Du học Marketing #11: Thuý-Vy Phạm @ National Tsing Hua University – “Làm nghiên cứu cũng cần được hướng nghiệp”

Du học Marketing #11: Thuý-Vy Phạm @ National Tsing Hua University – “Làm nghiên cứu cũng cần được hướng nghiệp”

“Càng đào sâu tìm hiểu khóa học Service Science and Sustainability của trường đại học Thanh Hoa, tôi tìm thấy ngay được chìa khóa cho các vấn đề mà bản thân đang gặp phải khi tư vấn cho các doanh nghiệp xã hội, hay lý giải cho những thắc mắc dang dở về đổi mới sáng tạo. Niềm yêu thích trong tôi bắt đầu được khơi dậy từ đấy”.

Đó là chia sẻ của cô Phạm Thanh Thuý Vy, hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm hai của viện Service Science, Đại học Quốc Lập Thanh Hoa, Đài Loan (National Tsing Hua University). Trước đó, cô là giảng viên tại Đại học Kinh tế TP. HCM và phụ trách các môn học của ngành Marketing và Kinh doanh Đổi mới Sáng tạo tại khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing. Bên cạnh công việc giảng dạy, cô còn là chuyên gia, cố vấn, tình nguyện viên chuyên môn trong nhiều hoạt động xã hội, phát triển cộng đồng của doanh nghiệp xã hội, và một số chương trình phi lợi nhuận tại khu vực miền Nam Việt Nam.

Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng và cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing. 

* Với kiến thức và kinh nghiệm làm việc trong ngành Marketing, đâu là thời khắc hoặc lý do mang tính bước ngoặt để cô quyết định du học bậc tiến sĩ nghiên cứu thiên về Social Innovation, Social Marketing/ Behavior Change, Digital Society và Digital Media & Communication?

Thú thật, không có thời khắc hay bước ngoặt nào dẫn đến quyết định đi du học của tôi đâu. Dự định học tiến sĩ luôn nằm trên hành trình học tập của tôi. Tôi luôn biết là có một ngày mình sẽ đi học, chỉ là thời điểm đi học lần này tôi cần sắp xếp nhiều thứ nên thời gian chuẩn bị dài hơn dự kiến.

Tính từ tiểu học đến nay đã hơn 30 năm, có thể nói, tôi chưa từng ngừng học, thậm chí là chưa từng rời trường học. Vì sau khi tốt nghiệp, tôi tiếp tục ở lại trường làm trợ giảng rồi trở thành giảng viên và vẫn học “bán thời gian” trong giai đoạn làm việc tại trường đại học. 

Du học Marketing #11: Thuý-Vy Phạm @ National Tsing Hua University – “Làm nghiên cứu cũng cần được hướng nghiệp”

Phạm Thanh Thuý Vy, nghiên cứu sinh tiến sĩ năm 2 của viện Service Science, Đại học Quốc Lập Thanh Hoa

Đối với tôi, học là quá trình giúp định vị bản thân để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”, và hướng nghiệp bản thân bằng cách tự giải đáp câu hỏi “Tôi sẽ trở thành gì và tôi làm gì để đạt được điều đó?”. Hơn nữa, với mức độ yêu thích đi học cao như vậy, tôi nhận thấy môi trường đại học là nơi mình được thúc đẩy và vẫy vùng với đam mê học thuật nhiều nhất.

Tôi yêu cảm giác nạp vào những điều mới mẻ và sau đó ứng dụng chúng vào chính cuộc sống, công việc của mình. Ngược lại, tôi cũng đem những kết quả từ trải nghiệm thực tế vào quá trình học tập. Tôi nhận thấy càng học, tôi càng tự do phát triển và trưởng thành hơn rất nhiều.

* Những mục tiêu, mong đợi cho giai đoạn học tiến sĩ là gì?

