Ba yếu tố để trở thành nhà quản trị đúng nghĩa

Quản trị là tạo động lực thôi thúc đội ngũ nhân sự làm những gì họ không thích rồi sau đó yêu thích những gì họ đang làm.

Biết về Quản trị và nếu đã có ít nhiều thời gian tìm hiểu Quản trị là gì, chắc rằng bạn đã hơn một lần nghe đến tên tuổi của ông Phan Văn Trường – Nhà quản trị danh tiếng dù chưa từng trải qua trường lớp hay bất cứ khoá học kinh tế nào. Từng trực tiếp đàm phán hàng trăm thương vụ trên phạm vi toàn cầu và là Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp.

Góp mặt tại sự kiện về chủ đề Quản trị và Quản lý, ông Phan Văn Trường từng đưa ra một ví dụ rất hay để chứng tỏ sự khác biệt của hai khái niệm này. Có hai chiếc tàu cùng xuất phát từ Hải Phòng để đến Kuala Lumpur, một tàu gồm toàn bộ thuỷ thủ đoàn là người Việt Nam, tàu còn lại toàn bộ thuỷ thủ đoàn là người Malaysia. Trước khi rời cảng cả hai đều nhận được cảnh báo 6 tiếng nữa sẽ gặp bão trên đường đi.

quản trị là gì

Nghe vậy thuỷ thủ đoàn người Việt Nam vội vã rời cảng, với suy nghĩ xuất phát càng sớm thì khả năng giáp mặt với bão càng ít. Trong khi đó thuỷ thủ đoàn người Malaysia quyết định xuất phát chậm hơn, đợi thông tin cụ thể về hướng đi của bão rồi mới ra khơi. Kết quả là thuỷ thủ đoàn người Việt Nam đã thật sự gặp bão lớn, tuy không thiệt hại về người và cũng đến được Kuala Lumpur nhưng bao trùm lấy họ là sự mệt mỏi, thiếu sinh khí.

Ngược lại thuỷ thủ đoàn người Malaysia xuất phát chậm hơn, đến nơi chậm hơn nhưng toàn bộ đều khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực. Nhờ không phải chống chọi với cơn bão nên tất cả đều có thời gian nghỉ ngơi trên tàu, mà cũng chỉ đến Kuala Lumpur chậm hơn đoàn Việt Nam vài giờ đồng hồ.

Có thể xem thuỷ thủ đoàn Việt Nam là hình ảnh của những nhà quản lý, hoàn thành công việc bằng năng suất và thái độ đáng ghi nhận. Tuy nhiên để có được thành công đó, buộc thuỷ thủ đoàn phải đánh đổi bằng sức khoẻ lẫn sinh khí của từng cá nhân. Ngược lại thuỷ thủ đoàn người Malaysia là hình ảnh của một nhà quản trị đúng nghĩa, không chỉ hoàn thành công việc mà còn chọn cách đúng nhất, tối ưu nhất để đạt được mục tiêu.

Nhìn thấy vấn đề của nhiều nhà lãnh đạo cùng với nhân sự cấp cao ở Việt Nam, còn hiểu nhầm hoặc lẫn lộn giữa hai khái niệm Quản trị và Quản lý. Cùng với niềm cảm hứng từ chuyện kể của ông Phan Văn Trường – tác giả nhiều tựa sách nổi tiếng như Một đời thương thuyết, Một đời quản trị, Công dân toàn cầu Công dân vũ trụ,…Hôm nay Vũ muốn gửi đến tất cả các bạn bài chia sẻ về khái niệm Quản trị là gì, khác biệt giữa Quản trị với Quản lý và 3 yếu tố để trở thành Nhà quản trị đúng nghĩa.

Những hiểu lầm thường gặp về quản trị

Quản trị và quản lý đương nhiên là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, thể hiện vai trò và tầm quan trọng khác nhau giữa một nhà quản trị với một người quản lý trong môi trường doanh nghiệp. 

