Khi Gen Z, Gen Alpha được “soi” qua nhiều góc độ sẽ như thế nào?

Khi Gen Z, Gen Alpha được “soi” qua nhiều góc độ sẽ như thế nào?

Ngày 28/3/2023, Talkshow “Gen Z chưa qua Gen Alpha đã tới” đã được VNPR và UAN phối hợp tổ chức thành công tại VNPR Academy. Những thông tin thú vị gì đã xuất hiện trong buổi talkshow này? Cùng VNPR điểm lại trong bài viết dưới đây.

Mở đầu cho chương trình, ông Nguyễn Khoa Mỹ – Host talkshow, chủ tịch VNPR và ông Bùi Quang Tinh Tú – Founder UAN, đã chia sẻ lý do vì sao tổ chức talkshow “Gen Z chưa qua Gen Alpha đã tới”.

Cụ thể, ông Nguyễn Khoa Mỹ chia sẻ: “Các talkshow được tổ chức gần đây có xu hướng tập trung bàn luận về Gen Z và họ đã bỏ qua Gen Alpha, một thế hệ hiện đang ‘lớn nhanh như thổi’ và sẽ trở thành lực lượng lao động chính trong tương lai. Việc tạo ra một talkshow nói về Gen Alpha sẽ giúp các bậc phụ huynh có định hướng về việc giáo dục con cái tốt hơn”.

“Là một người bố có hai đứa con thuộc Gen Alpha, tôi nhận ra rằng thế hệ này đang có tác động chính đến việc quyết định mua sắm. Chính vì vậy mà UAN và VNPR mong muốn tổ chức talkshow để chia sẻ và phân tích về Gen Alpha dưới nhiều góc độ như truyền thông, tiếp thị và giáo dục”, ông Bùi Quang Tinh Tú trình bày.

Gen Alpha – “Con người công nghệ”

Trong bài phát biểu của cô Nguyễn Chi Lan – Co-founder, CEO Axiom Academy – các khách mời tham dự đã miêu tả ngắn gọn Gen Alpha là những con người cá tính, sống thoáng, thay đổi thế giới. Tuy nhiên, cô Chi Lan lại đánh giá Gen Alpha là thế hệ của “con người công nghệ”, sống trong cuộc sống đa mạng xã hội, đa thực tế và chú trọng vấn đề đạo đức cộng đồng. 

Diễn giả Nguyễn Chi Lan chia sẻ về Gen Alpha trong buổi talkshow.

Bố mẹ của Gen Alpha chính là Gen Y – ột thế hệ mong muốn con cái của mình có thể trải nghiệm và tiếp xúc với nhiều điều khác nhau. Họ không tiếc tiền để mang đến những điều tốt nhất cho Gen Alpha. Điều này chứng minh được rằng GenY đòi hỏi rất cao về con cái.

Vì là thế hệ sinh ra cùng thời điểm với sự bùng nổ của công nghệ, Gen Alpha sở hữu khối lượng kiến thức khổng lồ từ bé khi công nghệ chính là công cụ hiệu quả giúp thế hệ này tìm hiểu đa nguồn thông tin về đa lĩnh vực, và điều đáng mừng là Gen Alpha không nghiện điện thoại như Gen Z, theo như thông tin cô Chi Lan chia sẻ.

Tuy nhiên, cô Chi Lan lo lắng rằng: “Gen Alpha là thế hệ còn quá nhỏ để có khả năng sàng lọc thông tin, việc Gen Alpha bị ảnh hưởng bởi các thông tin trái chiều, thậm chí là những thông tin sai lệch chính là thách thức mà người lớn cần đưa ra giải pháp. Chúng ta đang chuẩn bị cho một thế giới hoàn toàn mới, với những nghề nghiệp chưa từng có.