Đây cũng là câu hỏi đặc trưng của buổi phỏng vấn đầu vào tiến sĩ. Bạn yên tâm, câu trả lời của tôi không giống những câu trả lời mẫu đâu (cười). 

Gần 30 năm học tập, tôi nhận ra rằng kỹ năng học cao nhất là khi có thể nghiên cứu độc lập và tìm ra kiến thức mới. Đây cũng là nhóm kỹ năng tôi còn khá yếu. 

Đúng là việc giảng dạy tại trường giúp tôi rèn luyện khả năng tự học rất nhiều nhưng để có thể tự nghiên cứu thì tôi vẫn còn nhiều thiếu sót. Kể cả khi sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực marketing và va chạm nhiều thể loại báo cáo, nghiên cứu khác nhau, tôi chỉ có thể đọc hiểu chứ chưa thực sự nắm được cốt lõi của chúng. Việc thiếu kỹ năng nghiên cứu đã hạn chế khả năng tự học của bản thân tôi cũng như những công việc liên quan tới giảng dạy, tư vấn, hoạt động đổi mới sáng tạo trong cộng đồng… 

Theo đó, tôi kỳ vọng khoá học mà mình chọn có thể giúp tôi làm chủ được khả năng nghiên cứu và trở thành học giả trong tương lai. Ít nhất, chương trình tiến sĩ sẽ giúp tôi cải thiện 5 yếu tố gồm: (1) tư duy của người làm nghiên cứu; (2) khả năng và quy trình thiết kế một nghiên cứu; (3) kỹ thuật phân tích; (4) kỹ năng trình bày; (5) networking trong cộng đồng khoa học chuyên nghiệp.

Trong số 5 điều kể trên, tư duy là yếu tố quan trọng nhất và khó cải thiện nhất. Tôi nhận ra rằng nếu chỉ lặp đi lặp lại một việc ở trình độ thấp sẽ không thể nào giúp mình tiến lên trình độ cao hơn được. Vì vậy, tôi mong đợi sẽ được hướng dẫn và trải nghiệm những thách thức cao hơn trong kỳ học này. Từ đó trau dồi thêm nhiều kiến thức, rèn giũa kỹ năng mềm và cứng để trở thành một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.

* Cô có thể chia sẻ những yếu tố khiến cô quyết định chọn theo học bậc tiến sĩ tại Institute of Service Science, Đại học Quốc lập Thanh Hoa?

Lý do lớn nhất và xuất phát từ tận đáy lòng là do bản thân thực sự yêu thích. Tôi và đồng nghiệp thường hay nói đùa với nhau rằng việc chọn chương trình tiến sĩ cũng là lần cuối được đi học toàn thời gian đúng nghĩa. Chính vì cơ hội học full-time không dễ có được với những sinh viên “lớn tuổi”, nên tôi quyết tâm chọn ngành học mà bản thân thật sự thích. 

Để bạn đọc có cái nhìn khách quan hơn, tôi sẽ chia sẻ 3 ấn tượng đầu tiên của bản thân về chương trình học Institute of Service Science tại Đại học Quốc lập Thanh Hoa.

Tôi nhận ra rằng kỹ năng học cao nhất là khi có thể nghiên cứu độc lập và tìm ra kiến thức mới.

Ấn tượng thứ nhất là sự phù hợp về mục tiêu học tập. Sau khi được đồng nghiệp giới thiệu, tôi tra cứu khoá học Service Science nghe thật lạ lẫm ấy và tìm được khoá học Service Science and Sustainability trên FutureLearn của Đại học Quốc lập Thanh Hoa Đài Loan. Càng đào sâu tìm hiểu, tôi nhận thấy chương trình chính là chìa khóa cho các vấn đề mà bản thân đang gặp phải khi tư vấn cho các doanh nghiệp xã hội, hay lý giải cho những thắc mắc dang dở về đổi mới sáng tạo. Niềm yêu thích trong tôi bắt đầu được khơi dậy từ đấy.

