Du học Marketing #9: Linh Huỳnh @ Northeastern University – Học song ngành với nỗ lực “sinh tồn” nơi đất Mỹ

Du học Marketing #9: Linh Huỳnh @ Northeastern University – Học song ngành với nỗ lực “sinh tồn” nơi đất Mỹ

Đặt chân sang Mỹ từ năm 16 tuổi, Linh Huỳnh mang theo hoài bão chinh phục và phát triển bản thân nơi trời Tây. Những nỗ lực của cô thể hiện rõ nét qua quá trình học song ngành cả bậc cử nhân và thạc sĩ cho đến lúc lập nghiệp xứ cờ hoa.

Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng và cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.

* Đâu là thời khắc, lý do mang tính bước ngoặt cho quyết định du học của Linh?

Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống du học. Có thể nói, đi du học là một chủ đề quen thuộc của gia đình tôi kể từ lúc khái niệm này còn chưa phổ biến tại Việt Nam như ngày nay. Dần dà, việc đi du học “thẩm thấu” trong tư tưởng của các thế hệ con cháu trong nhà, bao gồm cả tôi. Thế nên khi được bố mẹ hỏi về mong muốn đi du học, tôi đồng ý ngay. 

Nhận được sự hỗ trợ hết mình từ gia đình, tôi không muốn đánh mất cơ hội này. Mặt khác, trước đó tôi đã từng tham gia các chương trình du học Hè và nhận thấy bản thân học hỏi được nhiều hơn thông qua những “va chạm” thực tế nơi xứ người. Chính vì vậy, tôi quyết định du học và chính thức sang Mỹ vào năm 16 tuổi.

* Khi nhìn vào profile của Linh sẽ thấy bạn học song ngành ở cả bậc cử nhân và thạc sĩ. Linh có thể chia sẻ lý do và động lực đi đến quyết định này?

Linh Huỳnh – du học sinh song ngành tại Boston University và Northeastern University.

Có hai lý do chính yếu dẫn đến quyết định học song ngành. Lý do lớn nhất là tôi muốn thử thách bản thân. Bản thân tôi luôn tò mò và mong muốn có nhiều cơ hội học hỏi càng nhiều nhóm kiến thức càng tốt. Nên chuyện quyết định học song ngành có thể xem là một quyết định luôn nhen nhóm trong suy nghĩ. 

Mặt khác, tôi hiểu rất rõ sự nỗ lực hỗ trợ cả về mặt tinh thần và tài chính của bố mẹ nên bản thân muốn cố gắng tận dụng tối đa cơ hội được học hỏi và phát triển tại Mỹ. Chính vì thế, tôi chọn học song ngành với hy vọng nạp được gấp đôi lượng kiến thức. Hơn nữa, để có thể nhận học bổng toàn phần cho hình thức học song ngành, các điều kiện mà nhà trường đề ra khắc nghiệt hơn, thách thức theo đó cũng nhiều hơn. Vì thế, khi thành công nhận được học bổng, tôi không chỉ chứng minh được năng lực bản thân mà còn có thể tiết kiệm tiền giúp ba mẹ và khiến cho họ tự hào.

Phát triển sự nghiệp tại Mỹ là mục tiêu lớn của tôi. Thế nên, tìm việc làm là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tôi theo học tại nước này. Điều này dẫn đến lý do thứ 2 cho quyết định học song ngành: Nâng cao tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp. Đúc kết này có được từ những câu chuyện của các tiền bối tại trường cũng như trong quá trình tôi tự tìm hiểu. Tôi quan sát và nhận thấy có vẻ những doanh nghiệp tại Mỹ có xu hướng ưu tiên tuyển chọn ứng viên có bằng song ngành hơn.

* Lý do Linh chọn 2 “cặp đôi” Advertising và Psychology tại Boston University (bằng cử nhân) và Data Visualization & Information Design và Experience Design tại Northeastern University (bằng thạc sĩ) là gì? Những môn học này bổ trợ với nhau thế nào?

