Bookaholic #24: Nghệ thuật tinh tế của việc đ*ch quan tâm

Bookaholic #24: Nghệ thuật tinh tế của việc đ*ch quan tâm

Chẳng phải sống trong một thế giới đầy ắp những cơ hội và sự lựa chọn sẽ giúp con người hạnh phúc hơn sao? Vậy mà sau tất cả, nhiều người vẫn rơi vào trạng thái âu lo và luôn cảm thấy không đủ đầy.

Theo tác giả Mark Manson, đó là bởi lòng tham của con người. Khi bị bủa vây bởi nhiều sự lựa chọn, trong hầu hết trường hợp, chúng ta có xu hướng cố gắng đảm đương tất cả mọi thứ để rồi dẫn đến tình trạng sức tàn lực kiệt. Mark Manson đã gợi ý một số giải pháp rất “đời” và minh chứng chúng qua những mẩu chuyện nhỏ thú vị trong cuốn “The Subtle Art of Not Giving A F*ck”. Cùng điểm qua một vài quan điểm nổi bật mà Mark Manson đề cập trong sách ở bài viết dưới đây.

Chọn đúng “nỗi khổ” để trải qua

“Bạn muốn gì trong cuộc sống này?”“Tôi muốn một cuộc sống hạnh phúc, một gia đình đầm ấm, một công việc yêu thích”. Đây là câu trả lời phổ biến và chung chung bởi hầu như ai cũng muốn tạo lập một cuộc sống sung túc như thế.

Song, Mark Manson tiếp tục đặt ra một câu hỏi thú vị khác mà có lẽ ít người nghĩ đến: “Bạn sẵn sàng chịu đựng và phấn đấu vì điều gì?”.

Bookaholic #24: Nghệ thuật tinh tế của việc đ*ch quan tâm

Tác giả Mark Manson.
Nguồn: Business Chicks

Ví dụ như ai cũng muốn được thăng chức và kiếm bộn tiền như những CEO nắm trong tay nhiều quyền lực. Nhưng thực tế lại không mấy ai sẵn sàng hy sinh làm việc đến 60 tiếng mỗi tuần; hay rèn luyện một tinh thần thép để đưa ra những quyết định kinh doanh quan trọng và sẵn sàng sa thải nhân viên.

Để đạt được một thành tựu nào đó thì thử thách, khó khăn là điều không thể tránh. Bởi vì không thể tránh nên nhiệm vụ của bạn là tìm ra “trận đấu” thật sự xứng đáng để bạn chiến đấu hết sức mình với những khó khăn, thử thách. Mark cũng đưa ra một nhận định khá thú vị rằng với “trận đấu” bạn thật sự yêu thích, bạn sẽ yêu luôn cả những thách thức kèm theo thay vì sợ hãi chúng.

Lấy ví dụ trường hợp của chính tác giả, ông xác định bản thân yêu thích việc viết về đề tài hẹn hò và quyết định đầu tư thời gian viết blog về chủ đề này. Khởi đầu không mấy suôn sẻ nhưng Mark đã chọn “trận đấu” này và kiên trì chiến đấu đến cùng. Dần dà, những nỗ lực của Mark Manson đều được đền đáp khi số lượng người theo dõi lên đến hàng triệu. Theo thời gian, sự ủng hộ của độc giả tạo động lực để ông biến sở thích viết blog thành một công việc toàn thời gian.

Theo Mark, mong cầu một cuộc sống dễ dàng là điều không thể bởi đời vốn là bể khổ. Cách “nhẹ nhàng” nhất để tiến về phía trước là lựa chọn những “nỗi khổ” thật sự xứng đáng mà bản thân sẵn sàng vật lộn cùng. Song song đó là bài học về cách nói “không” với những thứ không mang lại niềm vui cho chính mình.

Chọn chân giá trị phù hợp để theo đuổi

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những ví dụ điển hình cho trường hợp thành công vượt qua chông gai trong giới nghệ thuật. Có thể kể đến ca sĩ nhạc rock huyền thoại của Mỹ – Dave Mustaine. Vào năm 1983, Mustaine bị “trục xuất” khỏi ban nhạc rock đình đám – Metallica – ngay trên đỉnh cao danh vọng. Cảm thấy tức giận vì bị đối xử bất công, Mustaine quyết tâm xây dựng sự nghiệp của riêng mình nhằm chứng minh quyết định của các thành viên cũ là sai lầm.

Ông làm việc không ngừng nghỉ cải thiện kỹ năng trong suốt 2 năm trời và tìm kiếm những tài năng khác để thành lập ban nhạc mới có tên “Megadeth”. Kết quả là Megadeth nhanh chóng phất lên như diều gặp gió, và trở thành một trong những ban nhạc rock nổi tiếng nước Mỹ với doanh số 25 triệu bản thu trên toàn thế giới.