Ấn tượng thứ hai là vị giáo sư kiêm người sáng lập nên viện Service Science. Thầy là một học giả, nhà nghiên cứu với phong cách sống và làm việc dựa trên sự gắn kết với cộng đồng. Nghĩa là khi làm nghiên cứu, thầy luôn “dấn thân” vào cộng đồng để quan sát, tương tác rồi xây dựng chương trình đóng góp phát triển cộng đồng đó. Ví dụ, thầy đã cùng học trò dành ra 4 năm liên tiếp quan sát hoạt động của chợ Dongmen và cộng đồng để phát triển một chương trình cải thiện, hồi sinh khu chợ truyền thống đang bị “chết dần” thành khu chợ trung tâm văn hóa phức hợp. Khi thực hiện những công trình truyền cảm hứng ấy, thầy có thể thực hiện nghiên cứu khám phá, phát triển thành những lý thuyết mới, tri thức mới để công bố trong cộng đồng hàn lâm. Dần dà, tôi trở thành “fan” của thầy và mường tượng đến cuộc sống tiến sĩ sẽ thú vị biết mấy khi có người thầy hướng dẫn như vậy.

Ấn tượng thứ ba là trường học và khoa Service Science tập trung nhiều con người giống tôi đến lạ. Khi đọc thông tin các sinh viên khác trên website trường, tôi nhận thấy một điểm chung là mỗi người đều có ít nhất 2 sở thích và 2 chuyên môn khác nhau. Chẳng hạn như có người học về IT và giáo dục, người chọn theo đuổi marketing và tâm lý học… Bản thân tôi cũng như thế, tôi thích đặt mình ở vị trí nằm giữa nhiều chuyên môn. Nó giống như việc bạn trộn nhiều màu khác nhau và tạo nên một màu sắc lạ mắt, thú vị vậy. Sự phù hợp của chương trình học với tính cách bản thân đã khiến tôi thêm “phải lòng” với Service Science.

Tuy nhiên, không để con tim làm lu mờ lý trí, tôi tiếp tục phân tích thêm nhiều khía cạnh khác về Đại học Quốc lập Thanh Hoa và thu được thêm những điểm cộng khác như mức học bổng thuộc hàng cao nhất tại thời điểm ấy; chương trình học 100% dạy bằng tiếng Anh; hồ sơ của các giáo sư đều chất lượng; bộ phận hỗ trợ du học sinh nhiệt tình…

Điểm thú vị là khi đã đặt chân sang Đài Loan, tôi phát hiện danh sách yêu thích của mình thêm dài. Tôi nghĩ đấy chính là dấu hiệu của một sự lựa chọn đúng.

Du học Marketing #11: Thuý-Vy Phạm @ National Tsing Hua University – “Làm nghiên cứu cũng cần được hướng nghiệp”

Nhận thấy khoá học Service Science là chìa khóa cho các vấn đề mà bản thân đang gặp phải khi tư vấn cho các doanh nghiệp xã hội, hay lý giải cho những thắc mắc dang dở về đổi mới sáng tạo.

* Cô có thể chia sẻ thêm về quá trình đăng ký xét tuyển và những trải nghiệm đáng nhớ trong quá trình này?

Có 3 ưu điểm về khâu đăng ký của Đại học Quốc lập Thanh Hoa sẽ giúp các bạn du học sinh yên tâm hơn khi chuẩn bị.

Một là khâu đăng ký được tổ chức một cách rõ ràng, khoa học.

Hai là thông tin trên hệ thống website trường đều là tiếng Anh.

Ba là bộ phận hỗ trợ nhiệt thành, trả lời email trong vòng 24 giờ với đầy đủ thông tin cần thiết. Những hướng dẫn họ đưa ra đều rất chi tiết và dễ hiểu, phần nào giúp du học sinh cảm thấy bớt cô đơn trên con đường nộp hồ sơ đầy chông gai này.