Vì thế, cần phải chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để phù hợp với tương lai, cụ thể về khả năng tự nhận thức, tư duy phản biện và kỹ năng hợp tác. Các kỹ năng này cần được cha mẹ cho trẻ học tập và phát triển càng sớm càng tốt, Gen Alpha chắc chắn sẽ thay đổi thế giới, việc của chúng ta là chuẩn bị cho các bạn nền tảng vững chắc để làm chủ tương lai!”.

Giáo dục Gen Alpha ở môi trường đại học sẽ như thế nào?

Trần Lê Quỳnh Anh – Giảng viên khoa Thiết kế Truyền thông, trường Công nghệ và Thiết kế UEH (SMD) – đã khẳng định rằng: “Ở thời điểm hiện tại, khó có một bạn Gen Alpha nào không biết sử dụng công nghệ, đây là thế hệ được sinh ra cùng thời điểm với sự xuất hiện của Ipad và mạng xã hội Instagram. Chính vì vậy mà mọi khó khăn về vấn đề học tập của các thế hệ Gen X, Gen Y đều được Gen Alpha khắc phục một cách hiệu quả”.

Song song với những mặt tích cực, Gen Alpha được “dán nhãn” là thế hệ quá phụ thuộc vào công nghệ dẫn đến mất liên lạc với mọi người xung quanh trong cuộc sống. Các nội dung độc hại của trực tuyến cùng với căng thẳng tâm lý về việc áp lực khi chơi game, sử dụng mạng xã hội gây ra nhiều ảnh hưởng to lớn đến tâm lý của thế hệ này.

Với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, cô Quỳnh Anh tự tin chia sẻ: “Gen Alpha khó có thể bị thay thế bởi máy móc và công nghệ hiện đại nhờ vào việc sở hữu tư duy linh hoạt, khả năng sáng tạo cao, khả năng giải quyết vấn đề phức tạp và kỹ năng xử lý tình huống. Tuy nhiên, Gen Alpha cần phải trau dồi, chuẩn bị các yếu tố như giáo dục, kỹ năng sống chủ động, kỹ năng sống và việc thích ứng với môi trường thay đổi để có thể thành công trong tương lai”.

SMD là trường sẽ đào tạo thế hệ trẻ với một môi trường học tập đa dạng, sáng tạo, đưa nghệ thuật vào công nghệ. Bên cạnh đó còn có chương trình đào tạo đa ngành, kết hợp giữa nền tảng khoa học kỹ thuật và nghệ thuật. Các chương trình đào tạo quốc tế ngắn hạn tại Ý về AR/VR/MR được phát triển để giáo dục Gen Alpha trong tương lai.

Gen Z và Gen Alpha ảnh hưởng như thế nào đến với doanh nghiệp?

Diễn giả Phạm Sơn Tùng.

Gen Z và Gen Alpha không có gì đặc biệt chính là suy nghĩ đầu tiên khi nói về hai thế hệ này đối với ông Phạm Sơn Tùng – Tổng Giám Đốc Proppy Việt Nam. Tuy nhiên Gen Z lại ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng lao động và Gen Alpha tác động mạnh đến doanh thu của doanh nghiệp.

Theo thực trạng hiện nay, Gen Alpha có ảnh hưởng lớn đến việc quyết định mua hàng của cha mẹ. Trong khi đó, các doanh nghiệp startup sẽ gặp đa số là những ứng viên Gen Z khi phỏng vấn xin việc.

“Hiện nay, thế hệ Gen Z có những người rất trẻ chưa tốt nghiệp nhưng vẫn có kiến thức chuyên môn cho một lĩnh vực nào đó rất cao, họ có thể làm đa nhiệm và có cái tôi rất lớn, 80% cách giải quyết công việc hoặc ý tưởng sáng tạo đều đến từ Gen Z. Vì vậy, việc áp đặt những quy chuẩn cũ cho thế hệ mới là điều không nên làm”, ông Phạm Sơn Tùng khẳng định.