Bản thân là nhà tư vấn và xây dựng hình ảnh, bản sắc cũng như chiến lược thương hiệu hiệu quả, có kinh nghiệm tiếp xúc và tư vấn với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Vì thế trong khuôn khổ bài viết lần này, Vũ sẽ chỉ đề cập đến khái niệm quản trị là gì trong môi trường doanh nghiệp, trên định hướng chỉ chia sẻ những gì bản thân thật sự am hiểu và có đủ năng lực chuyên môn. Nhìn xa hơn ở ngoài thực tế, quản trị hay quản lý đều là những vai trò có tác động đến tất cả ngành nghề, lĩnh vực và vấn đề đời sống thường ngày.

Cũng trong thời gian tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo và sáng lập thương hiệu, Vũ nhìn thấy phần lớn người đứng đầu doanh nghiệp vẫn đang hiểu nhầm, lẫn lộn giữa hai khái niệm quản trị và quản lý. Không giống những lầm tưởng về thuật ngữ trong thế giới thương hiệu, hầu hết đều biết rằng vai trò của quản trị luôn cao hơn một bậc so với quản lý. Dù trong môi trường doanh nghiệp hay ở các tổ chức, đoàn thể và cộng động người dân, hình ảnh nhà quản trị luôn là đỉnh cao về tổ chức hoặc điều hành đội nhóm.

Có hai nhận định về khái niệm quản trị là gì mà nhiều ghi chép, sách vở và phân tích từ các chuyên gia kinh tế vẫn đang được lan truyền mỗi ngày. Một là quản trị mang tính vĩ mô hơn nhiều so với quản lý, nhà quản trị ở mỗi doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm ban bố các quyết định quan trọng. Xây dựng các chính sách, định hướng lâu dài phù hợp với tầm nhìn phát triển bền vững trong nội bộ doanh nghiệp.

Trong khi đó người quản lý chỉ đơn thuần mang theo nhiệm vụ tiếp nhận, tìm giải pháp hiện thực hoá những định hướng lâu dài xuất phát từ nhà quản trị. Thông qua các hoạt động kiểm soát năng suất lao động, cải thiện hiệu quả làm việc của người lao động và thực hiện nhiều chương trình đào tạo, điều động phù hợp với năng lực đội ngũ. 

quản trị là gì

Vai trò của nhà quản lý và nhà quản trị là gì? (ảnh: Oxbridge Academy).

Nhận định thường thấy kế tiếp là cách thể hiện vai trò của nhà quản trị và người quản lý sẽ khác nhau. Nhà quản trị thể hiện chức năng, nhiệm vụ của mình rõ rệt hơn cả trong quá trình tư duy. Ngược lại, người quản lý đóng góp phần lớn năng lực và trách nhiệm của mình vào quá trình thi hành. Quan điểm này vô tình tạo ra hai mặt trái ngược khi nhìn vào một nhà quản trị và một người quản lý.

Một bên là hình ảnh nhà quản trị đạo mạo, uy nghiêm với năng lực tạo ra sự khác biệt cho đội ngũ bằng tài trí của mình. Một bên là hình ảnh nhà quản lý hà khắc, khuôn khổ và chỉ biết thi hành mọi việc dựa theo mệnh lệnh. Nói một cách đời thường hơn, nhà quản lý nhiều khi là cái gai đúng nghĩa trong mắt người lao động. Chính những nhận định có phần thiên kiến, sai lệch về khái niệm quản trị là gì cùng với những khác biệt của quản trị với quản lý, đã tạo ra khoảng cách ngày càng khó lòng thu hẹp giữa các bên.

Về lâu dài nó còn tạo ra một hệ luỵ đáng buồn hơn. Đó là nhiều nhà quản trị trở nên lười biếng, lạc quan tếu trước kết quả kinh doanh của công ty và thương hiệu. Tự cho rằng việc cải thiện tình hình kinh doanh là nhiệm vụ của người quản lý hay nhân viên dưới quyền, bản thân sẽ chỉ can dự vào các vấn đề hệ trọng bằng hình thức góp ý hay nêu quan điểm. Cùng với đó, nhà quản lý cũng chỉ làm việc như một chiếc máy chấm công không hơn không kém. Làm xấu đi hình ảnh và vai trò của mình trong mắt đội ngũ nhân sự.