Tôi sẽ nói trước về lựa chọn song ngành tại Boston University. Tại đây, tôi chọn học Advertising (quảng cáo) bởi những tính chất của ngành nghề phù hợp với tính cách và lối sống của bản thân. Xuất phát điểm là một học sinh chuyên Văn, tôi phải tự thừa nhận là bản thân cũng có phần “văn vở” (cười), yêu thích những tác phẩm sáng tạo làm bật được vẻ đẹp của sự vật, sự việc xung quanh. Những thông tin thu thập được trong quá trình tìm hiểu về ngành Advertising đã cho thấy được sự phù hợp với tính cách, sở thích của cá nhân mình.

Trong quá trình học ngành Advertising, tôi bắt đầu phát hiện ra nhiều sở thích khác của bản thân, đặc biệt là đam mê tìm hiểu và lý giải về hành vi, cảm xúc và tư duy của con người. Từ đó, tôi quyết định theo học ngành Psychology (Tâm lý học). Khi học Psychology, tôi được làm quen với những lý thuyết có liên quan trực tiếp đến chuyên môn. Đồng thời, tôi còn được trang bị các kỹ năng cần thiết để áp dụng kiến thức tâm lý trong nhiều ngành nghề khác nhau, cụ thể trong trường hợp của tôi là ngành Advertising.

Nguồn: Boston University

Đến khi học tiếp bằng thạc sĩ, lúc này, tôi đã có những nhận thức cụ thể hơn về mục tiêu nghề nghiệp của mình. Thông qua sự tư vấn của các anh chị đi trước và quá trình tự tìm hiểu, tôi chọn học song ngành Data Visualization & Information Design và Experience Design tại trường Northeastern University. 

Thoạt nghe tên ngành học, nhiều bạn sẽ cảm thấy chúng không liên quan tới các ngành mà tôi theo đuổi ở bậc đại học. Nhưng thực chất, giữa các chuyên ngành này lại có sự “liên quan không tưởng”.

Điểm giao nhau nằm ở khía cạnh “trực quan hoá” (visualization) và “thiết kế” (design). Nói riêng về trải nghiệm của tôi với ngành Data Visualization & Information Design và Experience Design tại trường học, công ty ở Mỹ, nhiệm vụ chính của tôi là tiếp nhận dữ liệu đã qua xử lý và sử dụng phương pháp Data Storytelling để truyền tải chúng một cách trực quan, sống động, dễ hiểu nhất. Và để làm Data Storytelling tốt, đòi hỏi người làm nghề có khiếu thẩm mỹ, khả năng tạo ra những ý tưởng hay ho, thấu hiểu tâm lý đối tượng sở hữu dữ liệu và những người đọc dữ liệu… Những kỹ năng về phân tích, về phát triển ý tưởng sáng tạo cùng các lý thuyết tâm lý, hành vi ở 2 chuyên ngành Advertising và Psychology đều được áp dụng trong quá trình học bậc Thạc sĩ và trong công việc hiện tại.

Những kiến thức học được ở 2 chuyên ngành Advertising và Psychology đều được Linh Huỳnh áp dụng trong quá trình học bậc Thạc sĩ và trong công việc hiện tại.

* Linh có thể chia sẻ cụ thể hơn vì sao lại chọn học tại trường Northeastern University?

Có ba lý do chính yếu khiến Northeastern University nằm trong top đầu các trường mà tôi muốn theo học bậc thạc sĩ. 

Điều khiến tôi thích thú hơn cả là số lượng sinh viên trong ngành Data Visualization & Information Design tại trường Northeastern University chỉ vào khoảng 20-30 người. Nhờ vậy, phần lớn sinh viên trong khoa của tôi đều quen biết nhau, và dễ dàng tìm kiếm sự hỗ trợ của nhau. Mặt khác, các giáo sư cũng dễ quan sát, theo dõi hiệu quả học tập của sinh viên hơn; ngược lại, sinh viên có thể nhận được sự hỗ trợ từ giáo sư sát sao, nhanh chóng hơn.

Ngoài ra tôi cũng muốn đề cập đến sự thú vị lúc học ngành Experience Design. Đây là môn học mà sinh viên được trải nghiệm lên ý tưởng, tạo các sản phẩm thực tế, và đưa vào thực tiễn để dùng thử. Cảm giác thích nhất là khi sản phẩm do chính mình làm ra được nhiều người hưởng ứng bởi sự hữu ích. Tôi lấy ví dụ về một “phát minh” nhỏ của bản thân là dụng cụ gác nắp nồi. 