Theo thông tin diễn giả đề cập thì các thế hệ đều giống nhau và chỉ có môi trường là nguyên nhân chính khiến cho có sự phân chia các thế hệ. Để lý giải cho nhận định trên, diễn giả đã đưa ra ví dụ điển hình trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Gen X và một số Gen Y vẫn sống với một tâm thế bình thản bởi vì họ là những thế hệ đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước.

Đối nghịch với sự bình thường đó, một nhóm bộ phận Gen Z, Gen Alpha lại rơi vào trạng thái trầm cảm, khó chịu vì “bị nhốt” trong 4 bức tường 24/7 và nhóm còn lại sẽ sử dụng hoàn toàn internet để “giết” thời gian.

“Để có thể quản lý tốt những nhân sự Gen Z và Gen Alpha trong tương lai, các doanh nghiệp cần đặt họ vào đa dạng các vấn đề để thấy được mỗi trường hợp các thế hệ sẽ xử lý một cách khác nhau với kỹ năng và thái độ khác nhau. Từ đó, việc chọn lọc nhân sự để vận hành tổ chức sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết”, ông Phạm Sơn Tùng chia sẻ thêm.

Gen Z, Gen Alpha đóng vai trò như thế nào trong môi trường truyền thống – tiếp thị và sáng tạo?

Chia sẻ trong buổi thuyết trình của mình, ông Bùi Quang Tinh Tú – Founder UAN – đã so sánh những đặc điểm của Gen Y, Gen Z và Gen Alpha, từ đó đưa ra những chiến lược truyền thông phù hợp.

Trong khi Gen Y là thế hệ bị ảnh hưởng bởi những người đồng trang lứa, họ có thể sử dụng công nghệ một cách thành thạo nhưng chỉ dùng với mục đích giải trí. Trong khi đó Gen Z lại bị ảnh hưởng bởi cộng đồng, và đây là thế hệ vô cùng tự tin khi sử dụng và áp dụng công nghệ vào công việc và giải trí. 

Nhờ vào sự so sánh trên, các chiến dịch truyền thông dành cho Gen Y phải đến từ nền tảng Facebook và YouTube, đặc biệt phải mang tính “viral” cao. Đối với Gen Z, Twitter, Instagram, TikTok là những nền tảng mạng xã hội doanh nghiệp cần tập trung vào nếu muốn “chạm” được thế hệ này, và các chiến dịch truyền thông phải mang tính chất “tương tác” để truyền tải được thương hiệu của mình.

Thời điểm bùng nổ mạnh mẽ nhất của công nghệ cũng chính là thời điểm Gen Alpha xuất hiện, việc thế hệ này bị ảnh hưởng bởi công nghệ AI là điều dễ để nhận định. Đây được xem là thế hệ được giáo dục tốt nhất, việc sử dụng công nghệ để học tập và kiếm tiền được Gen Alpha sử dụng thuần thục và đạt hiệu quả vô cùng cao. Bên cạnh đó, TikTok là nền tảng được Gen Alpha ưa chuộng ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, các doanh nghiệp nên tập trung truyền thông vào nền tảng này và tiếp đó là AR, VR, Metaverse. 

Ông Tinh Tú nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cần thu hút Gen Alpha bằng các chiến dịch marketing cá nhân hóa, việc áp dụng chiến dịch này cần phân tích các số liệu như nhân khẩu học, nền tảng và hành vi… để có thể mang đến đúng thông điệp và cá nhân hóa đến từng thành viên thuộc Gen Alpha. Một điều cần đáng chú ý đó là brand authenticity – được xem là một sứ mệnh mới của một người làm truyền thông. Với bối cảnh thay đổi, Gen Alpha dần ‘chiếm sóng’ thị trường trong thời gian sắp tới thì việc tạo ra những giá trị phù hợp cho thương hiệu sẽ đáp ứng được nhu cầu và truyền tải thông điệp chính xác và nhất quán hơn”.

“Người trong cuộc” nói gì?

Là một thành viên của thế hệ Gen Z, Lê Anh Như Liên đã đồng ý những quan điểm mà các diễn giả đã trình bày, tuy nhiên cô nàng lại đưa ra một số thông tin để khẳng định về việc Gen Z không chỉ bị ảnh hưởng bởi cộng đồng.