Lược sử của quản trị trong đời sống xã hội

Trước khi tìm hiểu quản trị là gì, Vũ muốn ngược dòng về quá khứ để hiểu hơn về bản chất của khái niệm quản trị. Tất nhiên không có khái niệm nào tự nhiên được sinh ra, đó phải là kết quả của một quá trình đi tìm giải pháp cho các vấn đề mang tính xã hội. Câu hỏi quản trị là gì cũng như vậy, tất cả bắt đầu từ nhiều ngàn năm trước Công Nguyên khi con người nguyên thuỷ có sự thay đổi về quần thể cư dân.

Trong cuốn Sapiens – Lược sử loài người, tác giả Yuval Noah Harari từng kể lại rằng: “Cách mạng nông nghiệp đã làm cho tương lai xa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.”

Số thực phẩm dư thừa bị tước mất để phục vụ cho các hoạt động chính trị, chiến tranh, nghệ thuật và triết học. Trên thực tế vẫn có thể nuôi sống cả ngàn người trong cùng thị trấn, cả triệu người trong cùng vương quốc. Nhưng không thể đảm bảo rằng họ có thể thống nhất với nhau khi phân chia đất đai hay nguồn nước, hoặc làm thế nào để xoa dịu các cuộc tranh luận và xung đột.

Con người không được chuẩn bị cho cách mạng nông nghiệp xảy đến quá nhanh, tốc độ tiến hoá của loài người không đuổi kịp tốc độ phân tách quần thể của Cách mạng nông nghiệp. Một vài thiên niên kỷ là quá ít ỏi so với hành trình nhiều triệu năm con người tiến hoá, từ những nhóm người nhỏ với chỉ vài chục thành viên. Đây là động lực để mỗi quần thể cư dân phải chọn ra cho mình người đứng đầu, một nhà quản trị đúng nghĩa để chuyển đổi từ thời kỳ hái lượm sang trồng trọt và kiểm soát mùa màng.

Trong môi trường doanh nghiệp, ý thức về quản trị là gì cũng như quá trình phân cấp chia quyền xuất phát từ thời của Nữ hoàng Elizabeth I. Ông Lord Wilberforce – Luật sư nổi tiếng người Anh và là Cựu nghị sĩ luật pháp của Vương Quốc Anh vào đầu thế kỷ 20 cho biết: “Thời của Nữ Hoàng Elizabeth I, nhiều mô hình công ty của Hoàng Gia được thành lập để kiểm soát rủi ro đầu tư tại quốc gia thuộc địa.”

“Các doanh nghiệp này mang tư cách pháp nhân độc lập hoàn toàn khỏi cổ đông và nhà đầu tư. Khi toà án được thành lập và pháp luật đi vào khuôn khổ ở các quốc gia này, tôi cảm nhận được sức mạnh phát triển mà Đế quốc Anh mang lại. Nhiều tập đoàn, công ty được ra đời với bộ máy quản trị chặt chẽ, cơ sở vật chất vượt trội để đóng góp vào sự thịnh vượng chung của nền kinh tế.”

Nếu như cách mạng nông nghiệp thay đổi định hướng của người nguyên thuỷ, từ hái lượm ngắn hạn thành trồng trọt và kiểm soát mùa màng dài hạn. Cách mạng công nghiệp vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 cũng mang đến giá trị tương tự, nó chuyển đổi nhận thức và định hướng ngắn hạn của nhiều doanh nghiệp thành tầm nhìn phát triển dài hạn. 

quản trị là gì

Cách mạng nông nghiệp chính là lời giải cho câu hỏi quản trị là gì? (ảnh: Quizlet).

