Marketer Hoàng Nguyễn
Hoàng Nguyễn

Head of Product Design @ GEEK Up

Giấc mơ làm chủ, hay làm chủ giấc mơ

Giấc mơ làm chủ, hay làm chủ giấc mơ

Khi mới ra trường, ta thường được nghe lời khuyên này: “Trước khi muốn làm chủ, hãy học cách làm công”. Đây là lời khuyên hợp lý với những người có mơ ước xây dựng một doanh nghiệp của riêng mình. Mình cũng từng thổn thức rất nhiều khi thấy bạn bè kinh doanh riêng thành công, rồi cứ phân vân giữa quyết định tiếp tục làm những việc mình giỏi, hay là bắt đầu cái gì đó của riêng mình.

Nhưng rồi một ngày, mình tự hỏi “Tại sao mình phải làm chủ?”:

  • Vì xã hội cho rằng vậy mới vẻ vang?
  • Vì như vậy mới kiếm được nhiều tiền?
  • Vì ai cũng mơ làm chủ nên hẳn làm chủ là tốt nhất?

Mình gửi gắm lại những suy nghĩ thông qua bài viết này, hy vọng có vài điều hữu ích. Hãy cùng nói nhanh về những ưu và nhược giữa làm chủ và làm công.

1. Những lợi và bất lợi của làm chủ

Lợi:

  • Làm chủ giúp thu nhập cao hơn (hiển nhiên).
  • Tiềm năng phát triển sự nghiệp không có giới hạn. Vì ta phải đảm đương, nhúng tay vào nhiều loại công việc khác nhau để giúp doanh nghiệp vận hành trơn tru.
  • Khả năng độc lập cao trong việc đưa ra quyết định.
  • Giờ làm việc linh hoạt.
  • Linh hoạt trong việc thay đổi, hoặc khám phá những điều mới.

Như hai mặt của đồng xu, những mặt lợi này cũng đi kèm với mặt hại:

  • Chi phí kinh tế và tinh thần cao khi thất bại.
  • Làm chủ nghĩa là đối mặt với muôn ngàn thế khó, từ muôn ngàn khía cạnh của công việc. Do đó, khi mới bắt đầu, doanh nghiệp chưa đủ mạnh mẽ và ổn định, thì người chủ luôn ở trong tình trạng căng thẳng, không biết phải làm gì tiếp theo.
  • Chấp nhận sự cô đơn ít người thấu hiểu.
  • Lúc nào cũng phải suy nghĩ về công việc, về công ty.

2. Những lợi và bất lợi của làm công

Lợi:

  • Thu nhập ổn định và các lợi ích khác như bảo hiểm, thưởng, nghỉ phép…
  • Thuận lợi phát triển sự nghiệp hơn dưới sự hướng dẫn từ người khác.
  • Trách nhiệm và thời gian trong công việc được xác định rõ các giới hạn.
  • Có thể đổi sang môi trường mới khi không còn phù hợp.

Hại:

  • Thu nhập thường hạn chế và ít khi có bước nhảy vọt.
  • Phạm vi phát triển hạn chế, phụ thuộc vào vai trò mà công ty mong muốn.
  • Bị động hơn trong việc đưa ra quyết định.
  • Vì giờ làm cố định nên đời sống cá nhân bị mất đi sự linh động.
  • Dễ mất việc, mất thu nhập khi quyền quyết định nằm trong tay người khác.

3. Thế ta nên làm gì?

“Build your own dreams, or someone else will hire you to build theirs”Farrah Gray. Tạm dịch: Hãy tự xây dựng giấc mơ của bạn, nếu không người khác sẽ thuê bạn để xây giấc mơ của họ.

Mình từng được truyền cảm hứng từ câu nói này, nó gợi lên suy nghĩ nếu không cố gắng vì những mục tiêu của mình, thì sau này sẽ phải cố gắng cho mục tiêu của người khác. Nó nhắc mình sự thật phũ phàng, là cuộc đời này luôn tồn tại những sự cạnh tranh.