Đặc biệt với ngành Service Science tại Đại học Quốc lập Thanh Hoa, lượng giấy tờ cho bộ hồ sơ đạt chuẩn là vô cùng nhiều. Tôi nhận xét đây là một trong những bộ hồ sơ tốn nhiều công sức nhất mà tôi từng chuẩn bị với hai form, và mỗi form gồm 8 câu hỏi đơn giản. Tuy vậy, từng câu trả lời có độ dài tương đương với một bài luận. Tôi đã phải suy nghĩ thận trọng sao cho câu trả lời của mình trở nên nổi bật, thể hiện những tính cách đặc trưng của bản thân, đậm tính chân thật và đắt giá.

Bộ hồ sơ đạt chuẩn gồm 2 form, mỗi form có 8 câu hỏi, và độ dài từng câu trả lời tương đương với một bài luận.

Điều thú vị thực sự xảy ra khi bạn đậu vòng hồ sơ và tham gia phỏng vấn cùng Hội đồng Giám đốc chương trình học và hai giáo sư của khoa. Có thể ngầm hiểu đây là lúc Hội đồng xác thực những thông tin mà bạn chia sẻ. Chính vì thế, lời khuyên của tôi là bạn đừng nên “chém gió” vì sẽ khiến cho buổi trò chuyện đi vào ngõ cụt. Đối với tôi, thật may mắn khi buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ.

Chung quy, dựa trên kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ rằng những ai có dự định học tập tại Đại học Quốc lập Thanh Hoa nên trả lời được câu hỏi “Bạn là ai và bạn muốn gì?” và chia sẻ chúng trong buổi phỏng vấn. Điểm cốt lõi nhà trường cần biết là sự tương thích giữa điều bạn muốn và điều họ có để đưa ra quyết định hoặc sự hỗ trợ phù hợp.

* Vì sao cô chọn học ngành Service Science tại Đại học Quốc lập Thanh Hoa - một ngành học có vẻ không liên quan nhiều đến kinh nghiệm và kiến thức marketing? Và đâu là những điểm mà cô cảm thấy thú vị ở chương trình này?

Trước khi nói về chương trình học, tôi sẽ nói sơ lược về Service Science.

Ở góc độ của một người có nền tảng làm marketing, tôi luôn nhìn marketing ở một nghĩa và tầm nhìn rộng hơn là chỉ nhìn vào một sản phẩm và đầu ra của quá trình sản xuất. 

Thực chất, giá trị mà thương hiệu trao đổi với người tiêu dùng xuất hiện từ thời điểm thương hiệu phát hiện một nhu cầu của khách hàng, đến khâu lên concept sản phẩm, rồi nhiều bộ phận cùng nhau đóng gói “giá trị” và chuyển giao đến người tiêu dùng. Nếu họ mua mà không sử dụng hay sử dụng không đúng cách, thì sản phẩm ấy chưa tạo ra giá trị. Vì lẽ đó, người tiêu dùng cũng là nhân tố hợp tác để đồng tạo giá trị cho sản phẩm và thương hiệu.

Với người học có nền tảng làm marketing, bạn cần nhìn marketing ở một góc độ rộng hơn mới không bị sốc khi tiếp cận Service Science.

Khi nhìn marketing ở góc độ rộng như thế, bạn mới không bị sốc khi tiếp cận Service Science. Bởi vì ngành này đòi hỏi học viên nhìn nhận hiện tượng theo một hệ thống lớn phức tạp gồm nhiều bên hợp tác cùng làm nên sản phẩm, nhằm tạo ra giá trị gia tăng đồng thời cho các bên trong hệ thống ấy.

Và chương trình tôi đang theo học là diện tiến sĩ, khác với diện đại học hay thạc sĩ ứng dụng. Theo đó, tôi học về phương pháp tư duy và thiết kế để tìm kiếm cách lý giải cho những nguyên lý đằng sau các hiện tượng mà chúng ta thường thấy.

Cụ thể, chương trình học tiến sĩ Service Science tại Đại học Quốc lập Thanh Hoa gồm hai phần: kiến thức và làm nghiên cứu.

Phần kiến thức chia thành 4 khối và tùy theo nhu cầu mà người học thảo luận cùng giáo sư để chọn môn phù hợp. Trong đó, có một khối quản trị dịch vụ và marketing, sinh viên sẽ được cung cấp các góc nhìn về thương mại điện tử, platform, hệ thống, văn hóa, đa văn hóa và quản trị dịch vụ. Ba khối kiến thức còn lại gồm hệ thống thông tin quản lý (Management Information Systems – MIS), phân tích (Analytics), lý thuyết nền tảng & phương pháp nghiên cứu. Song song đó, sinh viên sẽ tham gia hoạt động nghiên cứu với giáo sư hướng dẫn, mà chúng tôi hay gọi là những labs khác nhau.

Viện Service Science còn tạo điều kiện cho sinh viên tự học. Chẳng hạn trong trường hợp tôi có background về marketing, tôi sẽ đi dự thính các môn liên quan đến marketing, và đi học những môn học mới để thầy cô hỗ trợ.

Du học Marketing #11: Thuý-Vy Phạm @ National Tsing Hua University – “Làm nghiên cứu cũng cần được hướng nghiệp”

Du học Marketing #11: Thuý-Vy Phạm @ National Tsing Hua University – “Làm nghiên cứu cũng cần được hướng nghiệp”

Bên cạnh đó, có một học kỳ sinh viên sẽ đi trao đổi nghiên cứu học thuật ở nước ngoài và tập trung vào hai mảng chính: (1) hệ thống phương pháp nghiên cứu; (2) một mảng chuyên môn nào đó mà bản thân quan tâm, ví dụ như HCI (Human, Computer & Interaction) – nghiên cứu về các sự tương tác giữa máy tính với con người. 

Trước khi học trao đổi, bạn cần thảo luận cặn kẽ với giáo sư hướng dẫn để có sự chuẩn bị tốt nhất. Nhiều giáo sư trong khoa đều từng là du học sinh, có cơ hội sinh sống và học tập tại nhiều quốc gia nên xây dựng được mạng lưới mối quan hệ rộng rãi. Nhờ đó, giáo sư sẽ hỗ trợ sinh viên chọn trường phù hợp, viết thư giới thiệu hoặc làm việc trực tiếp với giáo sư của trường đại học nơi sinh viên đi trao đổi.  

* Vậy Institute of Service Science phù hợp với những học viên có định hướng như thế nào, thưa cô?

Dựa trên những thông tin tổng quan về ngành học kể trên, tôi có thể đúc kết một vài điều như sau.

Chương trình Service Science phù hợp với các học viên thích tìm hiểu nguyên lý sâu bên trong vấn đề hay khám phá hiện tượng mới.

Chương trình Service Science sẽ phù hợp với những bạn yêu thích (1) đặt bản thân ở vị trí nằm giữa nhiều chuyên môn; (2) tìm hiểu nguyên lý sâu bên trong một vấn đề bằng cách lý giải những câu hỏi vì sao; (3) khám phá những hiện tượng mới, điển hình như hiện tại là trí tuệ nhân tạo (AI); (4) xây dựng tư duy bao quát, tương tác đa chiều.

Chương trình học còn phù hợp với những bạn có kiến thức nền tảng về marketing, truyền thông tốt và muốn bổ sung kiến thức về MIS, HCI, đổi mới sáng tạo, tâm lý học phục vụ cho thiết kế…, mà không phải tốn 1-2 năm để học từng ngành.

Còn nếu bạn đã có bằng thạc sĩ và muốn học lên tiến sĩ hay bạn là sinh viên mới tốt nghiệp và muốn trở thành nhà nghiên cứu đều có thể cân nhắc học PhD tại đây. 