Con người nguyên thuỷ không kịp làm quen với tốc độ xoay chuyển của cách mạng nông nghiệp, cũng như vậy nhiều doanh nghiệp bị choáng ngợp với đà gia tăng doanh thu hay tỷ suất lợi nhuận sau cách mạng công nghiệp. Mức tăng trưởng cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải đạt năng suất lao động tương xứng, nhu cầu về phân chia nhiệm vụ và phân quyền trong bộ máy làm việc càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Henri Fayol là nhà kinh tế học người Pháp có công xây dựng lý thuyết cổ điển về quản trị. Ông xuất thân là một kỹ sư khai thác mỏ và sống giữa giai đoạn thế giới chịu tác động mạnh mẽ nhất từ cách mạng công nghiệp. Theo quan điểm của Henri Fayol, quản trị nên được ứng dụng dưới dạng một chuỗi các quy tắc thay vì được xây dựng thành bộ luật. Điều này giúp quản trị trở nên linh hoạt, phù hợp với nhiều mô hình hay lĩnh vực kinh doanh khác nhau, đồng thời thúc đẩy năng lực làm việc đội ngũ nhằm gia tăng hiệu suất.

Ở công ty khai thác mỏ của Pháp là Decazeville, Henri Fayol đảm nhiệm trọng trách hồi sinh công ty trong giai đoạn cuối của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Ông từng chia sẻ hành trình của mình tại đây như sau:

Tôi không trông cậy vào năng lực kỹ thuật của mình khi bắt đầu tái sinh Decazeville, thay vì thế tôi chọn tiếp cận mọi vấn đề bằng góc nhìn của một nhà quản trị đúng nghĩa. Xử lý chúng bằng chính năng lực giải quyết vấn đề của mình.

Năm 1916 Henri Fayol cho ra đời cuốn sách Administration Industrielle Générale, nội dung bao gồm nhiều quy tắc để trả lời cho câu hỏi quản trị là gì. Cho đến nay nhiều lý thuyết của ông có trong quyển sách vẫn đang được học hỏi, ứng dụng tại nhiều doanh nghiệp toàn cầu. 

Một số quy tắc thể hiện tư duy quản trị của ông như: mỗi nhân viên chỉ thực hiện một nhiệm vụ duy nhất phù hợp với năng lực bản thân. Nhân viên được quyền đóng góp và theo đuổi ý tưởng của mình mà không sợ mắc sai lầm. Nhân sự không gắn bó lâu dài mà thường xuyên nhảy việc sẽ làm suy giảm năng suất của cả công ty. Ra quyết định với mỗi nhân viên thì phải đảm bảo họ đủ sức hoàn thành bằng hoặc cao hơn kỳ vọng ban đầu… 

Hiểu đúng về quản trị

Quản trị là gì nói chung và quản trị doanh nghiệp nói riêng không còn nằm trong giới hạn của một khái niệm, một bộ môn hay một lĩnh vực liên quan đến kinh tế. Quản trị giờ đây đã trở thành nền tảng giúp đảm bảo năng suất lao động của nhân sự, hiệu quả làm việc của mọi mô hình kinh doanh và đồng thời giúp mỗi cá nhân tìm thấy niềm vui trong công việc. 

Nhà quản trị không phải là một nhiệm vụ hay chức năng quá đao to búa lớn. Thay vì chú trọng vào phân cấp phân quyền, tạo ra khoảng cách về mặt hình thức giữa nhà lãnh đạo với đội ngũ nhân sự. Nhà quản trị nên đến gần hơn, tham gia nhiều hơn vào quá trình lao động và sản xuất của đội ngũ. Nhớ lại rằng xuất phát điểm của người tạo ra lý thuyết quản trị cổ điển cũng là một kỹ sư, bản thân ông luôn tiếp cận mọi quy trình sản xuất bằng tất cả năng lực giải quyết vấn đề của mình.

quản trị là gì

Henri Fayol là người xây dựng lý thuyết cổ điển về quản trị (ảnh: Toolshero).