Bây giờ thì mình không nghĩ vậy nữa.

Như đã nhắc trong bài viết “Bạn đừng cạnh tranh với ai cả, ngay cả với chính bạn”, mình thấy mọi giấc mơ đều bình đẳng. Xây dựng giấc mơ của người khác, không có nghĩa là không thể xây dựng giấc mơ của mình.

Vì chẳng phải là dù làm chủ, thì cũng là đang dùng sản phẩm, dịch vụ của mình để xây dựng giấc mơ của người khác (khách hàng) đó sao? Do vậy, vấn đề không phải là chuyện làm chủ hay làm công, mà giấc mơ bạn muốn xây dựng là gì.

Hay có thể nói là “Xây dựng giấc mơ với tư duy người làm chủ”.

4. Xây dựng giấc mơ với tư duy người làm chủ

Đã có nhiều giấc mơ mình làm được, cũng có nhiều giấc mơ phải từ bỏ. Cho nên, với những thứ mình sắp nói ở đây, hãy xem như là thông tin tham khảo cho hành trình của riêng bạn.

Làm chủ – là khi ta có thể bắt đầu hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập. Vì phải chịu trách nhiệm với giấc mơ và công việc của mình. Nên nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, ta cũng không than vãn, trách móc. Ta điều chỉnh, thích nghi và chủ động tìm các cách khác nhau để hoàn thành việc cần làm.

Ta có thể đặt các mục tiêu ngắn và dài hạn, để hoàn thành nó. Khi làm công, ta được người khác giao mục tiêu theo ngày, theo tháng để hoàn thành. Nhưng để làm chủ, phải tự mình lập kế hoạch, theo dõi và giám sát tiến độ của các mục tiêu này. Hãy phát triển kỹ năng đo lường để phát triển bản thân.

Ta tự tạo ra được động lực và kỷ luật với mục tiêu của mình. Đừng chờ có ai đó giám sát, thúc giục bạn hoàn thành giấc mơ của bạn, điều này nghe thật vô lý. Ta phải học cách quản lý bản thân, duy trì sự kỷ luật và duy trì ngọn lửa đam mê.

Ta tự quản lý được nguồn tài nguyên xung quanh. Tài nguyên không chỉ là tiền. Khi làm chủ, ta biết mình phải học cách tích lũy, phát triển và sử dụng khôn khéo thời gian, mối quan hệ…

Ta hiểu được các chi phí cần đầu tư. Mọi quyết định trong cuộc sống là sự đánh đổi, đòi hỏi người làm chủ càng cần phải hiểu rõ được gì và mất gì, không nên cứ lúc nào cũng đưa ra toàn bộ quyết định dựa trên cảm xúc và trực giác.

Ta thấy được giá trị của việc mình làm. Người làm chủ thấy được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, còn ta thì thấy được giá trị cốt lõi của bản thân mình. Có như vậy, ta mới xây được sự tự tin và kiên cường hơn với những việc mình làm, như mình đã từng tìm thấy sự tự tin trong sáng tạo.

5. Suy nghĩ cuối cùng

Điều mình muốn nói trong bài viết này là mong bạn đừng bị áp lực phải trở thành ông chủ, phải tự mình kinh doanh. Nếu muốn, hãy làm chủ trong giấc mơ cuộc đời của chính bạn.

Còn nếu đọc tới đây, mà bạn vẫn chưa có giấc mơ nào đủ lớn để cả đời này hướng theo, không sao cả, chính mình cũng đang như vậy. Và mình vẫn đang có những giấc mơ nhỏ, từng bước từng bước hoàn thành nó qua từng ngày.

Vì mình tin khi ta càng sống, càng trải nghiệm, càng hiểu bản thân hơn thì một lúc nào đó, những giấc mơ lớn rồi sẽ xuất hiện thôi.

Để xem thêm những bài viết tương tự, mời bạn theo dõi:

* Nguồn: hoang.moe