Có một điều tôi muốn lưu ý là nếu bạn quyết định học tiến sĩ thì nên cân nhắc phát triển theo hướng nhà nghiên cứu. Bởi vì tại Đài Loan, đặc biệt trong lĩnh vực marketing, có một hiện tượng gọi là thừa năng lực. Nghĩa là với một vấn đề nào đó của công ty, doanh nghiệp tuyển ứng viên có bằng master đã có thể giải quyết công việc mà không cần chi trả cao hơn để tuyển người có bằng tiến sĩ. Điều này vô tình hạn chế cơ hội nghề nghiệp của những lao động có bằng tiến sĩ.

Du học Marketing #11: Thuý-Vy Phạm @ National Tsing Hua University – “Làm nghiên cứu cũng cần được hướng nghiệp”

Giáo sư hướng dẫn tổ chức hoạt động ngoại khoá tại nhà hàng - bảo tàng văn hoá Hakka, tạo cơ hội gắn kết cho sinh viên

* Cô có thể chia sẻ một vài khoảnh khắc đáng nhớ về môi trường học tập và những trải nghiệm văn hoá, sinh hoạt tại Đài Loan?

Trước hết, tôi nghĩ mình thực sự may mắn khi được trải nghiệm môi trường học thuật tốt như đại học Thanh Hoa.

Nổi bật nhất có lẽ là văn hoá nội bộ của Viện Service Science, thể hiện rõ nét qua vô số hoạt động thường niên nhằm gắn kết và xây dựng cộng đồng học thuật tích cực.

Tôi nhớ lại khoảng thời gian đầu nhập học trùng vào thời kỳ giãn cách xã hội. Lúc đấy, các hoạt động offline trong trường đều bị hạn chế nên buổi chào mừng tân sinh viên diễn ra online. Sau đó, các thầy cô ở khoa luôn tạo điều kiện để giới thiệu và giúp học viên mới làm quen với học viên cũ. Một điểm thú vị là các sinh viên nhập học cùng đợt với tôi được ưu ái “welcome” tận 4 lần với nhiều lý do khách quan và chủ quan (cười).

Việc học tiến sĩ chỉ là bước đầu tiên trong hành trình trở thành một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.

Ngoài ra, trường sẽ tổ chức buổi tổng kết năm vào tháng 6 hàng năm cho các sinh viên PhD. Mỗi sinh viên sẽ có 15 phút để kể về quá trình học tập trong năm qua của bản thân. Các giáo sư cũng góp mặt để lắng nghe chia sẻ của sinh viên và đưa ra lời khuyên cho vấn đề mà mỗi bạn gặp phải.

Nói riêng trong khoa, mỗi labs sẽ có các hoạt động sinh hoạt riêng tuỳ theo giáo sư tổ chức như thế nào. Đặc biệt tháng 9 hằng năm, viện sẽ tổ chức Ngày truyền thống để gắn kết mọi người và tạo điều kiện giải trí cho sinh viên sau những ngày học hành căng thẳng (trekking rừng và vượt thác).

Như đã nói, tôi muốn tận hưởng hết mình cuộc sống sinh viên toàn thời gian này. Tôi háo hức tham gia nhiều câu lạc bộ từ bắn cung, viết thư pháp, hoà nhạc, lặn, đến học tiếng Trung cơ bản…

Còn về trải nghiệm văn hoá và đời sống tại Đài Loan, vì đã từng sinh sống ở nước ngoài nên tôi thích nghi với môi trường mới và sắp xếp cuộc sống khá nhanh chóng. Thêm vào đó, văn hoá Đài Loan không có nhiều khác biệt so với Việt Nam góp phần giúp đời sống sinh viên của tôi trở nên “dễ thở” hơn.

