The Outbox Company: Hiệu quả hoạt động du lịch tại Đông Nam Á – Cập nhật tháng 2/2023
Dựa trên số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch các nước Đông Nam Á trong tháng 1, ngành du lịch của các quốc gia trong khu vực vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, các tín hiệu tích cực đã được ghi nhận. Dễ thấy nhất là tỷ lệ phục hồi du lịch đều đạt trên 50% so với năm 2019.
Trong tháng 2/2023, các nước vẫn chưa có sự bứt phá nào so với tháng trước đó khi lượng khách quốc tế không có nhiều thay đổi.
Lượng khách quốc tế không thay đổi đáng kể
Tổng lượng khách quốc tế đến Đông Nam Á trong tháng 2 gần như không tăng trưởng so với tháng 1/2023. Chênh lệch về tổng lượng khách đến khu vực (thông qua 6 quốc gia) chỉ tăng hơn 55.000 lượt, tương đương 1%.
Thứ hạng chưa có sự thay đổi trong tháng 2. Thái Lan vẫn đang dẫn đầu với 2.113.550 lượt khách nước ngoài, thấp hơn trên 1% so với tháng 1, mặc dù tháng 2 là thời điểm Trung Quốc mở cửa lại du lịch quốc tế và Thái Lan được kỳ vọng là điểm đến hàng đầu của khách Trung Quốc trong giai đoạn mới mở cửa.
Theo sau Thái Lan lần lượt là Singapore, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Campuchia. Trong khi Thái Lan và Indonesia giảm nhẹ về lượng khách quốc tế so với tháng 1/2023, 4 quốc gia còn lại gia tăng nhẹ. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng lượng khách giữa tháng 1 và tháng 2 cao nhất – với mức tăng 61,8 nghìn lượt, tương đương 7%.
Nhìn chung, các quốc gia có mức tăng trưởng và giảm rất thấp, gần như không thay đổi so với tháng trước dù đang ở giữa mùa cao điểm khách quốc tế.
Chỉ số phục hồi và tỷ lệ đạt mục tiêu
Chỉ số phục hồi du lịch của các nước tương đối khả quan. Tuy nhiên, con số này phụ thuộc vào tình hình và quy mô ngành du lịch của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh tăng trưởng không có đột phá như hiện nay, con số này chỉ có ý nghĩa tham khảo. Campuchia là quốc gia có tỷ lệ phục hồi tốt nhất khu vực nhờ các chính sách cởi mở. Nhiều khả năng Campuchia sẽ tiếp tục duy trì tốt tỷ lệ này, đặc biệt là trong quý II khi tháng 5 tới, Campuchia sẽ đăng cai tổ chức SEA Games 32.
Hầu hết các quốc gia đều chỉ mới đạt đc 10-20% mục tiêu năm đã đề ra. Trong đó Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ đạt mục tiêu khách inbound cao nhất (22,55%). Hai nước đón nhiều khách inbound nhất Đông Nam Á gồm Thái Lan và Singapore có tỷ lệ đạt mục tiêu thấp nhất khu vực do sự chênh lệch lớn giữa tốc độ tăng trưởng với mục tiêu đề ra.
Các thông tin nổi bật
Top 3 điểm đến Đông Nam Á có số lượt khách quốc tế đến cao nhất tháng 2/2023:
- Thái Lan (2.113.550): Xứ sở Chùa Vàng còn cách mục tiêu rất xa (mới chỉ đạt 14,19%) và cần những nước cờ chiến lược mạnh mẽ hơn nữa để có thể “cán mốc” 30 triệu khách quốc tế.
- Singapore (957.840): Dù có lượt khách quốc tế cao nhưng tỷ lệ hoàn thành mục tiêu của Singapore đang ở mức thấp nhất khu vực Đông Nam Á (13,5%).
- Việt Nam (932.969): Tỷ lệ đạt mục tiêu khách quốc tế 2023 cao nhất trong khu vực.
Top 3 điểm đến Đông Nam Á có tỷ lệ phục hồi cao nhất tháng 2/2023:
- Campuchia: 72,72%
- Singapore: 63,86%
- Philippines: 60,77%
Tình hình hàng không tháng 3 không có nhiều sự thay đổi so với tháng trước. Indonesia vẫn là điểm đến có tổng lượng chỗ ngồi trên các chuyến bay đến và đi nhiều nhất khu vực (hơn 10 triệu chỗ). Tiếp theo là Thái Lan (6,3 triệu chỗ), Việt Nam (5,9 triệu), Philippines (4,388 triệu), Malaysia (4,383 triệu) và Singapore (2,8 triệu chỗ ngồi).
Trong tháng 3 vừa qua, đường bay nội địa bận rộn nhất Đông Nam Á vẫn là Hà Nội – TP.HCM của Việt Nam với 1.000.775 chỗ ngồi. Tuy nhiên, nhìn chung, có tới một nửa đường bay nội địa lớn nhất của Đông Nam Á là ở Indonesia.
Singapore vẫn chứng tỏ vai trò là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực khi 6/10 đường bay quốc tế bận rộn nhất tháng 2 đều có tên Singapore. Trong đó đường bay Kuala Lumpur – Singapore là tuyến đường bận rộn nhất (402.786 chỗ ngồi).
Tình hình du lịch quốc tế của khu vực nhìn chung không có nhiều diễn biến mới so với tháng trước. Các quốc gia hầu như không ghi nhận bất kỳ sự tăng trưởng nào đáng kể trong tháng 2/2023 mặc cho nhu cầu di chuyển hàng không nội địa và giữa các quốc gia trong khu vực vẫn ở mức chấp nhận.
Do đó, các quốc gia cần những nỗ lực tích cực hơn nữa, và tùy vào mục tiêu đã đề ra cần có những phương án chiến lược linh hoạt để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng khách trong thời gian còn lại của năm. Việc kỳ vọng quá mức vào sự trở lại ngay lập tức của thị trường Trung Quốc sẽ là con dao hai lưỡi với các quốc gia. Tháng 3 và tháng 4 có khả năng sẽ là thời điểm chứng kiến sự phân hóa về tốc độ tăng trưởng và chỉ số phục hồi của các quốc gia trong khu vực.
Xem thông tin đầy đủ tại đây.