Cần phân biệt rõ ràng giữa “đi làm vì đồng lương” và “đi làm vì tìm thấy niềm vui trong công việc.” Một mức đãi ngộ tốt cùng với một người quản lý có đủ năng lực sẽ dễ dàng thuyết phục, thúc đẩy người lao động hoàn thành tròn vai những nhiệm vụ được giao. Nhưng để họ làm việc với thái độ hăng say, chấp nhận dấn thân vào nhiều thử thách khó thì cần có sự can thiệp của một nhà quản trị.

Về bản chất, quản trị không nhất thiết phải có sự xuất hiện của một người thứ ba hay một bên trung gian nào khác. Bản thân mỗi người đều có thể quản trị chính mình, kiểm soát mô hình kinh doanh bằng năng lực của mình. Dựa trên hệ tham chiếu Đúng người – Đúng việc – Đúng thời điểm.

Đúng người đúng việc

Đúng người đúng việc, đúng thời điểm là tư duy quản trị được hình thành từ Giáo sư Phan Văn Trường cùng một nhà giáo khác cũng đi đầu trong giáo dục khai phóng, đó chính là Nhà giáo Giản Tư Trung. Đều không trải qua bất cứ trường lớp nào về sư phạm, nhưng cả hai người đều được công nhận là những nhà giáo hàng đầu về Kinh tế, quản trị và quản lý nhân sự tại Việt Nam.

Đúng người đúng việc dựa trên quan điểm từ nhà giáo Giản Tư Trung về quản trị cuộc đời của mỗi người. Rằng mỗi người từ khi sinh ra đều có sẵn ba công việc khác nhau cần phải thực hiện, đó là làm người, làm dân và làm việc. 

Lý thuyết được ông đưa ra hoàn toàn phù hợp với tư duy quản trị của nhiều quốc gia phương Tây. Ở đó họ không phân tích và tranh luận xem quản trị là gì, mà ngược lại sẽ đi tìm những giải pháp để cải thiện năng suất làm việc của đội ngũ, mang lại niềm vui trong công việc ở từng cá nhân. Từ đó hoàn thành tốt vai trò của nhà quản trị như Vũ đã đề cập ở phần đầu bài viết – tạo động lực thôi thúc đội ngũ nhân sự làm những gì họ không thích rồi sau đó yêu thích những gì họ đang làm.

Quản trị không phải là một bộ máy hay một hệ thống mà ở đó có những quy tắc rập khuôn, những tiêu chuẩn vận hành cũ kĩ cùng với một “gã sếp” suốt ngày chỉ tay năm ngón. Rao giảng hàng tá bài học đạo lý trong khi chưa đảm bảo tốt chất lượng làm việc của đội ngũ – ít nhất là trên phương diện tinh thần cùng thái độ làm việc. 

Đó chắc chắn không phải là quản trị, thậm chí nếu phải nhìn nhận thẳng thắn hơn thì đó chính là “cai trị.” Cai trị sẽ không tạo ra sự hiệu quả nơi môi trường lao động và làm việc, cai trị chỉ góp phần tạo ra một guồng quay nhân sự rệu rã nhanh hơn, nghi kỵ lẫn nhau kéo dài hơn và đích đến sau cùng chính là vực thẳm cho mọi mô hình kinh doanh lớn nhỏ. Đáng tiếc rằng, cai trị chứ không phải quản trị mới là thứ đang tồn tại thường xuyên ở môi trường doanh nghiệp trong nước.

quản trị là gì

Lý thuyết đúng việc từ Thầy Giản Tư Trung cũng là một nền tảng của khái niệm quản trị là gì (ảnh: Đạt V).

Ngay trong lý thuyết về quản trị cổ điển, Henri Fayol cũng đã nhắc đến một trong những yếu tố quan trọng làm nên tính hiệu quả của quản trị doanh nghiệp. Đó là mỗi nhân viên chỉ thực hiện một nhiệm vụ duy nhất phù hợp với năng lực bản thân. Quản trị giỏi không dừng lại ở giới hạn của ra lệnh, thúc đẩy quy trình làm việc tiếp tục tiến lên. Nhà quản trị giỏi còn phải nhìn thấy năng lực còn tiềm ẩn hoặc chạm đến giới hạn thật sự của đội ngũ, điều mà bản thân những người này thậm chí chưa từng nghĩ đến hay tin rằng họ có thể.

Một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp sẽ không thể có những bước đi chuẩn mực, lạnh lùng ở trên sàn catwalk. Nhưng hiếm ai so bì được với những bước chạy thần tốc, mạnh mẽ của chàng cầu thủ này ở trên sân cỏ. Cũng giống như câu nói nổi tiếng của nhà vật lý học Albert Einstein: “Một con cá sẽ tự cho rằng mình thật vô dụng, nếu người ta đánh giá nó bằng năng lực leo cây.”

Sau cùng thì bổ nhiệm, sắp đặt nhân sự vào từng vị trí trong đội ngũ doanh nghiệp cũng giống như việc hôn nhân, chọn lựa và quyết định gắn bó lâu dài với một người bạn đời. Ở đó không có đúng mà cũng chẳng có sai, chỉ có sự phù hợp mới tạo ra mối quan hệ bền vững và giàu giá trị. Đúng người, đúng việc là tư duy mà người quản trị giỏi luôn sớm lĩnh hội cũng như ứng dụng vào mô hình nhân sự của mình.

Đúng người, đúng thời điểm

Nhầm lẫn giữa quản trị là gì với khái niệm quản lý dễ dẫn đến sai lầm trong phân nhóm, so sánh giữa hai hay nhiều phong cách quản trị khác nhau. 

Trên thực tế chỉ có hai phong cách quản trị khác biệt trong môi trường doanh nghiệp, đó là quản trị chuyên quyền và quản trị trao quyền. Mới nghe qua sẽ có cảm nhận rằng chuyên quyền thì thật tiêu cực, chỉ có trao quyền mới tạo ra động lực lao động và tình yêu công việc của đội ngũ. Nhưng sự thật lại không giống như vậy.

Cũng như một quan điểm đã luôn theo sát và đồng hành với quá trình phát triển của Vũ, rằng không có đúng mà cũng chẳng có sai, chỉ có phù hợp hay không mà thôi. Mỗi phong cách quản trị sẽ phù hợp với từng điều kiện, mô hình và định hướng xây dựng nguồn lực doanh nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, cái gì quá cũng đều không tốt và phong cách quản trị chuyên quyền cũng không phải ngoại lệ.

Quản trị chuyên quyền thái quá dễ dẫn đến cảm xúc và thái độ tiêu cực nơi đội ngũ. Khi những gì họ nhận lại từ ban lãnh đạo, từ những người đứng đầu công ty chẳng có gì khác ngoài “miếng cơm manh áo” theo đúng nghĩa đen. Bị hạn chế đến mức thấp nhất về quyền hạn, năng lực ra quyết định và năng lực tự giải quyết vấn đề. Khi đó thái độ làm việc lẫn năng suất lao động sẽ nhanh chóng đạt đỉnh, mà thường thì không vượt quá những gì đội ngũ được chỉ định và trả lương. 

quản trị là gì

Quản trị trao quyền giúp thúc đẩy năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề của đội ngũ (ảnh: Kalypso).

Nhà lãnh đạo có phong cách quản trị chuyên quyền cũng sẽ tạo áp lực lên chính bản thân mình. Không phải nhà lãnh đạo nào cũng tham quyền cố vị một cách tiêu cực, có không ít người theo đuổi phong cách quản trị chuyên quyền vì bản thân quá cầu toàn. Luôn ám ảnh bởi sự hoàn hảo để rồi hiếm khi đặt niềm tin vào ai đó khác, vô tình làm cản trở năng lực sáng tạo và tự giải quyết vấn đề nơi đội ngũ nhân sự.

Tuỳ theo mô hình và định hướng kinh doanh khác nhau, các nhà lãnh đạo có thể chọn quản trị chuyên quyền một phần hoặc kết hợp nhuần nhuyễn giữa chuyên quyền với trao quyền. Để giao trọng trách và phân công nhiệm vụ không chỉ đúng người, đúng việc mà còn phải đúng thời điểm. Tạo động lực để một người sẵn sàng thực hiện những điều mình không thích, chấp nhận những thử thách mà bản thân chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm được. 

Từ đó yêu những gì bản thân đang làm, hoàn thành trọng trách được giao ở mức độ hiệu quả cao nhất cùng với tinh thần làm việc tích cực. Để một lần nữa trả lời cho những ai đang thắc mắc khái niệm quản trị là gì, rằng quản trị là tạo động lực thôi thúc đội ngũ nhân sự làm những gì họ không thích, rồi sau đó yêu thích những gì họ đang làm.

Cần hiểu rằng đội ngũ là nguồn lực vô giá của doanh nghiệp

Quản trị đúng người, đúng việc và đúng thời điểm nghĩa là đang tận dụng hiệu quả nguồn lực đội ngũ đang có trong tay. 

Không ít người có nhiều tiền nhưng không biết cách dùng tiền, không biết chi tiền vào đâu hay vì mục đích gì để mang lại hiệu quả tiêu dùng lớn nhất. Cũng như thế đất nước chúng ta chẳng thiếu các doanh nghiệp lớn mạnh, với nguồn lực dồi dào đến từ đội ngũ nhân sự nhưng đáng tiếc thay, ban lãnh đạo không nhìn ra bản chất của quản trị là gì. Để rồi gặp khó khăn trong việc khai thác, tận dụng triệt để nguồn lực hay thậm chí đánh mất dần nguồn lực đội ngũ vì thực trạng “chảy máu chất xám.”

Nguồn lực vô giá của doanh nghiệp chính là đội ngũ nhân sự, đội ngũ nhân sự thì không phải là những cỗ máy vô tri. Họ cũng là con người đơn thuần với đủ mọi hỷ nộ ái ố, biết yêu thương và đồng thời cũng biết ghét bỏ, biết nhẫn nại vì một mục đích chính nghĩa và đồng thời cũng sẵn sàng từ bỏ nếu bản thân không nhìn thấy sự đồng điệu. 

quản trị là gì

Quản trị con người không dễ như kiểm soát hệ thống máy móc (ảnh: Steelcase).

Trong xã hội hiện đại khi cơ hội việc làm ngày một tăng lên, điều kiện đãi ngộ của nhiều doanh nghiệp buộc phải cải thiện để cạnh tranh nhau về năng lực thu hút người tài. Người lao động vì thế cũng có không ít những sự lựa chọn, để không phải bấm bụng theo đuổi một môi trường làm việc độc hại chỉ vì đổi lấy “miếng cơm manh áo” như ngày xưa. Tuy nhiên thực tế này lại dẫn đến một thách thức khác cho bản thân những nhà quản trị.

Nhà quản trị doanh nghiệp hiện đại phải đứng giữa lằn ranh của quyền lực cứng với quyền lực mềm, giữa quản trị dựa trên cảm xúc với quản trị dựa trên các nguyên tắc. Quyền lực mềm giúp xây dựng tinh thần làm việc tích cực, thoải mái nhưng thiếu đảm bảo về năng suất lao động. Quản trị dựa trên cảm xúc tạo ra lòng trung thành gắn bó của phần lớn đội ngũ, nhưng cùng với lòng trung thành cực đoan còn là sự ỷ lại và kém nhiệt huyết trong quá trình hiện thực hoá mục tiêu có lợi cho doanh nghiệp.

Tất nhiên chúng ta đều thấu hiểu những rủi ro đến từ quyền lực cứng và quản trị dựa trên các nguyên tắc. Vấn đề ở chỗ tầm quan trọng của việc chọn lựa phong cách quản trị là gì, phải linh hoạt giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm ra sao để quản trị có hiệu quả. Công thức nào giúp nhà quản trị doanh nghiệp khai thác trọn vẹn nguồn lực đội ngũ sẵn có?

Năm xưa Lão Tử từng có một câu nói rất nổi tiếng về phong cách quản trị như sau:

Nhà quản trị giỏi hiếm khi tồn tại trong nhận thức của đội ngũ, khi tham vọng và mục tiêu của nhà quản trị được hoàn thành, đội ngũ của anh ta luôn tin rằng thành công đó là do một tay họ làm nên.

Có thể hiểu câu nói của Lão Tử như sau, nhà quản trị giỏi rất ít khi can thiệp vào quy trình làm việc của đội ngũ. Thay vào đó, nhà quản trị tạo ra niềm tin to lớn rằng, thành công của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của đội ngũ nhân sự. Điều này hoàn toàn trùng khớp với những nhận định của Vũ về khái niệm quản trị là gì, rằng nhà quản trị rất ít khi can thiệp và thay mặt đội ngũ của mình giải quyết vấn đề.

Ngược lại một nhà quản trị giỏi có xu hướng trao quyền nhiều hơn, đặt vào tay đội ngũ của mình nhiều trọng trách hơn. Xây dựng niềm tin mạnh mẽ nơi họ cho rằng, đội ngũ nhân sự chính là nguồn lực vô giá của doanh nghiệp. Cũng vì thế, nhà quản trị đúng nghĩa phải tiếp cận vấn đề bằng quyền lực mềm trước tiên, xây dựng và củng cố các giá trị đội ngũ bằng nhiều yếu tố cảm xúc. 

Quyền lực cứng và phong cách quản trị nguyên tắc chỉ đóng vai trò lá chắn, phòng thủ cho các rủi ro đến từ quyền lực mềm. Chẳng hạn như bỗng dưng thái độ làm việc của đội ngũ có vấn đề, các yếu tố cảm xúc nhất thời không còn thoả mãn được năng lực làm việc của nhân sự, hoặc các đòi hỏi cao hơn về quyền lợi bắt đầu xuất hiện khi nhận thức đội ngũ không được kiểm soát chặt chẽ bởi những nguyên tắc,…

Lời kết

Nhìn lại lịch sử loài người trong tựa sách của Yuval Noah Harari, chúng ta hoàn toàn tự tin rằng bản thân loài người là những cá thể giàu năng lực quản trị nhất hành tinh xanh. Nhưng năng lực quản trị của nhân loại đến từ cơ chế “lâu năm lên lão làng”, tiếp nhận phần lớn những giá trị xưa cũ của phong cách quản trị đậm chất truyền thống.

quản trị là gì

Tác giả Yuval Noah Harari đã đề cập đến quản trị là gì trong cuốn Sapiens nổi tiếng (ảnh: vselepoinprav).

Một số “tàn dư” của quản trị truyền thống vẫn đang tác động đến nền kinh tế hiện đại có thể kể đến bao gồm: ứng dụng công cụ đánh giá hiệu suất KPI trong môi trường làm việc, sự xuất hiện và đóng vai trò ngang hàng với Hội đồng quản trị của Ban kiểm soát, hay thành viên Hội đồng quản trị gồm toàn những cá nhân và tổ chức địa phương – thiếu những yếu tố hội nhập về mặt con người để sớm đưa mô hình kinh doanh ra phạm vi toàn cầu.

Đáng buồn hơn khi đây là những thực trạng thường gặp ở môi trường làm việc trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến quy mô nền kinh tế và bản thân từng doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp và nhà lãnh đạo trong nước cần sớm thay đổi nhận thức, có tư duy đúng đắn hơn nữa về khái niệm quản trị là gì. Thấu hiểu tầm quan trọng cũng như giá trị của một mô hình kinh doanh được quản trị hiệu quả, từ đó có trách nhiệm rõ ràng hơn nữa trong vai trò của một nhà quản trị đúng nghĩa.

Xin chân thành cảm ơn,

 

*Bài viết gốc: Vũ Digital