Tuy nhiên là một người có khả năng xác định phương hướng kém cộng thêm rào cản ngôn ngữ khiến tôi nhiều lúc rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười. Nhận thức rõ điểm yếu của bản thân, khi muốn đi đến địa điểm nào đấy, tôi cố gắng sắp xếp khởi hành sớm hơn và tận dụng công cụ Google, cũng như tham gia câu lạc bộ tiếng Trung dành cho du học sinh để giao tiếp thuận tiện hơn...

Du học Marketing #11: Thuý-Vy Phạm @ National Tsing Hua University – “Làm nghiên cứu cũng cần được hướng nghiệp”

Cô Thuý Vy háo hức tham gia nhiều câu lạc bộ từ bắn cung, viết thư pháp, hoà nhạc, lặn, đến học tiếng Trung cơ bản…

* Cô có thể chia sẻ thêm về dự định tiếp theo sau khi hoàn thành chương trình học tiến sĩ?

Buồn cười ở chỗ khi nghe câu hỏi này của bạn, tôi chỉ nghĩ tới học hành. 

Sau khi kết thúc chương trình học tiến sĩ, tôi sẽ tiếp tục học chương trình PostDoc. Thực chất, tôi dự định dành 10 năm để học với mục tiêu trở thành một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, và việc học tiến sĩ chỉ làm bước đầu tiên trong hành trình đó.

Đối với tôi, việc học có một sức hút rất lớn khi cho mình những kiến thức và kỹ năng mới để nhìn nhận mọi vấn đề một cách sâu sát và rõ ràng hơn. Sau đó, tôi chia sẻ các góc nhìn mới đến cộng đồng, xã hội, và ứng dụng chúng vào những việc mình đang làm. Kết quả tích cực từ việc học chính là động lực thôi thúc tôi không ngừng học hỏi và đón nhận những thách thức mới.

* Sau cùng, với thời gian và những trải nghiệm học hỏi không ngừng của mình, cô có thể chia sẻ vài lời khuyên cho các bạn trẻ có mục tiêu nghiên cứu chuyên môn theo hướng học thuật?

Thay vì đưa ra lời khuyên, tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm từ góc độ của một du học sinh.

Việc trở thành một nhà nghiên cứu được xem là một loại sự nghiệp; và đã là nghề nghiệp thì bạn cần được hướng nghiệp để nắm rõ lộ trình phát triển.

Tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ xác định mục tiêu là làm nghiên cứu nhưng vẫn còn trăn trở như “học trái ngành”, “học mà không thực hành thì có ổn không?”, hay “học mãi như vậy thì có tiền trang trải cuộc sống không?”… Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn rằng việc trở thành một nhà nghiên cứu được xem là một loại sự nghiệp. Và đã là nghề nghiệp thì bạn cần được hướng nghiệp để nắm rõ lộ trình phát triển. Đấy là hành trình dài hơi đòi hỏi bạn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể đi đến vạch đích.

Những bạn có mục tiêu nghiên cứu chuyên môn theo hướng học thuật có thể cân nhắc chương trình thạc sĩ nghiên cứu. Một điểm lưu ý là bạn nên chọn trường có môi trường sinh hoạt học thuật mạnh để có cơ hội cọ xát thực tế khi triển khai nghiên cứu. 

Sau cùng, tôi muốn gửi gắm đến những ai đang đi trên con đường marketing nói chung rằng đừng giới hạn bản thân trong một khía cạnh, lĩnh vực nào cả. Vì thế giới marketing sẽ còn rộng mở hơn nữa trong tương lai, bạn hãy củng cố thế mạnh hiện có và mở rộng thêm năng lực của bản thân. 

* Cảm ơn cô Vy, chúc cô đạt được những dự định trong thời gian tới.

Bạn đọc có thể kết nối với cô Vy tại Blog, và Facebook.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thảo Nguyên/ Brands Vietnam
*Nguồn: Brands Vietnam