Dù vậy, Mustaine vẫn chưa hài lòng với những thành tựu đạt được. Đó là do ông mãi so sánh sự thành công của Megadeth với vinh quang của Metallica, khiến ông tự nhìn nhận bản thân là một kẻ thua cuộc.

Bookaholic #24: Nghệ thuật tinh tế của việc đ*ch quan tâm

Trong sách, Mark Manson chỉ ra một “căn bệnh” phổ biến của thời đại: Đo lường thành công của một người dựa trên thành tựu của người khác.
Nguồn: It’s more of a comment

Hành động của Mustaine phản ánh rõ nét một trong những “căn bệnh” phổ biến của thời đại: Đo lường thành công của một người dựa trên thành tựu của người khác. Như vậy, điều quan trọng là bạn nên đặt ra thang đo thành công thực tế hơn và lành mạnh hơn cho bản thân.

Mark Manson tiếp tục đưa ra một ví dụ khác về Pete Best để dẫn chứng cho việc xác định đúng giá trị sống giúp bạn trở nên hạnh phúc hơn. Cũng giống với Dave Mustaine, Pete Best buộc phải rời khỏi ban nhạc The Beatles lừng danh. Nhìn thấy các thành viên từng bước tiến đến vinh quang, hiển nhiên, Pete Best đã rơi vào khủng hoảng. Nhưng ông quyết định đổi mới cuộc đời bằng cách thay đổi các giá trị sống. Ông nhận ra rằng điều ông thực sự muốn là xây dựng một mái ấm và sống an yên ở dưới mái nhà của mình. Ông vẫn hoạt động âm nhạc nhưng không lấy danh tiếng trong mảng nghệ thuật để định nghĩa cuộc đời mình. Việc phản tư và nỗ lực thay đổi đã mang lại cho Peter Best một cuộc sống hạnh phúc về sau.

Bookaholic #24: Nghệ thuật tinh tế của việc đ*ch quan tâm

Khi bàn về hạnh phúc, giá trị sống quan trọng hơn thành công.
Nguồn: Unsplash

Chung quy, khi bàn về hạnh phúc, giá trị sống quan trọng hơn thành công. Vậy làm thế nào để xác định đúng giá trị?

Tác giả nhấn mạnh rằng những giá trị phù phiếm như chiếc xe sang, đồng hồ phiên bản giới hạn… chỉ mang lại sự thoả mãn nhất thời. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra việc theo đuổi các giá trị thực dụng ấy không giúp bạn hạnh phúc hơn. Thậm chí nó còn có thể mang lại hậu khó lường khi bạn mãi đuổi theo sự giàu sang mà bỏ qua các giá trị khác như gia đình, sự thành thật hay liêm chính…

Như vậy, những giá trị sống phù hợp nên đáp ứng 3 điều kiện sau:

  • Mang tính thực tế
  • Giúp ích cho cộng đồng, xã hội
  • Có thể làm ngay lập tức hay có thể kiểm soát

Ví dụ như sự trung thực là một giá trị lý tưởng mà bạn có thể theo đuổi bởi vì: (1) đây là giá trị mang tính thực tế; (2) bạn kiểm soát nó (bạn là người duy nhất có thể quyết định bản thân có nên thành thật hay không); (3) giúp ích người khác qua những chia sẻ, lời khuyên chân thành.

Tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình

Theo Mark Manson, đáng buồn thay khi nhiều người ngày nay đang sống như thể chịu sự áp đặt của ngoại cảnh. Giả dụ như khi rớt phỏng vấn, tỏ tình thất bại, hay nhỡ chuyến xe buýt… nhiều người mang tâm lý nạn nhân và đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Giống như câu chuyện cuộc đời của nhà tâm lý học và triết gia tiên phong người Mỹ – William James. Trước khi trở thành một vĩ nhân, ông đã trải qua một tuổi thơ bất hạnh.

William James sinh ra trong một gia đình khá giả ở Mỹ vào thế kỷ 19, và mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ước mơ từ thuở nhỏ của ông là trở thành một hoạ sĩ nhưng con đường làm hoạ sĩ khá gian truân khi ông không tạo được dấu ấn. Trước lời chê bai từ cha ruột, ông quyết định theo đuổi ngành y nhưng cũng mau chóng từ bỏ.

Bookaholic #24: Nghệ thuật tinh tế của việc đ*ch quan tâm

Câu chuyện của William James là một ví dụ điển hình về việc tự chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời của mình.
Nguồn: Wikipedia

Thiếu sự ủng hộ từ gia đình cộng thêm sức khoẻ tinh thần, thể chất kém đã khiến ông rơi vào trầm cảm nặng. Nhưng tình thế thay đổi khi ông đọc được một tác phẩm của triết gia Charles Peirce. Đại ý bài viết của Charles Peirce nói về việc mọi người nên chịu trách nhiệm 100% cho cuộc đời của chính mình – thông điệp khiến cho William James tỉnh ngộ.