“Bản thân là một ‘người trong cuộc’, Gen Z bị ảnh hưởng bởi cả cộng đồng và những người xung quanh. Đây là thế hệ bị ‘dán nhãn’ nhiều nhất bởi Gen X, Gen Y vì họ đã tiếp xúc với chúng tôi trong một khoảng thời gian dài, còn đối với Gen Alpha thì Gen X, Gen Y lại mở lòng và có nhiều kỳ vọng hơn”, Như Liên chia sẻ.

Một bạn trẻ Gen Z không ngại nêu ra quan điểm của mình.

GenZ – từ một thế hệ được xem là sáng tạo, năng động – dần trở thành “thế hệ lo âu” vì những áp lực mà phụ huynh mong muốn. Với hiện trạng ngày nay, Ge nZ dần trở nên có chính kiến hơn, dám chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm. Điều này giúp cho GenZ được trân trọng hơn trong môi trường xã hội và cả doanh nghiệp thay vì những định kiến, “nhãn dán” không mấy lọt tai khi nghe.

Q&A và những lời khuyên giá trị từ các diễn giả

Đến với Q&A, 5 diễn giả đã chia sẻ những thông tin để giải đáp các thắc mắc của các khách mời tham dự về các khía cạnh giáo dục, truyền thông, tiếp thị và sáng tạo.

Các diễn giả giải đáp thắc mắc và đưa ra lời khuyên cho khách mời tham dự.

Trước khi kết thúc buổi talkshow, các diễn giả còn đưa ra các lời khuyên dành cho mọi người, cụ thể:

  • Diễn giả Lê Anh Như Liên: Các bạn Gen Z hãy luôn tận hưởng những niềm vui của bản thân, phát triển thế giới quan của mình. Nếu bạn cảm thấy rằng mình không cùng giá trị với một tổ chức nữa thì hãy làm theo phương pháp Thủ (Tuân thủ) – Phá (Phá cách) – Linh (Linh hoạt).
  • Diễn giả Trần Lê Quỳnh Anh: Các bạn trẻ hãy quan tâm đến thái độ của bản thân khi đi làm, đi học và khi tiếp xúc với người khác. Việc bạn tôn trọng người đối diện cũng chính là cách bạn tôn trọng chính bản thân của bạn.
  • Diễn giả Nguyễn Chi Lan: Với các bạn trẻ thế hệ Gen Z đang đi làm có những lo ngại thì đừng lo lắng vì những lo ngại đó không phải là vấn đề liên quan đến thế hệ. Hãy phát hiện ra sức mạnh nội tại của bản thân để có thể cứng rắn hoặc mềm mỏng trong những tình huống phù hợp.
  • Diễn giả Phạm Sơn Tùng: Gen Z cần nhìn nhận các vấn đề xã hội và giải quyết tận gốc các vấn đề đó. Hãy trở thành người tiên phong, và “đi trước” để doanh nghiệp tạo ra được nơi để mọi người phát triển và loại bỏ một môi trường với đầy những “nhãn dán” tiêu cực đang dành cho Gen Z.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng tổ chức VNPR.

Talkshow “Gen Z chưa qua Gen Alpha đã tới” chính thức khép lại với nhiều khoảnh khắc đẹp trong lòng của mỗi người tham dự. Các khách mời tham gia đã hài lòng về những thông tin mà diễn giả đã chia sẻ, với mục đích tạo ra những sự kiện mang đến những giá trị nhân văn cho cộng đồng.

Talkshow “Gen Z chưa qua Gen Alpha đã tới” mang đến cái nhìn tổng quan và thấu hiểu về thế hệ trẻ. Từ đó hỗ trợ cho việc định hướng giáo dục của phụ huynh và giúp các doanh nghiệp nắm bắt được đặc điểm, tính cách để đưa ra những chiến lược truyền thông hợp lý.