Thông thường, ý tưởng thiết kế một sản phẩm sẽ xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng. Còn ý tưởng của dụng cụ gác nắp nồi xuất phát từ chính trải nghiệm của bản thân. Tôi nhận thấy sự phiền phức khi nước vung vãi trên bề mặt bàn, kệ bếp do đặt nắp nồi lên. Vì thế, món đồ gác nắp nồi này được xem như “vị cứu tinh”, giúp tôi tiết kiệm thời gian dọn dẹp bếp sau khi nấu ăn. Bạn bè của tôi cũng dùng thử và ngạc nhiên khi sản phẩm giải quyết một vấn đề mà họ không nhận ra trước đó. Đấy chính là điểm thú vị của Experience Designer – tìm ra và giải quyết những vấn đề mà người tiêu dùng chưa nghĩ đến.

Một lý do khá thực tế khác là trường Northeastern University nổi tiếng với các chương trình thực tập hưởng lương Co-op. Chương trình là sự kết hợp giữa kiến thức học thuật và thực tập thực tế. Điều này giúp sinh viên hiểu sâu sắc hơn kiến thức lý thuyết và tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế ngay trong thời gian đi học. Đặc biệt, thông qua sự tư vấn của nhà trường và trải nghiệm của cựu sinh viên, những bạn hoàn thành chương trình Co-op có xu hướng được các nhà tuyển dụng đánh giá cao và có khả năng được đề nghị một lộ trình thăng tiến rõ ràng hơn.

Northeastern University.
Nguồn: People.com

* Trong thời gian đầu học tập và làm việc tại Mỹ, Linh có vấp phải cú sốc nào không và Linh đã vượt qua nó thế nào?

Thực tế thì tôi khá may mắn bởi gia đình cũng có nhiều cô chú, anh chị đã đi du học từ trước, bản thân cũng có cơ hội tham gia những chương trình trao đổi ngắn hạn nên sốc văn hoá không phải là một nỗi lo luôn hiện hữu bởi đã có sự chuẩn bị tinh thần từ trước. 

Mặt khác, điều khiến tôi áp lực là nỗi sợ không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Đó là cảm giác áp lực khi bạn bè xung quanh đều có việc làm trong lúc bản thân vẫn còn loay hoay chỉnh sửa và “rải” resume khắp nơi. Tuy nhiên, tôi nhận ra nếu cứ “tập trung” vào việc lo lắng, sợ hãi thì sẽ càng kéo bản thân đến gần với viễn cảnh không mong muốn đó. Dù khó khăn, nhưng tôi đã cố gắng biến áp lực thành động lực, nỗ lực cải thiện bản thân qua từng lần ứng tuyển để có thể tìm được một công việc xứng đáng với nỗ lực mình bỏ ra.

Nếu cứ “tập trung” vào nỗi lo lắng, sợ hãi thì bạn sẽ càng kéo bản thân đến gần với những viễn cảnh không mong muốn.

* Hành trình cạnh tranh trong thị trường việc làm vẫn luôn khắc nghiệt. Chúc mừng Linh vì hiện tại đã tìm được một nơi để cống hiến và học hỏi sau khi hoàn thành việc học. Vậy trong quá trình học, Linh có gặp phải tình huống tréo ngoe nào khác không? 

Một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất xảy ra trong khoảng thời gian đầu học tập tại Mỹ là làm việc nhóm với những người bạn bản xứ. Lúc đó nhóm của tôi có một số cá nhân mất tập trung vào việc học, không hoàn thành các phần việc theo đúng tiến độ. Cách giải quyết của tôi lúc bấy giờ là tự làm. Thoạt nghe thì có vẻ đây là một cách làm gây bất lợi cho bản thân. Nhưng trong trường hợp của tôi, việc tự làm lại hiệu quả và mang đến cho tôi nhiều lợi ích nhất định. Đó là do tôi không làm việc trong im lặng mà liên tục cập nhật tiến độ dự án trên nhóm chat chung. Hành động này là một lời “nhắc nhở” đến những cá nhân không hợp tác đó. Theo thời gian, tôi nghĩ dù có “bướng” thế nào cũng khó có thể làm ngơ trước một loạt tin nhắn cập nhật nên cả nhóm đã dành thời gian nói chuyện làm rõ cùng nhau. Từ đó, chúng tôi có thể nhận ra vấn đề và cùng nhau sửa chữa. 