William nhận ra rằng giấc mơ làm hoạ sĩ và học ngành y không thành vì ông đổ lỗi cho hoàn cảnh, biến mình thành nạn nhân. Do đó, ông cần phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời và hành động của mình. Với suy nghĩ này, ông bắt đầu lại từ đầu và từng bước gầy dựng sự nghiệp, cuộc sống của mình.

Thế nên, những lúc bạn cảm thấy bản thân giống như “nạn nhân”, hãy nhớ đến câu chuyện của William James và thử bắt đầu chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời của mình.

Tác giả đề ra một ví dụ thực tế và phổ biến là người yêu muốn chia tay. Trong trường hợp này, bạn sẽ dễ dàng đổ lỗi cho người ấy khi quá nhẫn tâm. Nhưng sẽ tốt hơn khi bạn xem xét cả trách nhiệm của bản thân trước sự đổ vỡ này. Có thể bạn không dành nhiều sự quan tâm cho người yêu, hay không ủng hộ ước mơ của người ấy… Việc phản tư và nhìn nhận phần trách nhiệm của mình sẽ giúp bạn tránh mắc phải chúng trong tương lai. Và khi bạn chấp nhận không phải lỗi hoàn toàn chỉ từ một phía, quá trình vượt qua nỗi buồn hậu chia tay cũng sẽ phần nào nhẹ nhàng hơn.

Chấp nhận thiếu sót và lỗi lầm của bản thân

Có phải bạn không “ưa” những người suốt ngày tỏ ra biết tuốt và luôn cho bản thân là đúng? Và bạn thầm mừng vì mình không cư xử như thế? Nhưng tiếc thay, đôi lúc bạn cũng hành động tương tự một cách vô thức.

Khi không ngừng chất vấn quyết định, hành động của mình, bạn sẽ khám phá ra những “sự thật mất lòng” về bản thân.

Mark Manson kể về câu chuyện của một người bạn sắp sửa kết hôn. Vị hôn phu của cô bạn nổi tiếng là một người vui vẻ, thân thiện. Nhưng anh trai của cô ấy lại không cảm thấy như vậy. Người anh không ngừng đánh giá vị hôn phu của em gái và thậm chí còn cho rằng người đàn ông này sẽ làm tổn thương em của mình. Dù người thân và bạn bè cố gắng thuyết phục đến đâu cũng không thể thay đổi thiên kiến của người anh.

Để tránh sa đà vào những thiên kiến mù quáng như người anh, bạn cần dũng cảm tự vấn bản thân liên tục để có thể phát hiện những cảm xúc, hành động sai lệch.  

Chấp nhận suy nghĩ, hành vi sai lệch là việc không dễ. Bởi Mark Manson cho rằng chúng ta thường dùng những niềm tin sai trái ấy để che đậy cho những nỗi bất an của bản thân. Vì vậy, việc tự vấn giúp bạn nhận thức được nỗi sợ rõ hơn, từ đó chấp nhận và đưa ra hướng giải quyết. 

Trở lại câu chuyện trên, có lẽ việc không hài lòng với vị hôn thê của em gái chỉ là cách để người anh trai che giấu những nỗi bất an. Chẳng hạn, anh ta ghen tị với em gái vì đã tìm được tình yêu đích thực của cuộc đời mình; hay anh ta hờn dỗi vì em gái không còn dành nhiều sự quan tâm cho anh ấy… Việc người anh mù quáng đưa ra những nhận định sai hòng giấu đi nỗi bất an sẽ dễ dàng hơn là anh ta chấp nhận nỗi bất an và giải quyết chúng.

Để tránh rơi vào cái bẫy tương tự, bạn hãy can đảm chất vấn bản thân và đối diện với nỗi bất an để có hành xử đúng đắn và lành mạnh hơn.

Bookaholic #24: Nghệ thuật tinh tế của việc đ*ch quan tâm

Nguồn: Dani Saveker

Kết

Nhìn chung, thông điệp chính mà tác giả Mark Manson muốn gửi gắm qua cuốn sách “Nghệ thuật tinh tế của việc đ*ch quan tâm” là: Chúng ta đang cố gắng gồng gánh quá nhiều thứ, hậu quả là bạn trở nên căng thẳng và luôn bất mãn với cuộc sống. Vì thế, mỗi người hãy học cách kiểm kê lại những mối bận tâm. Sau đó là chọn làm những điều mà bản thân thật sự quan tâm và buông bỏ những điều có khả năng gây hại đến các chân giá trị mà mình đang theo đuổi.

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcast cùng chuyên mục tại đây.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam