạnh tranh trực tiếp với Spotify nhưng YouTube Music đang có nhiều lợi thế (những lợi thế độc quyền của các nền tảng âm nhạc hàng đầu) khá hấp dẫn, giúp gia tăng động lực trải nghiệm YouTube Premium và tạo ra sức ép cạnh tranh gián tiếp với Spotify. 

Các nhãn hàng quảng cáo trên YouTube bị ảnh hưởng thế nào khi phần đông người dùng sẵn sàng mua YouTube Premium? 

Theo We Are Social, tháng 1/2023, Việt Nam đứng thứ 9 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ về lượng người xem YouTube với tổng cộng khoảng 63 triệu người. Trong đó, nếu các nhãn hàng nhắm đến nhóm khán giả độ tuổi từ 18 trở lên, quảng cáo của họ có thể tiếp cận được đến 68.9% lượng người xem, tức 43.4 triệu người ở Việt Nam. Vì vậy, YouTube thời gian qua là một kênh quảng cáo và tiếp cận khách hàng hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp.

Ông Lucas Phạm, Managing Director của Mango Digital – công ty chuyên tư vấn và thực thi truyền thông sáng tạo cho các thương hiệu lớn tại Việt Nam, cho biết việc YouTube Premium ra mắt với chi phí rất rẻ dự báo sẽ gián tiếp làm giảm độ phủ của quảng cáo và gia tăng chi phí đầu tư cho quảng cáo của các nhãn hàng tại Việt Nam.

Xếp hạng phạm vi quảng cáo trên YouTube theo Quốc Gia – Digital 2023 Global Overview Report.
Nguồn: We Are Social  

Ông Lucas Phạm giải thích thêm: “Chỉ cần khoảng 40% lượng khách hàng tiềm năng mua tài khoản YouTube Premium, thì việc tiếp cận với 60% khách hàng còn lại sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều hơn vì chi phí quảng cáo tăng, đặc biệt nếu có nhiều nhãn hàng cùng muốn tiếp cận nhóm này.

Vì vậy, nhãn hàng nên sẵn sàng cho các giải pháp khác như tài trợ trực tiếp các chương trình giải trí hoặc người nổi tiếng. Ví dụ, tài trợ cho MV ca sĩ, gameshow, các chương trình truyền hình thực tế để đưa thông điệp nhãn hàng trực tiếp vào nội dung. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện một cách sáng tạo, khéo léo cùng một chiến lược đầu tư dài hơi để tránh gây phản cảm cho người xem cũng như giúp thương hiệu phát triển trong dài hạn”.

Qua thực tế tư vấn, Mango Digital cũng nhận thấy nhiều nhãn hàng hiện nay quan tâm đến việc tạo kênh YouTube riêng để chủ động sản xuất nội dung phù hợp với tinh thần thương hiệu và thu hút khán giả thường xuyên quay lại. Thương hiệu sữa X là một ví dụ điển hình khi họ xây dựng một loạt series phim hoạt hình để giới thiệu sản phẩm. Kênh đã thu hút được hơn 1.3 triệu người đăng ký theo dõi, phát sóng đều đặn và lồng ghép sản phẩm vào kịch bản để truyền tải thông điệp quảng cáo một cách tự nhiên.

Điều này đòi hỏi nhãn hàng cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo nội dung, có chiến lược xây dựng kênh dài hạn dựa trên việc nghiên cứu am hiểu của người dùng trên nền tảng để hiểu rõ hơn về xu hướng và giới hạn của khán giả. Việc này sẽ giúp nhãn hàng giảm thiểu chi phí quảng cáo trả cho YouTube. 

Disclaimer: Những phân tích trong bài viết đang phản ánh lại phản ứng đầu tiên của người dùng, đặc biệt là nhóm người dùng “early adopters” đối với YouTube Premium tại Việt Nam.