Tinh thần làm việc sẵn sàng chia sẻ đã giúp tôi nhận được sự tôn trọng và tin cậy từ các thành viên, kể cả những người thiếu hợp tác ban đầu. Chính từ sự tin cậy và tôn trọng đó đã giúp tôi được đề bạt làm trưởng nhóm (cười). 

“Tinh thần sẵn sàng chia sẻ đã giúp tôi nhận được sự tôn trọng và tin cậy từ các thành viên trong quá trình làm việc nhóm”.

* Linh có một vài tips nào muốn chia sẻ cùng các bạn du học sinh đang trong quá trình chuẩn bị và ứng tuyển việc làm tại công ty ở Mỹ?

Nói riêng về ngành UX mà tôi đang làm việc, từ kinh nghiệm của bản thân thì tôi nghĩ một portfolio ấn tượng là yếu tố tối quan trọng trong hồ sơ ứng tuyển. Dựa vào đó, nhà tuyển dụng có thể đánh giá sự hiểu biết của bạn về quy trình UX và cách bạn tiếp cận giải quyết vấn đề. Chính vì thế, khâu lên ý tưởng và trình bày portfolio là giai đoạn “hao tâm tổn sức” nhất của tôi. 

Bên cạnh đó là điều chỉnh, cập nhật resume thường xuyên để khi cơ hội đến thì hồ sơ của bạn luôn trong trạng thái sẵn sàng để gửi đi. 

Tìm một hình mẫu cho bản thân hay kết nối với người cùng mục tiêu sẽ giúp bạn kiên định với con đường đã chọn và tránh sa vào cám dỗ nơi trời Tây phồn hoa.

Với kinh nghiệm “rải” resume của mình, tôi nghĩ nếu các bạn gặp trường hợp ứng tuyển 10 công việc nhưng không nghe phản hồi từ đơn vị nào thì có thể ngầm hiểu là resume hiện tại của bạn chưa “đủ mạnh”. Theo đó, bạn cần soi chiếu lại và tìm cách khiến hồ sơ của mình “bắt mắt” hơn. Một công cụ mà tôi đã sử dụng để nâng cấp resume là website Resume Coach – nền tảng cung cấp dịch vụ review và hỗ trợ chỉnh sửa resume miễn phí. Ngoài ra, các bạn du học sinh cũng có thể liên hệ trực tiếp thầy cô hướng nghiệp tại trường để tư vấn thêm nếu có nhu cầu.

* Sau cùng, Linh có những lời khuyên nào dành cho các bạn du học sinh đang và sẽ “xuất cảnh” trong tương lai và có định hướng ở lại nước sở tại để sinh sống và làm việc?

Nhìn lại hành trình của bản thân, tôi tạm đúc kết được 2 lời khuyên cho chính bản thân mình và hy vọng 2 điều này cũng sẽ có ích cho những bạn có cùng định hướng.

Thứ nhất là bạn không nên về Việt Nam vào mùa hè. Điều này nghe có vẻ lạ và cũng khá phũ phàng với những người sống xa quê hương. Nhưng thực tế, thị trường lao động tại nước ngoài là một “trận chiến” khá khốc liệt với du học sinh. Nếu bạn thực sự muốn xây dựng sự nghiệp tại Mỹ thì nên cố gắng nén lại nỗi nhớ nhà và tận dụng thời gian để đi thực tập, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp Mỹ. Những kinh nghiệm đó sẽ là một điểm sáng trong mắt nhà tuyển dụng.

Thứ hai khi đi du học, bạn nên tìm được một hình mẫu cho bản thân, hay kết nối với những người có cùng mục tiêu, giá trị. Việc làm này sẽ giúp bạn kiên định với con đường đã lựa chọn và tránh sa vào những cám dỗ nơi trời Tây phồn hoa.

* Cảm ơn những chia sẻ thiết thực và thú vị của Linh.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam